Walter
Russell Mead
Trần
Ngọc Cư dịch
Tháng 5 11, 2014
Cho đến thời điểm này, năm 2014 đã là một năm nhiều
biến động, khi các cuộc tranh giành địa chính trị ồ ạt chiếm lại sân khấu trung
tâm. Dù đó là các lực lượng vũ trang Nga đang chiếm giữ Krym, hay Trung Quốc
đang đưa ra các yêu sách chủ quyền quyết đoán tại các vùng biển ven bờ, hay
Nhật Bản đang đáp trả bằng một chiến lược ngày càng quyết đoán của chính mình,
hay đó là Iran đang ra sức sử dụng các liên minh với Syria và Hezbollah để
khống chế Trung Đông, thì các cách vận dụng quyền lực kiểu cũ cũng đang trở lại
trong các quan hệ quốc tế.
Hoa Kỳ và Liên Âu, ít ra, cũng nhận thấy các xu thế
này là đáng lo ngại. Cả hai đều muốn vượt qua những vấn đề địa chính trị gắn
liền với lãnh thổ và sức mạnh quân sự và thay vào đó tập trung vào các vấn đề
thuộc về trật tự thế giới và quản trị toàn cầu: tự do hóa mậu dịch, cấm phổ
biến vũ khí hạt nhân, nhân quyền, chế độ pháp trị, thay đổi khí hậu, vân vân.
Thật vậy, kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, mục tiêu quan trọng nhất của
chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và Tây Âu là chuyển các quan hệ quốc tế từ các vấn
đề có bên thắng bên thua [zero-sum issues] sang các vấn đề hai bên đều có lợi
[win-win issues]. Bị lôi cuốn vào trong những cuộc đọ sức theo trường phái cũ
như cuộc tranh chấp tại Ukraine không những lấy mất thì giờ và năng lực từ
những vấn đề quan trọng nói trên; nó còn thay đổi bản chất của chính trị quốc
tế. Khi môi trường quốc tế trở nên đen tối, công cuộc phát triển và duy trì
trật tự thế giới ngày càng gặp nhiều đe dọa hơn.
Nhưng lẽ ra người phương Tây đừng bao giờ kỳ vọng
rằng địa chính trị kiểu cũ cuối cùng sẽ biến mất. Sở dĩ họ tưởng như vậy chỉ vì
trên cơ bản họ đã hiểu sai ý nghĩa về sự sụp đổ của Liên Xô: đây chỉ là một
cuộc chiến thắng ý thức hệ của thể chế dân chủ tư bản tự do đối với chủ nghĩa
cộng sản, chứ không phải là sự lỗi thời của quyền lực cứng [hard power]. Trung
Quốc, Iran, và Nga không bao giờ chấp nhận sự dàn xếp địa chính trị tiếp theo
sau Chiến tranh Lạnh, và những nước này đang toan tính các nỗ lực ngày càng táo
bạo hơn để đảo ngược tình hình. Tiến trình này sẽ không theo đường lối hòa
bình, và dù các cường quốc xét lại này có thành công hay không, thì những nỗ
lực của chúng cũng đã làm lung lay quân bình lực lượng và thay đổi các tương
tác chính trị quốc tế.
MỘT
Ý THỨC SAI LẦM VỀ AN NINH
Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, nhiều người Mỹ và
người châu Âu dường như đã nghĩ rằng những vấn đề địa chính trị phiền phức nhất
phần lớn đã được giải quyết xong. Ngoại trừ một số vấn đề tương đối nhỏ, như
những rắc rối tại Nam Tư cũ và cuộc tranh chấp giữa Israel và Palestine, họ
đinh ninh rằng những vấn đề lớn nhất trong chính trị thế giới sẽ không còn liên
quan đến các biên giới quốc gia, các căn cứ quân sự, vấn đề dân tộc tự quyết,
hay các vùng ảnh hưởng.
Không ai có thể trách cứ con người vì nuôi hi vọng.
Đường lối tiếp cận của phương Tây đối với tình hình thực tế của thế giới
hậu-Chiến tranh Lạnh đã mang nhiền ý nghĩa, và thật khó tưởng tượng ra hòa bình
thế giới có thể trở thành hiện thực mà không cần thay thế sự tranh giành địa
chính trị [geopolitical competition] bằng việc xây dựng một trật tự thế giới tự
do. Tuy nhiên, người phương Tây thường quên rằng dự án này đặt cơ sở trên các
nền móng địa chính trị đặc thù vừa được xây dựng vào những năm đầu của thập
niên 1990 mà thôi.
