Friday 21 June 2024

ĐẠI TÁ REISNER : "CUỘC TẤN CÔNG CỦA NGA CÓ THỂ BỊ CHẶN LẠI" (NTV)

 



Đại tá Reisner: “Cuộc tấn công của Nga có thể bị chặn lại”

NTV

Frauke Niemeyer nói chuyện với Markus Reisner 

Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

20/06/2024

 https://baotiengdan.com/2024/06/20/dai-ta-reisner-cuoc-tan-cong-cua-nga-co-the-bi-chan-lai/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2024/06/1-58.jpg

Một lữ đoàn Nga bắn tên lửa vào các vị trí của Ukraine ở khu vực Bakhmut. Nguồn: IMAGO/ SNA

 

Phương Tây đã nới lỏng một số xiềng xích: Trong hai tuần qua, người Ukraine đã được phép đánh vào các mục tiêu ở Nga bằng vũ khí phương Tây, mặc dù chỉ ở gần biên giới. Đại tá Reisner phân tích cho NTV về tác động của quyết định này đối với chiến tuyến phía bắc. Những hiệu quả đã rõ ràng hơn là người ta mong đợi.

 

NTV: Khoảng hai tuần nay, quân đội Ukraine đã được phép sử dụng vũ khí của phương Tây để tấn công các mục tiêu ở Nga. Điều này bây giờ có đáng chú ý không?

Markus Reisner: Cả hai phía đều đưa ra hàng chục video mỗi ngày về các hoạt động của họ ở mặt trận. Phần lớn các dữ liệu ở đây cho thấy, cách Ukraine đang cố gắng gây áp lực lên quân đội Nga ở mặt trận tấn công. Chính xác là nơi đặt hậu cần của Nga. Điều này bắt buộc Nga phải sắp xếp lại các tuyến hậu cần của mình. Nếu áp lực lên các tuyến hậu cần và tiếp tế thành công, việc vận chuyển của quân đội Nga tới mặt trận sẽ tự động giảm và sẽ có ít vật liệu hơn có sẵn ở đó.

 

NTV: Điều đó sẽ sớm có tác động đến tiền tuyến, đúng không?

Markus Reisner: Chúng tôi đã thấy điều đó rồi. Ở những nơi Ukraine đã có thể thực hiện hoặc vẫn đang thực hiện các cuộc tấn công như vậy thì ít nhất họ cũng có thể lấy lại thế chủ động trong một số khu vực nhất định.

 

NTV: Điều đó có nghĩa là, bây giờ họ ở phía hành động, còn người Nga rơi vào thế thủ?

Markus Reisner: Ví dụ, điều này đã đạt được tại Lipzy, phía bắc Kharkiv. Quân Ukraina phản công ở đó. Người Nga không thể chống trả lại vì họ thiếu nguồn lực. Họ không còn có thể chiếm đất nữa và thậm chí đã để bị đẩy lùi trong 14 ngày qua. Câu hỏi đặt ra là: Nguồn cung cấp có thể được duy trì trong bao lâu? Liệu người Nga có thể tự tổ chức lại trong vài ngày hay vài tuần và tiếp tục đẩy mạnh các nguồn lực về phía trước không?

 

NTV: Và ông có thể quan sát hiệu quả này nhiều lần ở mặt trận không?

Markus Reisner: Phía đông Lipzy, gần Vovchansk, chúng ta thấy một tình huống tương tự: Một cuộc tấn công của người Nga theo sau bởi một cuộc phản công của người Ukraine. Hiện tại, tình hình vẫn chưa rõ ràng vì cuộc chiến đang diễn ra khốc liệt trong không gian thông tin. Người Nga tuyên bố họ đã bao vây người Ukraine, người Ukraine tuyên bố người Nga bị họ bao vây. Sự thật hiện nay rất khó xác định.

Những hình ảnh mà chúng tôi có, cho thấy ít nhất đã có giao tranh ác liệt và quân đội Nga đã tiến xa hơn, nhưng có thể phải chịu áp lực mạnh mẽ từ phía Ukraine. Tại đây, quân Ukraine đã tấn công các tuyến tiếp tế của Nga. Họ cũng sử dụng hệ thống vũ khí của phương Tây. Gần đây có một đoạn video xuất hiện từ vùng Vovchansk cho thấy việc sử dụng bom chính xác GBU-39. Đây là loại vũ khí không đối đất của phương Tây có thể so sánh với bom lượn của Nga.

 

NTV: Đây có phải chỉ là những thành công riêng lẻ? Hoặc điều này có thể dẫn đến tình hình có sự thay đổi lớn?

Markus Reisner: Chiến tuyến đã ổn định. Cuộc tiến công của quân Nga tại Sumy cũng rất hạn chế; họ không chiếm được vùng đất nào. Quân đội Ukraine ban đầu đã tìm cách làm chậm cuộc tấn công của Nga gần Kharkiv và buộc họ phải dừng lại. Rất có thể các cuộc tấn công bằng tên lửa ATACMS và HIMARS có tác dụng lớn đến mức cuộc tấn công theo kế hoạch của Nga vẫn chưa diễn ra.

 

NTV: Điều đó có nghĩa là?

Markus Reisner: Chúng tôi thấy rằng Nga có thể bị chặn lại. Nếu phương Tây thực sự muốn đóng góp thì điều đó có thể xảy ra. Thật bi thảm khi tình hình luôn trở nên tồi tệ hơn, trước khi những người ủng hộ Ukraine nhận ra: Tình hình thật tồi tệ, chúng ta phải làm gì đó! Rồi họ làm gì đó, sau đó bình tĩnh lại, nhưng không hiểu rằng bạn phải nuôi dưỡng thành công. Nếu chúng ta muốn thành công của Ukraine trong hai tuần qua được bền vững thì viện trợ không được dừng lại.

