Saturday 19 April 2014

TRUNG QUỐC ĐI DÂY TRONG KHỦNG HOẢNG UKRAINE (Ngô Ngọc Văn - BBC tiếng Hoa)




Được đăng ngày Thứ sáu, 18 Tháng 4 2014 22:15

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh hôm thứ Ba. Theo tường thuật của Trung Quốc, thì hai ông đã trao đổi quan điểm và cách đánh giá về tình hình Ukraine. Cuộc họp diễn ra trước khi có cuộc đàm phán bốn bên quan trọng tại Geneva vào thứ Năm này.

Ngô Ngọc Văn, chuyên gia về tình hình Trung Quốc của BBC, đánh giá những thách thức mà cuộc khủng hoảng Ukraine đưa ra cho Trung Quốc và hướng đi mà Trung Quốc phải xử lý.

Trong việc xử lý quan hệ của Trung Quốc với các nước khác, một số ít các nguyên tắc căn bản đã rất hiệu quả.

Một nguyên tắc then chốt là không can thiệp vào các quan hệ nội bộ và tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước khác.

Khi Trung Quốc phản đối việc gửi lính tới nước khác hoặc áp lệnh trừng phạt lên những chính thể nhất định, thì đây là những nguyên tắc được đưa ra để giải thích lý do.

Nhưng khi những nguyên tắc này có vẻ như mâu thuẫn với nhau, thì Trung Quốc phải ứng phó rất thận trọng. Đây chính là những gì diễn ra trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Đột nhiên, Trung Quốc thấy mình mắc kẹt giữa hai đối tác quan trọng.

Trung Quốc và Nga là những đồng minh thân cận, vượt qua những thù nghịch trong lịch sử và đang có mối quan hệ rất tốt đẹp trong những năm gần đây.

Nga là quốc gia đầu tiên ông Tập Cận Bình tới thăm sau khi nhậm chức Chủ tịch hồi tháng Ba 2013, và ông Tập lại tới đây trong kỳ Olympic Sochi, khi mà chỉ có một số ít các lãnh đạo thế giới khác xuất hiện do tình hình Ukraine khi đó bắt đầu khủng hoảng.

Trong một trật tự thế giới đa cực mà Trung Quốc theo đuổi nhưng vẫn do Hoa Kỳ cùng các đồng minh phương Tây thống trị, Trung Quốc rõ ràng là muốn nhìn về phía Đông và phía Bắc để củng cố tầm ảnh hưởng của mình.

Trong khi đó, mối quan hệ của Trung Quốc với Ukraine đã khá là vững chắc, phát triển trong thương mại và cả các lĩnh vực khác.

Quốc gia cuối cùng mà Tổng thống Yanukovych viếng thăm trước khi bị lật đổ, hồi tháng Mười Hai 2013, chính là Trung Quốc.

Ukraine đã ký các thỏa thuận hợp tác lớn với Trung Quốc trong lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng, xây dựng cảng, và nông nghiệp.

Các nhà bình luận Nga cũng chỉ ra rằng Ukraine đã trở thành nhà cung ứng chính mặt hàng vũ khí và thiết bị quân sự cho Trung Quốc.

Có một chính phủ khác tại Ukraine, nhưng các quan hệ hợp tác dài hạn dự kiến sẽ vẫn được tiếp tục.
Với Trung Quốc, Ukraine là một đối tác rất cần thiết, mở đường vào Trung và Đông Âu.

Nhưng để duy trì quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, Trung Quốc cần phải vun xới quan hệ, đồng thời cần kiềm chế tốt.

Trung Quốc khước từ việc cùng phương Tây và các nước khác lên án hành động của Nga, với lập luận tình hình Ukraine diễn ra trên bối cảnh phức tạp và các bên cần tìm giải pháp chính trị.

Nhưng tiếp đến, về cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea về việc sáp nhập vào Nga thì Trung Quốc lại không ủng hộ Nga, bởi điều đó đi ngược lại việc tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, một nguyên tắc rất quan trọng trong chính sách đối nội và đối ngoại của Trung Quốc.

Bản thân Trung Quốc đối diện với các lực lượng đòi ly khai liên quan tới Đài Loan, Tây Tạng và Tân Cương, và không ai có thể tưởng tượng được chuyện Bắc Kinh cân nhắc việc cho phép người dân quyền trưng cầu dân ý để quyết định về vận mệnh của mình.

Đó là lý do tại sao Trung Quốc bỏ phiếu trắng tại Liên hợp quốc, thay vì phiếu chống trong vấn đề trưng cầu dân ý ở Crimea.

Cả Nga và Ukraine đều tỏ ra trân trọng quan điểm của Trung Quốc cho đến nay.

Trong một cuộc phỏng vấn với báo Trung Hoa Nhật báo bản tiếng Anh và được đăng trên trang web tiếng Anh của Bộ Ngoại giao Nga trước chuyến thăm Trung Quốc, ông Lavrov được dẫn lời nói rằng Nga "đánh giá cao quan điểm chừng mực và công bằng của Bắc Kinh về cuộc khủng hoảng Ukraine, cũng như cách thể hiện sự hiểu biết của Trung Quốc về mọi khía cạnh đa dạng của vấn đề, bao gồm cả các khía cạnh mang tính lịch sử".

Mặt khác, Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc, ông Oleh Dyomin, nói trong một cuộc họp báo hồi cuối tháng Ba Ukraine hiểu rằng Trung Quốc kỳ vọng rất nhiều vào quan hệ với Nga, nhưng đánh giá cao việc Trung Quốc không ủng hộ cách hành xử của Nga trong chuyện Crimea.

Nay Trung Quốc hẳn đang hy vọng rằng quan hệ của mình với cả hai nước sẽ không bị sứt mẻ do cuộc khủng hoảng, một điều khó khăn khi mà phần còn lại của thế giới, trong đó có nhiều đồng minh của Trung Quốc, đang phải chọn một trong hai bên hoặc bị phân rẽ.

Ngô Ngọc Văn, BBC Tiếng Trung Hoa



No comments:

Post a Comment

View My Stats