Saturday, 3 May 2014

CHỚ ĐÁNH TRÁO KHÁI NIỆM, ÔNG NGUYỄN THANH SƠN (AFR Dân Nguyễn)




AFR Dân Nguyễn 
04-05-2014

Bản tin thời sự lúc 9h ngày 2- 5- 2014, của VTV1 Đài truyền hình VN có đưa thoáng qua phát biểu của ông Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng ngoại giao, liên quan tới “hòa giải, hòa hợp Dân Tộc”- điều mà báo Lề trái kêu gọi không ngớt, nhất là những dịp 30/4 hằng năm.


 Sau cái lời của ông Sơn là bài hát “Tiến về Sài Gòn” của Lê Hữu Phước, đính kèm với hình ảnh cả dàn đại pháo của “quân ta” không ngớt nã về phía “quân ngụy”. Chưa hết, sau bài hát hừng hực lửa chiến tranh đó, VTV có 3 khách mời. Tại trường quay, ba vị khách được hỏi và được trả lời về chiến tranh, về “chiến thắng vang dội” của “quân ta”…

Đó là màn nói về “hòa giải” thật hiếm hoi mà VTV cũng như báo chí của đảng, cực chẳng đã phải đề cập!. Đã có quân ta thì phải có quân địch. Thật hài hết chỗ nói, là ngay cả khi nói về hòa giải, hòa hợp, người ta cũng tranh thủ nói về chiến tranh, khoe về chiến thắng,…đặc biệt ngôn ngữ định danh “quân ta” với “quân địch”- yếu tố hàm chứa sự ly tán mà những người thành tâm ráng sức hàn gắn…cũng được VTV nói cách hả hê…

 Ông Sơn nói, đại ý, sau 30/4 có nhiều người VN bỏ nước ra đi, vì bất kể lý do gì cũng nên hướng về Đất Nước. Đảng và nhà nước luôn mong mỏi và tạo điều kiện để những người VN xa quê hương trở về… dù biết còn nhiều người ra đi mang hận thù với Đất Nước(!!!)…

Trước đây không lâu, người ta còn nhớ cũng chính ông này phát biểu, rằng nhiều người Việt ở hải ngoại biểu tình phản đối một ông quan cộng sản nhân chuyến ông này công cán tới Mỹ, là vì nhận tiền…

Với phát ngôn đó, ông bị “ném đá” tơi bời.

 Nay, ông Sơn lại khơi khơi nói còn nhiều người Việt ở hải ngoại còn mang hận thù với Đất Nước.

 Ai cũng biết sau cuộc chiến tranh VN, những di chứng của cuộc chiến không chỉ là phố phường, làng mạc bị tàn phá tan hoang bởi đạn bom, là chất độc da cam, là bom mìn còn sót lại, là những thương phế binh, là những nghĩa trang, nghĩa địa, là những bà mẹ VN anh hùng bên cạnh những bà má Miền Nam không còn nước mắt để khóc cho những đứa con “lính ngụy” chết thảm trên đường hành quân hay trên đường rút chạy trong những đám tàn quân, là những chết chóc, cướp bóc hãm hiếp trên biển trong dòng người di tản, trong dòng người vượt biển bỏ Nước ra đi, là một nền kinh tế bị chiến tranh tàn phá và con người âm mưu phá nát, là manh nha của một “chất phóng xạ” hủy hoại cả một dân tộc, phát ra từ một thể chế vừa được tung hô…

Di chứng của hậu chiến không chỉ là cái “gia tài của mẹ một rừng xương khô”, nhưng còn là “một nước Việt buồn”!.

Hậu quả nặng nề nhất, lâu dài và khó lòng khắc phục nhất, ấy là LÒNG NGƯỜI LY TÁN, là NƯỚC VIỆT BUỒN!...

Thế nên cần tới một cuộc hòa giải, hòa hợp Dân Tộc.

Nhưng để thực hiện hòa giải, hòa hợp Dân Tộc, người ta phải làm gì?

San lấp những hố bom đạn, không mấy khó khăn. Xây dựng lại phố phường làng mạc bị bom đạn tàn phá không mất quá nhiều thời gian và chẳng khó thực hiện.

Nhưng san lấp những khoảng trống tình người, những núi hận thù trong tim, thì không hề dễ.

Nó cần trước hết là sự thành tâm của ai đó muốn hòa giải, hòa hợp . Nói rằng nhiều người bỏ nước ra đi vẫn còn mang lòng hận thù Đất Nước, là cách nói thiếu trách nhiệm; nó cho thấy sự không thành tâm của ông Sơn, mà lúc này ông đang thay mặt cho đảng cs, để nói về hòa hợp, hòa giải Dân Tộc.

Đất Nước là danh từ chỉ cái không gian mà trên đó có con người sinh sống;  Khi ấy, Đất Nước mang ý nghĩa thiêng liêng. Vậy, có lý do gì những người phải bỏ Đất Nước để ra đi, lại mang lòng hận thù chính cái nơi chôn nhau cắt rốn của mình, hận thù người dân-đồng bào của mình mà mình từng gắn bó máu thịt?

Không! Trăm lần không, vạn lần không.

Họ chỉ hận thù một cái thực thể nhỏ bé nhưng đã gây ra sự đau khổ cho họ, cho người thân, cho đồng bào, cho Dân Tộc, cho Đất Nước họ. Đó là sự thật không thể chối cãi.

Những người vượt biển ra đi ngay sau ngày tàn cuộc chiến cũng như những người bỏ nước ra đi sau này, rải rác cho mãi tận thập kỷ 90.

Những người liều mình phó thác số phận cho hải tặc, chấp nhận làm mồi cho cá biển ở phía nam, hay những người chấp nhận vào tù nếu vượt biên không thành ở miền Bắc, mang gông “phản bội Tổ Quốc”, đương đầu với dông bão để tìm bến bờ tự do…Tất cả, tất cả họ, không ai mang lòng hận thù Đất Nước như ông Sơn nói. Họ chỉ hận thù và không lúc nào từ bỏ lòng hận thù với cái thực thể đã trực tiếp hay gián tiếp đẩy họ ra biển cả. Phải gạt nước mắt ra đi, họ không hề hận thù Đất Nước. Họ thương yêu, nhớ nhung Đất Nước thì có. Thậm chí họ thấy lại từng con phố, từng xóm làng, từng khuôn mặt thân quen của những người đang còn trên Đất Nước, giờ đã xa xôi…ngay trong cả giấc chiêm bao! Về lòng hận thù, không chỉ có ở người Việt nơi hải ngoại, mà còn ở rất rất nhiều người Việt  trong nước nữa. Chỉ có điều họ không hận thù Đất Nước như ông Sơn nói đâu. Cách nói của ông Sơn là đánh đồng Đất Nước với chế độ, là một dạng của đánh tráo khái niệm hay, như người ta vẫn nói “nhập nhèm đánh lận con đen”. Đó cũng là một dạng thức của tuyên truyền…
 
Tưởng đã đến lúc cần định nghĩa một cách khoa học với đầy đủ luận cứ luận chứng về ngày 30 tháng 4- ngày ghi dấu thành công của công cuộc bảo vệ Đất Nước hay chỉ là ghi dấu sự thành công bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và chủ nghĩa cộng sản?...

 May/3rd/2014


No comments:

Post a Comment

View My Stats