 

NTV: Có đủ để duy trì mức hiện tại không?

Markus Reisner: Từ góc độ quân sự, các cuộc tấn công quy mô lớn bằng các hệ thống vũ khí khác nhau sẽ phải được thực hiện liên tiếp nhanh chóng. Điều này sẽ làm bão hòa hệ thống phòng thủ của Nga và điều này là cần thiết để đạt được thành công bền vững. Để làm được điều này, Ukraine cần rất nhiều vũ khí chất lượng cao. Những gì họ không có sẵn, phải được chuyển giao.

 

NTV: Thời điểm thích hợp ở đây quan trọng như thế nào?

Markus Reisner: Rất quan trọng. Sẽ chưa đủ nếu sự hỗ trợ to lớn này chỉ được cung cấp trong trường hợp đặc biệt, tức là khi tình hình ở Ukraine trở nên tồi tệ hơn rất nhiều. Ukraine phải có được những vũ khí này, đặc biệt nếu tình hình có vẻ thuận lợi cho nước này. Giống như những gì chúng ta đang trải qua ở khu vực Kharkiv, do được phép sử dụng vũ khí của phương Tây để chống lại các mục tiêu ở Nga.

 

NTV: Tình hình ở Donbass thế nào? Mặt trận ở đó không gần biên giới với Nga mà ở giữa Ukraine. Để tấn công lãnh thổ Nga, người Ukraine sẽ phải sử dụng nhiều loại vũ khí hơn.

Markus Reisner: Ở Donbass, tôi chưa quan sát thấy những tác động tích cực như ở phía bắc, nơi quân Nga tiếp tục tiến từ 200 đến 500 mét mỗi ngày. Đó là cuộc đấu tranh cực nhọc từ vành đai chắn gió này, tức là hàng bụi cây này, đến hàng cây kế tiếp. Nhưng ở đây chúng ta thấy: Áp lực từ bên tấn công Nga lên quân phòng thủ Ukraine vẫn rất lớn và cuộc tiến công đang diễn ra liên tục. Riêng tại Ocheretyne, vị trí Nga ở bên kia sông thuộc tuyến phòng thủ thứ hai của Ukraine đã được mở rộng đều đặn trong tháng qua.

 

NTV: Điều gì xảy ra nếu người Nga đột phá tuyến phòng thủ ở đây?

Markus Reisner: Nếu xảy ra đột phá đáng kể, đường cung cấp của Ukraine sẽ gặp nguy cơ. Một tuyến đường tiếp tế rất quan trọng cách đó vài km chạy về phía tây bắc. Nếu người Nga có thể chiếm được tuyến đường này, điều đó thực sự sẽ dẫn đến sự gián đoạn toàn bộ nguồn cung cấp của Ukraina. Đó là lý do vì sao ở đó đang diễn ra giao tranh với tất cả sự quyết liệt từ cả hai phía.

Tình hình cũng trở nên tồi tệ hơn ở Chassiv Yar. Ở đó, người Nga đang cố gắng hết sức để vượt qua kênh đào Donbass. Vì vậy, không giống như ở khu vực Kharkiv, người Nga ở Donbass vẫn có thể tiến về phía trước trên nhiều khu vực khác nhau của mặt trận.

 

NTV: Không phải người Ukraine ở Donbas đang cố gắng tấn công hậu cần phía bên kia biên giới Nga sao?

Markus Reisner: Chúng tôi không nhận được bất kỳ tài liệu nào cho thấy quân đội Nga ở Donbass đang chịu áp lực lớn. Ví dụ như hình ảnh các kho đạn nổ tung, hình ảnh các sở chỉ huy Nga bị phá hủy, các trạm chứa đạn dược bị đốt cháy. Rostov-on-Don, Voronezh, Kursk – đây là những điểm phân phối và trung tâm trung chuyển mà từ đó người Nga hướng nguồn lực của họ ra mặt trận. Chúng tôi không thấy bất kỳ cuộc tấn công nào ở đó. Không giống như vào mùa hè năm 2022, khi hiệu ứng HIMARS gần như “nổi tiếng” này xảy ra và các cuộc tấn công thành công vào các tuyến đường tiếp tế và kho chứa của Nga đã được ghi nhận rộng rãi.

 

NTV: Điều này vẫn chưa xảy ra nhiều như vậy?

Markus Reisner: Có những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cơ sở hạ tầng ở Nga, nhưng người Ukraine chỉ báo cáo những điều này nếu chúng thành công. Và không có nhiều. Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thành công – chẳng hạn như khi một kho đạn dược hoặc một nhà máy lọc dầu phát nổ – thỉnh thoảng xảy ra, nhưng chúng ta không biết liệu chúng có tác dụng lâu dài và làm suy yếu nguồn cung cấp cho mặt trận hay không.

Chúng ta không thể nhìn vào hậu trường. Nếu các hành động tấn công của Nga giảm bớt thì đó sẽ là kết quả có thể đo lường được của các cuộc tấn công như vậy vào cơ sở hạ tầng. Chúng ta có thể thấy điều này ở khu vực Kharkiv nhưng không thấy ở Donbass. Ở đây bạn phải chờ xem.

 

NTV: Có mục tiêu nào khác mà phía Ukraine đang tập trung tấn công không?

Markus Reisner: Người Ukraine thường sử dụng tên lửa ATACMS và HIMARS để tấn công các vị trí phòng không cũng như chống lại các hệ thống S300 và S400 của Nga. Kiev đang cố gắng tạo khuôn khổ cho việc triển khai máy bay chiến đấu F-16 của phương Tây trong tương lai. Nga càng sở hữu ít hệ thống phòng không thì cơ hội sống sót của các phi công Ukraine hiện đã được đào tạo bài bản càng cao.

