Phan Lê Quỳnh Hoa, Giảng viên
Posted
on 27/03/2025 by Boxit
VN
https://boxitvn.online/?p=93280#more-93280
Trước
những năm 1960, Đài Loan chỉ là một nền kinh tế nhỏ bé “siêu lạm phát” và nhiều
bất ổn. Chỉ sau vài thập kỷ, hòn đảo này đã biến thành trung tâm công nghệ bán
dẫn với Tập đoàn TSMC hiện chiếm tới 90% thị phần chip tiên tiến toàn cầu, theo
TrendForce, 2023.
Đứng
trước tham vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, Việt Nam đối diện với bài
toán cốt lõi: Làm thế nào để sở hữu nguồn nhân lực chất lượng
cao cho ngành công nghiệp này? Bí quyết từ câu chuyện thần kỳ của Đài Loan có
thể mở ra những gợi ý quý giá.
Thành
công của Đài Loan không phải là phép màu từ trên trời rơi xuống mà bắt nguồn từ
một chiến lược phát triển nhân lực bài bản, được ví như “tam giác vàng” với ba
trụ cột. Chính quyền Đài Loan không chỉ ban hành chính sách mà còn kiên định thực
thi với tầm nhìn xuyên suốt nhiều thập kỷ. ITRI (Viện Nghiên cứu Công nghệ Công
nghiệp) không chỉ là đơn vị nghiên cứu mà còn là “bà đỡ” cho cả một thế hệ
doanh nghiệp và nhân tài bán dẫn. Và hệ thống đại học chất lượng cao liên kết
chặt chẽ với công nghiệp, đào tạo gắn kết với nhu cầu thực tiễn của ngành. Điều
khiến “tam giác vàng” này đặc biệt hiệu quả là cách ba yếu tố riêng lẻ này được
kết nối thành một hệ sinh thái tích hợp, hướng về một mục tiêu thống nhất.
85%
lãnh đạo cấp cao trong ngành bán dẫn Đài Loan giai đoạn 1980-2000 đều có bằng cấp
từ các đại học hàng đầu như MIT, Stanford và Berkeley (theo số liệu của Đại học
Quốc gia Đài Loan, 2021). Đây là kết quả trực tiếp từ chiến lược “Chim bồ câu hồi
hương” (Homing Pigeon) – chương trình giúp Đài Loan thu hút hơn 4.000 chuyên
gia hải ngoại trở về từ Thung lũng Silicon và các trung tâm công nghệ lớn trên
thế giới trong giai đoạn 1985-2000. Nhưng sức mạnh thực sự của chương trình
không đến từ số lượng, mà từ chất lượng và tầm ảnh hưởng của những nhân tài
hàng đầu.
Morris
Chang hay Chintay Shih không chỉ mang về kiến thức kỹ thuật mà còn cả tầm nhìn
chiến lược và mạng lưới quan hệ quốc tế quý giá. Dưới sự lãnh đạo của Morris
Chang – với bằng tiến sĩ từ Stanford và 25 năm kinh nghiệm tại Texas
Instruments – TSMC đã phát triển từ một startup thành tập đoàn sản xuất chip
hàng đầu thế giới với doanh thu 45 tỷ USD (2020).
Để
thu hút những nhân tài đẳng cấp này, Đài Loan triển khai gói ưu đãi: miễn thuế
thu nhập cá nhân ba năm đầu, hỗ trợ nhà ở lên đến 70% chi phí, quỹ nghiên cứu
cá nhân trị giá 100.000 – 500.000 USD, và cơ hội ưu đãi đầu tư vào
các công ty khởi nghiệp công nghệ. Những chính sách này không chỉ giải quyết
nhu cầu vật chất mà còn tạo ra môi trường để các nhân tài phát huy tối đa năng
lực và tầm ảnh hưởng.
Trái
tim của mô hình “tam giác vàng” chính là ITRI – đơn
vị đã trở thành động lực then chốt cho sự phát triển của ngành bán dẫn Đài
Loan. Hàng năm, ITRI đào tạo khoảng 2.000 kỹ sư và nhà nghiên cứu, đồng thời cử
hơn 200 nhà khoa học đi học tập và làm việc tại các tập đoàn công nghệ và viện
nghiên cứu hàng đầu ở Mỹ, Nhật Bản và châu Âu. Đặc biệt, mô hình “spin-off”
(tách rời) của ITRI đã tạo ra hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ. Các dự án nghiên cứu
thành công được tách thành các công ty độc lập, góp phần trực tiếp tạo ra hơn
280.000 việc làm chất lượng cao trong ngành công nghệ của Đài Loan. TSMC – niềm
tự hào của ngành bán dẫn Đài Loan – chính là đứa
con tinh thần của ITRI, được tách ra năm 1987 và đang tuyển dụng hơn 65.000
nhân viên với mức lương thuộc nhóm cao nhất tại Đài Loan.
