Tiến sĩ
Phạm Chí Dũng
Gửi cho BBC từ Sài Gòn
Cập nhật: 10:51 GMT - thứ hai, 5 tháng 5,
2014
Lại một năm nữa vụt qua. Vài sự kiện gây chú ý của
Diễn đàn Kinh tế mùa xuân (DĐKTMX) năm 2014 đã làm cho hoạt động này “vươn lên
một tầm cao mới” so với diễn đàn cùng tên năm 2013 như thế nào?
Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2014 được nhóm trong bối cảnh Việt Nam đang đàm
phán vào TPP
Năm 2013, thành phố biển Nha Trang êm ả đã lần đầu
tiên rộn lên lời phản biện dậy sóng của một số chuyên gia “cận thần” như nguyên
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sĩ Kiêm, TS Trịnh Quang Anh thuộc Tập đoàn Đầu
tư Phát triển Việt Nam, PGS.TS Trần Đình Thiên và TS Tô Ánh Dương thuộc Viện
Kinh tế Việt Nam. Lần đầu tiên từ thời khủng hoảng 2008, con số nợ xấu của giới
ngân hàng được các chuyên gia tiết lộ lên đến nửa triệu tỷ đồng.
Chỉ trước Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013 vài tháng,
thế hệ kế nhiệm của ông Cao Sĩ Kiêm là thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn
Bình vẫn cố tâm “cưỡng chế” số nợ xấu chỉ khoảng hơn 100.000 tỷ đồng.
Dù chưa đủ độ dồn nén để thốt lên một tiếng nói
thống thiết từ đáy lòng, song vài con số mà những chuyên gia sống trong lòng
chế độ buột miệng cũng đủ phác tả về một bức tranh dối trá được giới chính
khách cầm cân nảy mực tham mưu cho Chính phủ dàn dựng.
Có lẽ vì lý do “phản biện nội bộ”, sau khi DĐKTMX
năm 2013 đóng cửa, không khí có vẻ đáng ngạc nhiên là đã không có một phản ứng
mở chính thức nào từ phía Ngân hàng nhà nước về con số nợ xấu, khác nhiều với
việc cơ quan này lập tức tuyên bố đánh giá vào đầu năm 2014 của Tổ chức xếp
hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s về tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam là 13% “chỉ mang
tính tham khảo”.
DĐKTMX năm 2013 cũng vì thế và cách nào đó có thể
được ghi nhận là sự kiện phản biện đầu tiên của giới chuyên gia nhà nước, xảy
đến sau một sự kiện khác chấn động hơn rất nhiều: vào tháng Giêng năm 2013, một
nhóm trí thức gồm 72 người đã lần lần đầu tiên tung ra bản kiến nghị chính trị
với đòi hỏi xóa bỏ điều 4 Hiến pháp về vai trò độc đảng, xây dựng cơ chế tam
quyền phân lập, tổ chức trưng cầu dân ý, quân đội chỉ trung thành với Tổ quốc…
Tuy chưa có nổi một diễn đàn ngoài đường phố, song
giới phản biện lề trái hiển nhiên đã đi trước tất cả các diễn đàn chính thức.
Không những thế, sóng xung kích của “Kiến nghị 72” còn làm nên một kích thích
tố để khởi động cho chu kỳ giao thoa đầu tiên của giới phản biện giữa hai lề
vào nửa đầu năm 2013.
Miệng
vực đen bạc
Bảy tháng sau DĐKTMX năm 2013, mùa thu Hà Nội đã
càng thêm ảm đạm trước một bức tranh khác hẳn về nợ công: một diễn đàn kinh tế
tiếp nối đã bật lên con số nợ công quốc gia lên tới 95% GDP, xa biệt rất nhiều
so với tỷ lệ 55% GDP từ nhát cọ siêu thực trong báo cáo chính phủ.
Hẳn nhiên, không cần học hết lớp ba cũng có thể tính
ra độ chênh lệch giữa thực tế và báo cáo là hơn 3 lần đối với nợ xấu, và gần 2
lần đối với nợ công.
Dường như chu kỳ tâm lý học phản biện đã chạm đến
điểm phát tiết. Vào đầu năm 2013 khi diễn ra DĐKTMX, con số doanh nghiệp phải
giải thể và phá sản trên toàn quốc đã lên tới chẵn 100.000 - theo công bố chưa
hề có tiền lệ của Ủy ban thường vụ quốc hội - chiếm tới 18% tổng doanh nghiệp
đăng ký hoạt động.