Mục tiêu tương tự cũng được theo đuổi với các cuộc tấn công vào các căn cứ không quân ở Nga. Nếu máy bay chiến đấu có thể bị phá hủy ở đó, chúng sẽ không còn khả năng chiến đấu chống lại máy bay phản lực Ukraine nữa. Đối với tôi, có vẻ như Ukraine đã đưa ra quyết định sử dụng nguồn tài nguyên quý giá của những loại vũ khí chính xác này theo cách này.

 

 




THĂM VIỆT NAM, TỔNG THỐNG NGA ĐÁNH GIÁ CAO LẬP TRƯỜNG "CÂN BẰNG" CỦA HÀ NỘI TRONG HỒ SƠ UKRAINA (Thanh Hà /RFI)

 



Thăm Việt Nam, tổng thống Nga đánh giá cao lập trường «cân bằng» của Hà Nội trong hồ sơ Ukraina

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 20/06/2024 - 12:47

 https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20240620-th%C4%83m-vi%E1%BB%87t-nam-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-nga-%C4%91%C3%A1nh-gi%C3%A1-cao-v%E1%BB%81-l%E1%BA%ADp-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%A2n-b%E1%BA%B1ng-c%E1%BB%A7a-h%C3%A0-n%E1%BB%99i-trong-h%E1%BB%93-s%C6%A1-ukraina

 

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm đã chủ trì lễ đón tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du cấp Nhà nước vào sáng nay 20/06/2024 tại Hà Nội, với những nghi lễ trọng thể nhất. Trong cuộc họp báo chung với chủ tịch nước Việt Nam, tổng thống Vladimir Putin đặc biệt nhấn mạnh đến quan điểm « gần gũi » giữa Matxcơva và Hà Nội về tình hình trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương.

 

https://s.rfi.fr/media/display/cef93656-2eea-11ef-b0c8-005056bf30b7/w:980/p:16x9/2024-06-20T085842Z_743133266_RC2VE8AWIPA0_RTRMADP_3_VIETNAM-RUSSIA-PUTIN.webp

Tổng thống Nga Vladimir Putin (P) và chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm duyệt đội danh dự trong lễ đón tiếp tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024. via REUTERS - Gavriil Grigorov

 

Nguyên thủ Nga nhấn mạnh đến « tầm mức quan trọng đẩy mạnh quan hệ đối tác toàn diện chiến lược truyền thống giữa hai nước » trên cơ sở « tinh thần tôn trọng lẫn nhau và vì lợi ích của mỗi bên ».

 

Khi đề cập đến những hồ sơ lớn trên thế giới, theo CNN, tổng thống Putin đã đánh giá cao lập trường « cân bằng » của Việt Nam trong hồ sơ Ukraina: « Chúng tôi biết ơn các bạn Việt Nam có lập trường cân bằng về cuộc khủng hoảng Ukraina cũng như mong muốn tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm các phương tiện phù hợp để giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình. Tất cả những điều này phù hợp với tinh thần và bản chất của mối quan hệ giữa hai nước chúng ta ».

 

Cũng tại cuộc họp báo chung, tổng thống Nga không quên tình hình tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

 

« Tôi xin nhấn mạnh Nga và Việt Nam có cùng quan điểm về phần lớn các chủ đề hoặc là quan điểm của đôi bên gần gũi. Hai quốc gia chúng ta cương quyết bảo vệ những nguyên tắc tối thượng của luật pháp quốc tế, của chủ quyền quốc gia và nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác (…). Lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại vùng Châu Á-Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết một cách hòa bình các tranh chấp và không ngả theo các khối chính trị, quân sự ».

 

Lãnh đạo hai nước chứng kiến lễ trao nhiều văn kiện hợp tác song phương, như hợp tác giáo dục, giao thông vận tải, khoa học, công nghệ và cùng khai thác dầu khí …. Hãng tin Mỹ AP cho biết Nga « sẵn sàng đẩy mạnh đầu tư phát triển công nghiệp khí hóa lỏng tại Việt Nam ».

 

Sau cuộc hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, chiều nay, tổng thống Vladimir Putin có buổi làm việc với thủ tướng Phạm Minh Chính. Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cũng đã hội đàm với nguyên thủ Nga.. 

 

------------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Công du Hà Nội, TT Putin giúp Việt Nam tăng trọng lượng trước Trung Quốc ở Biển Đông ?

 

VIỆT NAM - NGA

Tổng thống Nga Putin công du Việt Nam cấp Nhà nước

 

VIỆT NAM - CHIẾN TRANH UKRAINA

Nghị quyết Liên Hiệp Quốc về Ukraina: Vì sao Việt Nam bỏ phiếu trắng?

 

=====================================================

.

Tổng thống Vladimir Putin chờ đợi gì ở Việt Nam ?

Thanh Hà  -  RFI

Đăng ngày: 20/06/2024 - 14:47

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20240620-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-vladimir-putin-ch%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BB%A3i-g%C3%AC-%E1%BB%9F-vi%E1%BB%87t-nam

 

Sau lễ ký kết « hiệp ước quan hệ chiến lược » với Bắc Triều Tiên, tổng thống Nga Vladimir Putin sang ngay Hà Nội, bắt đầu chuyến công du Việt Nam cấp Nhà nước trong hai ngày 19 và 20/06/2024. Qua động thái này, Matxcơva muốn chứng minh rằng ông Putin không bị cô lập về ngoại giao. Hơn thế nữa, không vì chiến tranh Ukraina mà nước Nga lơ là với Châu Á –Thái Bình Dương.

