Wednesday 14 May 2014

CHƠI KHỦNG HOẢNG (Phạm Ngọc Cương - Ba Sàm)




Phạm Ngọc Cương
Posted by adminbasam on 14/05/2014

Lãnh thổ Việt đang ngày càng co lại so với thời Pháp đô hộ!
Việc để mất lãnh thổ, lãnh hải sau khi người Pháp ra đi thì về đối nội chủ yếu do Việt Nam đã không đi con đường hoà hợp dân tộc để thống nhất đất nước và chọn sai con đường phát triển nên đã không tích hội đủ được nội lực cần thiết để hoá giải những thách thức của Trung Quốc. Về đối ngoại đều thấy có bóng dáng của người Mỹ.
Khi người Mỹ quyết rời Việt Nam sau Hiệp định Paris thì VNCH thất thủ Hoàng Sa 1974.
Không tỉnh táo, sớm bình thường hoá quan hệ với Mỹ, bị cấm vận, CHXHCN Việt Nam hứng trọn cuộc chiến tranh biên giới 1979, mất một phần biên giới phía Bắc. Năm 1988, mất tiếp Gạc Ma, một số đảo đá cùng một số vùng biển quanh Trường Sa.
Chưa tăng tốc đủ quan hệ với Mỹ khiến Việt Nam đang chìm vào cuộc khủng hoảng giàn khoan hôm nay.
Hơn nữa, đây mới chỉ là khúc dạo đầu!

Địch và Ta
Trung Quốc đang đủ thế và lực gây ra nhiều cuộc khủng hoảng cục bộ và toàn diện cho cả khu vực nói chung và Việt Nam nói riêng.
Tuy vậy, đến giờ, trong việc xác lập thêm lãnh thổ, Tập so với Putin xem ra còn non tay chán! Thế giới đang đầy mong manh và bất ổn, Nga, Mỹ và Trung Quốc ba thế lực quân sự mạnh nhất ở ba châu lục đều nhất thời không phải là đồng minh của nhau và cùng theo đuổi dù trực diện hay âm thầm, những sắp xếp chiến lược khác xa nhau.
Việt Nam thì nội bộ lủng củng, kinh tế be bét, quan mục, dân kiệt, ý chí quốc gia cổ lỗ và manh mún.
Chưa có chuyện giàn khoan Việt Nam đã quá đủ chuyện nháo nhào.
Về thành tích đối ngoại thì người anh bốn tốt hôm qua đã thành giặc dữ hôm nay. Danh sách “bạn bè” quốc tế đánh tiếng ủng hộ, và lên tiếng một cách có trọng lượng, thì ngắn đến thảm hại. Nhìn về tổng thể chính sách ngoại giao nín nhịn và đu dây coi như phá sản.
Không thể trấn an bản thân hơn được nữa!
Việt nam đã tự trói mình, làm mình suy nhược, yếu ớt và cô đơn!
Nhưng trong hoạ có phúc. Thêm một cái dàn khoan dù chỉ như cái que tăm cắm trong ao đã đủ là một cơ hội vàng cho dân tộc ta lột xác. Nhiều vấn đề sẽ sắp lộ diện. Mũi khoan này khi khoan vào ĐCSVN sẽ thò ra những Hoàng Văn Hoan mới. Khoan vào dân tộc Việt Nam sẽ chóng hiện ra những Trần Ích Tắc và Lê Chiêu Thống.
Khoan vào tính hiệu quả của chiến lược quốc phòng không đồng minh, không liên kết quân sự, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam.
Khoan vào thế đứng của Việt Nam làm Việt Nam phải dứt khoát thoát Trung.
Không thể có độc lập thực sự nếu đã là một nước nhỏ, nghèo lại theo đuổi đủ loại các chính sách mơ hồ và ảo tưởng.
Việt nam chỉ có vài lựa chọn chiến lược: Một là sau những kinh nghiệm xương máu về kết đồng minh với siêu cường (Nga, Mỹ) trong quá khứ, hôm nay Việt Nam cần kết đồng minh chặt chẽ với chính các nước mà lợi ích sát sườn của họ đã hoặc đang bị Trung Quốc đe doạ quyết liệt như Nhật bản, Ấn Độ, Philippines…Cùng với sự chèn ép trắng trợn của Trung Quốc trong khu vực và thế giới, danh sách các đồng minh này sẽ ngày càng dài ra. Lợi điểm của phương án này là Việt Nam dễ cảm thấy tự tin, bình đẳng hơn, không quá lép vế trong các mối quan hệ này; nhưng yếu điểm là các nước này đều không thực mạnh, lợi ích các quốc gia trong dài hạn không thường xuyên đồng nhất, và sự phá hoại bằng muôn ngàn kế từ Trung Quốc khiến bó đũa nhiều khi không thể mãi mãi là bó đũa. Phương án hai, quyết liệt hơn, là mạnh mẽ chuyển hoá thành một mắt xích cùng Nhật, Úc… trong hướng chuyển trục của Mỹ về châu Á Thái Bình Dương. Phương án cuối cùng là chấp nhận con đường Hán hoá, dù ý thức hay vô thức như hiện nay, kéo theo sự xoá sổ của quốc gia. Việt Nam sau ngần ấy hy sinh dựng nước và giữ nước không thể cam tâm làm nô lệ và bị đồng hoá, vì vậy nếu nhất thời có chọn đi theo phương án một cũng chỉ là sự chuyển tiếp giai đoạn để Việt Nam mạnh dần lên và tự tin hơn khi tiến tới phương án hai mà thôi.

