Wednesday, 7 May 2014

ĐỊA DƯ CHÍNH TRỊ & CHỦ NGHĨA DÂN TỘC (Hùng Tâm)




Hùng Tâm
Wednesday, May 07, 2014 5:49:52 PM

Vì sao Hoa Kỳ chậm có phản ứng trước chủ nghĩa dân tộc của xứ khác?

Cách nay đúng trăm năm, Thế Chiến I khởi sự vào Tháng Bảy năm 1914 từ một biến cố nhỏ là vụ ám sát Ðại Công tước Franz Ferdinand của Ðế quốc Áo tại thủ đô Sarajevo của Bosnia và chấm dứt ngày 11 tháng 11 năm 1918 với vụ thất trận của nước Ðức. Thời đó, vì chưa biết tới Thế Chiến II, từ 1939 đến 1945, người ta cứ gọi Thế Chiến II là đại chiến. Trận đại chiến đó bùng nổ từ vụ ám sát nhưng không vì vụ ám sát mà vì một nguyên nhân sâu xa hơn. Nguyên nhân đó tái xuất hiện và phần nào dẫn tới Thế Chiến II.

Ngày nay, vụ Ukraine đang gợi nhớ đến một nguyên nhân của hai trận Thế Chiến I và II nên “Hồ Sơ Người Việt” xin được nhắc lại, dù là rất khái quát... Nguyên nhân đó chính là chủ nghĩa quốc gia trong một khu vực địa dư thiếu an toàn và đầy bất ổn cho nhiều dân tộc. Từ một quốc gia được bảo vệ khá an toàn từ cả bốn hướng, Hoa Kỳ nghĩ sao?

Chủ Nghĩa Quốc Gia Ðức
Có những nguyên nhân gần với tôn giáo, cuộc Cách Mạng Pháp năm 1789 là biến cố cho thấy một trào lưu mới của nhân loại xuất phát từ Âu Châu, là tinh thần dân chủ. Cuộc cách mạng có nội dung cố xúy dân quyền khiến các vương quốc Âu Châu lo sợ. Họ liên kết với nhau để ngăn ngừa trào lưu mới từ Pháp và chiến tranh lan rộng đã dẫn tới sự hình thành Ðế chế Pháp.
Dân Pháp đã nổi dậy lật đổ một vương quyền rồi lại dựng lên một hoàng đế là Napoléon, người đem quân chinh phục các nước và dẫn tới nhiều cuộc chiến lan rộng tại Âu Châu được lịch sử gọi là “Chiến tranh của Napoleon,” (Napoleonic Wars). Qua ngần ấy cuộc chiến giữa với nhau, lãnh đạo các nước không giương lên lý tưởng dân quyền hay dân chủ mà huy động lòng ái quốc dưới lá cờ quốc gia dân tộc.
Loại biến cố kéo dài như vậy tất nhiên ảnh hưởng đến tâm lý mọi người tại một khu vực địa dư thật ra khá trống trải và khó phòng vệ. Cũng từ chuyển động lịch sử ấy mà về sau Lenin dựng ra lý luận về đế quốc, nhằm gây phân hóa và cản trở các nước Âu Châu khỏi can thiệp vào nước Nga, như Pháp đã làm.