 

https://s.rfi.fr/media/display/3e30ea2e-2efe-11ef-8a88-005056a97e36/w:980/p:16x9/2024-06-20T054719Z_676654580_RC2TE8A1KNQY_RTRMADP_3_VIETNAM-RUSSIA-PUTIN.webp

Chủ tịch Việt Nam Tô Lâm (P) tiếp tổng thống Nga Vladimir Putin tại phủ chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 20/06/2024 via REUTERS - NHAC NGUYEN

 

Từ khi đưa quân xâm chiếm Ukraina, kinh tế Nga bị phương Tây mạnh tay trừng phạt, những chuyến xuất ngoại của tổng thống Vladimir Putin trở nên hiếm hoi hay chỉ thu hẹp ở những vùng thuộc ảnh hưởng của Nga như Trung Á, hay với đối tác Trung Quốc và gần đây nhất là mới hôm 19/06 là tại Bắc Triều Tiên. Cũng vì chiến tranh Ukraina mà chủ nhân điện Kremlin đã không dự các thượng đỉnh G20 hay của khối các nền kinh tế đang trỗi dậy BRICS.

 

Do vậy, theo giới quan sát, qua việc dành thời gian viếng thăm một nước có « quan hệ truyền thống lâu đời » với Nga, chủ nhân điện Kremlin muốn chứng minh rằng ông không bị cô lập trên trường quốc tế.

 

Hơn nữa theo quan điểm của Nga, Việt Nam có nhiều ưu thế để Matxcơva gửi đi những thông điệp mạnh về mặt ngoại giao : Trước hết chính quyền Hà Nội là một mối bang giao mật thiết, truyền thống và lâu đời. Liên Xô giúp đỡ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh, là điểm tựa kinh tế và thương mại trong những năm tháng Việt Nam bị Mỹ cấm vận.

 

Giờ đây, Việt Nam là đối tác của Mỹ về kinh tế và cả quân sự. Tháng 09/2023, hai bên nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện. Do vậy, theo một số nhà ngoại giao Âu, Mỹ, ông Putin công du Việt Nam để « dằn mặt phương Tây, đứng đầu là Hoa Kỳ ». Đây cũng là cách để Nga chứng minh rằng Matxcơva vẫn có khả năng đối thoại kể cả với những nước được coi là « khá gần gũi với Mỹ, điểm tựa quân sự chính của Ukraina ». Tổng thống Nga trong ngày đầu đến Việt Nam đã hoan nghênh thái độ « cân bằng » của chính quyền Hà Nội trên hồ sơ Ukraina.

 

Việt Nam là nước châu Á thứ ba tiếp ông Putin từ khi ông bị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế phát lệnh truy nã vì tội ác chiến tranh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang, Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á Singapore ISEAS Yusof Ishak Institute, đây cũng có thể hiểu như hành động để Vladimir Putin phá vỡ thế cô lập trên sân khấu quốc tế ». Đó là dụng ý thứ nhì của chủ nhân điện Kremlin trong chuyến công du Việt Nam lần này.

 

Thông điệp thứ ba và quan trọng không kém của ông Putin có lẽ đã thể hiện qua tuyên bố về tình hình tại « Châu Á-Thái Bình Dương ». Trong cuộc họp báo chung giữa tổng thống Nga với chủ tịch Việt Nam Tô Lâm sáng nay, tổng thống Putin xác định « lợi ích của hai bên được thể hiện qua việc xây dựng một kiến trúc an ninh phù hợp, đáng tin cậy tại Châu Á Thái Bình Dương trên cơ sở những nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết tranh chấp một cách ôn hòa và không ngả theo các khối chính trị, quân sự ».

 

Một điểm quan trọng khác là chỉ vài tuần lễ sau thượng đỉnh ở Bắc Kinh với chủ tịch Tập Cận Bình, nguyên thủ Nga đến Việt Nam. Không hiểu Vladimir Putin có những tính toán gì khi xắp xếp lịch làm việc của ông hay không. Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Giang được hãng tin Mỹ AP trích dẫn nhắc lại, Nga hợp tác với Việt Nam thăm dò và khai thác dầu hỏa tại các vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông, một cách giúp Việt Nam khẳng định chủ quyền ở những nơi này. Trong chuyến công du Việt Nam lần này, tổng thống Nga bày tỏ mong muốn « đẩy mạnh đầu tư » phát triển năng lượng, dầu khí và nhất là khí hóa lỏng với các đối tác Việt Nam.

 

Câu hỏi còn lại là những tính toán của Nga liệu có đặt Việt Nam vào thế khó xử hay không. Một số nhà quan sát cho là không. Với chiều dày lịch sử trong quan hệ song phương, việc tiếp nguyên thủ Nga vào thời điểm này thể hiện tính « chung thủy » của Việt Nam đối với một người bạn lâu đời, thể hiện tính độc lập của nền ngoại giao Việt Nam, như quan điểm của nhà nghiên cứu Prashanth Parameswaran, trung tâm Wilson Center của Mỹ.

 

Trái lại, một số khác như Futaba Ishizuka Viện Phát Triển Kinh Tế IDE Nhật Bản, cho rằng việc thân thiết với Nga có thể khiến một số đối tác của Việt Nam « e ngại ».

 

Còn trong quan hệ đối tác song phương, thì dù muốn hay không Việt Nam cũng cần tìm một thế cân bằng để vừa tiếp tục giao thương với Matxcơva vừa không bị ảnh hưởng vì các trừng phạt của phương Tây nhắm vào nước Nga.

 

----------------------------

Các nội dung liên quan

 

PHÂN TÍCH

Công du Hà Nội, TT Putin giúp Việt Nam tăng trọng lượng trước Trung Quốc ở Biển Đông ?

