Saturday, 17 May 2014

BIỂU TÌNH Ở VIỆT NAM : KHÔNG CHỈ ĐỂ CHỐNG TRUNG QUỐC (Joshua Kurlantzick - Council on Foreign Relations)




Joshua Kurlantzick

Diên Vỹ chuyển ngữ
Thứ Bảy, 17/05/2014

Những người biểu tình chống Trung Quốc tuần hành trên đường phố Hà Nội ngày 11 tháng Năm, 2014 (Nguồn: Kham – Reuters)

Những cuộc biểu tình nổ ra vào đầu tuần này tại các nhà máy ở miền Nam Việt Nam đã dẫn đến việc hàng trăm người bị bắt giữ trong hai ngày qua. Những người biểu tình đã đốt cháy một số nhà máy và đập phá nhiều cơ xưởng trong các khu công nghiệp ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh. Không biết được chính xác số người bị bắt là bao nhiêu, nhưng một số nhà hoạt động nhân quyền mà tôi liên lạc được ước đoán hiện nay con số này lên đến nhiều trăm người, không chỉ vài trăm người mà một số báo chí đưa ra hôm thứ Tư. Tuy nhiên, rõ ràng là bài tường thuật về cuộc bạo loạn trên tờ New York Times đã đúng khi gọi đây là sự kiện phá rối công cộng tồi tệ nhất trong lịch sự cận đại Việt Nam. Đã từng có những cuộc biểu tình và nổi loạn chết người nghiêm trọng hơn tại những khu vực thôn quê Việt Nam trong những năm qua, nhưng những cuộc biểu tình và đàn áp này ít được mọi người lưu tâm, và chúng cũng không tập hợp được số lượng người tham gia lớn như những cuộc bạo loạn xảy ra gần Thành phố Hồ Chí Minh trong tuần qua.

Đa số những tường thuật về các cuộc biểu tình trong khu công nghiệp chỉ chú trọng vào khía cạnh chống Trung Quốc của những người tham gia; những người này được cho là thoạt tiên chỉ biểu tình để phản đối hành động vừa rồi của Bắc Kinh tại khu vực biển Đông, nơi họ vừa đặt một giàn khoan trong vùng biển vốn được Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh đã dùng những chiến thuật mạnh bạo bao gồm việc đâm và bắn súng nước vào các tàu Việt Nam nhằm cản trở các tàu tuần duyên của Việt Nam tiến gần đến giàn khoan và phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đặc khu kinh tế trên biển Đông. Đương nhiên, Bắc Kinh cũng đã bác bỏ việc đưa các tuyên bố chồng chéo về hải phận ra toà án quốc tế như Philippines muốn, và họ cũng đã ngăn chặn những nỗ lực nhằm tạo ra một qui chế hành xử trên biển Đông với các nước ASEAN. Hành động của Trung Quốc đối với các tàu tuần duyên Việt Nam có thể xem là gây hấn nhất trong hai mươi năm qua, ngay cả so với thái độ vốn đã hung hăn hơn của Bắc Kinh trong vài năm qua. Và Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu dừng bước.

Rõ ràng là những cuộc biểu tình xảy ra một phần là vì tinh thần chống Trung Quốc, vốn rất dễ dàng nảy sinh ở Việt Nam. Ít nhất là khi khởi đầu, những người bạo loạn rõ ràng là đã tìm cách tấn công những nhà máy mà họ cho là mang tên Trung Quốc. Tuy nhiên, tôi không cho rằng những cuộc biểu tình ở ngoại ô Thành phố Hồ Chí Minh được châm ngòi bởi chỉ vì tinh thần chống Trung Quốc; nhiều người biểu tình, ngay cả khi họ được thôi thúc bởi tinh thần chống Trung Quốc, cũng có một số lý do quan trọng khác để biểu tình. Những người biểu tình được cho là đã hô những khẩu hiệu khi tấn công không chỉ đơn thuần là chống Trung Quốc. Trong năm năm qua, Việt Nam, vốn chưa bao giờ là một xã hội tự do, đã ngày càng trở nên khép kín và áp bức. Trong thời gian này chính quyền đã có những cuộc đàn áp khắc nghiệt đối với các nhà hoạt động, các nhà văn và các blogger hơn hẳn bất cứ quốc gia nào khác trên thế giới. Chính quyền đã thông qua những đạo luật hà khắc nhất nhằm giới hạn mạng Internet và truyền thông xã hội hơn bất cứ nước nào trên thế giới. Trong khi năm hoặc mười năm trước những than phiền về chính quyền và nạn tham nhũng thì phổ biến trong những câu chuyện riêng giữa những người trí thức thì giờ đây thậm chí người ta cũng ngại chỉ trích chính quyền một cách riêng tư. Sự đàn áp ngày càng tăng này, vào thời điểm khi nền kinh tế Việt Nam đang suy giảm một cách nghiêm trọng, trong khi số người gia nhập lực lượng lao động lại tăng lên, và chính quyền đã không thực hiện được những hứa hẹn cải cách kinh tế, diệt trừ tham nhũng và cắt giảm những phung phí tại các doanh nghiệp nhà nước, đã dẫn đến một lực lượng chống đối có tiềm năng bùng nổ trong xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đấy, công nhân tại các nhà máy sản xuất tại Việt Nam ngày càng trở nên chán nản vì không thể đòi hỏi được điều kiện làm việc tốt hơn tại tất cả các nhà máy chứ không chỉ tại những nơi do các công ty Trung Quốc sở hữu. Tổ chức công đoàn Việt Nam trực thuộc chính quyền chỉ là một thứ bù nhìn, bởi thế Việt Nam hiện nay đang chứng kiến những cuộc đình công tự phát ngày càng nhiều của công nhân.

Bởi thế, trong khi tinh thần chống Trung Quốc có thể đã đóng vai trò trọng yếu trong các cuộc biểu tình trên, thái độ giận dữ trước Bắc Kinh không là động cơ duy nhất ở đây. Hà Nội đang điều động nhiều tiểu đoàn an ninh đến để bắt giữ những người biểu tình, có lẽ là họ hối hận khi đã cho phép những cuộc biểu tình chống Trung Quốc diễn ra một cách ôn hoà tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh trước khi các cuộc bạo động xảy ra. Nhưng trừ phi Hà Nội nhận ra rằng thái độ giận dữ vì những chính sách của chính quyền cũng dẫn đến bất ổn, họ sẽ chẳng làm được gì nhiều để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cơn giận này.



No comments:

Post a Comment

View My Stats