Đặng
Hoàng Giang
Thứ năm, 22 Tháng 5 2014 16:53
Trong tiếng Việt, tinh thần yêu nước, lòng yêu nước
và chũ nghĩa yêu nước là các cụm từ/khái niệm mang hàm nghĩa tương đương nhau.
Theo Wikipedia, khái niệm "chủ nghĩa yêu nước" (patriotism),
với từ gốc patrie- nghĩa là quê cha đất tổ, bắt đầu được các nhà triết
học sử dụng từ thế kỷ 18. Về sau, tùy theo nguồn gốc và bối cảnh sử dụng, khái
niệm này đã mang thêm nhiều nội dung mới. Ngày nay, chủ nghĩa yêu nước là một
khái niệm của khoa học chính trị, phản ánh sự cam kết với những lý tưởng nhất
định và sự quan tâm tới những kết quả chính trị[1].
Ở Việt Nam, chủ nghĩa yêu nước gần như đồng nhất với
chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và chủ nghĩa dân tộc được xem là
một động lực lớn của lịch sử đất nước. Từ xưa đến nay, lòng yêu nước của người
Việt thường được hiểu là tinh thần xả thân chiến đấu nhằm giữ trọn một lời thề
đã tồn tại xuyên suốt lịch sử dân tộc: bảo vệ đến cùng từng tấc đất, ngọn cỏ
thiêng liêng của Tổ quốc trước họa xâm lăng. Như vậy, nói đến tinh thần yêu
nước kiểu cũ là nói đến một thái độ ứng xử đặc trưng gắn liền với bối cảnh
chiến tranh: được hình thành, tôi luyện bởi các cuộc chiến tranh vệ quốc; tỏa
sáng rực rỡ trong các cuộc chiến tranh và chỉ xuất hiện mỗi khi Tổ quốc bị xâm
lược.
Vì thế, mặc dù đã được ca ngợi hết lời, chúng ta vẫn
có lí do để nói rằng: tinh thần yêu nước kiểu cũ là một kiểu ứng xử bùng lên
nhất thời, bị kích thích bởi ngoại cảnh, chưa trở thành một nguyên tắc sống
mang tính tự nguyện, tự nhiên trong suốt cuộc đời của người Việt Nam. Sở dĩ
nói người Việt yêu nước nhất thời vì nếu trong chiến tranh, họ đẹp đẽ bao nhiêu
thì trong đời thường, hình ảnh của họ lại trở nên đối lập bấy nhiêu. Giã từ vũ
khí, người Việt trở lại cuộc sống đời thường trong nguyên vẹn hình hài tiểu
nông với rất nhiều thói hư, tật xấu: khôn vặt, ích kỉ, hời hợt, cục bộ, phe
cánh,... Kho tàng ca dao, tục ngữ, thành ngữ - vốn được xem là “túi khôn” của
người Việt có rất nhiều câu phản ánh thực tế ấy: “Thổi lửa cháy mồm”, “Ăn cây
nào rào cây ấy”, “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”, “Ta về ta tắm ao ta – Dù
trong dù đục ao nhà vẫn hơn”. Được hình thành từ những cá nhân riêng lẻ như
vậy, xã hội của người Việt trở thành một cộng đồng rời rạc, manh mún, rất dễ
chia cắt và phân hóa. Đến nay, sau những biến đổi to lớn về chính trị, tư
tưởng, kinh tế, văn hóa diễn ra trong hơn nửa thế kỉ trước, các căn bệnh cố hữu
trong lối sống của người Việt không hề thuyên giảm mà còn trở nên đậm đặc hơn.
Đặc điểm bao trùm trong quan hệ xã hội là tình trạng thiếu liên kết, thiếu niềm
tin, thiếu khoan dung giữa các cá nhân, các thế hệ, các nhóm và các cộng đồng. Rõ
ràng, tính nhất thời của tinh thần yêu nước kiểu cũ mang đậm dấu ấn của con
người tiểu nông.