 

PHÂN TÍCH

Thăm Bình Nhưỡng và Hà Nội, tổng thống Nga không muốn chỉ đối thoại với Trung Quốc

 

 

 

 


NGAY SAU ÔNG PUTIN, ĐẶC PHÁI VIÊN MỸ KRITENBRINK THĂM VIỆT NAM (Reuters)

 



Ngay sau ông Putin, đặc phái viên Mỹ Kritenbrink thăm Việt Nam

Reuters

21/06/2024

https://www.voatiengviet.com/a/7663671.html

 

Một nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ sẽ đến thăm Việt Nam trong tuần này để nhấn mạnh cam kết của Washington trong việc hợp tác với nước này nhằm đảm bảo một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hôm thứ Năm, sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Hà Nội rằng ông muốn xây dựng một “kiến trúc an ninh đáng tin cậy” trong khu vực.

 

https://gdb.voanews.com/989fe332-900f-4b7b-9e5e-ff26d62d5097_cx0_cy2_cw0_w1023_r1_s.jpg

Ông Daniel Kritenbrink, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ phụ trách các vấn đề Đông Á Thái Bình Dương, sẽ đến thăm Việt Nam vào ngày 21-22/6/2024.

 

Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Kritenbrink “cũng sẽ tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập, kiên cường và thịnh vượng” trong chuyến thăm diễn ra vào thứ Sáu và thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố.

 

Một ngày sau khi ký thỏa thuận phòng thủ chung với Triều Tiên, ông Putin đã nhận được 21 phát đại bác chào mừng tại một buổi lễ tiếp đón ở Việt Nam, được hai lãnh đạo Cộng sản ôm hôn và một trong số họ khen ngợi ông hết lời.

 

Chuyến thăm hai nước châu Á của ông được coi là thể hiện sự thách thức phương Tây, và việc Việt Nam đón tiếp ông Putin đã bị Mỹ và EU chỉ trích. Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội vào năm ngoái và là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

 

Phương Tây coi ông Putin là kẻ hạ đẳng và nói rằng ông không nên được trao cho một diễn đàn để bảo vệ cuộc chiến của Nga ở Ukraine.

 

Nga và Việt Nam đã ký các thỏa thuận về các vấn đề trong đó có năng lượng, nhấn mạnh chính sách xoay trục sang châu Á của Moscow sau khi phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.

 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết ông Kritenbrink, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ về Đông Á và là cựu đại sứ tại Việt Nam, sẽ gặp các quan chức cấp cao của chính phủ Việt Nam “để nhấn mạnh cam kết mạnh mẽ của Hoa Kỳ trong việc thực hiện Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Hoa Kỳ-Việt Nam và hợp tác với Việt Nam để hỗ trợ về một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

 

Bất chấp lo ngại về chuyến thăm của ông Putin, một số nhà phân tích tin rằng Hà Nội có thể đã tính toán rằng họ sẽ không phải chịu những hậu quả vật chất trong quan hệ với Hoa Kỳ, vì Washington dựa vào mối quan hệ tốt đẹp với Việt Nam để chống lại sự cạnh tranh với Trung Quốc trong khu vực.

 

Tuy nhiên, Hà Nội đang chờ đợi một quyết định quan trọng của Hoa Kỳ trước ngày 26/7 về việc có nên nâng Việt Nam lên vị thế nền kinh tế thị trường hay không, và các nhà phân tích khác cho rằng việc tiếp đón ông Putin có thể ảnh hưởng đến điều này.

 

Việc được công nhận là nền kinh tế thị trường mà Hà Nội đang tìm kiếm đã bị các nhà sản xuất thép của Hoa Kỳ, những người nuôi tôm và nuôi mật ong ở bờ Vịnh Mexico phản đối, nhưng lại được các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác ủng hộ.

 

Nếu được công nhận, Việt Nam sẽ được giảm thuế chống bán phá giá trừng phạt đối với hàng nhập khẩu do hiện tại nước này là một nền kinh tế phi thị trường, vốn chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà nước.

 

--------------------------------------------------------------------------

 

20 THÁNG 6, 2024

Đón Putin, Hà Nội hứa ‘sẽ không hùa với nước khác chống Nga’

 

20 THÁNG 6, 2024

Tổng thống Putin khen ngợi lập trường của Việt Nam về Ukraine

 

21/06/2024

Hiệp ước mới giữa Triều Tiên và Nga cho phép hỗ trợ quân sự lập tức nếu bị xâm lược | VOA

 

 





TỔNG THỐNG NGA VLADIMIR PUTIN THĂM CẤP NHÀ NƯỚC TỚI VIỆT NAM (BBC Tiếng Việt)

 



Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm cấp nhà nước tới Việt Nam

BBC Tiếng Việt

20/06/2024

 https://www.bbc.com/vietnamese/live/c9ww9pdvgwdt

 

Tóm tắt

·        Chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin hạ cánh tại sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội vào lúc 1 giờ 40 ngày 20/6.

 

·        Chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau khi ông Putin đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 của ông.

 

·        Lần thứ 5 ông Putin tới Việt Nam trên cương vị tổng thống Liên bang Nga.

 

·        Trong bốn lần trước, có hai lần là thăm chính thức, một lần thăm cấp nhà nước, một lần đến dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng.

 

·        Trước khi đến Hà Nội, ông Putin đã công du Bắc Hàn và gặp gỡ lãnh đạo Kim Jong-un.

 

·        Trong ngày 20/6, Tổng thống Nga sẽ hội đàm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Tô Lâm, hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

 

·        Ông Putin sẽ đến đặt vòng hoa tại lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ.

 

·        Ông Putin và ông Tô Lâm sẽ gặp gỡ các lãnh đạo Hội hữu nghị Việt-Nga và cựu sinh viên Việt Nam từng học ở Nga.

 

·        Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin là theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải Chủ tịch nước Tô Lâm như giao thức quốc tế thông thường.