Tại châu Âu, cuộc dàn xếp hậu-Chiến tranh Lạnh đưa
đến việc thống nhất nước Đức, chia năm xẻ bảy Liên Xô, và kết nạp các quốc gia
thuộc khối Warzsawa cũ và các nước cộng hòa Baltic vào NATO và Liên Âu. Tại
Trung Đông, nó dẫn đến sự thắng thế của các nước Hồi giáo Sunni đồng minh với
Hoa Kỳ (Ả-rập Saudi, các đồng minh Vùng Vịnh, Ai Cập, và Thổ Nhĩ Kỳ), và một
chính sách bao vây ngăn chặn kép [double containment] nhắm vào hai nước Iran và
Iraq. Tại châu Á, nó đồng nghĩa với ưu thế không bị ai thách thức của Hoa Kỳ,
được củng cố bằng một loạt quan hệ an ninh với Nhật Bản, Nam Hàn, Australia,
Indonesia, và các đồng minh khác.
Sự dàn xếp này phản ánh thực tế quyền lực lúc bấy
giờ, và nó chỉ được vững vàng như các mối quan hệ đang chống đỡ nó mà thôi.
Đáng tiếc là, nhiều nhà quan sát đã đồng hóa tình hình địa chính trị tạm thời
của thế giới sau Chiến tranh Lạnh với kết quả được coi như là chung cục của
cuộc đấu tranh ý thức hệ giữa thể chế dân chủ tự do và chế độ cộng sản Xô-viết.
Tuyên bố nổi tiếng của nhà nghiên cứu chính trị Francis Fukuyama, rằng kết thúc
Chiến tranh Lạnh có nghĩa là “cáo chung của lịch sử”, chỉ là một phát biểu về ý
thức hệ. Nhưng đối với nhiều người, sự sụp đổ của Liên Xô không những có nghĩa
là cuộc đấu tranh ý thức hệ của nhân loại đã chấm dứt vĩnh viễn; họ còn nghĩ
rằng bản thân địa chính trị cũng đến hồi chấm dứt vĩnh viễn.
Thoạt nhìn, kết luận này có vẻ là một suy diễn từ lý
luận của Fukuyama chứ không phải là một sự bóp méo. Dẫu sao, ý kiến về sự cáo
chung của lịch sử đã dựa vào những hậu quả mang tính địa chính trị của những
cuộc đấu tranh ý thức hệ kể từ khi triết gia Đức Georg Wilhelm Friedrich Hegel
lần đầu tiên phát biểu nó vào đầu thế kỷ 19. Đối với Hegel, chính trận Jena,
năm 1806, đã hạ màn cuộc chiến giữa các tư tưởng. Theo quan điểm của Hegel,
việc Napoleon Bonaparte tiêu diệt toàn bộ quân Phổ trong chiến dịch ngắn ngủi
nói trên là chiến thắng của Cách mạng Pháp đối với đội quân tinh nhuệ nhất mà
châu Âu tiền-Cách mạng có thể tạo ra. Điều này đã đưa đến một cáo chung cho
lịch sử, Hegel lý luận, bởi vì trong tương lai, chỉ có những quốc gia chấp nhận
những nguyên tắc và kỹ thuật của nước Pháp cách mạng mới có thể cạnh tranh và
tồn tại.
Áp dụng vào thế giới hậu-Chiến tranh Lạnh, lý luận
của Hegel được suy diễn là, trong tương lai, các quốc gia sẽ phải chấp nhận
những nguyên tắc của chủ nghĩa tư bản tự do mới theo kịp thời đại. Những xã hội
cộng sản khép kín như Liên Xô đã tỏ ra thiếu sáng tạo và kém năng suất, không
thể cạnh tranh về kinh tế và quân sự với các quốc gia tự do. Chế độ chính trị
của chúng cũng rất khập khễnh, vì không một hình thức xã hội nào khác ngoài thể
chế dân chủ tự do mới có thể cung ứng đủ tự do và nhân phẩm cho một xã hội
đương thời giữ được ổn định.
Để chống lại phương Tây hữu hiệu, các nước sẽ phải
bắt chước phương Tây, và nếu việc này diễn ra, chúng sẽ trở thành một dạng thức
xã hội mờ nhạt, chủ hòa, nhu nhược không còn muốn chiến đấu vì bất cứ lý do gì.
Mối nguy duy nhất còn sót lại đối với hòa bình thế giới sẽ phát xuất từ các
quốc gia côn đồ như Bắc Triều Tiên, và dù những nước này có đủ ý chí để thách
thức phương Tây đi nữa, chúng cũng sẽ bị cơ cấu xã hội và chính trị lỗi thời
của mình làm cho trở nên què quặt, không thể vượt lên trên mức độ chỉ gây khó
chịu cho các nước khác (trừ phi chúng phát triển được vũ khí nguyên tử, hẳn
nhiên). Và vì thế, các quốc gia cộng sản cũ, như Nga chẳng hạn, đã đối diện với
một lựa chọn. Hoặc là tham gia phong trào hiện đại hóa và trở thành những quốc
gia tự do, cởi mở, và chủ hòa, hoặc là cứ bám lấy vũ khí và văn hóa của mình
trong khi bị thế giới qua mặt.
