Friday, 16 May 2014

BOKO HARAM LÀ GÌ ? (Hùng Tâm - Người Việt)




Hùng Tâm
Wednesday, May 14, 2014 3:19:30 PM

Khủng bố Hồi Giáo trong khu vực Tây Phi

Trong có mấy tuần, một nhân vật bỗng nổi danh thế giới, được đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ nhắc tới trên mạng xã hội, trở thành kẻ bị truy lùng với giải thưởng cao nhất của Bộ Ngoại Giao Mỹ trên cả lục địa Phi Châu. Với báo chí thuộc loại “mì ăn liền” trong chuỗi tin liên tục của địa cầu, Abubakar Shekau đạt thành tích nóng bỏng này vì đã bắt cóc 276 nữ sinh của một trường nội trú tại Nigeria để tống tiền hoặc bán làm nô lệ. Sự thật lại rắc rối hơn vậy, vì đấy là một tên khủng bố cầm đầu tổ chức mệnh danh là Boko Haram và đang làm rung chuyển khu vực Tây Phi.

“Hồ Sơ Người Việt” tổng hợp một số sự kiện về tổ chức này. Boko Haram là gì?...

Boko Haram tại Nigeria

Theo phương ngữ Hausa (đọc là hao-xơ) thông dụng tại nhiều nước ở miền Tây Phi Châu, “Boko Haram” có nghĩa rất lạ là “Giáo dục Tây phương là tội ác.” Người dân Nigeria gọi lực lượng này là “Taliban của Nigeria” vì họ chủ trương xây dựng một chế độ cai trị bằng giáo luật Sharia của đạo Hồi. Từ Tháng Chín năm 2011, những người theo Boko Haram thì cải chính rằng giáo luật đó đã sẵn có tại miền Bắc của Nigeria, khác biệt là họ muốn áp dụng nghiêm ngặt hơn.

Qua danh xưng bằng tiếng Á Rập, họ là “Nhóm quyết tâm quảng bá lời dạy của Ðấng Tiên Tri và thi hành Thánh Chiến”: Jama'atu Ahlis Sunna Lidda'awati wal-Jihad. Hiểu nôm na thì Boko Haram là nhóm võ trang (từ ý nghĩa Jihad, Thánh Chiến), nổi lên chống mọi khái niệm văn hóa Tây phương để xây dựng chế độ thần quyền Hồi Giáo ở miền Bắc xứ Nigeria bằng phương pháp khủng bố.

Lực lượng này xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2002, tại thủ phủ Maiduguri của tiểu bang Borno ở vùng Tây Bắc nước Cộng Hòa Liên Bang Nigeria.

Muốn hiểu rõ bối cảnh, hãy nói trước hết về Nigeria.

Với diện tích hơn 900 ngàn cây số vuông (gấp đôi California) và dân số hơn 170 triệu, Nigeria là quốc gia đông dân nhất Châu Phi, hơn hẳn Cộng Hòa Nam Phi. Nằm tại Tây Phi, lãnh thổ xứ này tiếp cận với (theo chiều kim đồng hồ từ sáu giờ) Vịnh Guinea mở ra Ðại Tây Dương rồi các nước Benin, Niger, Chad và Cameroon, trùm lên 36 tiểu bang và vùng trung ương có thủ đô là Abuja. Abuja mới chỉ được chọn làm kinh đô từ năm 1991 do vị trí ở trung tâm, khác cố đô Lagos có hơn 20 triệu dân là hải cảng bên bờ biển phía Tây. Chi tiết đó không thừa đâu!

Nigeria có khoảng 250 sắc tộc khác nhau, gọi là bộ lạc cũng chẳng sai. Ðông dân nhất thì có bốn thị tộc Yoruba, Igbo, Hausa-Fulani và Ijaw. Xưa kia, Nigeria là đất bảo hộ của Ðế quốc Anh. Sau khi giành lại độc lập năm 1960, bốn thị tộc ấy thường xuyên mâu thuẫn và xung đột để tranh giành ảnh hưởng, quyền bính và tài nguyên quốc gia. Người và tài nguyên là hai bài toán đáng chú ý.

Khoảng phân nửa dân số Nigeria là theo Hồi Giáo, phân nửa theo Thiên Chúa Giáo, một thiểu số rất nhỏ vẫn giữ tín ngưỡng thần linh nguyên thủy. Người Hồi Giáo thì tập trung ở miền Bắc, là đất nghèo hơn vì chỉ có rừng núi và ít tài nguyên thiên nhiên. Ða số dân Nigeria theo Thiên Chúa Giáo thì sống ở miền Nam, trù phú và thịnh vượng hơn nhờ làm ăn với bên ngoài qua cảng Lagos, và nhờ châu thổ sông Niger, nơi cung cấp tới 90% dầu thô và khí đốt cho quốc gia.