 

·        Việt Nam lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga vào năm 2013.

 

 

 XEM TIẾP >>>>>  

 

 

                                                      *****

 

Tổng thống Putin thăm Việt Nam: Châu Âu phản ứng khác Mỹ

Cách phản ứng khác nhau giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) về chuyến đi của ông Putin đến Hà Nội cho thấy dường như EU và cả Ukraine không muốn can thiệp vào những vấn đề nội bộ của Việt Nam.

 https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cv22yk13wzyo

 

 

Ông Putin đến Hà Nội: Việt Nam quan trọng như thế nào với Nga?

20 tháng 6 2024

 

 

Ông Putin tới Việt Nam: Quốc tế nói gì khác với báo chí Việt Nam?

20 tháng 6 năm 2024

 

Tổng thống Putin: Phương Tây khinh ghét, Việt Nam chào đón

19 tháng 6 năm 2024

 

Tổng thống Putin thăm Việt Nam, mục đích chính là gì?

19 tháng 6 năm 2024

 





Thursday 20 June 2024

PHÚC TRÌNH VỀ MẤT "CÔNG BẰNG" TRONG ĐỐI TÁC CHUYỂN ĐỔI NĂNG LƯỢNG CÔNG BẰNG (JETP) CỦA VIỆT NAM (RFA)

 



Phúc trình về mất “công bằng” trong Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam

RFA

2024.06.18

 https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/new-report-highlights-the-missing-just-from-vietnam-s-just-energy-transition-partnership-06182024094557.html

 

Liên minh Những nhà Bảo vệ Khí hậu Việt Nam (VCDC) vào ngày 17 tháng 6 công bố phúc trình chuyên sâu về Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam. Đây là một chương trình các nước phát triển giúp các quốc gia đang phát triển chuyển dịch sang sử dụng năng lượng sạch.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/new-report-highlights-the-missing-just-from-vietnam-s-just-energy-transition-partnership-06182024094557.html/@@images/4b6ed21a-f276-4309-bdcc-b2b1f229c548.jpeg

Nhà máy nhiệt điện Phả Lại ở tỉnh Hải Dương hôm 14/10/2022 (minh họa)

 (STR / AFP)

 

Phúc trình nêu ra những vấn đề về tài trợ, quản trị Nhà nước, giải pháp năng lượng và hoạt động tham gia cần thiết để có thể đạt được việc chuyển đổi năng lượng công bằng tại Việt Nam.

 

Phúc trình có tựa “Sự mất ‘Công bằng’ trong Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP) của Việt Nam” xem xét công cuộc chuyển đổi từ năng lượng dựa trên than đá theo khía cạnh “công bằng”, và những cản trở cho tiến trình đó.

 

Phúc trình được công bố đúng một tuần trước kỷ niệm bước sang năm thứ ba nhà hoạt động bảo vệ môi trường Đặng Đình Bách bị bắt. Hiện ông này đang phải thụ án năm năm tù tại một nhà tù khắc nghiệt, trong một buồng giam nhiệt độ lên đến 43 độ C trong khi sức khỏe của ông yếu kém.

 

Một nhà hoạt động môi trường khác đang bị tù với bản án ba năm là bà Hoàng Thị Minh Hồng, nhà sáng lập và từng là giám đốc tổ chức phi lợi nhuận CHANGE ở Việt Nam.

 

Ông Đặng Đình Bách và bà Hoàng Thị Minh Hồng là hai trong số sáu nhà hoạt động bảo vệ khí hậu bị nhà chức trách Việt Nam nhắm đến và bỏ tù. Biện pháp này làm giới hạn nghiêm trọng- có thể loại trừ- những khả năng thực sự cho việc tham vấn các tổ chức xã hội dân sự.

 

Theo VCDC, biện pháp bắt bớ và lo sợ sẽ có bắt giữ thêm nữa trong lĩnh vực môi trường và năng lượng đã làm hạn chế sự tiếp cận thông tin, minh bạch và tham gia của công chúng trong tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

 

Ông Maureen Harris, chuyên gia tư vấn cấp cao của tổ chức International Rivers người phối hợp với VCDC, phát biểu rằng JETP có thể hoặc là một công cụ có tác động giúp đạt các mục tiêu về khủng hoảng khí hậu, hoặc là sự phí phạm tiền của cho những giải pháp giả dối, kiếm tiền như lệ thường.

 

---------------------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

·        Việc dùng than và phát thải của Việt Nam lên mức kỷ lục mới

·        Chính phủ Việt Nam muốn tăng sản lượng than để đối phó với tình trạng thiếu điện vào mùa hè

·        AES của Mỹ đàm phán bán phần vốn chủ sở hữu tại nhà máy điện than ở Việt Nam

·        Tập đoàn SK của Hàn Quốc muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam trong năng lượng sạch

·        Các nước G7 đề nghị tài trợ hơn 300 triệu đô la giúp Việt Nam chuyển đổi năng lượng

 

 





VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ TRƯỚC VIỆC PHILIPPINES YÊU CẦU MỞ RỘNG THỀM LỤC ĐỊA (Hà Lệ Chi / RFA)

 



Việt Nam cần làm gì trước việc Philippines yêu cầu mở rộng thềm lục địa

Bình luận của Hà Lệ Chi
2024.06.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-vn-need-to-do-when-philippines-ask-un-to-recognize-its-extended-continental-shelf-06202024124137.html

 

Cuộc chiến công hàm sẽ tiếp tục

 

Philippines đã chính thức yêu cầu Liên hợp quốc (LHQ) xem xét hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng (ECS) ở khu vực Tây Palawan ở Biển Tây Philippines, Bộ Ngoại giao (DFA) Philippines thông báo ngày 15/6 như vậy.

