Thứ Ba, ngày 15 tháng 4 năm 2014
Vladimir Putin trả lời báo chí tại Matxcơva ngày 21/03/2014.
(Le Point 27/03-02/04/2014)
Truyền hình Nga hoan hô chiến dịch chiếm Crimée, dù phải bóp méo thông tin.
Ai muốn xin phỏng vấn sẽ
phải chịu trận một tràng rủa sả. “Người Pháp các vị hãy cút đi nơi khác, để
cho chúng tôi yên với vấn đề Crimée! Với tất cả những thứ thổ tả viết về chúng
tôi, không có chuyện tiếp đón và trao cho các vị cái cơ hội so sánh tôi với một
con khỉ!”
Dimitri Kisselev năm nay 60
tuổi, và là một ngôi sao của truyền hình Nga. Hay đúng hơn là nhạc trưởng của
dàn tuyên truyền Nga. Từ hai tuần qua, tên ông ta nằm trong danh sách 33 nhân
vật bị Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu trừng phạt để trả đũa việc sáp nhập Crimée
(cấm nhập cảnh và đóng băng tài sản). Cứ mỗi Chủ nhật, vào lúc 20 giờ, trước 20
triệu khán giả, ông giới thiệu trên kênh truyền hình nhà nước Rossia “Tin tức
trong tuần”. Và xuất chiêu rất mạnh. Những lời lẽ hằn học nhất được dành cho
những người đồng tính luyến ái: “Cần phải ngăn cản họ hiến máu và tinh
trùng. Cũng phải đốt ra tro hay chôn quả tim của họ nếu họ là nạn nhân tai nạn
giao thông”.
Thế nhưng các chương trình
vẫn tiếp nối. Hôm 16/3, ông ta còn công khai tầm nhìn địa chính trị của mình: “Nga
là quốc gia duy nhất trên thế giới có khả năng biến Hoa Kỳ thành một đống tro
phóng xạ”. Kisselev, trong bộ vét chật cứng, tuyên bố như trên với phần
minh họa là một kịch bản tấn công hạt nhân. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Đương
sự rất thích chế giễu Tổng thống Mỹ. Ông ta nói bằng một giọng trịnh trọng: “Từ
khi Obama thường xuyên gọi điện thoại cho ông Putin, tóc ông ta đã bạc hẳn.
Liệu đó có phải là một sự trùng hợp hay không?”
Dimitri Kisselev, trùm tuyên truyền Nga
Vladimir Putin thích sự quá
quắt của nhân vật này. Tháng 12/2013, Putin còn phong cho Kisselev làm giám đốc
một tổ chức mới, là cơ quan chủ quản của hãng thông tấn RIA Novosti. “Với
chức vụ đó, Putin muốn có một kẻ quá khích” – Gleb Pavlovski, cựu cố vấn
Kremli và là một người quen cũ của Kisselev nhấn mạnh. Thật là đúng thời
điểm.
Từ khi nổ ra cuộc khủng
hoảng Crimée và mối đe dọa chiến tranh lạnh, Putin có được một ngành truyền
hình đầy tinh thần ái quốc và nhiệt tình. Vladimir Pozner, một người dẫn chương
trình nổi tiếng của kênh truyền hình hàng đầu nhìn nhận: “Tôi chưa bao giờ
thấy như thế kể từ khi Liên Xô đổ quân vào Afghanistan năm 1979. Chúng tôi đã
vượt quá giới hạn”.
Ngay cả nhà đối lập Alexei
Navalny, bị quản thúc tại gia từ một tháng nay, cũng sững sờ: “Không còn
được quyền sử dụng internet, tôi tái phát hiện một nền truyền hình tràn ngập
những lời dối trá trắng trợn. Đó làTV Goebbel! Cần phải đưa những kẻ chịu trách
nhiệm ra tòa!”
Dàn dựng trắng trợn
Những cú lừa thô bỉ liên tục
diễn ra. Từ đầu tháng Ba, các chương trình thời sự trên truyền hình nêu ra con
số 160.000 người Ukraina phải bỏ trốn và đang tìm cách sang Nga tị nạn. Người
ta còn quay cả cảnh những hàng dài xe hơi nối đuôi nhau ở biên giới. Một sự dàn
dựng trắng trợn! Những hình ảnh này là từ một trạm biên phòng Ba Lan, nơi mỗi
ngày hàng ngàn chiếc xe tập trung về đây. Một ví dụ khác: dân quân tự vệ ở
Crimée, mà các kênh truyền hình khẳng định là những “công dân ủng hộ Nga”. Lại
thêm một lời nói láo khác. Từ những bảng số xe, vũ khí, cho đến các thiết
bị…đều chứng tỏ là quân Nga vừa được điều động đến bán đảo.