Với tổng sản lượng trị giá hơn 300 tỷ đô la (năm 2013), kinh tế Nigeria thuộc loại trung bình thấp, nhưng vẫn gấp đôi Việt Nam. Vấn đề là sự phân bố lợi tức đó khi Nigeria thường có xung đột giữa bốn thị tộc. Xuất phát từ miền Bắc, thị tộc Hausa-Fulani có thế lực khá mạnh với đa số theo Hồi Giáo và thường tấn công các bộ tộc nhỏ yếu hơn ở miền Nam, đa số theo Thiên Chúa Giáo.

Cho nên ngoài xung đột sắc tộc, Nigeria lại có thêm mâu thuẫn giữa dân Hồi Giáo và dân Thiên Chúa Giáo ở vùng giao tiếp giữa hai tôn giáo này. Ðiển hình là biến động tại thủ phủ Jos của tiểu bang có tên là Cao Nguyên (Plateau State) nằm tại miền Trung ở giữa. Mâu thuẫn tôn giáo lồng trong việc tranh đoạt ảnh hưởng chính trị và quyền lợi kinh tế là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của Boko Haram.

Boko Haram, từ dao rừng đến bom xe

Tại Nigeria, xung đột tôn giáo đã có từ ba chục năm trước trong vùng giao tiếp giữa Hồi Giáo và Thiên Chúa Giáo.

Khi xuất hiện từ năm 2002 từ vùng đất này, Boko Haram cũng chỉ là một nhóm ô hợp, tham gia trò chém giết bằng gậy gộc và dao rừng rồi mới dùng đến súng nhỏ để sát hại dân Nigeria theo Thiên Chúa Giáo.

Nhưng Boko Haram có ba thành tích đáng chú ý, là hỏa lực, địa bàn và phương pháp.

Về hỏa lực, từ năm 2010, lực lượng này bắt đầu dùng bom xăng, “Cocktail Molotove” rồi loại bom thủ công nghệ loại nhỏ, “improvised explosive devices” hay IED, được nép từ xe gắn máy hoặc đặt ở gần mục tiêu tấn công. Qua năm 2011 thì đã dùng cả bom xe, tức là chất nổ đặt trong xe hơi, “vehicle-borne improvised explosive devices” hay VBIED. Ban đầu còn thô vụng vì là xe hơi đặt ở khá xa mục tiêu, sau đó mới là bom xe tự sát: hung thủ chết trong xe nổ giữa mục tiêu. Mức độ tàn sát gia tăng nhờ hỏa lực ngày một mạnh là thành tích đầu tiên.

Ðáng chú ý hơn nữa là Boko Haram mở rộng mục tiêu và tấn công ở khu vực nằm ngoài vùng đất nguyên thủy là tiểu bang Borno, như tại Yobe hay Adamawa, và có khi còn ra tay ngay trong vùng châu thổ sông Niger. Ðịa bàn rộng lớn hơn cho thấy khả năng bành trướng của lực lượng.

Và mục tiêu tấn công không chỉ là nhà thờ hay chợ búa của dân Thiên Chúa Giáo trong mùa Giáng Sinh mà còn là trụ sở cảnh sát ngay tại thủ đô Abuja. Tức là lực lượng kết nạp được đặc công và có thể đưa người vào đất lạ để tấn công các mục tiêu quan trọng hơn của chính quyền trung ương.

Nhưng đáng chú ý hơn vậy là phương pháp hành động của Boko Haram.

Không chỉ dùng võ khí có mức tàn sát cao hơn, và nhắm vào mục tiêu ở xa, Boko Haram còn áp dụng cả phương pháp khủng bố tự sát kể từ năm 2011 và qua năm sau thì tấn công loại mục tiêu mềm, khó phòng thủ, đó là trụ sở các cơ quan chuyên môn của Liên Hiệp Quốc và còn hăm dọa các khách sạn quốc tế. Ngoài dân Thiên Chúa Giáo, lực lượng này muốn giết nhân viên quốc tế và thường dân ngoại quốc. Phương pháp của Boko Haram có đặc tính tiêu biểu của khủng bố.

Và họ có liên hệ đến các nhóm khủng bố Hồi Giáo. Chúng ta đi đến chuyện ngày nay...

Khủng bố Boko Haram và AQIM, AQAP cùng Al Shabaab

Từ năm 2009, chính quyền Nigeria đã đối phó với Boko Haram và giết được lãnh tụ Mohammed Yusuf, nên Abukaba Shekau lên thay, cùng viên chỉ huy lực lượng võ trang là Mamman Nur. Nếu Abubaka có vẻ huênh hoang phường tuồng của một tù trưởng nhiều tham vọng ở cấp quốc gia thì Mamman Nur mới là tay cuồng tín Hồi Giáo.

