Chu Hảo
Cập nhật lần cuối 25/05/2014
Khi tập đoàn lãnh đạo thâm hiểm và ngỗ ngược của
nước láng giềng phương Bắc tự lột cái mặt nạ “ 4 tốt ” và “ 16 chữ vàng ”
trên Biển Đông, thì người đứng đầu Chính phủ ta dõng dạc tuyên bố trong bài trả
lời phỏng vấn của hãng Reuters ngày 21 tháng 5 vừa qua : “ Việt Nam kiên
quyết báo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của mình, vì chủ quyền lãnh thổ và
chủ quyền biển đảo là thiêng liêng ” và Việt Nam “ nhất định không
chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị
viển vông, lệ thuộc nào đó ”.
Cùng với những lời lên án mạnh mẽ hành vi xâm lược
của phía Trung Quốc tại Biển Đông trên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (Philippines
ngày 21 tháng 5) và Hội nghị cấp cao ASEAN (Myanmar ngày 11 tháng 5), những lời
tâm huyết kể trên đã làm nức lòng dân chúng bởi đây là lần đầu tiên một trong
bốn trụ cột của Lãnh đạo quốc gia công khai lên án Trung Quốc và khẳng định sẽ
kiện họ ra Tòa án quốc tế ; đồng thời thẳng thừng bác bỏ thứ “ hữu nghị viển
vông, lệ thuộc ” mà từ những năm 50 thế kỷ trước đến nay đã trở thành xiềng
xich đối với dân tộc ta.
Tiếc
rằng đây mới là lời phát biểu của chỉ một trong “ tứ trụ triều đình ”
khi trả lời phỏng vấn hoặc phát biểu trên các Diễn đàn quốc tế, dù mạnh mẽ đến
mấy cũng không thể thay thế được một Tuyên bố chính thức của Nhà nước thay mặt
toàn thể nhân dân Việt Nam. Không phải ai cũng hiếu điều này. Chúng ta có
nghĩa vụ làm cho dân chúng hiểu để đồng lòng yêu cầu Nhà nước ra ngay một Tuyên
bố chính thức lên án mạnh mẽ hành vi xâm lược của Trung Quốc và khẳng định sẽ
kiện ra Tòa àn Quốc tế.
Sự thịnh nộ của đám đông vô thức có bản chất bạo
lực, nó chỉ dẫn đến sự phá phách và dễ bị bọn “ ma cô chính trị ” hoặc các nhóm
lợi ích vị kỷ lợi dụng. Và đó không phải là dân khí ! Những ngày giữa tháng 5
sôi sục khí thế tuần hành biểu tình chống hành vi ngỗ ngược bất chấp đạo lý và
pháp lý của phía Trung Quốc đã dịu đi trong lo lắng. Những cuộc mít tinh hay biểu
tình do chính quyền đứng ra tổ chức thì có vẻ hình thức, chiếu lệ, không phản
ánh được khí thế sôi sục sẵn sàng chống ngoại xâm của quần chúng. Những cuộc
biểu tình thực sự của quần chúng thì hoặc là bị kẻ xấu lợi dụng kích động với ý
đồ phá hoại, hoặc là bị các lực lượng an ninh của chính quyền khống chế. Ngăn
cấm quyền được tự do biểu tình là vi hiến. Chậm trễ ra luật về quyền được tự do
biểu tình là lỗi của lãnh đạo quốc gia. Nếu có Luật về biểu tình thì nhà nước
không phải tổ chức các cuộc mít tinh “ quốc doanh ” và không kẻ xấu nào lợi
dụng được các cuộc biểu tình tự phát và tự giác của quần chúng. Trong khi chờ
Quốc hội ban hành Luật về quyền đươc tự do biểu tình, dân chúng yêu cầu Chính
phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 38/2005 /CP – một Nghị định vi
hiến đã góp phần gây ra bất ổn xã hội trong thời gian vừa qua.
Ngày nay dân khí của chúng ta chắc chắn không còn
được như thời kháng chiến trước đây nữa bởi lòng tin của dân chúng vào sự hợp
lý của thể chế chính trị và sự trong sáng của tầng lớp lãnh đạo đã mai một gần
hết rồi. Đấy là sự thật không thể bác bỏ. Nếu không có gì đột biến, và nếu kiên
trì theo chủ trương bất bạo động để thay đổi thực trạng thì chỉ còn có con
đường nâng cao dân trí, xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh để giáo dục, huấn
luyện quần chúng thực hành dân chủ, thực hiện quyền công dân lựa chọn thể chế
chính trị và bầu ra tầng lớp lãnh đạo của mình và vì mình. Việc ấy khó có thể
hoàn thành trong vài thế hệ. Nhưng nếu có đột biến tích cực thì có khi chúng ta
không phải chờ đợi lâu đến thế.
Một đột biến như thế hình như đang manh nha hình
thành ? Khi chúng ta bị dồn đến chân tường về chủ quyền lãnh thổ và biển đảo
thì hào khí Bạch Đằng và tinh thần Diên hồng lại bùng lên, tận dụng cơ hội ngàn
năm có một để thoát khỏi cái vòng kim cô của ý thức hệ lạc hậu và xiềng gông
của thứ “ hữu nghị viển vông, lệ thuộc ”.
Mới rất gần đây thôi, khi trải nghiệm “ phép thử dàn
khoan HD 981 ”, rất nhiều người ưu thời mẫn thế đau đớn cảm nhận rằng có vẻ như
bè lũ bá quyền phương Bắc đã gần đi đến đích thôn tính Việt Nam bằng thượng
sách “ không đánh mà thắng ” của Tôn Tử thời Xuân Thu (thế kỉ 6 trước Công
nguyên). Nhưng hôm nay thì hình như không phải vậy…
Có lần nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói với tác giả
bài viết này rằng : “ Cái nước mình lạ thật : không phải nước đến chân mới
nhảy, mà đến bẹn mới nhảy ; mà nhảy cú nào cũng đẹp ! ”. Hy vọng rằng nhận
xét hóm hỉnh ấy của ông vẫn đúng cho lần này.
Chu
Hảo
NGUỒN : bản do tác giả gửi ngày 25.5.2014
No comments:
Post a Comment