Bản thân Ủy ban nhân quyền
được thiết lập bên cạnh Putin cũng lao vào sáng tác một truyện cổ tích, khi
than vãn các vụ tàn sát người Do Thái ở Odessa. “Người Nga lợi dụng tình
hình một cách phi lý!” – giáo sĩ Yaakov Dov Bleich ở Đại giáo đường Do Thái
Kiev bực tức. Vụ những người vũ trang từ Kiev đến tấn công vào Bộ Nội vụ ở
Simferopol, Crimée cũng không hề có căn cứ. Cảnh sát trưởng khẳng định: “Đêm
đó hoàn toàn yên tĩnh”.
Một lính Ukraina tại Crimée xem tivi chiếu cảnh Putin phê chuẩn việc sáp
nhập Crimée, 21/03/2014
Còn về vụ đụng độ giữa những
người thân Nga và thân Ukraina do kênh Vesti 24 chiếu, đúng là có xảy ra, nhưng
mà tại Kiev chứ không phải tại Simferopol. Cuối cùng, “một số lượng quan
trọng lựu đạn và chất nổ” tịch thu được ở cửa ngõ Crimée do kênh truyền
hình lớn thứ nhì của Nga loan báo có thể là một tin độc đáo…nếu khán giả được
cho xem hình ảnh.
Rồi lại còn những tiểu xảo
của ê-kíp thực hiện, vốn có khả năng phỏng vấn cùng một người biểu tình nhưng
đóng vai năm nhân vật khác nhau. Một người nhiệt tình ủng hộ Matxcơva liên tục
xuất hiện ở Kiev, ở Odessa và tại Kharkov, khi thì trong vai người mẹ một quân
nhân, khi lại là một nhà tranh đấu.
Tuy vậy vũ khí mạnh nhất vẫn
là những sai sót của kẻ thù. Có hai video thu hút nhiều người xem nhất trên các
kênh truyền hình Nga. Video thứ nhất cho thấy một nhóm học sinh Ukraina nhảy nhót
và hô vang: “Hãy treo cổ những người Matxcơva!” Video thứ hai cũng hiệu
quả tương tự.
Một dân biểu dân tộc chủ nghĩa ở Kiev cùng với các đồng nghiệp bất ngờ xuất hiện ở văn phòng giám đốc kênh truyền hình lớn nhất Ukraina. “Tại sao lại cho phát bài diễn văn của Putin? – Tôi có quyền thông tin. – Anh đã phản bội Tổ quốc. Viết đơn từ chức đi!” Bị từ chối, vị dân biểu nắm cổ áo buộc ông giám đốc ngồi xuống, hét to: “Anh là đồ rác rưởi!” Những hình ảnh gây sốc, là bánh thánh cho Matxcơva. “Một lũ mọi rợ!” – một thực khách Nga khi phát hiện cảnh này, được chiếu đi chiếu lại trên tivi trong nhà hàng, phẫn nộ.
Một dân biểu dân tộc chủ nghĩa ở Kiev cùng với các đồng nghiệp bất ngờ xuất hiện ở văn phòng giám đốc kênh truyền hình lớn nhất Ukraina. “Tại sao lại cho phát bài diễn văn của Putin? – Tôi có quyền thông tin. – Anh đã phản bội Tổ quốc. Viết đơn từ chức đi!” Bị từ chối, vị dân biểu nắm cổ áo buộc ông giám đốc ngồi xuống, hét to: “Anh là đồ rác rưởi!” Những hình ảnh gây sốc, là bánh thánh cho Matxcơva. “Một lũ mọi rợ!” – một thực khách Nga khi phát hiện cảnh này, được chiếu đi chiếu lại trên tivi trong nhà hàng, phẫn nộ.
Trong thời điểm lòng tự hào
dân tộc đang được đẩy lên, các chỉ thị của Alexei Gromov, người phụ trách các
phương tiện truyền thông của điện Kremli, trở nên không có đối tượng cụ thể.
