Wednesday, April 9, 2014
Lý do mất miền Nam vào tay
cộng sản đến bây giờ vẫn còn được tranh cãi, dù ai cũng thấy nguyên nhân chính
là việc Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam VN. "Tiền đồn chống cộng" này không
còn cần thiết nữa, sau khi Mỹ biết Trung Cộng vào thời gian đó không có ý định
và chưa đủ khả năng nhuộm đỏ vùng Đông Nam Á. Những sửa soạn cho việc Mỹ rút
khỏi VN đã được thực hiện với chương tình Việt Nam Hóa chiến tranh. Đến năm
1972, sau khi Cố vấn An ninh Kissinger và TT Nixon sang Tàu nói chuyện với Mao
Trạch Đông và Chu Ân Lai thì ván bài đã được lật ngửa. Không đầy một năm sau,
ngày 27-1-1973, Hiệp Định Paris chấm dứt chiến tranh VN được ký kết, với phần
thua thiệt về phiá Nam VN, phần thắng lợi bất ngờ về phiá Bắc Việt, và Hoa Kỳ
được "rút lui trong danh dự".
Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu
kinh lý
Cầm bản dự thảo
Hiệp Định đã được Mỹ và Bắc Việt phó thự (initial), Cố vấn Kissinger đi Sài Gòn
bắt TT Nguyễn Văn Thiệu ký. Nếu TT Thiệu ký ngay thì chẳng khác gì ký vào tờ
khai tử của chính ông và của cả miền Nam. Bản dự thảo coi như chung quyết
(final draft) này dự trù TT Thiệu phải từ chức liền, trao chính quyền cho Hội
Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc gồm 3 thành phần (Quốc, Cộng và thành phần thứ ba
ở giữa). Hội đồng sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử để bầu lên một chính quyền
mới cai trị miền Nam. Một điều khoản khác vô cùng tai hại là trong khi các lực
lượng quân sự của Hoa Kỳ và của các nước đồng minh (Đại Hàn, Úc, Thái, Phi Luật
Tân) phải rút đi thì những đơn vị quân đội chính qui của Bắc Việt vẫn được
quyền ở lại miền Nam. Dĩ nhiên TT Thiệu, Quốc Hội và chính phủ VNCH phản đối.
Kissinger không thành công trong việc thuyết phục TT Thiệu. Ông ta giận dữ ra
về và thề không trở lại Sài Gòn nữa. TT Nixon phải cử tướng Alexander Haig,
Tổng Quản Trị (Chief of staff) Phủ Tổng Thống, qua Sài Gòn điều đình và làm áp
lực tiếp. Cuối cùng Mỹ cũng phải thỏa hiệp không đòi TT Thiệu từ chức, không
thay thế chính quyền miền Nam bằng Hội Đồng Hòa Giải Hòa Hợp Dân Tộc, nhưng giữ
nguyên điều khoản không buộc quân đội Bắc Việt rút khỏi miền Nam, vì sợ cộng
sản sẽ không nhượng bộ điều này. Kissinger phải đi điều đình lại với Lê Đức
Thọ. Phiá cộng sản không chịu sửa đổi bản thảo Hiệp định, Mỹ phải dội bom Hà
Nội và phong tỏa hải cảng Hải Phòng vào những ngày cuối năm 1972 để làm áp lực.
Cuối cùng Hà Nội cũng phải nhượng bộ nhưng vẫn còn lời chán vì họ được giữ quân
tại miền Nam để tiếp tục cuộc chiến tranh xâm chiếm. Thế là Hiệp định Paric
được ký vào ngày 27-1-1973.