Lúc đầu, mọi việc có vẻ diễn ra như thế. Với lịch sử
[của cuộc chiến ý thức hệ] chấm dứt, sự tập trung được chuyển từ địa chính trị
sang các lãnh vực kinh tế phát triển và cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời
phần lớn chính sách đối ngoại chuyển trọng tâm sang các vấn đề như thay đổi khí
hậu và thương mại. Kết hợp sự chấm dứt của địa chính trị với sự cáo chung của
lịch sử đã đưa ra một viễn ảnh đặc biệt hấp dẫn đối với Hoa Kỳ: đó là ý tưởng
cho rằng Mỹ có thể bắt đầu giảm bớt việc đóng góp vào hệ thống quốc tế mà vẫn
thu hoạch nhiều lợi lộc hơn. Mỹ có thể giảm chi tiêu quốc phòng, cắt bớt các
ngân khoản của Bộ Ngoại giao, giảm bớt sự hiện diện của mình tại những điểm
nóng ở nước ngoài – và thế giới chỉ việc tiếp tục phồn thịnh và tự do hơn.
Viễn kiến này đã từng thu hút cả phe phóng khoáng
lẫn phe bảo thủ tại Hoa Kỳ. Chính quyền của Tổng thống Bill Clinton, chẳng hạn,
đã cắt giảm ngân sách của cả Bộ Quốc phòng lẫn Bộ Ngoại giao và trong tơ tóc đã
thuyết phục được Quốc hội tiếp tục đóng lệ phí cho LHQ. Đồng thời, những nhà
làm chính sách Mỹ lúc đó đinh ninh rằng hệ thống quốc tế sẽ trở nên vững mạnh
hơn và có ảnh hưởng sâu rộng hơn trong khi vẫn đưa đến các lợi ích của Hoa Kỳ.
Những chính khách theo chủ nghĩa cô lập mới trong Đảng Cộng hòa (Republican
neo-isolationists), như cựu dân biểu Ron Paul từ Bang Texas, đã tranh luận rằng
trong tình hình không có những thách thức địa chính trị nghiêm trọng, Hoa Kỳ có
thể nhanh chóng cắt giảm chi tiêu quốc phòng và viện trợ trong khi vẫn tiếp tục
hưởng lợi từ hệ thống kinh tế toàn cầu.
Sau Biến cố 9/11, Tổng thống George W. Bush đã đặt
cơ sở chính sách đối ngoại trên xác tín là quân khủng bố Trung Đông đã trở
thành một kẻ thù đặc biệt nguy hiểm, và Bush phát động điều mà ông cho là một
cuộc chiến lâu dài chống lại chúng. Trên một số phương diện, thế giới lại quay
về với phạm trù lịch sử đấu tranh. Nhưng tín lý của chính quyền Bush cho rằng
thể chế dân chủ có thể dễ dàng được bứng sang Trung Đông Ả Rập, bắt đầu
bằng Iraq, là một bằng chứng về một sự tin tưởng sâu sắc rằng dòng thác biến cố
toàn cầu đang diễn ra trong chiều hướng có lợi cho Mỹ.
Tổng thống Barack Obama đã xây dựng chính sách đối
ngoại của mình trên xác tín cho rằng “chiến tranh chống khủng bố” đã bị thổi
phồng quá đáng, rằng lịch sử [xung đột ý hệ] đã thực sự chấm dứt, và rằng, cũng
như trong những năm Clinton cầm quyền, những ưu tiên quan trọng nhất đều liên
quan tới việc củng cố trật tự thế giới tự do chứ không phải theo đuổi sách lược
địa chính trị cổ điển. Chính quyền này đã minh định một nghị trình cực kỳ tham
vọng nhằm yểm trợ trật tự đó: chặn đứng nỗ lực phát triển vũ khí hạt nhân của
Iran, giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, đàm phán một thỏa ước về vấn
đề thay đổi khí hậu toàn cầu, ký kết các hợp đồng thương mại với các nước trên
Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, ký kết các hiệp ước kiểm soát vũ khí với Nga,
chấn chỉnh lại quan hệ ngoại giao của Mỹ với thế giới Hồi giáo, bênh vực quyền
lợi của người đồng tính luyến ái, phục hồi niềm tin của các đồng minh châu Âu,
và chấm dứt cuộc chiến tại Afghanistan. Nhưng, đồng thời Obama đã lên kế hoạch
nhanh chóng cắt giảm chi tiêu quốc phòng và giảm bớt sự hiện diện của Mỹ tại
những địa bàn chủ yếu trên thế giới, như châu Âu và Trung Đông.