Đảng
Sau nhiều khúc quanh của lịch sử, Việt Nam đang tự khẳng định về nhiều mặt từ thể chế chính trị, luật pháp, văn hoá, kinh tế, nhân quyền, công bằng xã hội, giáo dục… là một sản phẩm tồi của nhân loại hôm nay.
Thời đại toàn cầu hoá, cạnh tranh quyết liệt hôm nay không có chỗ đứng cho những sản phẩm kém chất lượng! Thủ phạm chính trong nông nỗi này thuộc về đảng cầm quyền.
Nhà cửa xập xệ, con cái nheo nhóc, hàng xóm lấn lướt… thì lỗi đầu tiên là do các “phụ mẫu”. Ngay cả nhiều đảng viên từ lâu cũng phải thốt lên rằng đảng đang cầm tù sự phát triển của dân tộc, làm đất nước ở vào thế ngàn cân treo sợi tóc, hoạ vô đơn chí, lãnh thổ co rút…
Nhưng liệu cuộc chơi đã tàn cho ĐCS? Chắc chắn là sẽ, nhưng tại sao chưa phải là ngay lúc này?
Đảng còn tồn tại khi mặt bằng dân trí còn quá thấp. Đảng cùng những tay chơi thủ cựu của mình chắc chắn sẽ quyết tử vùng vẫy để đảng không đột tử, để câu giờ, mong thủ lợi tiếp trong việc kéo dài sự hấp hối của đảng.
Ở thế này Đảng cũng chỉ còn có vài nước đi.
Nước chịu nhục, cam tâm cắt nước, cắt biển cho Tàu để tiếp tục ngắc ngoải. Căn cứ theo cách hành xử truyền thống của Đảng, từ Công hàm Phạm Văn Đồng (1958), hội nghị Thành Đô (1989), Hiệp định biên giới trên bộ Việt Trung (1999) và Hiệp định phân định vịnh Bắc Bộ (2000) thì khả năng này là cao nhất.
Bước khác, theo mỹ từ chính trị, là hoà giải dân tộc, nương tựa vào sức dân. Thực chất là đảng tự khuôn khổ, giới hạn quyền lực của đảng lại. Điều này trừ phi có những đột biến của tình hình nghe ra quá hão huyền với mặt bằng đảng trí và sự tham lam vô độ của đảng về quyền lực suốt mấy thập niên nay. Nhưng đây chính là lúc cho chất dân tộc trong đảng nếu còn thì sổ lồng. Kiến tạo ra cuộc chơi mới, trong giai đoạn đầu, đảng phần nhiều vẫn sẽ giành được thế chủ động. Nếu đảng quyết không chuyển hoá theo lộ trình văn minh, nhân lúc Việt Nam suy yếu và động loạn, Trung Quốc liếm sạch biển Đông thì đảng sẽ thành kẻ tội đồ lớn nhất xuyên suốt lịch sử dựng nước của dân tộc.
Yêu nước có nhiều phương cách khác nhau không thể chỉ một kiểu do đảng độc diễn.
Cần trả lại sinh khí cho tư tưởng toàn xã hội bằng cách lập tức trao trả tự do cho toàn bộ các tù nhân lương tâm.
Dựng lại các di tích chống Trung Quốc xâm lược từ cuộc chiến 1979.
Công khai một lộ trình chuyển hoá nhằm biến một nhà nước từ giáo điều, “thần quyền” và độc tài thành một nhà nước pháp quyền.
Với người Việt ở nước ngoài cần đi những bước thực chất và có tính biểu tượng cao.
Ví dụ Hạm trưởng Nguỵ Văn Thà cần được phong Anh hùng, (lòng dân đã thấy vậy từ lâu rồi) trang trọng đặt tên ông cho một con đường của Đà Nẵng hay tổ chức lễ đổi tên cho một đảo trong chuỗi đảo (dẫu đang bị TQ chiếm đóng phi pháp) sang tên ông.
Hiên ngang khẳng định với Trung Quốc là việc giữ gìn các giá trị hộ quốc của dân tộc Việt không thể được coi là hành động khiêu khích.