Để buộc TT Thiệu phải làm theo ý Hoa Kỳ, TT Nixon dùng chiến thuật vừa dỗ vừa
dọa. Một mặt ông viết thư cho TT Thiệu hứa hẹn tiếp tục gúp đỡ VNCH, trừng phạt
cộng sản nếu vi phạm Hiệp định, một mặt ông chính thức hăm dọa "không
muốn trường hợp TT Ngô Đình Diệm tái diễn" (Xem Palace Files và Khi
Đồng Minh Tháo Chạy của Nguyễn Tiến Hưng). Những tài liệu liên quan tới những
lời TT Nixon nói về TT Thiệu đã được giải mật và lưu trữ tại Thư viện Nixon ở
Yorba Linda, California, cho thấy Nixon rất giận dữ trước việc ông Thiệu chống
đối những điều khoản căn bản của bản dự thảo Hiệp định. Cuốn băng ghi âm từ
1973 dài 150 giờ và viết lại thành 30,000 trang đã được giải mật và đã được ông
Hughes, nhà chuyên môn nghiên cứu các băng ghi âm của các tổng thống Mỹ, tiết
lộ Nixon đã từng nói trong một phiên họp tại Bạch Ốc về ông Thiệu: "Tôi
không rõ đe dọa đó có đủ hay không, nhưng tôi sẵn sàng làm bất cứ điều gì, kể
cả cắt đầu của hắn nếu cần thiết" (cut off his head if necessary -
Nguồn: BBCvietnam.com June 24, 2009). Dĩ nhiên, Nixon nói điều này trong lúc
nóng giận nhưng cũng phản ảnh một phần sự thật. Chính tướng Alexander Haig cũng
viết trong hồi ký là vào thời điểm đó, tên ông Thiệu thường được nhắc tới trong
các cuộc thảo luận và có người đưa ý kiến ám sát ông Thiệu. Tướng Alexander
Haig viết thêm: "Nixon rất mong muốn giải quyết chuyện Việt Nam cho
xong và chia sẻ sự bực bội và tức giận như núi lửa của Kissinger đối với người
đồng minh cứng đầu này (ám chỉ ông Thiệu) đã gây trở ngại lớn nhất cho ông
trong việc kết thúc cuộc chiến" (1).
Dọa nhau như thế, nhưng Mỹ đã không dám làm, vì không dại gì gây chuyện rắc rối
mới khi sắp đến cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2 của TT Nixon. Vì vậy thầy trò Nixon phải
thuyết phục VNCH bằng những hứa hẹn trừng phạt những vi phạm Hiệp định và tiếp
tục viện trợ cho Nam VN. Khi tiếp ông Nguyễn Phú Đức, Phụ Tá Ngoại Giao của TT
Thiệu tại tòa Bạch Ốc, TT Nixon đã hứa sống hứa chết (he repeated his bedrock
assurance) là sẽ bỏ bom Bắc Việt một cách nặng nề nếu Bắc Việt vi phạm hỏa ước
(2). Về phần Ngoại Trưởng Henry Kissinger (nhận chức Bộ Trưởng Ngoại Giao ngày
22-9-1973) cũng viết trong hồi ký rằng chính TT Nixon, Bộ trưởng Quốc Phòng và
các giới chức cao cấp của Mỹ đều xác nhận nhiều lần với ông Thiệu là chính phủ
Hoa Kỳ sẽ buộc Bắc Việt phải tôn trong Hiệp định (3). Hứa như vậy chỉ là để ông
Thiệu yên tâm ký một hiệp ước bất lợi. Thực tế, Mỹ chỉ muốn chấm dứt chiến
tranh "trong danh dự", có nghiã là lấy được tù binh về, rút chân khỏi
vũng lầy VN, mặc cho Nam VN rơi vào tay cộng sản, trong một "khoảng thời
gian coi được" (decent interval). Vì thế Hành Pháp bầy trò đề nghị Lập
Pháp viện trợ cho Nam VN 700 triệu Đô-la. Lập Pháp lờ đi. TT Gerard Ford lại
yêu cầu viện trợ khẩn cấp 300 triệu. Quốc Hội lấy cớ nghỉ hè, không thể triệu
tập phiên họp cứu xét. Một khi người ta đã quyết tâm bỏ cho chết luôn, làm sao
có thể cho tiền để sống lay lứt thêm một thời gian nữa?
Sau khi miền Nam rơi vào tay cộng sản, ông đạo diễn phù thủ Kissinger mới viết
vuốt đuôi "Lúc này tôi nghĩ tới một ông tướng VN nhỏ bé, một người yêu
nước". Ở một đoạn khác, ông viết:"Tôi có rất ít tình bạn cá nhân
với ông Thiệu, nhưng nhìn ông theo đuổi cuộc chiến đấu một cách cô độc sau khi
người Mỹ rút lui, tôi thấy mến phục ông ấy rất nhiều. Ông ít được thương hại,
cũng cũng không được nhiều người hiểu, nhưng những điều đó không ảnh hưởng gì
tới nhân cách của ông" (4).