 

Việc đệ trình thông tin này lên Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên hợp quốc được thực hiện thông qua Phái đoàn Thường trực Philippines tại Liên hợp quốc ở New York vào ngày 14/6 (giờ New York) (1).

 

Đây là lần thứ hai Philippines đăng ký quyền ECS. Vào năm 2009, Philippines đã đệ trình lần đầu tiên và năm 2012, CLCS đã xác nhận hồ sơ này, khiến cho Philippines mở rộng thêm 135.506 km2 đáy biển.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/what-does-vn-need-to-do-when-philippines-ask-un-to-recognize-its-extended-continental-shelf-06202024124137.html/@@images/image

Bản đồ có kềm phần thềm lục địa mà Philippines yêu cầu ở Biển Đông   (Phan Văn Song)

 

Theo Điều 76 của Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS), một quốc gia ven biển như Philippines có quyền thiết lập ranh giới ngoài của thềm lục địa của mình bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của các khu vực ngầm kéo dài quá 200 hải lý (NM) nhưng không vượt quá 350 NM tính từ đường đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải.

 

Năm 2019, Malaysia đã đệ trình lại ECS, từ đó đã dẫn tới cuộc chiến công hàm giữa nhiều quốc gia chống lại luận điểm của Trung Quốc về quyền sở hữu của họ trên Biển Đông. Việc Philippines đệ trình lần này, báo hiệu cũng sẽ có một làn sóng công hàm giữa Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.

 

 

Mục đích và thời điểm

 

DFA cho biết: “Chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu cho việc này, và trên thực tế, chúng tôi đã đề cập trong báo cáo của Philippines (Benham) Rise vào năm 2009 rằng chúng tôi bảo lưu quyền đưa ra các báo cáo tiếp theo cho phương Tây. Đó là một quá trình liên ngành kéo dài bao gồm nghiên cứu và đánh giá khoa học có chủ ý và chuyên sâu”.”

 

Trong thông báo gửi báo chí, DFA có nói là việc chuẩn bị cho công việc này đã tiến hành trong hơn 15 năm. Tuy nhiên, thời điểm mà Philippines lựa chọn gửi đề xuất này trong thời điểm này cũng là một điều đáng lưu ý.

 

Từ năm 2023 tới nay, Philippines và Trung Quốc vẫn đang duy trì tình trạng căng thẳng và đối đầu trên Biển Đông, đặc biệt tại khu vực Bãi Cỏ Mây và Bãi cạn Scarborough. Philippines dưới thời của Tổng thống Marcos Jr. đã xích lại gần Mỹ, thậm chí tăng cường các hoạt động với Mỹ và đồng minh để nhằm chống lại đe doạ từ Trung Quốc.

 

Hạ nghị sĩ Cagayan de Oro Rufus Rodriguez, đã kêu gọi Thượng viện thông qua dự luật số 9034 xác định các tuyến đường biển của nước này nhằm ngăn chặn các hành vi xâm lấn vùng biển Philippines bởi các tàu và máy bay của Trung Quốc và nước ngoài khác (2). Hạ viện Philippines đã thông qua dự luật này vào tháng 12 năm ngoái, và chỉ còn chờ Thượng viện thông qua (3).

 

Nhận định về mục đích của Philippines trong hành động đệ trình ECS lần này, Đinh Đạc (Ding Duo) - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Luật biển, Viện Nghiên cứu Biển Đông Trung Quốc, cho rằng:

 

“Động thái này của Philippines đã được lên kế hoạch từ lâu nhằm xác nhận phán quyết của vụ kiện trọng tài Biển Đông năm 2016 (sau đây gọi là “Phán quyết trọng tài”) và sử dụng Phán quyết phân định thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông làm bàn đạp, để củng cố hoặc thậm chí mở rộng các lợi ích và các yêu sách của Philippines ở Biển Đông, đồng thời tiếp tục khuấy động các hành động khiêu khích chính trị và pháp lý về vấn đề Biển Đông trong các hoạt động quốc tế đa phương và dư luận quốc tế.” (4)

 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lin Jian thì cho biết:

 

“Trung Quốc ghi nhận sự phát triển này và chúng tôi đang cố gắng thu thập thêm thông tin về vấn đề này. Điều tôi cần nói là có những vấn đề lãnh thổ và tranh chấp về phân định biển ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Philippines. Đệ trình đơn phương của Philippines về phạm vi thềm lục địa của nước này ở Biển Đông là vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Trung Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển và đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của Biển Đông. Các bên ở Biển Đông. Theo các quy định về thủ tục của Ủy ban Liên hợp quốc về Giới hạn Thềm lục địa, Ủy ban sẽ không xem xét hoặc xác nhận đệ trình của Philippines nếu nó liên quan đến việc phân định các vùng biển tranh chấp.” (5)

 

 

Việt Nam phải làm gì?

 

Như vậy, chúng ta có thể hiểu rằng, với hành động này, một mặt Philippines đệ trình nhằm bảo vệ các lợi ích của họ trên Biển Đông, điều này vừa thúc đẩy sự ủng hộ trong nước với Tổng thống Marcos, đồng thời qua đó cũng thúc đẩy sự ủng hộ Philippines từ cộng đồng quốc tế, bao gồm Mỹ và các đồng minh của Mỹ. Mặt khác, trong cuộc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông hiện nay, việc đệ trình này sẽ tạo một làn sóng chú ý và tập trung sự công kích vào Trung Quốc của dư luận thế giới, giống như cuộc chiến công hàm mà do Malaysia khởi xướng cũng từ việc đệ trình ECS vào cuối năm 2019.