Sau gần một thế kỷ nhiễu nhương và chinh chiến tại Âu Châu, nước Ðức lần đầu tiên được thống nhất là vào năm 1871. Khi đó, các cường quốc Âu Châu kia, như Anh, Pháp, Hòa Lan hay Bỉ đều đã bành trướng ra ngoài và có nhiều thuộc địa làm hậu cứ kinh tế. Nước Ðức thì không và còn gặp một nhược điểm thứ hai là có lãnh thổ trên bình nguyên Bắc Âu Châu rất khó bảo vệ.
Ðịa dư chi phối chính trị, và là nền móng của khái niệm “geopolitics” mà ta có thể gọi là “địa chính,” hay “đại thế chính trị.”
Hình thành năm 1871 từ các công quốc hay tiểu vương quốc, nước Ðức của dân Phổ có hai mối lo từ hai hướng Ðông và Tây, là Nga và Pháp. Cả hai cường quốc này đều thừa khả năng can thiệp và tấn công, nếu lại có phối hợp với nhau thì Ðức sẽ bại. Vì vậy, phản ứng phòng thủ tích cực của Ðức là phải ra tay trước: tấn công Pháp. Nước Ðức thắng Hoàng Ðế Napoleon III trong cuộc chiến gọi là Pháp-Phổ năm 1870 mà vẫn không yên tâm vì chưa đẩy lui mối họa Nga-Pháp.
Lý luận về “một không gian sinh tồn” xuất phát từ nỗi bất an này. Không gian đó rộng hay hẹp là tùy vào khả năng bành trướng với lý do “tự vệ.” Chủ nghĩa quốc gia và tinh thần dân tộc được vận dụng để mở rộng và củng cố những “vùng trái độn,” là nơi cần bình định để khỏi là bàn đạp tấn công của xứ khác.
Trong Thế Chiến I, Ðức đẩy lui được mối lo từ Nga khi chế độ Sa hoàng sụp đổ vào cuối năm 1917. Chính là Ðức góp phần vào “Cách Mạng Nga” khi đưa Lenin về từ đầu năm, và đế quốc Nga có loạn, chế độ Xô Viết rút khỏi cuộc chiến mới giúp cho Ðức dồn quân từ miền Ðông về miền Tây, để có thể thắng liên minh Anh-Pháp.
Ðấy cũng là lúc mà Nga nhường lại Ukraine cho Ðức để cầu hòa.
Nhưng Ðức gặp khắc tinh khi đụng vào Hoa Kỳ. Thế Chiến I bùng nổ từ tháng 7 năm 1914, mãi đến tháng 4 năm 1917 Hoa Kỳ mới can dự và tuyên chiến với Ðức vì tầu ngầm Ðức có thể phong tỏa vùng biển Ðại Tây dương và cản trở việc chuyển vận hàng hải của Hoa Kỳ.
Người ta rất nên để ý tới chi tiết này.

