Sunday, 25 May 2014

HD-981 : BA TUẦN LỄ ĐỐI ĐẦU VIỆT - TRUNG (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát  -  Người Việt
Friday, May 23, 2014 6:29:53 PM

Vụ giàn khoan nước sâu hoạt động ở Biển Đông, cho đến nay chưa có dấu hiệu đi đến kết thúc với giải pháp nào. Sau đây là những diễn tiến từng ngày trong 3 tuần lễ qua.

Ngày 2 tháng 5: Trung Quốc loan báo giàn khoan Haiyang Shiyou 981 (Hải Dương Thạch Du) được đưa đến hoạt động ở Biển Đông tại khu vực phía Nam quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) trong 3 tháng từ 2 tháng 5 tới 15 tháng 8, 2014.

 Trung Quốc lập luận vị trí giàn khoan ở cách đảo Tri Tôn, quần đảo Hoàng Sa, 17 hải lý; cách Hải Nam 180 hải lý về phía Nam; thuộc vùng biển của Trung Quốc.

Việt Nam khẳng định giàn khoan hạ đặt cách đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi 120 hải lý về phía Đông, hoàn toàn nằm trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa Việt Nam. Vị trí này thuộc trong lô dầu khí đã được Việt Nam đánh số 143, nơi biển sâu khoảng hơn 1,000 mét, chưa thăm dò và khai thác, nhưng đánh giá là ít dầu khí.

Mặc dầu Trung Quốc đã sử dụng vũ lực chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Công Hòa từ 1974 nhưng Việt Nam không từ bỏ chủ quyền ở quần đảo này. Hơn nữa đảo Tri Tôn là một đảo cát nhỏ, chỉ có thể có lãnh hải 12 hải lý, không có thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý theo công ước quốc tế về luật biển UNCLOS.

Ngày 3 tháng 5: Cục hải sự Trung Quốc loan báo cấm tàu thuyền vào khu vực bán kính 1 hải lý cách giàn khoan, phạm vi này  tăng lên 3 hải lý từ ngày 5 tháng 5 khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối sự xâm nhập trái phép.

Thoạt tiên, các phản ứng của Việt Nam không được công bố nên sau  người ta mới biết là ngay từ ngày đầu Việt Nam đã phái 29 tàu kiểm ngư và cảnh sát biển đến tìm cách ngăn chặn khi thấy giàn khoan có ý hạ đặt ở một vị trí cố định, hành động mà Bắc Kinh gọi là sự “quấy nhiễu” hoạt động của giàn khoan 981 thuộc Tổng Công Ty Dầu Khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC).

Trong thời gian này, thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã triệu kiến đại sứ Nguyễn Văn Thơ và điện đàm với thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Nhi phản đối “sự can nhiễu phi pháp của Việt Nam đối với doanh nghiệp Trung Quốc đang tác nghiệp tại vùng biển quần đảo Tây Sa”. Phó chủ nhiệm ủy ban biên giới quốc gia Trần Duy Hải tiết lộ là sau khi biết giàn khoan HD 981 được đưa vào vùng biển chủ quyền Việt Nam, đã có 8 cuộc làm việc với Trung Quốc, 6 cuộc gặp gỡ trực tiếp ở Hà Nội và Bắc Kinh.

7 tháng 5:  Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Biển Việt Nam và Cục Kiểm Ngư họp báo công khai tố cáo các tàu  Trung Quốc đâm húc nhiều lần và dùng vòi phun nước tấn công tàu Việt Nam, gây thiệt hại và làm 6 nhân viên kiểm ngư bị thương nhẹ. Sự khiêu khích này vẫn được tiếp tục trong những ngày sau.
Nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki gọi hành động của Trung Quốc là “đơn phương khiêu khích và gây căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực”. Bà bày tỏ sự lo ngại về những sự kiện này và Hoa Kỳ kêu gọi các bên kiềm chế, bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông và giải quyết tranh chấp bằng đường lối hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.

8 tháng 5: Ngoại Trưởng John Kerry điện đàm với bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị công khai gọi hành động của Trung Quốc là “khiêu khích” và “hung hăng.” Trung Quốc phản ứng giận dữ, nữ phát ngôn viên bộ ngoại giao Hoa Xuân Oánh cho rằng “hoạt động của giàn khoan không liên quan gì đến Việt Nam chứ chưa phải Hoa Kỳ." Bà dẫn lời ngoại trưởng Vương Nghị yêu cầu “Hoa Kỳ nên khách quan, hành động và phát ngôn thận trọng.”

Cùng ngày, Trung Quốc họp báo nói Việt Nam huy động 36 tàu các loại và chủ động đâm vào tàu Trung Quốc tổng cộng  171 lần trong 5 ngày từ 3 đến 7 tháng 5. Tuy nhiên khác với Việt Nam, phía Trung Quốc không đưa ra được bằng chứng, hình ảnh, video về những việc này.

