EuroCham
: Tinh giản hành chính nhưng cần nhanh, hiệu quả để Việt Nam tăng hấp lực
Thu Hằng - RFI
Đăng
ngày: 24/03/2025 - 12:04
Ngày
19/02/2025, Việt Nam tinh giản bộ máy Nhà nước, từ 18 bộ xuống còn 14 bộ và từ
4 cơ quan ngang bộ xuống 3. Tiếp theo là sáp nhập tỉnh thành, sẽ phải hoàn tất
trước ngày 30/08 và đi vào hoạt động từ tháng 09. “Cuộc cách mạng” hành
chính cho phép Việt Nam nâng vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu trong bối cảnh
từ năm 2018, Việt Nam được coi là nước hưởng lợi chính từ việc dịch chuyển chuỗi
cung ứng khỏi Trung Quốc.
HÌNH
:
Ảnh
lưu trữ : Tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam Tô Lâm (P) tiếp lãnh đạo ngành Ngoại
giao châu Âu Josep Borrell tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 30/07/2024. AFP
- NHAC NGUYEN
Việc
tinh gọn bộ máy được Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu - EuroCham,
cũng như các nhà đầu tư nước ngoài, đánh giá là tiền đề để Việt Nam thu hút nguồn
vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, qua đó khẳng định vị thế là trung tâm đầu tư của
Đông Nam Á. Hoạt động từ năm 1998, EuroCham hiện là một trong những hiệp hội
doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với hơn 1.400 thành viên sử dụng
hơn 150.000 lao động.
Trả lời
RFI Tiếng Việt ngày 06/03/2025, phó chủ tịch Jean-Jacques Bouflet phụ trách
Chính sách EuroCham đề cao quyết tâm của chính quyền Việt Nam nhưng ông cũng
lưu ý cần phải khẩn trương và tiến hành một cách hiệu quả.
RFI : Việt
Nam tiến hành tinh giản bộ máy Nhà nước, được coi là "cuộc cách mạng lần
thứ hai". Phòng Thương mại Châu Âu (EuroCham) và các thành viên đánh giá
biện pháp cải cách này như thế nào ? EuroCham và các thành viên được thông
tin như thế nào về những thay đổi mà quá trình này mang lại ?
Phó chủ
tịch EuroCham Jean-Jacques Bouflet : Các doanh nghiệp tiếp
đón thông tin tương đối tích cực. Chúng tôi cũng tiến hành một cuộc điều tra,
được gọi là “chỉ số tin tưởng” của các doanh nghiệp (BCI), và nhìn chung cam kết
của chính phủ được coi là một bước theo hướng tốt. 43% trên tổng số các doanh
nghiệp thuộc Liên Hiệp Châu Âu cho rằng về lâu dài thủ tục hành chính sẽ được
đơn giản hóa, trong đó có việc thông qua các nền tảng kỹ thuật số và nhất
là qua việc tinh giản bộ máy hành chính đang diễn ra. Tuy nhiên, 36% thành viên
trong EuroCham vẫn bày tỏ quan ngại về những chậm trễ có thể xảy ra trong quá
trình chuyển tiếp. Nhưng chúng ta cứ giữ lạc quan xem sao !
Chúng
tôi được thông tin như nào ư ? Chúng tôi có được ưu ái là có một buổi làm việc
với thủ tướng Việt Nam ngày 02/03. Có hơn 50 người tham gia, trong đó có đại sứ
Liên Hiệp Châu Âu, cũng như đại sứ nhiều nước thành viên. Chúng tôi đối thoại với
thủ tướng Phạm Minh Chính cùng hai phó thủ tướng và rất nhiều bộ ngành liên
quan. Ông Chính đã trình bày về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính để kích
thích đầu tư vì đây là mục tiêu chính của cuộc cải cách. Sau buổi họp đó,
EuroCham đã tổ chức nhiều sự kiện để thông tin đến các thành viên.
Có
thể thấy là cho đến nay đã có nhiều ý tưởng. Dĩ nhiên là sẽ còn phải chờ xem thực
tế liệu những chủ trương đó có biến thành những cải cách cụ thể hay không.
Nhưng dù sao cũng đã có ý tưởng.
*
RFI
: Sau khi cải cách được thông báo, cũng như sau cuộc họp với thủ tướng
Việt Nam thì EuroCham trông đợi cụ thể điều gì ?
