Saturday, 19 April 2014

TỔNG THỒNG PUTIN & CHIẾN THUẬT NƯỚC ĐÔI TẠI UKRAINA (Tú Anh - RFI)




Tú Anh  -  RFI
Thứ sáu 18 Tháng Tư 2014

Liệu thỏa thuận giải quyết khủng hoảng bất ngờ đạt được tại Genève sẽ mở ra lối thoát cho Ukraina ? Mặc dù một tia hy vọng lóe lên từ chiều hôm qua sau 6 giờ đàm phán bốn bên (Nga, Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu và Ukraina), tại hiện trường tình hình không có dấu hiệu xuống thang, trong khi ở Matxcơva, Vladimir Putin vẫn đóng vai trò « lính cứu hỏa đốt lửa ».

Thỏa thuận đạt được hôm qua được giới truyền thông quốc tế đánh giá là bất ngờ vì sau 6 giờ đàm phán, Ngoại trưởng Nga cùng với đồng sự Hoa Kỳ, Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu đồng ý một tiến trình giải quyết một vụ bế tắc hiện nay đangđặt thế giới trước ngưỡng cửa tái diễn chiến tranh lạnh.

Thật ra, thỏa thuận này tuy dự trù các biện pháp giải giới các toán võ trang « bất hợp pháp » và trả lại các cơ quan công quyền cho nhà nước nhưng hoàn toàn không có một lịch trình thi hành.

Do vậy, Hoa Kỳ hoài nghi thực tâm muốn hòa hoãn của Tổng thống Nga.

Ngoại trưởng John Kerry đến Tổng thống Barack Obama đều tỏ thái độ thận trọng « chờ kết quả » cụ thể trên hiện trường. Thế mà trên hiện trường, phe thân Nga đang chiếm đóng nhiều cơ quan hành chính tại miền đông Ukraina , ngay lập tức, tuyên bố không bị trói buộc phải tôn trọng thỏa hiệp.

Liệu những thành phần nói tiếng Nga tại Ukraina đang chiếm đóng nhiều khu phố ở miền đông Ukraian và công khai kêu gọi Putin gửi quân sang « cứu giúp » có thể hành động mà không có đèn xanh của Matxcơva ?

Giới phân tích Tây phương vẫn xem Putin là « thanh tra phòng cháy, chữa cháy nhưng lại là người phóng hỏa » không phải và không có cơ sở.

Hôm qua, 17/04/2014, trong lúc Ngoại trưởng Serguei Lavrov, đại diện lập trường bất di bất dịch đòi hỏi quyền lợi của Nga tại Ukraina,đàm phán tại Thụy sĩ thì ở Matxcơva, chủ nhân điện Kremli trổ tài đi dây vừa dọa nạt, vừa xoa dịu Tây phương.

Trong một màn trình diễn trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân trên 4 tiếng đồng hồ, Tổng thống Putin phủ nhận các thông tin Nga giựt dây, tổ chức các cuộc bạo loạn tại Donetsk và Slaviansk, nhưng lại nhìn nhận là các đơn vị đặc biệt của Nga đã có can thiệp vào Crimée cách nay hơn một tháng.
Nhưng liền sau đó, ông lại trấn an Hoa Kỳ và Châu Âu nào là « kịch bản của Crimée sẽ không tái diễn tại miền đông Ukraina » nào là quân Nga sẽ không tràn qua biên giới vì Crimée không giống đông Ukraina (58% người Nga tại Crimée, 38% tại Donetsk).

Ông Putin lý giải là Thượng viện Nga cho phép Tổng thống đưa quân sang Ukraina nhưng ông « hy vọng » sẽ không sử dụng pháp quân sự mà để cho « các nỗ lực ngoại giao và chính trị » tìm kiếm giải pháp. Trong cuộc trình diễn truyền hình này, đây là cử chỉ « xuống thang » duy nhất mà Putin nhắn gửi Tây phương nhưng Washington và Bruxelles xem đấy là những lời đe dọa gián tiếp. Tiếp theo đó, chủ nhân điện Kremli phủ nhận tính chính đáng của chính phủ lâm thời Ukraina, tiếp tục đòi Kiev cải cách Hiến pháp, biến Ukraina thành một « liên bang » hay theo chế độ « tản quyền » trước khi bầu Tổng thống ngày 25/05 tới. Trong mọi trường hợp, Putin không muốn Kiev bổ nhiệm nhân sự làm lãnh đạo các thành phố ở miền đông Ukraina.

Theo giới phân tích, chương trình trả lời thắc mắc của người dân đã được ông Putin đạo diễn theo một kịch bản xuyên suốt. Sau khi « trách » liên minh Bắc Đại Tây dương « đẩy » ông vào thế « phải sáp nhập Crimée » vào nước Nga, Tổng thống Putin trả lời câu hỏi của nhà báo truyền hình nổi tiếng kỳ thị và hiếu chiến Dmitri Kissilev (được ông Putin bổ nhiệm làm giám đốc hãng thông tấn Ria Novosti) qua những tuyên bố bốc lửa như « đốt tim bọn đồng tính » hay « tiêu hủy nước Mỹ ». Bị Liên Hiệp châu Âu cấm visa, Dmitri Kissilev than phiền « bị NATO làm ngạt thở », Tổng thống Nga trả lời với nụ cười : « Anh đừng sợ, chính chúng ta mới làm cả thế giới này chết ngạt ».

Liệu chủ nhân điện Kremli có thành công hay không ? Trong lịch sử Châu Âu đã hơn một lần có một nhân vật từng suy tính như vậy. Điều chắc chắn là Tổng thống Nga đang muốn làm chủ nhân ông trong hồ sơ Ukraina. Bằng sức mạnh hay bằng bắt chẹt.



No comments:

Post a Comment

View My Stats