Tinh thần yêu nước nhất thời cũng được bộc lộ qua
cách ứng xử của một số thể chế nhà nước đã từng tồn tại trong lịch sử
Việt Nam. Điểm chung của các nhà nước này là chúng chỉ đẹp trong chiến tranh:
khi Tổ quốc lâm nguy, nhờ giương cao ngọn cờ dân tộc, chính quyền lãnh đạo nhân
dân đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ thành công nền độc lập dân tộc. Nhưng khi
chiến tranh kết thúc, nhà nước đã mượn thành quả chiến thắng để cũng cố tính
chính danh của mình, che đậy các khuyết tật của hệ thống chính trị, xoa dịu các
mâu thuẫn xã hội vốn có và tiến tới xác lập sự thống trị lâu dài lên toàn xã
hội. Cho nên, sau các cuộc chiến tranh vệ quốc, tuy nền độc lập quốc gia được
giữ vững nhưng các quyền cơ bản của con người cá nhân không được thừa nhận, đảm
bảo. Nghịch lí này, cộng với xu hướng chuyên chế, tập quyền của các nhà nước
trung ương, đã kìm hãm sức bật của đất nước. Như vậy, trong nhiều trường
hợp, tinh thần yêu nước kiểu cũ đã trở thành công cụ chính trị của các nhà nước
cai trị, nhà nước chiến tranh.
Tóm lại, dù nhìn dưới bất kì góc độ nào, tuy mang
đến các chiến thắng oanh liệt trong các cuộc chiến tranh, tinh thần yêu nước
kiểu cũ chính là nguyên nhân sâu xa làm cho quốc gia phân liệt, suy yếu, trì
trệ và trở thành đối tượng thường xuyên của các cuộc chiến tranh xâm lược từ
bên ngoài. Trong bối cảnh hiện tại, muốn chủ quyền non sông thực sự trường tồn,
chúng ta cần hướng đến một tinh thần yêu nước kiểu mới.
Hướng
đến một chủ nghĩa yêu nước kiểu mới
Yêu nước kiểu mới là làm tròn trách nhiệm công
dân:Tư cách công dân với một số phẩm chất nổi bật (khả năng tư duy độc
lập, tinh thần khoan dung với kẻ khác, tinh thần thượng tôn pháp luật, ý thức
chịu trách nhiệm, ý thức vị cộng đồng) được xem là yêu cầu quan trọng hàng đầu
của người công dân trong xã hội hiện đại. Với người Việt Nam hiện nay, yêu nước
kiểu mới nghĩa là quyết tâm khắc phục những nhược điểm của lối sống tiểu nông
vốn chịu sự chi phối sâu sắc của bản năng và tập tục để sống theo tinh thần của
người công dân hiện đại. Tức là, thay vì trở thành một phản xạ có điều kiện cho
trước, lòng yêu nước cần được chuyển hóa thành các suy nghĩ, hành vi cụ thể
trong đời sống hàng ngày. Người ta gọi đó là chủ nghĩa yêu nước công dân (civic
patriotism): người dân bộc lộ tình yêu Tổ quốc thông qua một quá trình
tham gia chủ động, thường xuyên vào các sự kiện của đời sống[2] mà cầu nối gắn kết họ với xã hội bên
ngoài chính là các hội đoàn dân sự. Nhờ tham gia vào đời sống công cộng,
mỗi người có được cảm nhận chân thực nhất về sự hiện hữu và các giá trị của anh
ta trong cuộc đời này; Đồng thời, góp phần hình thành các liên kết xã hội và
thúc đẩy niềm tin giữa họ với những cá thể khác. Do đó, việc tham dự vào các sự
kiện của đời sống cũng quan trọng không kém việc được thỏa mãn các nhu cầu cơm
ăn, nước uống. Vì nói như Hannah Arendt, “không thể gọi là hạnh phúc, mà không
tham gia vào công việc công cộng. Không thể gọi là tự do nếu không thể nghiệm
thế nào là tự do công cộng. Không thể là tự do hay hạnh phúc mà không có
chút quyền hành nào trong quyền lực công cộng“[3].
