Wednesday, 26 March 2025

BUỔI THUYẾT TRÌNH ĐẶC BIỆT 'VĂN CHƯƠNG VIỆT NAM QUỐC NỘI & HẢI NGOẠI' (Văn Lan / Người Việt)

 



Buổi thuyết trình đặc biệt Văn Chương Việt Nam Quốc Nội và Hải Ngoại

Văn Lan/Người Việt

March 25, 2025 : 8:03 PM

https://www.nguoi-viet.com/little-saigon/thuyet-trinh-dac-biet-van-chuong-viet-nam/  

 

WESTMINSTER, California (NV) – Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Phật Giáo Điều Ngự vừa tổ chức buổi thuyết trình đặc biệt về đề tài “Văn Chương Việt Nam 1954-1975 (Quốc Nội) & 1975-2025 (Hải Ngoại)” tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, Westminster, hôm Thứ Bảy, 22 Tháng Ba.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-1-1536x1049.jpg

Giáo Sư Trần Huy Bích giới thiệu đề tài “Văn Chương Việt Nam” thời kỳ 1945-1975 giữa hai miền Nam và Bắc. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Hai diễn giả của buổi thuyết trình là Giáo Sư Trần Huy Bích (tiến sĩ đại học University of Texas, Austin) và Giáo Sư Trần Chấn Trí (tiến sĩ đại học UCLA). Điều khiển chương trình là Luật Sư Derrick Nguyễn Hoàng Dũng.

 

Buổi thuyết trình mang lại cho người tham dự một tổng quan về văn chương Việt Nam qua hai thời kỳ mang ý nghĩa lịch sử: thời kỳ hoàng kim của quốc gia VNCH và giai đoạn nửa thế kỷ của người Việt lưu vong, tị nạn Cộng Sản ở hải ngoại.

 

Giáo Sư Trần Huy Bích, với chủ đề “Đại Cương Về Văn Học Việt Nam giai đoạn 1954-1975,” nhắc đến giai đoạn Nhân Văn Giai Phẩm ở miền Bắc (1955-1958) với một số nhà văn, nhà thơ tiêu biểu, lược qua một vài cây bút trong chế độ miền Bắc Cộng Sản, so sánh và đối chiếu với thời kỳ 20 năm văn học rực rỡ ở miền Nam tự do, kéo dài đến Tháng Tư, 1975.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-2-1536x1052.jpg

Giáo Sư Trần Chấn Trí giới thiệu đề tài “Văn Chương Việt Nam” thời kỳ 1975-2025. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Trong phần mở đầu, ông Bích cho thấy giới văn học nghệ thuật miền Bắc dù có muốn tự do cũng không được, nhất là trong tư tưởng. Các tác giả trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm là nạn nhân của chế độ, đã cố gắng thích nghi để sống. Những lời thơ ai oán, văn chương bức bối phản kháng, chỉ là loại “văn chương minh họa,” nhằm mục đích ca ngợi đảng, lãnh tụ, và chính sách, chứ không nhằm phục vụ độc giả. Nhà văn là công cụ của đảng, văn học như công cụ tuyên truyền, nhà văn là cái xác không hồn.

 

Giáo sư nhận định rằng trong khi miền Bắc coi như không có gì sau phong trào Nhân Văn Giai Phẩm thì văn chương miền Nam rất phong phú. Nếu hủy bỏ văn chương miền Nam, văn học Việt Nam trong giai đoạn ấy kể như không có gì.

 

Ông cũng cho rằng dân Việt ở đâu cũng có người tài, nhưng ở miền Bắc không có tự do, phải rập theo một khuôn khổ, nên tinh hoa dân tộc không phát triển được. Trong khi đó, văn học miền Nam, với không khí tự do, sáng rực như vườn hoa đua nở, để giao tiếp với thế giới tự do và phát triển đến hôm nay.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-3-1536x920.jpg

Quang cảnh buổi thuyết trình “Văn Chương Việt Nam” qua hai thời kỳ 1945-1975 và 1975-2025. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