Trong khi đó Trung Quốc dần dần mỗi ngày tăng cường số tàu bảo vệ giàn khoan, tới 7 tháng 5 đã lên tới 80 chiếc gồm cả tàu hải tuần, hải giám, ngư chính, tàu cá và chiến hạm trang bị súng lớn, hỏa tiễn. Phía Việt Nam không điều động tàu quân sự và thi hành chặt chẽ đường lối kiềm chế, không gây hấn dù bị khiêu khích để có thể tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia trong trận chiến ngoại giao.

9 tháng 5, sáu Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ tố cáo hành động của Trung Quốc là “gây hấn, tạo rắc rối” và “đe dọa tự do thương mại toàn cầu.”

Liên Âu bày tỏ sự quan ngại về cá động thái của giàn khoan HD 981 "ảnh hưởng đến môi trường an ninh khu vực.”

Ngoại Trưởng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu cho rằng “căng thẳng ở Biển Đông do Trung Quốc đơn phương thăm dò một diện tích biển với các ranh giới không xác định.”

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Ấn Độ nói nước họ quan tâm đến hòa bình, thịnh vượng của cộng đồng quốc tế và cho rằng không được cản trở tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc bác bỏ phê phán ấy, nói rằng “Biển Đông không liên quan gì với Ấn Độ.”

10 tháng 5: Bộ trưởng ngoại giao Indonesia, Singapore đều phát biểu bày tỏ sự quan ngại và thất vọng với các hành động của chính phủ Trung Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử ASEAN, các bộ trưởng ngoại giao đưa ra một tuyên bố chung nói về vấn đề căng thẳng ở Biển Đông.

Các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc diễn ra tại tất cả mọi nơi có cộng đồng người Việt tại hải ngoại dù với lập trường chính trị nào, người biểu tình mang cờ vàng hay cờ đỏ. Cuộc biểu tình đầu tiên được ghi nhận là ở trước tòa Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Los Angeles ngày 6 tháng 5.

Ngày 10 tháng 5 và 11 tháng 5, biểu tình quần chúng lần đầu tiên diễn ra ở Sài Gòn và Hà Nội, hoàn toàn không gặp sự hạn chế nào của chính quyền.

11 tháng 5: Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 24 họp ở Naypyidaw, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu công khai tố cáo Trung Quốc đưa giàn khoan cùng hơn 80 tàu xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam và kêu gọi quốc tế ủng hộ đòi hỏi Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế
Hội Nghị ASEAN chỉ đưa ra tuyên cáo kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng vũ lực, nhưng không lên án dích danh bất cứ một quốc gia nào. Mặc dầu tuyên bố chỉ mang tính cách nguyên tắc chung chung nhưng đây là lần đầu từ 20 năm tổ chức này đề cập trực tiếp đến tình hình Biển Đông.

13 tháng 5: 20,000 công nhân biểu tình chống Trung Quốc tỉnh Bình Dương và Đồng Nai, trở thành bạo loạn tại một số các xưởng do đầu tư nước ngoài, gây nhiều thiệt hại vật chất nặng nề. Ngày hôm sau ở khu chế xuất Vũng Áng tỉnh Hà Tĩnh bạo động xảy ra trong một xưởng của Đài Loan làm 2 công dân  Trung Quốc thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Sau những sự kiện vượt khỏi tầm kiểm soát này, biểu tình bị cấm hai ngày cuối tuần tiếp theo ở Hà Nội cũng như Sài Gòn.

Cáo buộc chính quyền Việt Nam khích động và không bảo vệ an ninh cho người nước ngoài, Trung Quốc đưa tàu đến chở khoảng 3,000 công nhân về nước, một số khoảng 600 người Trung Quốc khác rời khỏi Việt Nam bằng đường bộ qua Cambodia.

14 tháng 5: Phát ngôn viên tòa Bạch Ốc Jay Carney nói là tranh chấp Việt – Trung phải được giải quyết “thông qua đối thoại chứ không phải bằng hăm dọa.” Từ 10 tháng 5 đến 15 tháng 5, lần lượt Anh Quốc, Australia, Pháp, Nga đều xác định sự quan tâm sâu sắc đối với tình hình căng thẳng ở Biển Đông và kêu gọi các bên kiềm chế, giải quyết tranh chấp theo con đường hòa bình thông qua đối thoại.

Ngày 18/5, tàu CSB Việt Nam tiếp cận giàn khoan 981 theo hướng nam tây nam phát hiện hơn 60 tàu cá vỏ thép của Trung Quốc có khối lượng từ 200 - 400 tấn, xung quanh giành khoan, khiến cho tàu Việt Nam gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận giàn khoan này.

