Friday, 18 April 2014

UKRAINA : NGA & TÂY PHƯƠNG ĐẠT THỎA HIỆP GIẢM CĂNG THẲNG (RFI)




Tú Anh  -  RFI
Thứ sáu 18 Tháng Tư 2014

Sau 6 giờ thương lượng bốn bên tại Genève ngày 17/04/2014, Ngoại trưởng Mỹ, Nga, Liên Hiệp Châu và Ukraina đồng ý một kế hoạch làm giảm căng thẳng tại Ukraina : Giải giới các toán võ trang và chấm dứt chiếm đóng công sở. Trong bầu không khí bi quan, thỏa thuận này do vậy khá bất ngờ và còn nhiều điểm không rõ ràng cụ thể.

Hôm qua, tại Genève, Ngoại trưởng Nga Serguei Lavrov là người đầu tiên loan báo kết quả sau 6 giờ đàm phán dài hơn dự kiến : Bốn bên đạt được đồng thuận trên một văn kiện với những biện pháp cụ thể làm giảm căng thẳng và bảo đảm an ninh cho tất cả công dân Ukraina.

Thỏa thuận gồm hai giai đoạn. Trước tiên là xuống thang căng thẳng, giải giới các toán dân quân võ trang, chấm dứt tình trạng bao vây chiếm đóng cơ quan hành chính, trả lại công sở cho chính quyền, giải tỏa đường phố, quảng trường và các nơi công cộng trong thành phố. Ân xá tất cả những người tham gia tranh đấu trong cuộc khủng hoảng trừ những kẻ « phạm tội ác nghiêm trọng». Bước thứ hai là tiến trình tham vấn chính trị trước bầu cử Tổng thống 25/05 và cải cách Hiến pháp về quan hệ giữa chính quyền trung ương và địa phương. Mục tiêu sau cùng là tăng thêm quyền tự trị cho các vùng.

Nhiều vấn đề cốt lõi mà văn kiện này không nói rõ : Một là các toán võ trang nào phải bị giải giới, phải trả lại công sở cho chính quyền, hai là về lực lượng Nga đang áp sát biên giới Ukraina cũng như các đơn vị biệt kích của an ninh quân đội Nga mà Kiev và Tây phương khẳng định đang có mặt tại miền Đông Ukraina để tiếp tay cho các phe nổi dậy theo Nga.

Một điểm mơ hồ nữa là trong thỏa thuận tại Genève không có điều khoản nào nói đến lịch trình thi hành các bước xuống thang kể trên.

Đại diện ngoại giao cấp cao của Liên Hiệp Châu Âu nhấn mạnh là Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu OSCE sẽ đóng vai trò chính trong việc thi hành thỏa thuận. Văn kiện quy định Mỹ, Châu Âu và Nga cung cấp quan sát viên.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh cáo trước nếu không thấy tiến triển trên hiện trường thì Tây phương « bắt buộc phải gia tăng trừng phạt Nga ».
Từ Washington, Tổng thống Barack Obama tuyên bố bi quan « không tin » là thỏa thuận sẽ được thi hành mà phải chờ xem « tình hình thực tế có tiến bộ hay không».

Tại chỗ, theo AFP, phe nổi dậy tại Donetsk tuyên bố là sẽ không « giải giới ». Phe theo Nga đòi Kiev phải tước vũ khí các đơn vị Vệ binh Quốc gia gửi đến miền đông và lực lượng bán quân sự cực hữu Pravy Sektor.

-------------------------

Thụy My -  RFI
Thứ năm 17 Tháng Tư 2014

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 17/04/2014 lần đầu tiên công nhận quân đội Nga đã có mặt tại Crimée trong thời điểm diễn ra cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Ba, giúp sáp nhập bán đảo này vào Nga.

Trả lời một loạt các câu hỏi trên truyền hình về xuất xứ của những người vũ trang không hề mang quân hàm, quân hiệu hiện diện tại bán đảo trước ngày trưng cầu dân ý hôm 16/3, ông Putin tuyên bố : « Phía sau lực lượng tự vệ của Crimée, đương nhiên là các quân nhân của chúng tôi.». Tổng thống Nga biện minh: « Cần phải bảo vệ người dân », vì không thể để cho số lượng vũ khí ở Crimée bị lực lượng của chính quyền Kiev sử dụng.

Ông Putin nói thêm : « Tôi chưa bao giờ giấu diếm các đồng nghiệp nước ngoài rằng mục tiêu của chúng tôi là đảm bảo các điều kiện cho một cuộc bầu cử tự do. Vì thế chúng tôi phải sử dụng những biện pháp cần thiết để tình hình không diễn biến tương tự như ở miền đông nam Ukraina hiện nay, để không có xe tăng, các đội quân dân tộc chủ nghĩa và những người mang súng tự động tại Crimée ».

Chỉ ít lâu sau khi chính quyền thân châu Âu lên nắm quyền ở Kiev thay cho Tổng thống bị lật đổ Viktor Ianoukovitch, hàng ngàn người lính được trang bị đầy đủ nhưng không mang dấu hiệu nào để nhận diện là quân đội nước nào, đã được triển khai tại Crimée. Các quân nhân này đã bao vây và sau đó nắm quyền kiểm soát các căn cứ quân sự của Ukraina tại đây. Ngay lập tức Kiev tố cáo sự hiện diện của quân Nga.

Chính quyền Kiev và các nước phương Tây lo ngại kịch bản tương tự được áp dụng ở miền đông Ukraina. Tại đây các lực lượng thân của chính phủ Ukraina phải đối đầu với phe nổi dậy thân Nga, đòi sáp nhập vào nước Nga hay ít nhất phải « liên bang hóa » Ukraina để các địa phương có quyền hành rộng rãi.

Theo Ukraina và phương Tây, các nhóm vũ trang đang hiện diện tại miền đông, được gọi một cách mỉa mai là « những người áo xanh », thực tế là các quân nhân tinh nhuệ của Nga, như đã từng hành động ở Crimée. Cho đến nay, Matxcơva vẫn chối cãi là không có quân lính hay nhân viên Nga nào trên lãnh thổ Ukraina.



No comments:

Post a Comment

View My Stats