Ông
Jean-Jacques Bouflet : Điểm chính của cuộc cải cách là giảm
đáng kể số lượng bộ. Nhiều bộ đã được hợp nhất, ví dụ bộ Nông Nghiệp và Môi Trường,
điều này cho thấy một bước đi và mong muốn đi theo hướng quá độ và chuyển đổi nền
kinh tế Việt Nam, hoặc ví dụ bộ Kế Hoạch Đầu Tư được gộp vào bộ Tài Chính. Tôi
nhớ không nhầm là từ 18 bộ xuống còn 14 bộ. Có thể thấy mong muốn tinh giản bộ
máy Nhà nước và mặt khác chính phủ cũng tìm cách phi tập trung hóa, có
nghĩa là một phần các thủ tục hành chính sẽ được áp dụng ở cấp địa phương, tại các
tỉnh với khoảng 60 tỉnh ở Việt Nam, và điều này sẽ cho phép chúng tôi tiếp cận
gần với các nhà ra quyết định hơn.
Nói
tóm lại, mục đích của đợt tinh giản bộ máy Nhà nước là giảm bớt thủ tục hành
chính, khoảng 30% toàn bộ thủ tục, và thúc đẩy việc áp dụng để đẩy nhanh chính
những thủ tục đó. 30% là con số ấn tượng nên chúng tôi đầy hy vọng.
*
RFI : Cuộc
cải cách này là một điều kiện tiên quyết để Việt Nam thu hút đầu từ nước ngoài.
Nhìn từ các nhà đầu tư nước ngoài, ví dụ các thành viên của EuroCham, cần phải
có những điều kiện nào khác để Việt Nam có thể khẳng định vị trí trung tâm đầu
tư ở Đông Nam Á như tham vọng của chính phủ Việt Nam ?
Ông
Jean-Jacques Bouflet : Như tôi đề cập ở trên, điều mà EuroCham
trông đợi, cũng là điều kiện chính đối với chúng tôi, để kích thích đầu tư của
châu Âu vào Việt Nam, vẫn là giảm thủ tục hành chính, chấm dứt những phức tạp,
chồng chéo và phân chia rải rác giữa các bộ ngành, cơ quan ở cấp trung ương
cũng như địa phương. Nhiều khi cứ như lạc vào rừng rậm, thủ tục tích tụ, chồng
chéo và phải vượt qua một số ngưỡng. Vì vậy cuộc cải cách này thực sự là cần
thiết.
Ngoài
ra, như chúng ta đã biết, Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu đã ký Hiệp định Tự do
Thương mại và đang trong giai đoạn triển khai. Chúng tôi cũng mong giai đoạn
này triển khai này giúp giải phóng thực sự điều kiện thâm nhập thị trường, cũng
như hoạt động của các doanh nghiệp châu Âu được kết trái từ đầu tư vào Việt
Nam. Về điểm này, tiếc là chúng tôi vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn Hiệp định Bảo
hộ Đầu tư vì hiệp định này phải qua hai vòng phê chuẩn của Liên Hiệp Châu Âu và
của các nước thành viên. Hiện giờ vẫn còn khoảng 10 nước thành viên chưa phê
chuẩn.
Còn
về bản thân Hiệp định Tự do Thương mại, điều quan trọng là hiệp định phải được
áp dụng triệt để và theo đúng tinh thần. Có nghĩa là cần phải tránh để việc giảm
thuế quan bị vi phạm hoặc bị bù lại bằng cách tăng thuế ở trong nước đối với sản
phẩm đó hoặc bằng các rào cản kỹ thuật cho trao đổi thương mại.
*
RFI : Các
thành viên EuroCham đầu tư vào những lĩnh vực nào ở Việt Nam hiện nay, cũng như
xu hướng đầu tư trong tương lai ?
Ông
Jean-Jacques Bouflet : EuroCham đại diện cho toàn bộ các
doanh nghiệp châu Âu, ở cấp độ Liên Hiệp Châu Âu, do đó, lĩnh vực hoạt động của
chúng tôi rất rộng. Chỉ riêng nội bộ EuroCham đã có khoảng 20 ủy ban chuyên
ngành, từ dược phẩm, nông nghiệp, đến rượu vang, rượu mạnh hoặc điện tử cho nên
mảng hoạt động rất rộng, trong lĩnh vực nhập khẩu bởi vì có rất nhiều doanh
nghiệp xuất khẩu sang Việt Nam, cũng như sản xuất, chiếm một phần quan trọng bởi
vì chúng tôi cũng có rất nhiều thành viên sản xuất ở Việt Nam, sau đó tái xuất
khẩu sang Liên Hiệp Châu Âu hoặc sang các thị trường thứ ba.
Liên
quan đến việc sản xuất ở Việt Nam, lĩnh vực chủ đạo vẫn là đồ điện tử. Việt Nam
đang giữ vị trí quan trọng về điểm này, dường như là điện tử giữ vị trí thứ nhất
về xuất khẩu, vượt qua cả nông nghiệp. Cho dù châu Âu có thể ít mạnh hơn trong
lĩnh vực này ở Việt Nam nhưng còn rất nhiều cơ hội đầu tư.