Nhà báo Vladimir Pozner kể lại: “Các giám đốc truyền hình không cần phải
được triệu tập đi họp hàng tuần nữa. Họ đều biết phải làm những gì”.
Nhà báo Vladimir Soloniev, dẫn chương trình truyền hình kênh Rossiya 1
“Xin chào, Crimée đã được
trở về nhà”.
Vladimir Soloviev, 51 tuổi, đã mở đầu chương trình trên kênh Rossiya 1 như thế,
ngay sau khi bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập. Sau đó người dẫn chương trình này
đã giải thích khi đi uống nước: “Sáu người trong gia đình tôi đã chết trong trại
tập trung trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, thế nên bọn phát-xít ở Kiev, không ai
ưa cả!”
Piotr Tolstoi, 45 tuổi, cháu
của nhà văn nổi tiếng và là người phụ trách chương trình “Politika” trên kênh
truyền hình hàng đầu Nga cũng có cùng một sự sùng tín như vậy. “Chúng tôi hy
vọng quý vị nhanh chóng thông qua vụ sáp nhập” – ông nói như thế với chủ
tịch Hạ viện Nga, hiện diện tại trường quay. Sau khi thu hình xong, người giới
thiệu nói với chúng tôi: “Các vị không hiểu, Crimée đối với Nga cũng giống
như Alsace-Lorraine của Pháp (vùng đất Pháp từng bị phát-xít Đức sáp nhập trong
thế chiến – ND). Cứ gọi đó là tuyên truyền nếu các vị muốn”.
Bó hoa hồng
Margarita Simonyan, giám đốc Russia Today
“Nhưng chính các ông, những
người phương Tây, mới là những kẻ tuyên truyền!”- Margarita Simonyan, 33 tuổi, giám đốc Russia
Today - kênh truyền hình tiếng Anh được Kremli thành lập cách đây mười năm và
có đến 2.000 nhân viên – phẫn nộ. Chủ đề này làm bà giận dữ. Tuy vậy bà cũng
bình luận về sự ra đi của hai phóng viên người Mỹ do bất đồng với đường hướng
biên tập. Bà nói: “Tôi tôn trọng quan điểm của họ”.
Bà Simonyan lật tìm một mẩu
giấy và quẳng lên bàn làm việc, vừa nói vừa chỉ vào các màn hình gắn trên
tường: “Hãy nhìn các đài BBC và CNN. Họ có phát tuyên bố của Ngoại trưởng
Estonia nêu ra sự hiện diện của các tay súng bắn tỉa nơi những người nổi dậy ở
Maidan không? Không bao giờ!” Còn ông Putin? “Ông ấy đã đọc một bài diễn
văn lịch sử tuyệt vời về Crimée” – bà nói một cách ngưỡng mộ.
Margarita Simonyan đã từng
nhận được một bó hoa hồng do Putin gởi đến hôm sinh nhật 25 tuổi. Russia Today,
mà chương trình tiếng Pháp sẽ được trình làng vào năm 2015, tiếp tục cách xử lý
thông tin thời sự mà không có chọn lựa nào khác. Một cựu nhà báo đã bị sa thải
vì tham gia vào các cuộc biểu tình chống Putin mùa đông 2011 kể: “Những
người trong ban biên tập được trả lương rất cao, họ biết những gì nên nói và
những gì không nên nói”.
Còn Dimitri Kisselev có cách
diễn đạt riêng. “Trong số những chính khách vĩ đại của thế kỷ 20, chỉ có thể
so sánh Putin với Stalin” – ông dằn từng tiếng. Các biện pháp trừng phạt
của phương Tây? Ông ta chẳng quan tâm. Tuy vậy cựu đại sứ Mỹ Michael McFaul nhớ
lại là đã có cấp visa cho một kỳ nghỉ hoàn toàn được chu cấp của ông Kisselev
hồi năm 2010. Nhà ngoại giao trong một tin Tweeter đã mỉa mai: “Tất cả những
nhà ái quốc Nga đều thích được nghỉ ngơi thư giãn tại Mỹ…”
Những kỳ nghỉ sau này,
Kisselev sẽ phải xem lại các kế hoạch của mình…và sẽ phải tự bằng lòng với ngôi
nhà nghỉ mát của ông ta tại Crimée, với cảnh quan nhìn ra biển.
No comments:
Post a Comment