Đúng là những lời ai điếu để an ủi. Chính Kissinger đã tiên đoán với Nixon là
sau 2 năm ký Hiệp định Paris, miền Nam VN sẽ sụp đổ. Các chính khách có thói
quen chỉ đấm ngực nhận lỗi sau khi rời chức vụ. Về trường hợp Việt Nam, cựu
Tổng Thống Richard Nixon viết cả một cuốn sách rút những kinh nghiệm sai lầm, No
More Vietnams. Cựu Ngoại Trưởng Henry Kissinger viết hồi ký có những đoạn
xoa vuốt Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và gần đây đã chính thức xin lỗi về những
sai lầm của mình. Ông còn xác nhận trong khi Mỹ chấm dứt viện trợ cho miền Nam
thì khối Xô Viết vẫn tiếp tục cung ứng đầy đủ các tiếp liệu cho Bắc Việt. Cựu
Bộ Trưởng Quốc Phòng Melvin Laird nói rằng các khoản viện trợ Mỹ dành cho VNCH
đã bị cắt theo yêu cầu của các thế lực chính trị Mỹ, đưa tới kết qủa chung cuộc
là chế độ miền Nam VN thua trận vào ngày 30-4-1975 (VOA 2-7-2007).
Khi nhìn thấy vấn đề thì đã trễ. Nhưng khi tại chức, họ chỉ nghĩ tới quyền lợi
của nước họ, tới ghế ngồi và danh dự của cá nhân họ. Một tay cầm súng, một tay
cầm túi Đô la, họ cứ bước lên đầu người khác mà đi. Vì vậy, chúng ta phải nhớ,
trong trường chính trị, không có đồng minh vĩnh viễn và cũng không có kẻ thù
vĩnh viễn. Lý tưởng còn thay đổi huống chi chính sách. Khi nhu cầu đòi hỏi, họ
có thể xoay đổi chính sách 180 độ, bất kể bao nhiêu tiền bạc và xương máu đã đổ
ra. Tiền và mạng người được coi là những chi phí cần thiết cho một giai đoạn
với một chính sách giai đoạn. Lúc phải tiêu là tiêu. Tiêu rồi không tiếc.
Dù quy trách nhiệm lớn nhất cho Hoa Kỳ trong việc mất miền Nam, chúng ta cũng
phải tự nhận lỗi về những khuyết điểm của mình. Những tính toán sai của các
lãnh đạo quân sự và dân sự, nạn tham nhũng, lính ma lính kiểng, hối mại
quyền thế... đều có xảy ra dù không ở mức độ trầm trọng như dưới chế độ cộng
sản. Không thể chấp nhận những tệ nạn này nhưng chúng không làm mất nước khi ở
một mức độ thấp. Dân miền Nam vẫn sống no đủ, tự do, xây dựng hiện tại và tương
lai với đà tiến triển không ngừng. Tội nặng nhất phải quy vào những kẻ chỉ biết
vụ lợi, những kẻ "ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản". Họ là những con
buôn bán lén gạo và thuốc Tây cho cộng sản với giá cao. Họ là những người hướng
về rừng với hoài cảm thời Việt Minh kháng chiến chống Pháp. Họ là những trí thức
viễn mơ đề cao giá trị dân tộc và chống sự hiện diện của người ngoại quốc trên
đất nước. Họ lý luận rằng cộng sản hay quốc gia đều là người Việt, chắc không
xử tệ với nhau như người ngoại chủng xử với dân mình. Từ đó, họ chống đối chính
quyền quốc gia, gán cho mọi thứ xấu và sẵn sàng nghe theo những lời dụ dỗ của
những cán bộ cộng sản nằm vùng. Họ là những người trẻ bị đàn anh phỉnh gạt bằng
những lý luận sai lầm. Cuối cùng, họ là những người lãnh đạo tinh thần của một
số tôn giáo đã vô tình hay hữu ý lẫn lộn chuyện đạo với chuyện đời, không phân
biệt đấu tranh cho công lý với đấu tranh chính trị để lật đổ một chế độ hợp
pháp, chưa kể mộ số tu sĩ là cộng sản nằm vùng khéo ngụy trang. Để cai trị một
xã hội bị lũng đoạn như thế, chính quyền vẫn phải áp dụng những nguyên tắc dân
chủ, hơi mạnh tay là bị kết án đàn áp, sửa đổi luật lệ cho hữu hiệu thì bị kết
án độc tài. Có bàn tay cộng sản nhúng vào mọi chỗ mà nhiều người không biết, cứ
tưởng mình đang tranh đấu cho hòa bình, tự do và quyền lợi của dân tộc. Chính
những người như vậy đã tiếp tay cho cộng sản mau chiếm miền Nam.