Ngoài
ra còn có cả quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tôn trọng môi trường hơn, vẫn
được gọi là “Green Deal” và chúng tôi muốn thể hiện và khẳng định ở Việt Nam.
Tôi phải nói là về điểm này, Việt Nam đã nắm được phần nào vị trí đầu tầu so với
các nước đang phát triển khác trong vùng. Đó là những lĩnh vực mà chúng tôi đầu
tư đặc biệt hơn. Chúng tôi có một ủy ban đặc trách “Green Growth” - tăng trưởng
xanh - rất năng động. Chúng tôi đối thoại rất nhiều với chính quyền Việt Nam.
Việt Nam đang hiện đại hóa lĩnh vực năng lượng bằng cách thúc đẩy các loại hình
năng lượng tái tạo, cho dù chúng ta khởi động từ mức khá thấp, và tất cả các
doanh nghiệp của chúng tôi tập trung, điều phối với nhau về những lĩnh vực đầy
hứa hẹn như này.
*
RFI : Chủ
tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen dự kiến thăm Việt Nam. Ông
có nghĩ là chuyến công du sẽ sớm diễn ra không ?
Ông
Jean-Jacques Bouflet : Chúng tôi hy vọng bà Ursula von
der Leyen sớm đến thăm chúng tôi. Tôi nghĩ Việt Nam là một nhân tố quan trọng
cho thương mại quốc tế và cho hợp tác đối tác giữa các nước phát triển như Liên
Hiệp Châu Âu và những nền kinh tế mới đang trỗi dậy mạnh mẽ như Việt Nam.
Tôi
nghĩ là trong thời điểm phần nào xáo trộn như hiện nay, cần phải nhắc lại sự gắn
bó vào hệ thống thương mại quốc tế dựa trên khuôn khổ luật pháp rõ ràng, dự
đoán được và đa phương, các quy định của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) cũng
như Hiệp định Tự do Thương mại như tôi đề cập ở trên. Điều này rất quan trọng !
Đúng là chuyến thăm của bà Ursula von der Leyen sẽ tượng trưng phần nào cho điểm
trên. Ngoài ra, cũng đừng quên rằng Việt Nam là thị trường có 100 triệu dân, đó
là đất nước có tiềm năng rất lớn và là một nhân tố chủ đạo cho việc phân bổ lao
động quốc tế.
Ngoài
chuyến thăm của chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, chúng tôi cũng mong ủy viên thương mại
châu Âu Maroš Šefčovič đến thăm để phát hành "Sách Trắng" mà chúng
tôi vẫn soạn thảo hàng năm để trình bày những đề xuất với chính quyền Việt Nam
nhằm cải thiện trao đổi và đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam. Chúng tôi
hy vọng năm nay ông Maroš Šefčovič đứng ra chủ trì buổi lễ này.
Có
thể thấy là mọi chuyện đang đi vào quy củ với Việt Nam theo chiều hướng năng động
được hình thành từ Hiệp định Tự do Thương mại ký vào năm 2019 và phê chuẩn năm
2020 và vẫn đang tiếp tục cho kết quả dù chậm nhưng chắc. Dĩ nhiên cũng phải
chú ý đến bối cảnh quốc tế khó khăn hiện nay nhưng tôi tin Liên Hiệp Châu Âu phải
tái khẳng định gắn kết với khuôn khổ đa phương dựa trên quy định luật pháp rõ
ràng và tin cậy. Bởi vì, đối với các doanh nghiệp châu Âu chúng tôi, ở rất xa
châu Âu, điều quan trọng là phải có được khuôn khổ ổn định, rõ ràng, dự đoán được
chứ không phải chịu ảnh hưởng từ những sự kiện, những “rối loạn” gây
bất ổn. Khi người ta đầu tư, nhất là ở nước ngoài, đó là những khoản tiền khá lớn,
cần nhiều năm mới khấu hao được đầu tư, vì thế có được niềm tin như vậy là điều
rất quan trọng.
*
RFI
Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Jean-Jacques Bouflet, phó chủ tịch phụ
trách Chính sách tại Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam EuroCham.
---------------------------
Các
nội dung liên quan
VIỆT
NAM -LIÊN HIỆP CHÂU ÂU-NGOẠI GIAO
Lãnh
đạo Việt Nam đề nghị Liên Âu sớm gỡ bỏ « thẻ vàng » đối với hải sản xuất khẩu
LIÊN
HIỆP CHÂU ÂU - VIỆT NAM
Liên
Hiệp Châu Âu muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam
No comments:
Post a Comment