MỘT
TRỤC SÂU BỌ?
Tất cả những tin tưởng tốt lành nói trên sắp bị thử
thách. Hai mươi lăm năm sau khi Bức tường Bá Linh sụp đổ, dù người ta tập trung
chú ý vào sự kèn cựa giữa Liên Âu và Nga về Ukraine, một biến cố đã đưa đến
việc Nga chiếm lấy Krym; hay người ta tập trung chú ý vào cuộc tranh chấp ngày
càng gia tăng cường độ giữa Trung Quốc và Nhật Bản tại Đông Á; hay vào cuộc
xung đột giáo phái đang bị thu hút vào các tranh chấp quốc tế hay các nội chiến
tại Trung Đông, thì người ta vẫn nhận ra rằng càng ngày thế giới càng có vẻ
chưa chịu để lại lịch sử đấu tranh ở đằng sau. Trong những cung cách rất khác
nhau, với những mục tiêu rất khác nhau, Trung Quốc, Iran, và Nga cùng nhau đẩy
lùi giải pháp chính trị của Chiến tranh Lạnh.
Mối tương quan giữa ba cường quốc xét lại này là
phức tạp. Trong trường kỳ, Nga lo sợ sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thế giới quan của
Tehran ít có điểm chung với thế giới quan của Bắc Kinh hay của Moskva. Iran và
Nga là những nước xuất khẩu dầu và muốn giá dầu cao; Trung Quốc rốt cuộc vẫn là
nước tiêu thụ dầu và muốn giá dầu thấp. Bất ổn chính trị tại Trung Đông có thể
làm lợi cho Iranvà Nga nhưng lại đặt ra nhiều rủi ro to lớn cho Trung Quốc. Ta
không nên nói đến một liên minh chiến lược giữa ba nước này, và qua thời gian,
nếu chúng thành công trong việc phá hoại ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại khu vực Á Âu,
căng thẳng giữa chúng có khả năng sẽ gia tăng chứ không giảm bớt.
Tuy nhiên, điều kết hợp những cường quốc này lại với
nhau chính là sự nhất trí rằng nguyên trạng cần phải được xét lại. Nga muốn tái
phục hồi Liên Xô được chừng nào hay chừng ấy. Trung Quốc không có ý định tự mãn
với một vai trò thứ yếu trong các vấn đề toàn cầu, đồng thời cũng không chấp
nhận mức độ ảnh hưởng hiện nay của Hoa Kỳ tại châu Á và nguyên trạng lãnh thổ
[the territorial status quo] tại đó. Iran muốn thay thế trật tự hiện nay tại
Trung Đông – một trật tự do Ả Rập Saudi lãnh đạo và bị các quốc gia Ả Rập Hồi
giáo Sunni khống chế – bằng một trật tự lấy Tehran làm trung tâm.
Lãnh đạo của ba nước này còn nhất trí với nhau rằng
quyền lực Mỹ là trở ngại chính cho việc họ thực hiện các mục tiêu xét lại
[revisionist goals] của mình. Thái độ thù địch của họ đối với Washington và
trật tự mà Mỹ đặt ra có tính vừa công vừa thủ: không những họ hi vọng rằng sự
suy yếu của quyền lực Mỹ sẽ làm cho việc lập lại trật tự mới trong khu vực của
họ dễ dàng hơn, mà còn lo ngại rằng Washington có thể ra sức lật đổ họ nếu bất
bình của người dân trong nước họ gia tăng. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo xét
lại này muốn tránh đối đầu trực tiếp với Hoa Kỳ, ngoại trừ trong một số trường
hợp hiếm hoi khi tình hình hết sức thuận lợi cho họ (như trong vụ Nga xâm lăng
Georgia năm 2008 và chiếm đóng rồi sáp nhập Krym năm nay). Thay vì đối đầu trực
tiếp với nguyên trạng, họ tìm cách làm sứt mẻ dần dần các qui phạm và các mối
quan hệ vốn đang duy trì nó.