21 tháng 5;  Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viết trong email trả lời câu hỏi của hãng Anh Reuters  khi đang ở thăm Manila,  rằng chính phủ VN đang xem xét "các phương án tự vệ khác nhau, trong đó bao gồm các hành động pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế."

Bộ trưởng ngọai giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và ông Kerry đã mời ông Minh đến Washington để ‘tham vấn toàn diện về các vấn đề song phương và khu vực trong khuôn khổ mối quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước. Ông Minh trước đó phàn nàn rằng Việt Nam đã 20 lần có tiếp xúc với Trung Quốc nhưng không đạt kết quả gì.

22 tháng 5: Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng nói Việt Nam và Philippines kiên quyết phản đối Trung Quốc về vụ hạ đặt giàn khoan và kêu gọi cộng đồng quốc tế yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động xâm phạm ở Biển Đông.

Thông điệp này được ông Dũng đưa ra tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Manila Ông  cho biết Việt Nam luôn nhất quán sử dụng các biện pháp hòa bình và tận dụng mọi cơ hội, mọi kênh đối thoại để giải quyết tình hình hiện nay.

Trả lời phỏng vấn một số hãng tin quốc tế, về chuyện “16 chữ vàng và 4 tốt,” ông Dũng đánh giá: "Những gì mà Trung Quốc đang làm khác rất xa những gì mà Trung Quốc nói". Ông nhấn mạnh rằng Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, nhưng “không chấp nhận đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó."

Theo nhận định của Cục Kiểm Ngư (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tình hình trên biển đã có phần lắng dịu. Số tàu Trung Quốc đã giảm xuống còn 125 so với 137 hôm trước. Các tàu kiểm ngư của Việt Nam vẫn duy trì ở mức khoảng 20 tàu, tiến sâu và áp sát giàn khoan hơn để phát loa tuyên truyền, yêu cầu giàn khoan và tàu Trung Quốc rời khỏi khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam.

Trong khi đó, tàu Trung Quốc tập trung thành các nhóm khoảng 8-10 tàu, gồm tàu cá, tàu hải cảnh, tàu hải giám, tàu kéo, để vây ép, sẵn sàng đâm, va chạm, phun nước vào các tàu Việt Nam ở khoảng cách 4-5 hải lý. Những hành động cố tình gây hấn của tàu Trung Quốc có vẻ muốn cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam va chạm, để họ quay phim, chụp ảnh. Tuy nhiên, các tàu Việt Nam không mắc mưu và vẫn kiên định đấu tranh hòa bình.

Quốc hội Việt Nam lần thứ nhì đưa ra thông điệp yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan  khỏi khu vực thềm lục địa của Việt Nam.

23 tháng 5:  Bộ Ngoại Giao họp báo trình bày về những diễn tiến trong ba tuần lễ và phê phán Trung Quốc không có thiện chí giải quyết. Cũng trong dịp này, trả lời một lập luận đã cũ về bức công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Hàm vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế Bộ Ngoại giao xác định rằng công hàm này không có giá trị của một văn bản pháp lý về vấn đề chủ quyền với vùng biển đảo của Việt Nam. Hơn nữa bà nói rằng công hàm không có chữ nào nói tới Hoàng Sa hay Trường Sa, vào thời gian ấy hai quần đảo này  thuộc chủ quyền Việt Nam Cộng Hòa, và như thế “chẳng ai  có thể đem cho người khác cái không phải của mình.”

Trên biển Cục Kiểm Ngư cho biết, tàu Trung Quốc bảo vệ giàn khoan giảm xuống so với những ngày trước, còn 122 so với 125 hôm 22. Lực lượng Việt Nam vẫn kiên quyết duy trì bám trụ đấu tranh và tiến sâu hơn vào giàn khoan ở khoảng cách từ 4 đến 5 hải lý.

Sáng sớm ngày 23/5, một phụ nữ 67 tuổi đã 'tự thiêu' chết trước Dinh Thống Nhất (Dinh Độc Lập cũ), Sài Gòn. Báo trong nước nói rằng người phụ nữ có chuyện buồn trong gia đình, nhưng cũng đã để lại 7 biểu ngữ viết tay phản đối Trung Quốc.

Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam đang  tham dự hội nghị quốc tế Tương Lai Châu Á lần thứ 20 tại Tokyo trong buổi gặp Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã cùng phản đối những hành động của Trung Quốc gây căng thẳng trên Biển Đông.

Trung Quốc phản ứng ngay việc này, cảnh cáo Nhật đừng nên can thiệp vào Biển Đông. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi yêu cầu phía Nhật nên có những hành động thiết thực để bảo vệ hòa bình và ổn định trong khu vực.”

Ngoại trưởng Fumio Kishida sẽ đến thăm Việt Nam vào cuối tháng 6, bàn thảo về tăng cường hợp tác an ninh hàng hải. (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats