Wednesday, 7 May 2014

ANH CHỊ CÓ ĐI BIỂU TÌNH KHÔNG ? (Cánh Cò)




Wed, 05/07/2014 - 06:51 — canhco

Đây không phải là lời hỏi chơi, phía sau mệnh đề này là một chuỗi những việc đáng suy gẫm và nếu nói chính xác hơn: Đáng hối hận.

Khi giàn khoan HD 981 tiến vào vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam nhiều người đã lên tiếng: Phải biểu tình chống nó. Không ít người im lặng, một sự im lặng giận dỗi.

Những gì đã xảy ra trong các lần biểu tình chống Trung Quốc trước đây cứ tưởng nếu chính quyền vì mấy mẫu tự từ 4 tới 16 không dám lên tiếng ủng hộ thì cũng không nhất thiết phải mang quân đàn áp. Người biểu tình được gọi là tụ tập, được gán đủ thứ tội lên đầu, được âu yếm mang ra tổ dân phố đấu tố và được truyền hình hết lời sỉ vả. Vậy nhưng dân vẫn ra bờ hồ và vẫn mang theo cờ đỏ vẫy lung tung trên bầu trời Hà Nội.

Dân không sợ khi đi biểu tình nhưng phản ứng có vẻ tiêu cực lần này làm cho chính quyền ngạc nhiên lẫn bối rối. Họ không màng tới chuyện biểu tình nếu có một phát động từ nhà nước chống lại sự trơ tráo của Tàu bởi vì họ nghĩ rằng người phát động biểu tình cũng trơ tráo không khác gì bọn ngoài kia.

Đâu đó một vài thông tin cho thấy nhà nước lần này sẽ không ngăn cản nếu biểu tình chống Trung Quốc xảy ra và thậm chí còn tổ chức cho đoàn thanh niên cộng sản kết hợp với dư luận viên làm những cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược nữa.

Dân tình trên mạng im ắng, đâu đó có tiếng cười khúc khích chế nhạo. Có người nhổ nước bọt khinh bỉ và có người còn thẳng thắn: ông không để chúng mày cưỡi lên lưng mà đi.

Phản ứng này là có thật và dẫn tới một câu hỏi phải chăng chính sách ngoại giao bằng đầu gối nay đã có kết quả, dù chỉ diễn ra trong một thành phần xã hội?

Thành phần quan tâm hàng ngày tới các động thái lớn nhỏ của Trung Quốc là những cư dân mạng với khả năng khoảng vài trăm ngàn người. Số còn lại trong gần chín mươi triệu dân không hề biết điều gì đang xảy ra. Họ là nông dân, là giới mua gánh bán bưng, là công nhân viên trong những nhà máy, khu chế xuất hoàn toàn không biết những gì đang xảy ra tại vùng biển của đất nước đang bị người Tàu xâm lược trắng trợn.

Họ chưa bao giờ đi biểu tình và lần này họ cũng sẽ không rời khỏi nhà nếu ai đó kêu gọi biểu tình. Trung Quốc đối với họ là những người khách du lịch xí xô xí xào ngoài đường phố và hoàn toàn vô hại. Họ không hề biết thế nào là xâm lăng từ trong ra ngoài. Từ văn hóa tới kinh tế, từ lý luận trong hệ thống chính trị đến triết lý dạy dỗ cho học sinh trong nhà trường. Họ không khái niệm được sự khác nhau giữa bauxite hay bọ xít. Họ cắm mặt xuống ruộng lúa, miệt mài trước những đôi giày thể thao cần may gấp để xuất khẩu, hay còng lưng dưới quang gánh dong ruỗi khắp đường phố rao khản giọng cho một buổi tối no lòng.

Đối với hơn 90 % người dân ấy, biểu tình chống Trung Quốc là một việc làm kỳ lạ. Sự kỳ lạ mà nhà nước cố tình mang đến cho họ với ý niệm “làm chính trị”. Cụm từ cấm kỵ này từ lâu không có trong bất cứ bữa cơm nào của người dân từ nghèo tới đủ ăn hay giàu có.

Nó chỉ xuất hiện trên Facebook, trên báo lể trái, trên những tiếng hô rời rạc, lạc giọng giữa bờ hồ Hà Nội hay trước tượng đài Lý Thái Tổ khi mà tiếng loa, tiếng hát hò từ những chiếc loa hết công suất, hay tiếng máy khoan cắt đá át cả giọng của họ.

Bây giờ nhà nước kêu gọi chính những người ấy đi biểu tình dưới ngọn cờ do chính quyền dẫn đầu, nhà nước có thấy ít nhiều ngượng ngập hay không?

Mới ngày hôm qua ông Tổng Bí thư còn kêu gào chống tham nhũng khi giàn khoan đã vào đến đất nước bằng chính phương tiện mà ông ta đang rêu rao đòi chống.

Nếu Bộ Chính trị không tham nhũng thì lấy đâu ra dự án Bauxite dành trọn cho Tàu?
Nếu Bộ Chính trị không tham nhũng thì tất cả các dự án lớn nhỏ khắp nước sẽ không vào tay các nhà thầu Tàu vốn nổi tiếng thừa khả năng hối lộ lẫn gây hư hỏng?
Nểu Bộ Chính trị không tham nhũng thì tại sao mở cửa biên giới phía Bắc ưu tiên cho hàng hóa tiểu ngạch của Tàu tràn vào thắt cổ hàng hóa Việt Nam?
Nếu Bộ Chính trị không tham nhũng thì tại sao lại cố giữ cho được điều 4, một điều chỉ cốt làm câm miệng người dân?
Nếu Bộ Chính trị không tham nhũng….

Bộ Chính trị khi sang Tàu thì vặn hết công suất của báo chí ca ngợi chuyến đi còn khi Tàu vào sân nhà thì bán cái, đẩy một ông Phó thủ tướng ra nói lời phải quấy.

Người nói với chính phủ Tàu chuyện xâm lược phải là Thủ tướng chính phủ. Người nói chuyện với Đảng cộng sản Tàu là Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam chứ không ai khác.

Chính phủ đẩy ông Bộ trưởng ngoại giao ra tuyến đầu để tránh gặp phản ứng nếu câu chuyện may mắn được giải quyết, khi ấy Tổng Bí thư sang Tàu sẽ không phải nói lời xin lỗi.

Người biểu tình chống Trung Quốc trước đây khi được nhà nước kêu gọi tham gia biểu tình lần này họ sẽ có cảm giác như đang bị đẩy ra phía trước giống như ông Phạm Bình Minh, và vì thế họ khước từ sứ mạng có vẻ vinh dự ấy.

Đây là dịp cho 80 ngàn dư luận viên chứng tỏ sự năng nổ của mình. Nểu cả họ cũng không chịu tham gia hay tham gia chiếu lệ thì kể như nhà nước này mất trắng.

Còn anh chị, có đi biểu tình không?




No comments:

Post a Comment

View My Stats