Kể từ khi Obama trở thành tổng thống Mỹ, mỗi một
trong ba cường quốc này đã theo đuổi một chiến lược riêng biệt tùy theo chỗ
mạnh, yếu của mình. Nghịch lý là, Trung Quốc, quốc gia có nhiều tiềm năng to
lớn nhất trong bộ ba, đã gặp nhiều trở ngại nhất. Những nỗ lực của Trung Quốc
nhằm quyết đoán chủ quyền của mình trong khu vực chỉ mang đến hậu quả là làm
thắt chặt thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ với các đồng minh châu Á và gia tăng
cường độ của chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản. Tiềm năng của Bắc Kinh càng lớn,
thì ý thức về thất bại sẽ càng sâu sắc. Một sự gia tăng sức mạnh từ phía Trung
Quốc sẽ gặp phải một sự gia tăng quyết tâm từ phía Nhật Bản, và các căng thẳng
tại châu Á sẽ có khả năng lan tràn sang lãnh vực kinh tế và chính trị toàn cầu.
Iran, quốc gia yếu nhất trong bộ ba này căn cứ trên
nhiều thước đo, lại đạt nhiều thành tích nhất. Một kết hợp của việc Mỹ xâm lăng
Iraq và việc Mỹ sau đó rút quân ra quá sớm đã giúp Tehran hàn gắn các mối quan
hệ sâu sắc và bền vững với các trung tâm quyền lực có ý nghĩa ở bên kia biên
giới Iraq, một diễn biến đã làm thay đổi cán cân quyền lực giáo phái và chính
trị ở trong khu vực. Tại Syria, Iran, với sự trợ giúp của Hezbolla, một đồng
minh lâu đời, đã đủ sức đảo ngược tình hình quân sự và chống đỡ được chính phủ
của Bashar al-Assad trước sự phản đối mạnh mẽ của chính phủ Hoa Kỳ. Sự chiến
thắng của chính trị thực tế này đã gia tăng quyền lực và uy tín của Iran một
cách đáng kể. Khắp Trung Đông, Mùa Xuân Ả Rập đã làm suy yếu các chế độ Hồi
giáo Sunni, đẩy thêm cán cân quyền lực về phía có lợi choIran. Iran cũng hưởng
lợi nhờ mối chia rẽ ngày càng tăng giữa các chính phủ Sunni về cách họ phải ứng
xử với Tổ chức Huynh đệ Hồi giáo và các chi nhánh và thành viên của nó.
Trong khi đó, Nga xuất hiện như một cường quốc xét
lại có thành tích trung bình: mạnh hơn Iran và yếu hơn Trung Quốc, thành công
hơn Trung Quốc về địa chiến lược nhưng không thành công bằng Iran. Nga đã đạt
một số kết quả vừa phải trong nỗ lực ly gián Đức với Hoa Kỳ, nhưng tham vọng
của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc phục hồi Liên Xô cũ đã trở nên khập
khiễng do những giới hạn gay gắt của sức mạnh kinh tế nước ông. Để xây dựng một
khối Á-Âu thực sự, như Putin mơ ước thực hiện, Nga sẽ phải cung cấp ngân sách
cho các cộng hòa Xô-viết cũ – một điều Nga không đủ sức làm.
Tuy nhiên, bất chấp khả năng hạn chế của mình, Putin
đã thành công xuất sắc trong việc làm thất bại các dự án của phương Tây trên
lãnh thổ Xô-viết cũ. Ông đã chặn đứng NATO ngay trên con đường bành trướng của
nó, đưa Armenia vào quĩ đạo của mình, nắm chặt Krym, và, với sự phiêu lưu của
ông tại Ukraine, đã giáng một đòn bất ngờ khiến phương Tây cảm thấy bức xúc và
nhục nhã. Từ quan điểm của phương Tây, Putin dường như đang đẩy đất nước mình
vào một tương lai đen tối hơn bao giờ hết, để trở thành một quốc gia nghèo và
đứng bên lề hệ thống quốc tế. Nhưng Putin không tin rằng lịch sử đã chấm dứt,
và từ góc nhìn của ông, ông đã củng cố được quyền lực ở trong nước và đã nhắc
nhở các cường quốc thù nghịch ở bên ngoài biết rằng con gấu Nga vẫn còn vuốt
sắc.
CÁC
THẾ LỰC HIỆN NAY
Những cường quốc xét lại này theo đuổi những nghị
trình và có những tiềm năng khác biệt nhau đến nỗi không một nước nào trong
nhóm này có thể tạo ra một lực chống đối có hệ thống và mang tính toàn cầu như
Liên Xô đã làm trước đây. Do đó, người Mỹ đã chậm nhận ra rằng những quốc gia
này đã làm lung lay trật tự địa chính trị Á Âu trong những cung cách gây khó
khăn cho Mỹ và châu Âu trong nỗ lực xây dựng một thế giới hậu-lịch sử, đôi bên
đều có lợi [a post-historical, win-win world].