Trong phần hai của chương trình, Giáo Sư Trần Chấn Trí trình bày tóm lược một giai đoạn khá dài và phức tạp của văn chương Việt Nam nối dài ở hải ngoại, từ 1975 đến nay, từ Hoa Kỳ, Pháp đến Đức, Úc, và Canada, tạm phân chia năm giai đoạn:

 

1-Giai đoạn chuyển tiếp (1975-1980)

 

2-Giai đoạn hội nhập (1981-1990)

 

3-Giai đoạn hội nhập/thăng tiến (1991-2000)

 

4-Giai đoạn ổn định, tranh đấu cho tự do dân chủ nhân quyền (2001-2019)

 

5-Giai đoạn (2020-2025) tiếp nối với những sinh hoạt động văn học nghệ thuật rất mạnh.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-4-1536x970.jpg

Giáo Sư Phạm Thị Huê đặt câu hỏi với diễn giả. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

 Ông cũng đề cập đến mối ưu tư hàng đầu của những người cầm bút, đó là sự tiếp nối dòng văn chương viết bằng tiếng Việt trong giới trẻ, đặc biệt là khuyến khích những người trẻ tuổi viết, và thưởng thức văn chương Việt bằng tiếng Việt.

 

Buổi hội luận thú vị với nhiều câu hỏi và trả lời.

 

Nhà báo Lý Kiến Trúc nhận xét các dòng văn chương Việt Nam trải qua các thời đại như sau:

 

1-Thời đại “văn chương xã hội chủ nghĩa” từ năm 1954-1975, gồm các cây bút nhà văn nịnh hót chế độ, và phong trào phản kháng với Nhân Văn Giai Phẩm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-5-1536x1076.jpg  

Một tiết mục trình diễn văn nghệ tại buổi thuyết trình văn học Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

2-Thời đại văn chương miền Nam, còn gọi là văn chương Sài Gòn, Giáo Sư Trần Chấn Trí gọi là văn chương thời kỳ hoàng kim của quốc gia VNCH, trước đây Việt Cộng gọi là “Những tên biệt kích cầm bút,” bị chết tức tưởi trong các trại tù cải tạo.

 

3- Thời đại văn chương phản kháng,” tiêu biểu có các nhà văn xuất thân từ “xã hội chủ nghĩa” nổi lên như Dương Thu Hương, Trần Độ, Vũ Thư Hiên, Hà Sỹ Phu, v.v…

 

4-Thời đại văn chương của thế hệ người Việt hải ngoại thứ nhất, thứ hai, thứ ba … thuần túy tiếng Việt và song ngữ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2025/03/DP-Thuyet-Trinh-Van-Hoc-6-1536x940.jpg

Toàn ban tổ chức và thân hữu trong buổi thuyết trình “Văn Chương Việt Nam” qua hai thời kỳ 1945-1975 và 1975-2025. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

 

5-Kỳ lạ và thú vị là ở hải ngoại chưa thấy có tổ chức văn học nào trao giải văn chương cho các nhà văn hải ngoại hay ở trong nước. Nhưng mới đây, các nhà văn trong nước (Câu Lạc Bộ Văn Đoàn Độc lập Việt Nam) lại trao giải thưởng văn học cho hai nhà văn hải ngoại, nhà phê bình văn học Bùi Vĩnh Phúc và nhà dịch thuật Khế Iêm.

 

Ông Lý Kiến Trúc góp ý: “Chúng ta đã có quá nhiều hành trang văn chương trong và ngoài nước với đầy đủ ‘kiến thức và kinh nghiệm sống,’ đang nhộn nhịp bước vào thời đại hòa nhập – chuyển hóa – trăm hoa đua nở – có nên thúc đẩy họ vượt qua biên giới 50 năm?”

 

Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng Phật Giáo Điều Ngự được thành lập từ năm 2018 với khoảng 300 học viên thuộc trên dưới 20 lớp, bao gồm tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, khí công, thể dục nhịp điệu, cắm hoa, yoga, thiền, hội họa, thanh nhạc, đàn guitar, lớp thi quốc tịch… [đ.d.]

 






No comments:

Post a Comment

View My Stats