TS.
Dương Danh Huy
Quỹ Nghiên cứu Biển Đông
Cập nhật: 11:09 GMT - thứ hai, 12 tháng 5,
2014
Trong các tranh chấp tại Biển Đông, tranh chấp Hoàng
Sa là khó nhất cho Việt Nam. Trung Quốc đã chiếm toàn bộ Hoàng Sa, họ lại dễ
dùng quần đảo làm bàn đạp để lấn vào vùng đặc quyền kinh tế từ đất liền Việt
Nam. Trong khi đó, tranh chấp Hoàng Sa là song phương: Việt Nam phải đối chọi
một cách đơn độc với Trung Quốc.
Vì giải pháp ngoại giao và quân sự cho tranh chấp
này chỉ là chuyện hoang đường, dư luận càng ngày càng quan tậm về việc đưa vấn
đề ra tòa, thí dụ như Tòa án Công lý Quốc tế (TACLQT) hay Tòa Trọng tài Luật
biển, nhất là khi Trung Quốc có những động thái như trong sự kiện giàn khoan
HD-981.
Thế nhưng việc ra tòa có một hạn chế rất lớn. Đó là
bất cứ tòa nào cũng chỉ có thể phân xử tranh chấp giữa hai nước nếu cả hai bên
chấp nhận thẩm quyền của tòa. Việc chấp nhận thẩm quyền của tòa có thể là chấp
nhận cho một tranh chấp cụ thể, hay chấp nhận gián tiếp qua hiệp định hay công
ước nào đó, hay chấp nhận một cách mặc định thẩm quyền của tòa.
Đưa
tranh chấp đảo ra tòa?
Trên thế giới và Đông Nam Á đã có nhiều tranh chấp
lãnh thổ được TACLQT phân xử, thí dụ như đền thờ Preah Vihear (Campuchia - Thái
Lan), đảo Ligitan và Sipadan (Indonesia - Malaysia), đảo Pedra Branca, Middle
Rock và South Ledge (Malaysia - Singapore), và vùng đất chung quanh đền thờ
Preah Vihear (Campuchia - Thái Lan). Trong trường hợp này, các bên trong tranh
chấp đều chấp nhận thẩm quyền của Tòa.
Nếu đưa tranh chấp chủ quyền đối với Hoàng Sa ra
TACLQT, cả Việt Nam và Trung Quốc phải chấp nhận thẩm quyền của Tòa thì Tòa mới
thụ lý. CHXHCNVN cũng chưa công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa, nhưng nếu có
yêu cầu thì khả năng là họ cũng không chấp nhận, và như vậy thì Tòa sẽ không có
thẩm quyền để phân xử.
Nhưng dù thế đi nữa thì đều đó cũng sẽ làm cho thế
giới và người Trung Quốc thấy Trung Quốc là bên sợ công lý, và như thế sẽ có
lợi cho Việt Nam. Trung Quốc cũng không thể cãi chày cãi cối rằng không có
tranh chấp cho nên không cần phải ra tòa, vì khi ra tòa thì Tòa có trách nhiệm
xét có tranh chấp hay không.
Tuy nhiên, có lẽ lãnh đạo Việt Nam vẫn còn cho rằng
những điều có lợi cho Việt Nam công khai yêu cầu Trung Quốc ra tòa không bõ
những trả đũa có thể của Trung Quốc. Đây là một vấn đề cần trí thức Việt Nam
nghiên cứu một cách chuyên sâu.
Cơ
chế giải quyết tranh chấp biển?
Riêng về tranh chấp biển, có một số loại tranh chấp
mà Việt Nam có thể đơn phương kiện Trung Quốc. Khi một quốc gia tham gia
UNCLOS, điều mặc định là quốc gia đó chấp nhận cơ chế giải quyết tranh chấp bắt
buộc của UNCLOS. Cơ chế này cho phép một quốc gia thành viên đơn phương kiện
quốc gia thành viên khác về các vấn đề luật biển, và trọng tài sẽ thụ lý, bất
kể quan điểm của bị cáo. Đó là nguyên tắc sau việc Philippines đơn phương kiện
Trung Quốc, và là vì sao vụ kiện đó có thể đi đến giai đoạn hiện nay, cũng như
có tiềm năng được trọng tài phân xử, bất kể quan điểm của Trung Quốc.
Đã, đang và sắp có rất nhiều tranh chấp biển được
tòa và trọng tài quốc tế phân xử đựa trên UNCLOS và luật quốc tế tập quán, thí
dụ như Mauritius - Anh, Bangladesh - Ấn Độ, Nicaragua - Colombia, Bangladesh -
Miến Điện, Guyana - Surinam, Libya - Tunisia, Anh - Pháp, Mỹ - Canada...