Tuy vậy, người ta vẫn có thể chứng kiến các hậu quả
của hành vi xét lại này ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Đông Á, mặc dù lập
trường ngày một quyết đoán của Trung Quốc chưa đạt nhiều tiến độ địa chính trị
cụ thể, nhưng trên cơ bản nó đã thay đổi động lực tương tác chính trị trong một
khu vực hiện có những nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Chính
trị châu Á ngày nay xoay quanh sự kèn cựa giữa các dân tộc, các đòi hỏi chủ
quyền xung đột nhau, các nỗ lực tăng cường hải quân, và các vấn đề lịch sử
tương tự. Cuộc phục sinh của chủ nghĩa dân tộc tại Nhật Bản, một đáp trả trực
tiếp đối với nghị trình của Trung Quốc, đã làm phát sinh một tiến trình theo đó
chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở nước này sẽ nuôi dưỡng chủ nghĩa dân tộc ở
nước kia. Trung Quốc và Nhật Bản đang tăng cường giọng điệu cứng rắn, gia tăng
ngân sách quân sự của mỗi bên, khởi động các cuộc khủng hoảng song phương với
tần suất cao hơn, và ngày càng tập trung vào cuộc tranh giành có bên thắng bên
thua [zero-sum competition].
Mặc dù Liên Âu vẫn còn ở trong những giờ phút
hậu-lịch sử [trong quan niệm cho rằng lịch sử đấu tranh ý thức hệ đã hoàn toàn
chấm dứt], nhưng những cộng hòa nằm ngoài khối Liên Âu và thuộc Liên Xô cũ lại
đang sống trong một thời đại rất khác. Trong vài năm qua, những hi vọng về việc
chuyển đổi Liên Xô cũ thành một khu vực hậu-lịch sử đã phai tàn. Việc Nga chiếm
Ukraine chỉ là bước mới nhất trong một loạt diễn biến đã biến Đông Âu thành một
khu vực xung đột địa chiến lược gay gắt, khiến cho việc điều hành quốc gia theo
đường lối dân chủ vững chắc và hữu hiệu trở nên khó thực hiện bên ngoài các
quốc gia Baltic và Ba Lan.
Tại Trung Đông, tình hình thậm chí còn gay gắt hơn.
Những ước mơ rằng thế giới Ả Rập đang tiến đến điểm chuyển đổi sang thể chế dân
chủ – những ước mơ đã tạo hình dáng và phẩm chất của chính sách Hoa Kỳ dưới
chính quyền Bush lẫn Obama – cũng đã phai tàn. Thay vì xây dựng một trật tự
thông thoáng trong khu vực, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đang phải đối phó với
sự tan rã của hệ thống nhà nước đã được khai sinh từ hiệp ước Sykes-Picot năm
1916, một hiệp ước đã chia cắt các vùng trong Đế quốc Ottoma, trong khi việc
điều hành quốc gia đang bị xói mòn tại Iraq, Lebanon, và Syria. Obama đã cố
gắng hết sức để tách rời vấn đề địa chính trị trong việc Iran bành trướng quyền
lực nhanh chóng khắp khu vực khỏi vấn đề nước này phải tuân theo Hiệp ước Cấm
phổ biến Vũ khí hạt nhân, nhưng những lo lắng của lãnh đạo Israel và Ả Rập
Saudi về những tham vọng khu vực của Iran đang làm cho nỗ lực của Obama càng
khó thực hiện. Một cản trở khác cho việc đạt được thỏa ước với Iran chính là
Nga, một cường quốc đã sử dụng địa vị của mình trong Hội đồng Bảo an LHQ và
việc hậu thuẫn cho Assad để đẩy lùi các mục tiêu của Mỹ tạiSyria.
Nga xem ảnh hưởng của mình tại Trung Đông như là một
tài sản quan trọng trong cuộc cạnh tranh quyền lực với Mỹ. Điều này không có
nghĩa là Moskva sẽ theo phản xạ chống lại các mục tiêu của Mỹ trong mọi trường
hợp, nhưng có nghĩa là những kết quả mang lại lợi ích cho cả đôi bên [the
win-win outcomes] mà lãnh đạo Mỹ sốt sắng tìm kiếm đôi khi sẽ bị hi sinh vì
những lợi ích địa chính trị của Nga. Trong việc quyết định cần phải mạnh tay
như thế nào với Nga về vấn đề Ukraine, Nhà Trắng không thể tránh né việc cân
nhắc hậu quả đối với lập trường của Nga về cuộc chiến Syria hay về chương trình
hạt nhân củaIran. Nga không thể biến mình thành một nước giàu có hơn hay rộng
lớn hơn nhiều so với hiện nay, nhưng nó đã làm cho mình trở thành một yếu tố
quan trọng trong tư duy chiến lược của Mỹ, và Nga có thể sử dụng lợi thế này để
đòi hỏi các nhượng bộ quan trọng đối với mình.