Sau khi nhường vị trí thủ lãnh cho Abubaka, Nur đã qua Somalia hợp tác với lực lượng khủng bố Hồi Giáo al Shabaab và năm 2011 thì trở về với phương pháp đấu tranh mới, theo kỹ thuật mới, kể cả lối tấn công các cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Khi ấy, truyền thông Hoa Kỳ mới bắt đầu quan tâm đến chuyện Boko Haram.

Ðầu tháng 11 năm 2011, Tòa Ðại Sứ Mỹ tại thủ đô Abuja ra lệnh báo động vì tin tình báo cho biết Boko Haram có thể tấn công các khách sạn Hilton, Sheraton và Nicon Luxury.

Tin đó xuất hiện sau hàng loạt những vụ phá hoại và tấn công của Boko Haram ở nhiều nơi và dư luận mới chú ý đến việc Hoa Kỳ đã kín đáo trợ giúp và huấn luyện an ninh Nigeria từ lâu. Khi đó, Bộ Ngoại Giao Mỹ dưới thời Ngoại Trưởng Hillary Clinton tránh gọi Boho Haram là lực lượng khủng bố để khỏi quảng cáo thêm cho nhóm “dân quân quá khích” này. Thật ra, Hoa Kỳ chú ý đến vụ này vì đặc công của Boko Haram đã được sự yểm trợ của các tổ chức khủng bố theo tinh thần Al Qaeda. Ðó là al-Qaeda trong vùng Maghreb Hồi Giáo (Al Qaeda in the Islamic Maghreb AQIM) và Al Qaeda tại Bán đảo Á Rập (Al Qaeda in the Arabian Peninsula AQAP).

Trong một năm có bầu cử tại Mỹ, khi việc diệt trừ khủng bố al-Qaeda coi như hoàn thành mỹ mãn với việc hạ sát lãnh tụ Osama bin Laden từ năm trước, Hoa Kỳ lấy một quyết định có tính chất chính trị với hậu quả pháp lý: Boko Haram không thuộc danh mục “khủng bố” và phải được đối phó như khủng bố. Ngay cả chữ “khủng bố” cũng tránh được sử dụng.

Nhưng thực chất thì Boko Haram là một tổ chức khủng bố, có quan hệ với các lực lượng khủng bố Hồi Giáo quanh vùng Trung Ðông, và đang gây ảnh hưởng vào Châu Phi. Với vụ bắt cóc các nữ sinh, lực lượng này đã được sự tuyên truyền miễn phí mà công hiệu gấp bội của Hoa Kỳ.

Từ Ðệ Nhất Phu Nhân Michelle Obama tới minh tinh màn bạc, ai ai cũng nói đến Boko Haram - chỉ tránh dùng chữ khủng bố! Thật ra, vấn đề lại rắc rối hơn chuyện tuyên truyền và quảng cáo để lấy lòng phụ nữ.

Lãnh tụ Abukaba Shekau có hai mục tiêu gần như đối nghịch. Một đàng thì gương cờ Thánh Chiến để được khủng bố Hồi Giáo yểm trợ. Một đàng thì muốn là thủ lãnh lực lượng dân quân có thế lực nhất Nigeria để đòi chia chác quyền hành và ảnh hưởng. Anh ta noi gương đương kim tổng thống Nigeria là Goodluck Jonathan.

Là thủ lãnh có lực lượng võ trang riêng gọi là Phong Trào Thăng Tiến dân Nigeria tại vùng Châu Thổ sông Niger (MEND), từ 2005 đến 2001, Jonathan ra tay tấn công các căn cứ dầu hỏa và bắt cóc nhân viên quốc tế để đòi thêm quyền hạn cho thị tộc và bản thân trước khi lên làm tổng thống!

Có khi lãnh tụ Abukaba Shekau cũng chỉ mong vậy. Vì thế, Boko Haram mới tấn công những mục tiêu còn mềm hơn trụ sở Liên Hiệp Quốc hay các khách sạn quốc tế. Mục tiêu là trường nội trú. Nam sinh thì giết thẳng tay, nữ sinh thì đem bán lấy tiền.

Và nhờ đó lại nổi danh thiên tài Hồi Giáo, được Hoa Kỳ treo giải bảy triệu đồng!

Kết luận ở đây là gì?

Lực lượng Boko Haram đang ở giữa một giai đoạn chuyển tiếp với phương pháp đấu tranh mới, mang tính chất thổ phỉ nhiều hơn là khủng bố. Phải chăng, điều ấy cũng ảnh hưởng đến đối sách của các nước? Ðối sách ấy có là tiếp tay tuyên truyền cho họ? Hay lại thả quân vào giữa các cuộc xung đột thị tộc và tôn giáo?



No comments:

Post a Comment

View My Stats