Sự linh động của Chủ Nghĩa Quốc Gia
Sau khi Ðức bị phe đồng minh đánh bại và xử ép với Thỏa ước Versailles chấm dứt Thế Chiến I, Hitler lại khơi dậy chủ nghĩa dân tộc để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Ðấy là sự ra đời của Ðệ tam Ðế quốc Ðức, với chế độ Ðức quốc xã - vừa quốc gia vừa xã hội. Thế Chiến II xảy ra cũng từ nguyên nhân đó.
Lần này, Ðức giải tỏa tình trạng bị đòn xóc hai đầu Tây-Ðông bằng cách thỏa hiệp với Liên Xô ở hướng Ðông để tập trung tấn công nước Pháp tái hướng Tây. Khi ấy, từ 1939 đến 1941, Hoa Kỳ thật ra vẫn đứng ngoài, chỉ viện trợ cho hai đồng minh là Anh và Nga Xô theo lối “của đi thay người.” Và y như trong Thế Chiến I, Hoa Kỳ không giương lá cờ quốc gia dân tộc Mỹ, mà phát huy tinh thần dân chủ.
Chi tiết thứ hai đáng chú ý là Pháp bị Ðức chiếm phân nửa và trung lập hóa phân nửa còn lại ở phía Nam. Nhưng trước đà bành trướng của chủ nghĩa quốc xã Ðức, đảng Cộng sản Pháp lại đứng ngoài, không cùng dân Pháp tham gia kháng chiến chống Ðức. Lý do là hòa ước giữa Ðức và Liên Xô. Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của đảng Cộng sản Pháp là Liên Xô chưa bị tấn công thì đảng Cộng sản Pháp chưa can dự. Cho đến năm 1941, khi Hitler xoay ra tấn công Liên Xô thì đảng này bỗng trở thành ái quốc, sau ba năm có lập trường phản quốc trong thực tế. Lãnh tụ của đảng bị truy tố đã lưu vong trốn chạy ở Liên Xô!
Còn đáng chú ý hơn vậy là sau khi nhập cuộc, Hoa Kỳ chỉ đưa quân vào Bắc Phi và Ðịa Trung hải, tức là chặn Ðức ở vùng biên vực để bảo toàn lực lượng của mình. Khi Ðức đã suy yếu thì từ tháng 6 năm 1944, Mỹ mới trực diện tấn công Ðức tại miền Bắc Âu Châu. Với Hoa Kỳ, chiến tranh kết thúc trong vòng có một năm, khi các nước lâm chiến đều đã kiệt quệ từ 1939.
Những chi tiết được nhắc nhở là trong giai đoạn 1914 tới 1944 và mãi về sau, các nước tham chiến đều nhân danh chủ nghĩa dân tộc để linh động bảo vệ quyền lợi quốc gia. Nhưng có hai ngoại lệ.
Ngoại lệ nhỏ là đảng Cộng sản Pháp, với tinh thần quốc tế cộng sản lấn lướt tinh thần quốc gia. Ngoại lệ ấy khiến ta phải nhớ đến đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay, và sự mơ ngủ của nhiều thế hệ cứ tưởng đảng Cộng sản yêu nước, dám hy sinh cho độc lập dân tộc. Ngoài vai trò cán bộ Ðệ tam Quốc tế của Hồ Chí Minh, sự mơ hồ của người cộng sản về chủ nghĩa quốc gia dân tộc và nghĩa vụ quốc tế hay ý thức hệ xã hội chủ nghĩa là điều vô cùng tai hại!
Chẳng vậy mà khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, lãnh đạo Cộng sản tại Hà Nội mới lật đật nương tựa vào Trung Quốc, với món nợ ngày nay dân ta phải trả.