Nhưng vào tháng 4/2014, cuộc gặp mặt của “giới tinh
hoa doanh nghiệp” với Thủ tướng chính phủ đã mô tả một tiếng kêu quá sức não nề:
một ước tính cho thấy có đến 300.000 doanh nghiệp dù đăng ký kinh doanh nhưng
không còn hoạt động trên thực tế. Con số này thậm chí còn cao hơn hẳn số ước
tính 200.000 doanh nghiệp “không có khả năng đóng thuế” mà vài chuyên gia phản
biện bật ra vào đầu năm 2013.
Nếu tổng số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên toàn
quốc vẫn giữ nguyên con số khoảng 570.000, điều hiển nhiên mà các học sinh lớp
ba có thể tính ra là có đến 60% doanh nghiệp biến mất trong một nền kinh tế
“GDP năm sau cao hơn năm trước” và còn chưa lao đến đáy.
Tháng 4/2014 cũng là thời điểm khởi động cho DĐKTMX
trong năm, cũng tại một thành phố biển nhưng lại sát tầm Trung Quốc - Vịnh Hạ
Long, một lần nữa, nợ xấu và nợ công lại là chủ điểm của những chuyên gia đã
không còn quá e sợ công tác tổ chức và điều chuyển nhân sự của Bộ Nội vụ và Văn
phòng chính phủ. Một lần nữa và còn hơn lần trước, giới chuyên gia cận thần có
xu hướng độc lập hơn khi nói thẳng là nợ xấu đã chưa hề được giải quyết, hoặc
chỉ được xử lý theo kiểu “bút toán”, và cái gọi là “Công ty quản lý tài sản
quốc gia” cho tới nay đã chỉ mua chưa đầy 10% số nợ xấu nhưng lại chẳng biết
bán cho ai… Trong khi đó, tỷ lệ nợ công trên tổng sản phẩm quốc nội đã lên gần
100%, có nghĩa là ngân sách chính phủ đang ăn thâm vào vốn của mình và hầu như
các mảng an sinh xã hội đều đang đứng trên miệng vực đen hút.
Thế nhưng, hiện tượng lạ lùng của DĐKTMX năm 2014
lại không chỉ là cơn ung thư di căn giai đoạn cuối mang tên “Nợ xấu - Nợ công”.
Nút tối đen bạc của nền chính trị luôn làm lóe ra một thứ ánh sáng thất thường
và có vẻ miễn cưỡng. Vào một ngày trời sáng ra như thế, một chuyên gia cao cấp
là Trương Đình Tuyển đã lần đầu tiên phát ngôn “Đã đến lúc cần thừa nhận Xã hội
dân sự”.
“Thế
thời phải thế”
Nếu vào năm 2013, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam
Trần Đình Thiên là người đầu tiên dám phát pháo về thực trạng nợ nần mà trái
ngược hoàn toàn với ý chí “nợ công vẫn ổn định” của Thủ tướng chính phủ Nguyễn
Tấn Dũng, thì vào năm nay nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại và cũng là nguyên bí
thư tỉnh ủy Nghệ An Trương Đình Tuyển đã trở thành quan chức thứ hai “thức
tỉnh”, nhưng nhấn mạnh về một mảng màu cực kỳ mẫn cảm: xã hội dân sự. Thái độ
thẳng thắn “thừa nhận xã hội dân sự” của ông Tuyển đã ngay lập tức gây nên một
hiệu ứng chú ý sâu rộng trong cả lề trái lẫn lề phải.
Nhưng sự chú ý trên còn được kiến tạo bởi tư cách
chính khách. Vào thời mới nhậm chức bí thư Nghệ An, ông Trương Đình Tuyển đã có
một hành động mà giới chính khách Hà Nội còn xa mới đủ can đảm: dắt xe đạp vào
chợ hỏi thăm bà con tiểu thương Vinh.
Được xem là một trong số ít chính khách “sạch sẽ”,
khá nhiều phát ngôn và nhận định của ông Trương Đình Tuyển được báo chí nhà
nước dành mối thiện cảm. Hiện là cố vấn của đoàn đàm phán Hiệp định đối tác
kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay sau khi trở về từ Washington, ông
Tuyển đã trở thành quan chức đầu tiên của Việt Nam dám bộc tuệch về một sự thật
gan ruột “Người Mỹ cực kỳ xem trọng xã hội dân sự”, và rằng Việt Nam cần đưa xã
hội dân sự như một nội dung trong cải cách thể chế.
