Việt Hà,
phóng viên RFA
2014-05-09
2014-05-09
Sự kiện Trung Quốc đưa gian khoan dầu ra khu vực
trang chấp với Việt Nam trên biển Đông gần đây một lần nữa cho thấy một thách
thức không nhỏ với không chỉ các nước đang có tranh chấp trực tiếp với Trung
Quốc mà còn với cả cam kết chuyển trục chiến lược của Hoa Kỳ về châu Á. Việt Hà
có bài tổng hợp và tường trình.
Thử
thách Mỹ
Giàn khoan dầu khổng lồ của Trung quốc gần quần đảo
Hoàng Sa trên biển Đông là hành động gần đây nhất của nước này nhằm khẳng
định chủ quyền của mình trên vùng nước đang tranh chấp với các nước láng giềng.
Ngay lập tức sau khi Trung quốc chuyển giàn khoan ra vùng nước tranh chấp, Bộ
Ngoại giao Hoa Kỳ đã lên tiếng phản đối và gọi đây là hành động gây hấn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen
Psaki, hôm 7 tháng 5 ra thông cáo gọi hành động này của Trung Quốc là khiêu
khích và tạo thêm căng thẳng. Thông báo lên án hành động đơn phương này là một
phần trong chuỗi hành động tương tự để lấn tới chủ quyền lãnh thổ đang tranh
chấp theo cách phá họa hòa bình và ổn định trong khu vực.
Phản ứng của Hoa Kỳ là điều dễ hiểu vì trong những
trường hợp tương tự xảy ra trước kia trên vùng biển Đông giữa Trung Quốc và các
nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng đều lên tiếng kêu gọi các bên phải kiềm chế và làm
rõ các đòi hỏi chủ quyền của mình theo luật quốc tế. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng đã
nhiều lần khẳng định lợi ích chiến lược của mình tại khu vực này.
Tuy nhiên, theo giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, giảng dạy
môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, hành động mới của
Trung Quốc cho thấy nước này đang tìm cách thử thách cam kết của Hoa Kỳ với
châu Á.
GS.
Nguyễn Mạnh Hùng: ông Trung quốc thừơng có
chính sách dài hạn rồi ông tính dần dần, rồi ông mềm nắn, rắn buông. Và ông rất
cơ hội chủ nghĩa. Khi Hoa kỳ bị kẹt ở Trung Đông thì ông dấn lên. Rồi bất cứ
lúc nào có thời cơ thì ông làm. Nhất là trong thời điểm quan trọng thì phải
thử. Bây giờ Hoa Kỳ đến ký hiệp ước với Philippines, thì ông bực mình thì ông
phải thử thách.
Hành động mới của Trung Quốc diễn ra chỉ vài tuần
sau chuyến công du quan trọng của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới châu Á vào
trung tuần tháng 4 vừa qua. Chuyến đi nhằm một lần nữa khẳng định cam kết chuyển
trục chiến lược của Hoa Kỳ về khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Giáo sư Carl Thayer cho rằng hành động mới của
Trung Quốc là một hành động lấn lướt dần dần với các nước láng giềng yếu thế
trừ khi Hoa Kỳ có hành động can thiệp.
GS.
Carl Thayer: Lần này Trung quốc đã đặt một giàn khoan khổng lồ
có nghĩa là họ đã đầu tư uy tín của họ vào khu vực này và giàn khoan này sẽ
phải được bảo vệ. Điều này có nghĩa là gì? Sự có mặt kéo dài của Trung Quốc và
ví dụ khác về sự lấn lướt… nó nói với các nước trong khu vực rằng, về lâu về
dài, nếu Hoa Kỳ không bảo vệ họ và tham gia một cách mạnh mẽ hơn, Trung Quốc sẽ
lấy dần dần và cuối cùng đòi chủ quyền của mình. Và họ không gặp phải sự đáp
trả bởi không một lực lượng bán quân sự nào có thể tương đương với lực lượng tuần
duyên của họ.
Hành
động của Mỹ
Sự lớn mạnh của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực
quân sự trong những năm gần đây đã được Mỹ nhìn nhận như một mối đe dọa với an
ninh khu vực và vị thế của Hoa Kỳ tại khu vực. Điều này đã dẫn đến quyết định
chuyển trục chiến lược của Hoa Kỳ về khu vực châu Á Thái Bình Dương vào năm
2011.
Hoa Kỳ cũng đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ quan ngại
về căng thẳng tại biển Đông. Trong bài phát biểu tại buổi họp báo đầu năm nay ở
Washington, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Thái Bình Dương, ông Daniel
Russel đã nói:
Daniel
Russel: Hoa Kỳ quan ngại trước một loạt những diễn tiến tại
biển Đông và biển Hoa Đông, đặc biệt là những hành động đơn phương có tính
khiêu khích đòi chủ quyền theo các cách không theo luật pháp và phi ngoại giao.