Nếu những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại này đã
thắng thế, thì sức mạnh của những cường quốc muốn duy trì nguyên trạng đã bị
xói mòn. Tình trạng suy yếu này diễn ra rõ nét nhất tại châu Âu, nơi mà cái
thảm họa không suy giảm của đồng tiền chung đã chia rẽ công luận và buộc Liên
Âu phải xoay hướng tập trung vào bên trong. Liên Âu có lẽ đã tránh được hậu quả
tồi tệ nhất có thể xảy ra của cuộc khủng hoảng đồng euro, nhưng cả ý chí lẫn
khả năng để hành động có hiệu quả ở ngoài biên giới của mình đã bị tổn thương
đáng kể.
Hoa Kỳ đã không kinh qua một thiệt hại to lớn nào
tương tự như nỗi đau kinh tế mà phần lớn châu Âu đã trải qua, nhưng vì Mỹ cũng
đang đối diện nhiều vấn đề, gồm cái dư vị trong chính sách đối ngoại do những
cuộc chiến của Bush để lại, một nhà nước giám sát ngày càng xâm phạm đời tư
công dân, một cuộc hồi phục kinh tế chậm chạp, và một luật cải tổ y tế bị nhiều
người chống đối, tâm lý công chúng đã trở nên chán chường. Cả bên cánh Tả lẫn
bên cánh Hữu, người Mỹ đang đặt nghi vấn về những lợi ích của trật tự thế giới
hiện nay và về khả năng của những kiến trúc sư đã tạo ra nó. Ngoài ra, dân
chúng cũng chia sẻ sự đồng thuận của giới cầm quyền rằng trong một thế giới
hậu-Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ nhất định có thể đóng góp ít hơn vào hệ thống quốc
tế và rút ra nhiều lợi lộc hơn. Khi điều đó không xảy ra, người dân bèn đổ lỗi
cho lãnh đạo. Dẫu sao, người dân Mỹ không còn mấy thiết tha đối với các sáng
kiến đồ sộ mới mẻ ở trong cũng như ngoài nước. Một quần chúng yếm thế đang trở
nên thờ ơ với một Washington phân cực, bằng một thái độ vừa chán chường vừa
khinh bỉ.
Obama lên cầm quyền với kế hoạch cắt giảm chi tiêu
quân sự và thu nhỏ tầm quan trọng của chính sách đối ngoại trong chính trị Mỹ
trong lúc tăng cường trật tự thế giới tự do. Nhưng hiện nay, hơn nửa đoạn đường
trong chức vụ tổng thống, Obama thấy mình bị sa lầy vào chính những hình thức
tranh đua địa chính trị mà trước đây ông từng hi vọng có thể vượt qua. Chính
sách phục thù của Trung Quốc, Iran, và Nga chưa lật đổ được sự dàn xếp
hậu-Chiến tranh Lạnh tại khu vực Á Âu, và có lẽ không bao giờ làm được điều
này, nhưng nó đã biến một nguyên trạng không tranh chấp [uncontested status
quo] thành một nguyên trạng bị tranh chấp. Các tổng thống Mỹ không còn tự do
hành động khi họ tìm cách củng cố hệ thống tự do; càng ngày họ càng bận tâm với
việc chống đỡ những nền tảng địa chính trị của hệ thống này.
HOÀNG
HÔN CỦA LỊCH SỬ
Chính vì cách đây 22 năm Fukuyamađã cho xuất bản
cuốn The End of History and the Last Man (Cáo chung của Lịch sử và Con
người Cuối cùng) mà người ta có xu thế coi sự tái xuất của địa chính trị là một
cách bác bỏ dứt khoát luận thuyết của ông. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Như
Fukuyama đã nhắc nhở người đọc, tận cùng của lịch sử là ý kiến của Hegel, và
mặc dù loại hình nhà nước cách mạng đã vĩnh viễn chiến thắng loại hình chế độ
cũ, Hegel lý luận, cạnh tranh và xung đột sẽ còn tiếp tục diễn ra. Ông tiên
đoán rằng những xáo trộn chính trị sẽ xảy ra trong các lãnh thổ, ngay cả khi
các vùng trung tâm của văn minh châu Âu đi vào một thời kỳ hậu-lịch sử
(post-historical time). Giả dụ các lãnh thổ trong quan niệm của Hegel gồm có
Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, và Nga, chắc chắn người ta sẽ không ngạc nhiên
rằng hơn hai thế kỷ sau, những xáo trộn kia vẫn chưa chấm dứt. Chúng ta đang
sống trong buổi hoàng hôn của lịch sử chứ không sống vào thời điểm lịch sử đã
thật sự cáo chung.