Yêu
nước kiểu mới là cải cách thể chế theo hướng nhân bản, hiện đại:Trong thế giới văn minh ngày nay, lẽ phải và chân lý không còn là sáng
tạo tùy tiện của kẻ mạnh mà thuộc về các giá trị, các chuẩn mực, các mô hình
đặt con người ở vào trọng tâm của phát triển. Trên đường đi tới xã hội hiện
đại, con người đã sáng tạo nên một mô hình thể chế nhà nước tiến bộ, mang tính
phổ quát, được xem là bệ đỡ vật chất cho sự phồn thịnh của các quốc gia phát
triển: nhà nước pháp quyền. Nhưng nhà nước pháp quyền không tồn tại biệt
lập mà luôn song tồn với hai thể chế khác: kinh tế thị trường và các hội
đoàn dân sự. Nếu tư cách công dân được xem là chuẩn mực của con người hiện
đại thì cấu trúc tam vị nhất thể này được xem là dấu hiệu căn bản để xác định
trình độ văn minh và năng lực phát triển của mỗi quốc gia. Trong ba thể chế vừa
nêu, mỗi thể chế đảm nhận một chức năng đặc thù. Nếu nhà nước điều tiết các
quan hệ xã hội bằng hệ thống luật và thị trường đảm nhận việc sản xuất, phân
phối, lưu thông các sản phẩm hàng hóa thì các cộng đồng dân sự sẽ đảm nhận cái
“khoảng trống chức năng” mà nhà nước và thị trường để lại. Các cộng đồng dân sự
một mặt tham gia vào những công việc mà bản thân nhà nước và thị trường không
tự mình kham nổi (cung cấp các dịch vụ công, đảm bảo tính liên tục của các quá
trình sản xuất…); mặt khác, với năng lực tự quản của mình, các cộng đồng dân sự
góp phần giải quyết những vấn đề vượt ra khỏi phận sự của nhà nước và thị
trường, đặc biệt là trong các hoạt động muôn hình muôn vẻ của sinh hoạt xã hội
và sinh hoạt tâm linh. Mối quan hệ cộng sinh, tương hỗ giữa ba thể chế này
là tiền đề căn bản để tạo nên một xã hội dân chủ, minh bạch, sáng tạo, bao dung
và phát triển. Điều đáng nói là với sự tác động của các định chế chính trị
- kinh tế minh bạch, tiến bộ, chủ nghĩa yêu nước công dân có được một môi
trường chính trị - văn hóa lành mạnh, lí tưởng để phát triển tối đa. Vậy nên,
yêu nước theo kiểu mới cũng có nghĩa là kiên quyết chuyển từ mô hình thể chế cũ
sang mô hình thể chế mới với ba trụ cột: nhà nước pháp quyền, kinh tế thị
trường và xã hội dân sự. Nếu thực tâm chuyển đổi theo hướng này, chúng ta không
chỉ tìm ra một lối thoát hữu hiệu cho vấn đề biển Đông trước mắt, mà còn mở ra
một triển vọng to lớn để đưa đất nước thoát khỏi vũng lầy của chia rẽ, nghèo
đói, lạc hậu và trở thành một thành viên có giá trị trong thế giới hiện đại,
văn minh.
Việc Trung Quốc hung hăng áp dụng chủ nghĩa bành
trướng Đại Hánở biển Đông đang đặt tương lai dân tộc trước thử thách mang tính
sống còn. Nhưng “trong nguy có cơ”: chính điều này cũng đang mở ra một cơ hội
không thể tốt hơn để dân tộc ta đi tới một cuộc thay đổi thực sự. Lịch sử đang
chờ đợi ở các nhà lãnh đạo đất nước và toàn thể nhân dân một tầm nhìn dài hạn,
một dũng khí lớn lao và một khát khao cháy bỏng nhằm thay đổi vận mệnh dân tộc.
(*): Bài này đã được vietnamnet biên tập và
đăng tải với tiêu đề Yêu nước có cần “ra điều kiện”. Đây là bản tác giả
gửi VHNA.
[2] From constitutional to civic
patriotism. Cambrige University Press. 2002.http://discovery.ucl.ac.uk/12053/1/12053.pdf
[3]Dẫn theo Bùi Văn Nam Sơn
(2011), Văn hóa và văn hóa chính trị, nguồn: amvc.free.fr.
No comments:
Post a Comment