Ngoại lệ lớn trong vụ này là Hoa Kỳ.
Nước Mỹ có đặc tính hợp chủng quốc. Lãnh đạo đề cao tinh thần hợp chủng trong một chế độ dân chủ, chứ không nói đến chủ nghĩa dân tộc của riêng một sắc dân nào như Anh, Pháp, Ðức, Nga, Nhật, Tầu, v.v... Nhưng trong mọi biến động của thế giới, Hoa Kỳ ưu tiên bảo vệ quyền lợi quốc gia. Vì vậy, cũng tham dự nhưng đổ quân rất trễ vào các cuộc chiến xuất phát từ Âu Châu hay Á Châu, từ Ðại Tây Dương hay Thái Bình Dương. Khi tham gia trong tinh thần phát huy dân chủ thì Hoa Kỳ hợp tác với mọi chế độ, dù là có dân chủ hay không.
Lý tưởng dân chủ của Hoa Kỳ là một chuyện, quyền lợi an ninh và kinh tế của Mỹ là chuyện khác.

Ðịa dư chính trị và dân chủ
Trong vụ Ukraine vừa qua, người ta thấy lại rất nhiều lý luận đã xuất hiện từ trước.
Liên Bang Xô Viết nói tới cách mạng vô sản và còn xuất cảng cuộc cách mạng đó nhưng chủ yếu là để huy động xứ khác bảo vệ quyền lợi của mình. Chứ khi hữu sự thì cũng sử dụng bạo lực với các nước đồng chí. Mâu thuẫn Nga-Hoa là một thí dụ.
Trong việc Liên Xô huy động xứ khác, ta thấy ra những tính toán về địa dư hình thể đã có sẵn trong tâm tư của lãnh đạo Nga từ thời Ðế quốc: phải tích cực bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ. Ðã từng bị tấn công nhiều lần trong lịch sử, từ cả hướng Ðông lẫn hướng Tây, từ Trung Á tới Bắc Âu và Tây Âu, Nga phải xây dựng nhiều phòng tuyến tự vệ, là các vùng trái độn quân sự.
Vòng trong cùng, thấy rõ nhất vào thời Chiến Tranh Lạnh từ 1949 đến 1989, là phải sáp nhập ba nước vùng biển Baltic, xứ Belarus, Ukraine và Georgia. Ðấy là các nước Cộng hòa thuộc về Liên Bang Xô Viết. Vòng thứ hai là liên minh quân sự của các đồng chí mà thật sự là chư hầu bị chiếm đóng. Ðó là Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Romania và Bulgaria. Những vụ nổi dậy tại Hung năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968 đều bị dẹp tan không vì chuyện dân chủ hay dân tộc mà bị lý do an ninh của chế độ Xô Viết.
Ở ngoài cùng là phải khống chế được trung tâm của nước Ðức: Ðông Ðức là tiền đồn bảo vệ Liên Xô. Sau đó là hàng loạt quốc gia trung lập hoặc thân Nga: Phần Lan và Thụy Ðiển tại Bắc Âu, rồi Thụy Sĩ và Áo, là Liên bang Nam Tư trong vùng Balkan, gồm có Slovenia, Croatia, Serbia, Bosnia Herzegovina, Montenegro và Macedonia.
Trong thời Chiến Tranh Lạnh, việc Liên Xô uy hiếp các nước Tây Âu cũng nằm trong chiều hướng hóa giải mọi khả năng chống cự hay tấn công của Tây phương.
Khi ấy, chúng ta nhớ lại một chuyện xảy ra 30 năm trước. Khi Hoa Kỳ thời Ronald Reagan thiết trí hỏa tiễn tầm trung trên phòng tuyến bảo vệ Tây Âu, nhiều người Ðức đã biểu tình phản đối, với khẩu hiệu “Thà đỏ hơn chết!” Chỉ năm năm sau thôi, nước Ðức đã được giải phóng và thống nhất, vào năm 1989.
Biến cố 1989 là cơn địa chấn cho Liên Xô: tất cả những vùng đất từng được chinh phục để làm vùng trái độn bảo vệ nước Nga đều bị bung. Nhiều nước trở thành quốc gia dân chủ, hội viên của Âu Châu hoặc thành viên của Minh ước NATO, với võ khí của NATO chỉ cách St. Peterburg có 150 cây số.
Từ Thế Chiến I, hoặc còn xa hơn, từ thế kỷ 17, chưa khi nào nước Nga lại thấy biên vực trống trải như vậy. Nếu Ukraine và Belarus lại gia nhập NATO thì võ khí của Tây phương chỉ cách thủ đô Moscow có 400 cây số.
Ðịa dư hình thể đó mới khiến Vladimir Putin lại vận dụng chủ nghĩa dân tộc của người Nga, để bảo vệ quyền lợi quốc gia, hoặc an ninh của tổ quốc. Nếu các nước Tây phương có thề bồi rằng không xứ nào có âm mưu tấn công Liên Bang Nga thì Putin cũng không tin.
Với Putin, dù các nước chỉ phát huy dân chủ thì cũng đã đe dọa chế độ của mình. Huống hồ là xứ nào cũng muốn là nền dân chủ đó của Tây phương được bảo vệ bằng sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ.
Khi đó, ta nhớ đến Hoa Kỳ, một nước không phất cờ dân tộc mà chỉ nói về dân chủ, và nếu can thiệp vào xứ khác thì cũng rất chậm, khi các nước lâm trận đều đã tiêu hao lực lượng.

Kết luận ở đây là gì?
Hoa Kỳ sẽ rất chậm phản ứng về Ukraine. Và tại Ðông Á cũng vậy.
Người Việt Nam phải tự lo lấy thân trước chủ nghĩa Ðại Hán của Trung Quốc hiện nay.



No comments:

Post a Comment

View My Stats