Dân
Một nền dân chủ non trẻ về đường dài luôn sáng giá hơn nhiều lần một nền độc tài già giặn. Vì nền dân chủ non trẻ sẽ tiến tới một tương lai hoàn thiện và phát triển còn bất cứ nền độc tài nào dù nhất thời có thăng hoa đến đâu thì trong đường dài cũng sẽ đi đến rệu rã và sụp đổ, và nhiều phần là trong hỗn loạn kéo lùi sự phát triển nhiều thập niên.
ĐCS hiểu rằng nếu có một đảng chính trị có cương lĩnh chính trị sáng suốt ra đời thì con đường độc quyền của đảng sẽ bị đốt cháy nhanh hơn vì vậy họ ra sức đàn áp các tập hợp chính trị manh nha từ trứng nước.
Để đất nước thoát ra khỏi sự cầm tù và phát triển lành mạnh, hơn lúc nào hết, người Việt cần phải có càng sớm càng tốt ít nhất là vài đảng chính trị mạnh. Người Việt có hoài bão cống hiến mạnh mẽ cho đất nước hãy nhanh chóng cùng nhau thiết lập các đảng chính trị đấu tranh cho đất nước sớm có nền chính trị khai phóng và đa nguyên.
Khi lực lượng chính trị tiềm năng xuất hiện, chính ĐCS sẽ ở vào thế phải cạnh tranh chính trị, lột xác, phân tách, thích ứng và thay đổi. Như mọi cuộc cạnh tranh khác, cuộc cạnh tranh chính trị sòng phẳng và lành mạnh sẽ mang đến những giải pháp chính trị sáng giá nhất, tối ưu nhất cho sự phát triển chung của dân tộc.
Cùng lời hứa hẹn theo khẩu hiệu “Người cầy có ruộng”, một marketing chính trị quá chuẩn xác cho một đất nước nông dân với hơn 95% dân số đang cơn khát ruộng, ĐCS đã nhanh chóng thâu tóm được một lực lượng quần chúng khổng lồ. Ngày nay cùng sự trưởng thành dần của dân trí, sự không thể chấp nhận sống lập lờ và ngắc ngoải, quyền mưu cầu sống cho ra kiếp con người cũng đang là cái mà tuyệt đại đa số dân chúng ngày đêm khát khao hướng tới.