Mới đây nhân chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ
Barack Obama tới Philippines vào tháng 4 vừa qua, hai nước cũng đã ký thỏa
thuận cho phép gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Philippines. Giáo sư
Renato Cruz de Castro thuộc trường đại học De la Salle, Philippines, cho rằng
đây là một bước nhằm giúp gia tăng khả năng phòng vệ của Philippines trước sự
lấn lướt của Trung Quốc:
Renato
Cruz de Castro: Thứ nhất là quân đội Mỹ sẽ được triển khai đến đây
và sẽ được huấn luyện cùng quân đội Philippines và nó sẽ giúp quân đội
Philippines chuyển dịch từ tập trung an ninh nội địa sang phòng vệ lãnh thổ vì
từ 2001 đến nay mối tập trung chủ yếu của quân đội Philippines là để đối phó
với những vụ nổi dậy trong nước. Từ năm 2011 đã có quyết định phải thay đổi từ
vấn đề nội địa sang bảo vệ lãnh thổ nhưng quân đội Phi cần được huấn luyện. Cho
nên một phần trong thỏa thuận là quân Mỹ sẽ được triển khai tạm thời ở đây để
huấn luyện quân đội Philippines. Các yếu tố còn lại là về cứu trợ nhân đạo…Và
cuối cùng là mục đích ngăn chặn Trung quốc, vì cho dù chính phủ Phi có chi bao
nhiêu để hiện đại hóa quân đội thì quân đội Phi cũng không thể đánh trực tiếp
được với quân đội Trung Quốc . Cho nên sự có mặt tạm thời của quân đội Mỹ ở đây
có thể ngăn chặn được ý định lấn lướt của Trung Quốc.
Trong chuyến thăm châu Á vào cuối năm ngoái, Ngoại
trưởng Hoa Kỳ John Kerry cũng cho biết Mỹ cam kết cung cấp thêm khoảng 32 triệu
đô la giúp các nước Việt nam, và Philippines bảo vệ lãnh hải và bảo đảm tự do
hàng hải. Trong số đó, Việt Nam sẽ nhận được 18 triệu đô la, bao gồm 5 tàu tuần
tra cao tốc do Mỹ chuyển giao cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Thông báo
của Bộ Ngoại giao Mỹ hồi cuối năm ngoái cũng cho biết trợ giúp về an ninh hàng
hải cho khu vực Đông Nam Á trong 2 năm tới sẽ tăng lên hơn 156 triệu đô la.
Mặc dù nhiều lần khẳng định quyền lợi chiến lược lâu
dài tại biển Đông trong vấn đề tự do hàng hải, Hoa Kỳ từ lâu vẫn duy trì lập
trường trung lập, không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở
biển Đông.
Trong khi lên án hành động của Trung Quốc trong việc
chuyển giàn khoan ra khu vực quần đảo Hoàng Sa, Hoa Kỳ cũng một lần nữa nhấn
mạnh lập trường trung lập. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Thái
Bình Dương, Daniel Russel, có mặt tại Hà Nội hôm 8 tháng 5 đã lên tiếng kêu gọi
các bên giải quyết tranh chấp hòa bình và nói rằng cả Việt nam và Trung Quốc
đều có quyền đòi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa. Hoa Kỳ không thể nói đòi
hỏi bên nào mạnh hơn. Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế chỉ có thể kêu gọi các bên
giải quyết vấn đề này một cách hòa bình.
Đây có thể coi là một thách thức về sự can thiệp sâu
của Hoa Kỳ vào khu vực. Thạc sĩ luật Hoàng Việt, chuyên gia về biển Đông của
Việt Nam, nhận xét các phản ứng của Hoa Kỳ từ trước tới nay trước các động thái
của Trung Quốc ở biển Đông là không đủ mạnh, và khó có khả năng Hoa Kỳ sẽ can
dự bằng biện pháp quân sự:
Hoàng
Việt: Hoa kỳ sẽ không sử dụng biện pháp quân sự để quay
trở lại. Nhưng với những điều từ năm 2009 đến giờ Trung Quốc luôn có các hành
động thăm dò để xem Hoa Kỳ sẽ can dự thế nào. Có lẽ một số nhà nghiên cứu nhận
xét là Trung quốc biết giới hạn phải dừng ở đâu nên Trung Quốc luôn chủ động
thách thức nhưng không đạt tới mức đỉnh điểm mà chỉ ở mức nào đó rồi dừng lại
để không lôi kéo Hoa Kỳ vào một cuộc phiêu lưu về quân sự, mà chỉ dừng lại ở
mức là có các hành động căng thẳng thôi.
Trung Quốc hôm 8 tháng 5 cũng đã lên tiếng nói rằng
không có xung đột xảy ra xung quanh vụ giàn khoan dầu và kêu gọi Việt Nam đàm
phán hòa bình.
-------------------------
No comments:
Post a Comment