Ngày nay, một quan niệm về tiến trình lịch sử theo
kiểu Hegel sẽ cho rằng kể từ đầu thế kỷ 19 đến nay tiến trình này vẫn không mấy
thay đổi. Để được hùng mạnh, các quốc gia phải phát triển những tư duy và những
định chế có thể cho phép họ sử dụng các lực vô cùng to lớn của chủ nghĩa tư bản
công nghiệp và thông tin. Ngoài ra, không còn có một con đường nào khác; xã hội
nào không đủ sức hoặc không muốn đi theo con đường này cuối cùng sẽ trở thành
kẻ tuân theo mệnh lệnh của lịch sử chứ không thể làm nên lịch sử.
Nhưng con đường dẫn đến thời hậu hiện đại
[postmodernity] vẫn còn nhiều gập ghềnh. Để tăng cường quyền lực của mình,
Trung Quốc, chẳng hạn, rõ ràng sẽ phải đi qua một tiến trình phát triển kinh tế
và chính trị, đòi hỏi nước này phải khắc phục những vấn đề mà các xã hội phương
Tây đã và đang đối phó. Nhưng, vẫn không có gì đảm bảo rằng con đường mà Trung
Quốc sử dụng để đi tới tình trạng hiện đại tự do và ổn định sẽ ít hỗn độn hơn
con đường mà Đức đã đi qua, chẳng hạn. Buổi hoàng hôn của lịch sử không phải là
một thời gian yên ắng.
Phần hai cuốn sách của Fukuyama ít được chú ý vì
không làm hài lòng người phương Tây. Khi Fukuyama tìm hiểu một xã hội hậu-lịch
sử sẽ giống như thế nào, ông đã phát hiện một hình ảnh đáng lo ngại. Trong một
thế giới mà những vấn đề lớn đã được giải quyết xong và lãnh vực địa chính trị
đã nhường bước cho lãnh vực kinh tế, nhân loại trông sẽ giống như “con người
cuối cùng” theo chủ nghĩa hư vô mà triết gia Friedrich Nietzche đã mô tả: đó là
người tiêu thụ chỉ biết chăm chút chính mình mà không còn khát vọng nào lớn hơn
ngoài chuyến đi mua sắm tiếp theo.
Nói cách khác, những người này sẽ gần giống giới
quan liêu châu Âu và giới vận động hành lang tại Washington ngày nay. Họ có
thừa khả năng để quản lý công việc của mình trong xã hội hậu-lịch sử, nhưng
hiểu được các động cơ và chống lại được những chiến lược của các lãnh đạo chính
trị cường quốc kiểu cũ là việc khó đối với họ. Khác với những đối thủ của họ
vừa kém năng suất vừa thiếu ổn định, những con người hậu lịch sử không biết hi
sinh, chỉ tập trung vào mục tiêu ngắn hạn, dễ dàng bị lung lạc, và thiếu can
đảm.
Thực tế của đời sống cá nhân và sinh họat chính trị
tại những xã hội hậu lịch sử là rất khác với thực tế tại những nước như Trung
Quốc, Iran, và Nga, nơi mà mặt trời lịch sử vẫn đang chiếu sáng. Những xã hội
khác biệt này không những đề cao các nhân cách và giá trị khác biệt, mà các
định chế của chúng cũng hoạt động kiểu khác và dân chúng ở đó chịu ảnh hưởng
bởi các tư tưởng kiểu khác.
Các xã hội gồm toàn những con người cuối cùng của
Nietzche có đặc tính là hiểu sai và đánh giá thấp những đối thủ mà họ cho là
bán khai trong những xã hội mà họ cho là lạc hậu – một điểm mù có thể, chí ít
tạm thời, xoá bỏ những lợi thế khác của nước họ. Trào lưu lịch sử có thể đang
chảy không ngừng về hướng thể chế dân chủ tư bản tự do, và mặt trời lịch sử có
thể đang thật sự khuất sau những rặng đồi. Nhưng thậm chí khi bóng đêm len
xuống và vì sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời thì những nhân vật như Putin
vẫn còn sải bước trên sân khấu thế giới. Họ sẽ không nhẹ nhàng đi vào cái đêm
an lành kia, mà bằng tất cả cuồng nộ, họ sẽ chống lại sự lụi tắt của ánh sáng.
__________
WALTER RUSSELL MEAD là Giáo sư về Các Vấn đề Đối
ngoại và Khoa học Nhân văn tại Đại học Bard và là Cộng tác viên của The American Interest.
Nguồn: Walter Russell Mead, “The
Return of Geopolitics“, Foreign Affairs, May/June 2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư &
pro&contra
No comments:
Post a Comment