Trọng Nghĩa - RFI
Thứ năm 17 Tháng Tư 2014
Diễn
biến tình hình ngày càng đáng ngại tại Ukraina, được cho là do Nga khuấy động,
đã buộc Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO phải phản ứng. Vào hôm qua,
16/04/2014, khối này đã bắn đi một thông điệp mạnh mẽ tới Nga khi quyết định
tăng cường hệ thống phòng thủ các nước Đông Âu đang càng lúc càng lo ngại trước
cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Đích thân Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen
đã loan báo : « Chúng tôi sẽ có thêm
máy bay trên bầu trời, tàu thuyền trên biển, và lực lượng trên bộ sẽ tăng cường
chuẩn bị ». Ông đồng thời tiết lộ một loạt các biện pháp quân sự đã
được 28 quốc gia thành viên khối Bắc Đại Tây Dương quyết định.
Trước hết, ngay từ lúc này, khối NATO sẽ gia tăng
gấp bội các phi vụ tuần tra trên bầu trời các nước Baltic, và sẽ tăng cường lực
lượng tàu thuyền triển khai trên vùng biển Baltic và miền Đông Địa Trung Hải.
Các lực lượng võ trang cũng sẽ gia tăng tập luyện và tập trận chung.
Việc huy động lực lượng to lớn nói trên được cho là
nhằm đối phó với Nga. Tướng Mỹ Philip Breedlove – Tư lệnh tối cao của lực lượng
NATO, vào hôm qua, đã cáo buộc rằng Nga vẫn duy trì « một lực lượng hùng hậu »
- từ 35.000 đến 40.000 quân - gần biên giới Ukraina để sẵn sàng can thiệp.
Tuy vậy, theo giới phân tích, các biên pháp nói trên
chủ yếu được dùng để trấn an các nước NATO ở gần Nga và Ukraina như các quốc
gia Baltic, Ba Lan và Rumani. Những nước Đông Âu này cho đến nay không ngừng đòi
hỏi là Phương Tây phải cứng rắn hơn trong phản ứng chống lại Nga.
Họ sợ rằng nếu phương Tây không làm gì, tình hình
bất ổn ở Ukraina - do các thành phần thân Nga gây nên - có thể lây lan qua các
vùng có cộng đồng nói tiếng Nga rất đông đảo, như tại ba Quốc gia Baltic hay xa
hơn xuống phía Nam, tại các nước chung quanh Biển Đen.
Vào hôm qua, Tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương
xác nhận : « Vai trò trung tâm của NATO là che chở và bảo vệ các đồng minh ».
Phải nói là kể từ khi Nga thôn tính Crimée, NATO đã
tăng cường tuần tra trên không phận các nước vùng Baltic và cho triển khai máy
bay trang bị radar AWACS ở Ba Lan và Rumani. Hoa Kỳ cũng gửi thêm chiến đấu cơ
và chiến hạm đến khu vực.
Pháp cho biết sẽ đóng góp cho NATO 4 chiến đấu cơ
Rafale kể từ tháng Năm để tuần tra trên các nước vùng Baltic. Anh, Đức và Đan
Mạch cũng đề nghị tăng viện.
Các quan chức NATO khẳng định rằng các biện pháp
tăng cường lực lượng nói trên mang tính chất « hoàn toàn phòng thủ » và không
hề là mối đe dọa đối với Nga.
Theo một nhà ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích
dẫn, « phản ứng của NATO đến nay vẫn tương đối ôn hòa ». Nhân vật này nêu ra ví
dụ là các nước NATO đã không triển khai bộ binh, thiết lập căn cứ hay gia tăng
sự hiện diện tại Biển Đen, bất chấp đòi hỏi của một số thành viên.
Đối với giới phân tích, phản ứng chừng mực của NATO
còn có thể được giải thích bằng thực tế là Liên minh Bắc Đại Tây Dương không có
nhiều khả năng hành động tại Ukraina vì quốc gia này không phải là một thành
viên NATO, nhưng lại bị buộc phải làm một cái gì đó với hy vọng là tình hình
không xấu đi thêm.
-----------------------------------
DCVOnline
– (Sky News)
Tổ
chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết họ đang tăng cường sự có
mặt quân sự ở Đông Âu để đáp ứng với cuộc “xâm lấn” của Nga ở Ukraine.