Giải quyết tranh chấp ranh giới biển tại tòa là một
cách văn minh không xa lạ gì với thế giới, nhưng không áp dụng được cho Biển
Đông vì một khó khăn: Trung Quốc.
Giả sử như Trung Quốc đã chấp nhận cơ chế giải quyết
tranh chấp bắt buộc của UNCLOS như mặc định, Việt Nam đã có thể đơn phương kiện
họ về những động thái của họ về vùng Nam Côn Sơn, Tư Chính, về những vụ cắt cáp
năm 2011, và sẽ thắng. Trong giả thuyết đó, Việt Nam cũng có thể đơn phương
kiện Trung Quốc về giàn khoan HD-981 và có khả năng được trọng tài công nhận
giàn khoan này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hay ít nhất cũng
được trọng tài công nhận rằng hành vì của Trung Quốc là bất hợp pháp vì khu vực
đó là vùng tranh chấp.
'Có
thể kiện đơn phương?'
Điều đáng tiếc là Điều 298 của UNCLOS lại cho phép
các quốc gia khi tham gia UNCLOS tuyên bố không chấp nhận cơ chế giải quyết
tranh chấp này cho một số loại tranh chấp, đặc biệt là liên quan đến Điều 15,
74 và 83 về ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Trên thực tế, Trung Quốc đã sử dụng tuyên bố này.
Tuyên bố đó có nghĩa trọng tài không có thẩm quyền để nói giàn khoan HD-981 nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của nước nào. Vì vậy, Việt Nam không thể đơn
phương kiện Trung Quốc rằng họ đã triển khai giàn khoan HD-981 trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam.
Nhưng Việt Nam vẫn nên đơn phương đưa vụ HD-981 ra
cơ chế giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS.
Dù trọng tài không có thẩm quyền để công nhận rằng
giàn khoan HD-981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, trọng tài vẫn có
thẩm quyền để công nhận giàn khoan này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế bị
tranh chấp. Vị trí của giàn khoan này và các yêu sách đối kháng có nghĩa trọng
tài sẽ công nhận điều đó, và như vậy sẽ có lợi cho Việt Nam.
Thứ nhất, việc trọng tài công nhận giàn khoan HD-981
nằm trong vùng đặc quyền kinh tế bị tranh chấp sẽ bác bỏ quan điểm của Trung
Quốc cho rằng đó là vùng biển của Trung Quốc, không liên quan gì đến Việt Nam.
Thứ nhì, Điều 74 của UNCLOS quy định rằng trong vùng
đặc quyền kinh tế đang bị tranh chấp thì các bên phải có tinh thần hợp tác, nỗ
lực đi đến những dàn xếp thực tế, và không cản trở việc đi đến thỏa thuận cuối
cùng. Việc đơn phương khoan dầu khí và đâm húc tàu chắc chắn vi phạm Điều này,
và Tòa Trọng tài Thường trực đã có kết luận tương tự trong tranh chấp Surinam -
Guyana. Đáng tiếc là, vì Trung Quốc đã tuyên bố theo Điều 298, trọng tài sẽ
không áp dụng được Điều 74 để phân xử, nhưng sẽ rõ ràng và không chối cãi được
với thế giới là Trung Quốc đã vi phạm nó, và sẽ có nhiều áp lực ngoại giao bất
lợi cho Trung Quốc, có lợi cho Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể đòi hỏi rằng trong
khi thủ tục giải quyết tranh chấp đang tiến hành thì Trung Quốc không được
triển khai giàn khoan tại địa điểm hiện tại. Và Việt Nam cũng có thể đòi đưa
vấn đề ra cho một hội đồng hòa giải theo UNCLOS - nhưng ý kiến của hội đồng này
không có tính ràng buộc pháp lý.
Tóm lại, hạn chế của luật quốc tế trong vấn đề thẩm
quyền của tòa và các trọng tài quốc tế có nghĩa Việt Nam không thể đơn phương
đưa tranh chấp chủ quyền đối với các đảo Hoàng Sa ra tòa, tức là không thể giải
quyết tranh chấp tận gốc cho đến khi nào Trung Quốc chịu ra tòa.
Về đảo thì chỉ có thể công khai thách Trung Quốc ra
tòa, nếu họ không ra thì ta tranh thủ dư luận quốc tế bằng cách nói rằng đó là
vì lập luận chủ quyền của họ yếu.
Về biển thì các hạn chế của UNCLOS về cơ chế giải
quyết tranh chấp bắt buộc cũng có nghĩa nếu Việt Nam đơn phương kiện vụ HD-981
thì trọng tài cũng không có thẩm quyền để công nhận rằng giàn khoan đó nằm
trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn nên đưa vụ này ra cơ chế
giải quyết tranh chấp bắt buộc của UNCLOS vì việc đó sẽ đem lại một số lợi ích
quan trọng cho Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng và văn phong
của tác giả, một thành viên Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
No comments:
Post a Comment