“Cải cách thể
chế” lại là cụm từ nổi bật trong bản thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng
Nguyễn Tấn Dũng mà chuyên gia cao cấp Trương Đình Tuyển không quên nhắc tới
cùng với cụm từ “xã hội dân sự”. Dư luận cũng thường bắn tin rằng ông Tuyển là
người có tiếng nói ảnh hưởng đến ông Dũng.
Lời trần tình bất ngờ về xã hội dân sự của ông
Trương Đình Tuyển tại DĐKTMX 2014 hẳn làm những ai quan tâm đến biến diễn chính
trị nhớ lại cảm xúc của bà Wendy Sherman - Thứ trưởng Bộ ngoại giao Hoa Kỳ -
khi nữ chính khách này viếng thăm Hà Nội vào đầu tháng 3/2014: “Xã hội dân sự
là một trong những điểm thú vị nhất trong mối quan hệ giữa hai nước”.
Một năm đã vụt qua. Điểm thú vị không thể phủ nhận
là nhận thức của giới chuyên gia nhà nước đã đổi thay dần cả về lượng và chất.
Nếu trong quá khứ đã hầu như không một quan chức nào dám nhắc đến cụm từ “xã
hội dân sự” mà có thể bị quy chụp là mang quan điểm hữu khuynh hoặc nặng nề hơn
là “tuyên truyền cho các thể lực thù địch”, vào cuối năm 2013 và đầu năm 2014
thậm chí đã có một sự chuyển đổi kỳ diệu về não trạng: dù chưa có bất kỳ tuyên
ngôn chính thức nào, song báo đảng đã đột ngột đổi màu khi thẳng thừng biến đổi
cả hệ thống luân lý kinh viện Mác - Lê: Tổ chức xã hội dân sự không chỉ tồn tại
trong chủ nghĩa tư bản mà còn trong cả xã hội chủ nghĩa.
'Len
lén tiệm tiến'
Học thuyết kinh tế - chính trị định hướng xã hội chủ
nghĩa cũng vì thế đang len lén tiệm tiến vào đời sống thực tiễn, với lời phản
biện năm ngoái về nợ xấu - nợ công và năm nay về xã hội dân sự… Cho dù chỉ mới
vào cuối năm 2012, cụm từ khai sáng từ thế kỷ 19 như thế từng bị báo đảng coi
là “thủ đoạn của diễn biến hòa bình”.
Nếu không có gì thay đổi, có lẽ tình hình sẽ phát
triển một cách “hòa bình” trong thời gian tới: “cải cách thể chế” sẽ dần lan
ra, để ít nhất nó cũng đạt được hiệu ứng truyền thông và tạo cho dân chúng một
hình ảnh khói sương mờ ảo, dù tất cả có thể vẫn chỉ là trò chơi từ ngữ. Để mặc
dù không ra mặt, song hình ảnh tiếp theo là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vẫn có
thể được xem là một trong số ít chính khách cao cấp đang ngầm biểu lộ thái độ không
đến nỗi quá thù địch đối với xã hội dân sự.
Cũng còn một nguyên do khác, khả dĩ và dễ chấp nhận
hơn: mô hình xã hội dân sự lại rất gần gũi với khái niệm “Nhà nước kiến tạo
phát triển” được kết cấu đầy khó hiểu trong bản thông điệp đầu năm 2014 của
người đứng đầu chính phủ.
Nếu giả thiết về sự tương đồng này là hợp lý, sẽ khó
có quan chức nào thuộc đảng, chính phủ và kể cả công an còn lý do để ngăn cấm
sự sinh sôi nảy nở chính đáng của các hội đoàn dân sự độc lập trong lương lai
gần, trong đó tất nhiên phải tính cả nghiệp đoàn lao động độc lập - như một yêu
cầu không thể thiếu của người Mỹ trên bàn đàm phán TPP.
Sau loạt thả tù chính trị chưa có tiền lệ vào tháng
4/2014, Việt Nam đã tiến khá gần với mối tương nhượng của TPP.
Quy luật nghịch đảo cũng có thể diễn ra: càng gần
gũi với TPP, mối đe dọa bị chế tài nhân quyền và các thể loại chế tài khác đến
từ người Mỹ và phương Tây sẽ càng được trung hòa. Đó cũng là lối thoát cho bất
kỳ chính khách nào luôn trăn trở về đường hoạn lộ của mình.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng và văn phong của
tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở Việt Nam.
No comments:
Post a Comment