Tổng thư ký Anders Fogh Rasmussen tuyên bố liên minh
28 quốc gia – trong đó không có Ukraine – đã thống nhất về những biện pháp quân
sự cần có để củng cố phòng thủ tại các nước thành viên.
NATO cũng đã đồng ý đưa thêm lực lượng không và hải
quân, cũng như tăng độ sẵn sàng lực lượng trên bộ ở vùng Baltic và phía đông
Địa Trung Hải.
Ông Rasmussen nói Moscow phải xác định “họ không hỗ
trợ các hành động bạo lực của lực lượng dân quân vũ trang hoặc quân đòi tự trị
thân Nga ở miền đông Ukraine.”
NATO lên tiếng sau khi lực lượng dân quân ủng hộ Nga
đã bắt hai binh sĩ Ukraine làm con tin, theo AFP cho biết.
Bất ổn đang xảy ra ở một số tỉnh miền Đông Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết hai người đã
bị nhóm “cực đoan” bắt giữ gần thị trấn Krasnyi Luch tại tỉnh Lugansk .
Lực lượng an ninh tại đây cho biết họ đã bắt được
thông tin cho thấy các chỉ huy quân sự của Nga ở miền đông Ukraine đã ra lệnh
“bắn chết” chống lại quân đội Ukraine.
Thủ tướng Chính phủ Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo
buộc Nga xây “một bức tường Berlin mới” trên đường trở lại thời kỳ Chiến tranh
Lạnh – và “xuất khẩu khủng bố” sang Ukraine.
“Tất cả những chiến dịch khủng bố của lực lượng đặc
biệt của Nga không những không thể chấp nhận, mà còn là tội phạm quốc tế,” ông
nói.
Nhóm vũ trang ly khai chiếm xe bọc thép tại Slavyansk.
Xe bọc thép treo cờ Nga tiến vào thị trấn Slavyansk
phía đông Ukraina và được một số người dân địa phương cổ vũ.
Katie Stallard của Sky News, tại hiện trường, cho
biết: “Một đám đông khoảng vài trăm người dân ở đây đã chào đón những người
này như những anh hùng.”
Tại Donetsk, khoảng 20 tay súng đeo mặt nạ, thân
Nga, đã chiếm đóng văn phòng thị trưởng .
Sam Kiley của Sky News, bên ngoài tòa nhà, cho biết:
“Tôi nghĩ rằng đây là chỉ dấu cho thấy lệnh của chính phủ Kiev không còn
hiệu lực ở miền Đông. Cảnh sát tại đây đã để những người vũ trang đeo mặt nạ
chiếm tòa nhà của chính phủ.”
Kiev đang cố lấy lại một số tòa nhà chính phủ ở phía
đông của Ukraine đã bị nhóm thân Nga chiếm đóng.
Dân chúng tại Lugansk đang hát quốc ca ủng hộ chính phủ Kiev.
Đêm qua quân đội Ukraine đã lấy lại một sân bay ở
Kramatorsk từ khoảng 30 tay súng của nhóm ly khai.
Đây là sự can thiệp quân sự đầu tiên kể từ khi Kiev
mở “chiến dịch chống khủng bố”, quyền Tổng thống Oleksandr Turchynov công bố.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết sáu xe bọc
thép bị nhóm ly khai thân Nga chiếm mất tại Kramatorsk nay đã đến Slavyansk.
5 xe bọc thép khác chở lính nhảy dù bị một đám đông
ủng hộ Nga bao vây. Họ chỉ được phép rút lui sau khi binh sĩ đã rút chốt nổ
trên súng của họ đưa cho nhóm bao vây, theo tin của Reuters.
Căng thẳng gia tăng trước các cuộc đàm phán giữa
Ukraine, Nga , Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu hôm thứ Năm, 17/4/2014 tại Geneva.
NATO – một liên minh chính trị và quân sự của 28
quốc gia. NATO được thành lập vào tháng 4 năm 1949 với việc ký kết Hiệp ước Bắc
Đại Tây Dương, thường được gọi là Hiệp ước Washington. Hiệp ước buộc các thành viên
cam kết để đảm bảo an ninh của liên minh về tự do cá nhân, dân chủ, nhân quyền
và pháp trị. Bản đồ dưới đây cho thấy các thành viên hiện tại của tổ chức Hiệp
ước Bắc Đại Tây Dương.
NATO. Nguồn: CBC News.
© 2014 DCVOnline
No comments:
Post a Comment