Đài
Loan dành 3,5% GDP cho nghiên cứu và phát triển (R&D) – con
số ngang với các cường quốc công nghệ như Nhật Bản, Đức và Mỹ. Đặc biệt, 70%
ngân sách R&D được tập trung cho lĩnh vực bán dẫn và điện tử, minh
chứng cho chiến lược đầu tư có trọng tâm. Mức đầu tư dồi dào này cho phép Đài
Loan duy trì 15 nhà nghiên cứu trên mỗi 1.000 lao động, gần gấp đôi mức trung
bình 8 của các nước OECD. Kết quả là Đài Loan hiện đứng thứ tư toàn cầu về số
lượng bằng sáng chế trong lĩnh vực bán dẫn, chỉ sau Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Song
song với việc thu hút nhân tài, Đài Loan đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống giáo dục nội
địa. Hiện nay, họ có 40 trường đại học đào tạo về lĩnh vực bán dẫn, với quy mô
tuyển sinh gần 10.000 sinh viên mỗi năm. Đặc biệt, việc đặt các trường hàng đầu
về bán dẫn như Chiao Tung và Tsinghua ngay cạnh Khu Khoa học Hsinchu đã tạo ra
mối liên kết chặt chẽ giữa đào tạo và thực tiễn. Nhờ vậy, 65% sinh viên tốt
nghiệp được tuyển dụng ngay lập tức bởi các công ty trong khu công nghệ – một
tỷ lệ mà nhiều quốc gia chỉ có thể mơ ước.
Nhìn
vào mô hình thành công của Đài Loan, câu hỏi đặt ra là Việt Nam hiện ở đâu? Với
75 mã ngành đào tạo về vi mạch bán dẫn, con số thoạt nhìn có vẻ ấn tượng. Tuy
nhiên, thực tế lại cho thấy một khoảng cách lớn: cả nước chỉ có khoảng
5.000 – 6.000 kỹ sư làm việc trong lĩnh vực bán dẫn, trong khi nhu cầu
dự kiến lên đến 20.000 – 25.000 người vào năm 2025 và 50.000 người
vào năm 2030 (theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Việt Nam, 2024).
Chất
lượng đào tạo còn khoảng cách lớn với yêu cầu thực tế: chỉ 20% sinh viên tốt
nghiệp đáp ứng được yêu cầu công việc ngay. Đội ngũ giảng viên chuyên môn cao
chỉ có khoảng 150 người, nghĩa là trung bình mỗi mã ngành chỉ có 2 giảng viên
chuyên sâu. Mức đầu tư cho R&D chỉ đạt 0,5% GDP. Trong khi Đài Loan thu hút hàng nghìn
chuyên gia hải ngoại, Việt Nam có khoảng 300 chuyên gia Việt kiều làm việc
trong lĩnh vực bán dẫn tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, nhưng chỉ
15% trong số họ có ý định trở về nước làm việc trong 5 năm tới.
Mặc
dù còn nhiều thách thức, Việt Nam đứng trước cơ hội vàng để phát triển ngành
công nghiệp bán dẫn. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và xu hướng đa dạng hóa
chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19 khiến nhiều tập đoàn công nghệ lớn tìm kiếm
các điểm đến mới ngoài Trung Quốc. Với vị trí địa lý thuận lợi, môi trường
chính trị ổn định và nguồn nhân lực trẻ dồi dào (70% dân số dưới 35 tuổi), Việt
Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn. Theo dự báo của Hiệp hội Doanh nghiệp Điện
tử Việt Nam (2024), đến năm 2030, ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam có thể tạo
ra doanh thu 5 – 8 tỷ USD và tạo việc làm cho 50.000 lao động chất lượng
cao.
Tuy
nhiên, cuộc đua trong khu vực Đông Nam Á cũng ngày càng gay gắt. Malaysia đã
công bố chiến lược phát triển với mục tiêu đạt 120 tỷ RM (khoảng 27 tỷ USD)
doanh thu vào năm 2030. Thái Lan đang tích cực đầu tư vào Khu công nghiệp Đông
với nhiều ưu đãi thuế đặc biệt. Philippines, Indonesia và cả Campuchia cũng
đang xây dựng chiến lược riêng để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bài
học từ Đài Loan cho thấy, yếu tố quyết định thành công trong ngành bán dẫn
không phải là máy móc hay nhà xưởng, mà chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Từ
kinh nghiệm đó, Việt Nam cần xây dựng một kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực
dài hạn, với tầm nhìn xuyên suốt ít nhất 20 – 30 năm. Đây là một cuộc
marathon, đòi hỏi sự kiên trì và nhất quán trong chính sách. Việt Nam cần tạo
ra “tam giác vàng” phiên bản riêng – sự kết hợp giữa
chính sách nhà nước, viện nghiên cứu và trường đại học. Việc thành lập một Viện
Nghiên cứu Bán dẫn Quốc gia tương tự ITRI là bước đi then chốt, kèm theo đó là
chương trình “Chim bồ câu hồi hương” phiên bản Việt Nam để thu hút chuyên gia
Việt kiều. Đồng thời, cần đầu tư mạnh mẽ và có trọng tâm vào R&D, giáo dục
và đào tạo, với tỷ lệ đầu tư cho R&D cần được nâng lên ít nhất 1,5% GDP vào
năm 2030, tập trung ưu tiên cho lĩnh vực bán dẫn.
Hành
trình phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam còn nhiều thách thức,
nhưng không vì thế mà không khả thi. Giấc mơ về một “Thung lũng Silicon của Việt
Nam” hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu bắt đầu ngay từ hôm nay, bằng việc
đầu tư đúng đắn vào nguồn nhân lực – chìa khóa quyết định thành công trong cuộc
cách mạng công nghiệp bán dẫn.
P.L.Q.H.
Nguồn: vnexpress
No comments:
Post a Comment