Chặn giặc
Một chính thể Việt sáng suốt phải có những bước đi táo bạo trong việc nâng nội lực, kết bạn vây thù.
Tinh thần dân tộc cũng như bản tính tham lam của con người là một thứ khó có giới hạn. Hãy xem Mao vẫn được dân chúng Trung Quốc tôn thờ vì đã thâu tóm về cho Trung Hoa Tây Tạng, Aksai Chin thuộc Ấn Độ, Hoàng Sa của Việt Nam… Sau khi mang Crimea về uy tín Putin trong nước Nga tăng vọt. Tập, theo tinh thần các hoàng đế xưa cũng đang cần dâng lên bàn thờ Trung Hoa những thành tích lãnh thổ.
Theo suốt dòng lịch sử, nhà cầm quyền Trung quốc chưa bao giờ dừng dã tâm thôn tính, gặm nhấm Việt Nam. Nếu không có những chuyển biến lớn lao về thế và lực, Việt Nam không thể thủ thắng.
Chính phủ Trung quốc đang khá mạnh trên nòng súng. Như Marx từng khẳng định vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thay thế được sự phê phán bằng vũ khí. Lực lượng vật chất là tất yếu, phải mạnh đủ để chống Tàu. Thế đúng sẽ nhân lực lên nhiều lần.
Để đối kháng, chính phủ Việt Nam phải mạnh trên lòng dân.
Trung quốc có mấy tử huyệt là “Sắc tộc”, “Tôn giáo”, “Tham nhũng”, “Độc đảng”, “Phát triển nóng, mất cân đối vùng miền” và “Bành trướng”.
Đối sách của Việt Nam cần có là biết khôn khéo đi trước và làm ngược lại. Biến cái yếu của địch thành cái mạnh của ta.
Vụ trao trả người Duy Ngô Nhĩ tại cửa khẩu Bắc Phong Sinh ngày 18/04/2014 về ngay Trung quốc mới đây là một sai lầm tai hại của phía Việt Nam.
Việt Nam phải có đủ dũng khí và bao dung cho những người tỵ nạn về chính trị và tôn giáo đến từ Trung Quốc.
Xếp họ vào thế phản công của người Việt. Khi cứu giúp họ sẽ khiến cả thế giới văn minh về với chúng ta đồng thời mở thêm cho Trung quốc một mặt trận để đối phó.
Nếu có độc lập chính trị và tự do tôn giáo thực thụ thì cũng khả thi cả việc mời Đạt-lại Lạt-ma sang thuyết giáo ở Việt Nam.
Vụ này nếu có sẽ kéo theo một loạt căng thẳng ngoại giao mà càng gây sức ép càng làm Trung quốc cô đơn và mất mặt trên trường quốc tế.
Trung Quốc đấu đá và tham nhũng chúng ta phải kiên quyết pháp trị. Pháp trị nghiêm minh sẽ mang đến đoàn kết và thống nhất. Phát triển hài hoà sẽ mang tới ổn định bền vững.
Trước nguy cơ phân rã của suốt lịch sử gieo thù chuốc oán, Trung Quốc phải dốc sức toàn trị.
Ta, một dân tộc khá thuần nhất, phải nhanh chóng tiến tới đa đảng. Một Việt Nam đi trước, dân chủ, tự do và đa đảng sẽ là một địa chấn chính trị mạnh cho Trung Quốc, kích hoạt hàng loạt biến động ngoạn mục nơi đây.
Đối phó với cơn độc diễn bành trướng của Bắc Kinh chúng ta cần thực lòng liên minh và liên kết. Khác với Nga và Mỹ, đến giờ Trung quốc là một siêu cường duy nhất luôn thất bại trong chính sách kết đồng minh. TPP (Trans-Pacific Partnership) là cơ hội vàng cho chúng ta thoát Trung về kinh tế, cùng với sự chuyển hoá về nền chính trị đa nguyên và dân chủ, hùng mạnh về kinh tế, khai sáng về văn hoá, Việt Nam sẽ sớm đủ sức chung tay với những đối tác quốc phòng chiến lược hữu dụng.

Thoát bẫy
Dù chỉ chớm thoát bẫy ý thức hệ và làm nửa vời như công cuộc Đổi mới 1986 thì thế nước của chúng ta đã vọt lên. Thử tưởng tượng khi chúng ta hoàn toàn thoát bẫy!
Tai hại nhất của nền chính trị độc tài là làm ai cũng như đang ngồi trong bẫy, thui chột tiềm năng con người, vốn giá qúi nhất của dân tộc, tạo ra một xã hội thiếu năng động, ai cũng không dám nghĩ, không dám làm chỉ rặt sợ hãi và trông chờ.
Tiếp đó, bẫy thu nhập trung bình là nơi sân chơi lớn thành độc quyền riêng của các nhóm lợi ích. Thoát bẫy tức là biến sân chơi thành của mọi người, nơi mỗi cá nhân đều thăng hoa. Phát triển căn cứ chủ yếu trên tài năng và khế ước công bằng chung cho toàn xã hội… trên cơ sở đó cả xã hội cùng xốc tới, bốc lên và cất cánh.
Sự chuyển hoá này thực chất là cuộc cách mạng về tư tưởng, tiến tới thiết kế lại cơ cấu xã hội, tạo điều kiện để các lực lượng trong toàn xã hội được cùng vận động trơn tru và sòng phẳng. Tuyệt vời nhất là trước hoạ mất nước sự chuyển hoá này có thêm động lực để tiến hành bằng ý chí và quyết tâm chính trị của cả dân tộc.
Năm 1858 Pháp-đại diện của một nền văn minh cao hơn- tấn công Đà Nẵng. Triều đình nhà Nguyễn-ở một nền văn minh thấp hơn- nhanh chóng thua trận.
Nếu lãnh đạo và dân chúng Việt còn tính học Tàu và coi Tàu là thầy thì không bao giờ Việt Nam có thể thủ thắng được.
Thời đại mới đã cho dân tộc ta một cơ hội mới để canh tân và thủ thắng. Cầu thắng là phải bước qua nền độc tài kiểu Trung Hoa hướng tới nền văn minh cao hơn là dân chủ và pháp trị. Lấy dân chủ để chế độc tài, cũng là tiếp nối truyền thống Nguyễn Trãi xưa từng xác quyết:
“Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn
Lấy trí nhân để thay cường bạo”
Đó là con đường cần phải có để đọ sức lại những kẻ đang gây ra khủng hoảng.

12/5/2014
Phạm Ngọc Cương



No comments:

Post a Comment

View My Stats