Mất
rồi mới tiếc. Mắt mở ra mới thấy mình lầm. Trong khi dân trong nước đang đấu
tranh gian khổ để đòi lại những quyền công dân và quyền con người đã bị cướp
mất, đang vật vã đòi lại và giữ gìn những phần biển, đảo mà ông cha để lại,
chúng ta ở hải ngoại đang làm gì? Còn bao nhiêu người nghĩ tới quê hương? Có
bao nhiêu người dấn thân trong những hành động tranh đấu đòi công lý và nhân
quyền cho anh em ruột thịt trong nước? Hay đa số chúng ta vẫn thờ ơ, coi
đó là việc của người khác? Có người còn tiếp tay cho những kẻ cầm quyền bán
nước và hà hiếp dân dù chính họ đã từng là nạn nhân. May mắn thay, vẫn còn
nhiều người âm thầm tranh đấu, hay ít ra cũng âm thầm góp công góp của để yểm trợ
những người tranh đấu. Họ thuộc đa số thầm lặng, chỉ lên tiếng khi cần. Vì sống
trong những xã hội tự do, các đoàn thể của người Việt đua nở như nấm gặp mưa.
Có những đoàn thể tốt nhưng cũng có những đoàn thể hữu danh vô thực, thùng rỗng
kêu to. Có những người tốt nhưng cũng có những người chỉ thích danh lợi, thích
làm lãnh tụ, mới làm chủ tịch một hội nhỏ xíu đã mơ và cư xử như một thủ tướng,
bộ trưởng, dân biểu tương lai. Do đó sự đố kỵ và chia rẽ gia tăng, cộng thêm
những bàn tay bí mật của cộng sản và tay sai nhúng vào quậy phá các cộng đồng.
Trước những tệ nạn trước mắt, chúng ta vẫn không thất vọng khi thấy sau 39 năm,
cộng sản vẫn chưa chiếm được một cộng đồng người Việt nào ở hải ngoại, chưa đưa
được khối người Việt hải ngoại vào vòng chi phối và thần phục nhà đương quyền
Hà Nội, dù cộng sản đã tốn bao công sức và tiền bạc để thi hành Nghị Quyết 36.
Kỷ niệm 39 năm miền Nam bị đặt dưới chế độ cộng sản, chúng ta cần thay đổi
phương cách hành động. Chúng ta nên ý thức rằng việc trực diện đấu tranh với
cộng sản phải là việc của người trong nước, người ở ngoài chỉ có thể yểm trợ
tinh thần, ngoại vận và phương tiện. Chúng ta không nên phí tiền bạc vào những
việc phô trương bề ngoài. Hãy dồn phương tiện giúp anh chị em trong nước. Khi
tranh đấu trong thời đại điện tử và thông tin nhanh chóng như hiện nay, họ cần
phải có máy hình, điện thoại di động, computer... Khi ốm đau hoặc khi bị bắt
vào tù, họ cần được tiếp tế lương thực và thuốc men, chưa kể những hoạt động
khác đòi hỏi nhiều phương tiện hơn. Các đoàn thể ở hải ngoại nên phối hợp trong
việc phân phối sự yểm trợ cho trong nước để tránh tình trạng chỗ ít qúa, chỗ
nhiều qúa. Hãy tạo thêm những đường dây liên lạc mới, tìm kiếm thêm những người
dấn thân mới và giúp đỡ họ. Nếu làm được như thế, đồng bào trong nước sẽ lên
tinh thần và phong trào tranh đấu có cơ lớn mạnh nhanh chóng vì có sự yểm trợ
cụ thể và hữu ích của đồng bào ngoài nước.
Mong rằng ngày 30-4 năm tới, chúng ta sẽ có một nước Việt Nam đẹp hơn nước Việt
Nam hiện nay.
_________________________________________________
(1) Alexander M. Haig, Jr.,
Inner Circle, tr 307, Warner Books, New York 1992
(2) Alexander Haig, sách đã
dẫn, tr 306
(3) Henry Kissinger, Les
Années Orageuses, tr 355, Fayard, France 1982
(4) Henry Kissinger, sách đã
dẫn, tr 365
No comments:
Post a Comment