 

Trong hồ sơ đệ trình lên CLCS, Philippines nói rõ:

 

“Philippines lưu ý rằng đệ trình chung năm 2009 của Malaysia và Việt Nam, đệ trình năm 2009 của Việt Nam ở khu vực phía bắc và đệ trình năm 2019 của Malaysia đệ trình lên CLCS bao gồm các khu vực có thể chồng lấn với khu vực của Đệ trình này.

 

Những đệ trình trước đó dựa trên Điều 76 của UNCLOS và nhìn chung phù hợp với các nguyên tắc được khẳng định trong Phán quyết Biển Đông năm 2016 của Toà Trọng tài. Philippines bày tỏ sẵn sàng thảo luận với các quốc gia liên quan về việc phân định ranh giới trên biển.” (6)

 

Như vậy, khu vực thềm lục địa mở rộng (ECS) của Philippines lần này sẽ có nhiều chồng lấn với ECS của Việt Nam và Malaysia.

 

Nhìn trên bản đồ, chúng ta sẽ thấy ECS của Philippines đệ trình lần này lấn vào cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. (Xem bản đồ)

 

Chắc chắn Việt Nam sẽ phải phản ứng. Phản ứng của Việt Nam đầu tiên là phải bảo vệ quyền lợi biển của Việt Nam theo UNCLOS, trong đó có thềm lục địa (CS) mà Việt Nam đương nhiên được hưởng là 200 hải lý. Ngoài ra theo điểu 76 UNCLOS, Việt Nam cũng có quyền yêu cầu ECS. Tiếp theo, Việt Nam cũng cần để ngỏ khả năng đàm phán phân định ECS với Philippines và Malaysia trong tương lai. Đồng thời, Việt Nam cũng cần phản đối các khẳng định của Trung Quốc trong Công hàm họ đã gửi lên phản đối Đệ trình của Philippines (trong đó Trung Quốc có khẳng định chủ quyền và quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các nhóm thực thể và

 

vùng biển xung quanh trên Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam).

_________

Tham khảo:

1. https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/phl1/2023PhlEsDoc001Secured.pdf

 

2. https://www.pna.gov.ph/articles/1226547

 

3. https://issuances-library.senate.gov.ph/bills/house-bill-no-9034-19th-congress

 

4. https://opinion.huanqiu.com/article/4IEmi156dOD

5. https://www.fmprc.gov.cn/mfa_eng/xwfw_665399/s2510_665401/202406/t20240617_11437317.html

6. https://www.un.org/depts/los/clcs_new/submissions_files/phl1/2023PhlEsDoc001Secured.pdf

 

----------------------------------------------------------------

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

 

* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam. 

 

 

 




TÒA ÁN Ở TIỀN GIANG TUYÊN ÁN 24 NĂM TÙ HAI NGƯỜI VỚI TỘI HOẠT ĐỘNG NHẰM LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN (RFA)

 



Toà án ở Tiền Giang tuyên án 24 năm tù hai người với tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền

RFA

2024.06.20

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tien-giang-court-sentenced-2-people-to-24-years-in-prison-in-total-06202024081308.html

 

Toà án Nhân dân tỉnh Tiền Giang vào ngày 19/6 tuyên án tù hai người bị cáo buộc tham gia tổ chức Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời của người Việt tại Mỹ. Đây là tổ chức bị Chính phủ Việt Nam xếp vào danh sách các nhóm khủng bố.

 

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/tien-giang-court-sentenced-2-people-to-24-years-in-prison-in-total-06202024081308.html/@@images/3fe8b8c5-f2b2-4ec7-b474-b1a6607d0e39.jpeg

Hai ông Nguyễn Đức Thanh và Nhựt Kim Bình tại toà án ở Tiền Giang   (VOV)

 

Truyền thông Nhà nước cho biết, hai người bị kết án là Nguyễn Đức Thanh (56 tuổi, ngụ xã Điềm Hy, huyện Châu Thành) 16 năm tù và Nhựt Kim Bình (47 tuổi, ngụ thị trấn Mỹ Phước, huyện Tân Phước) 8 năm tù. Cả hai cùng bị cáo buộc tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.

 

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát được truyền thông trong nước trích dẫn, từ năm 2019 đến năm 2023, ông Nguyễn Đức Thanh gửi hồ sơ xin tham gia tổ chức "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời", Thanh được công nhận là thành viên của tổ chức và được cấp bí số.

 

Cũng theo cáo trạng, sau khi tham gia tổ chức này, ông Thanh thường xuyên sử dụng tài khoản Facebook "Thanh Nguyen" sau đó đổi thành "Trần Nhân" để liên lạc với tổ chức và tham gia họp kín trên ứng dụng Free Conference Call, nghe tổ chức huấn luyện phương thức hoạt động chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

 

Viện Kiểm sát cáo buộc ông Thanh, dù đã bị cơ quan có thẩm quyền nhiều lần nhắc nhở, nhưng vẫn tiếp tục tái phạm và còn lôi kéo, hướng dẫn ông Nhựt Kim Bình cùng tham gia tổ chức.

 

Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Tiền Giang xác định ông Thanh đã dùng 13 bài viết với 32 trang tài liệu đăng tải trên trang Facebook cá nhân có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, bôi nhọ lãnh đạo Đảng, nhằm chống phá Nhà nước.

 

Ông Nguyễn Đức Thanh bị Công an tỉnh Tiền Giang xử phạt hành chính số tiền 7,5 triệu đồng về hành vi "chia sẻ thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân" nhưng chưa nộp phạt. Ông Thanh bị bắt vào ngày 19/1/2024. Ông Bình bị bắt vào ngày 8/8/2023.

 

--------------------

Tin, bài liên quan

TIN VIỆT NAM

·        Tiền Giang: truy tố hai facebooker tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân

·        Gia Lai: 10 người bị bỏ tù vì theo tổ chức của ông Đào Minh Quân

·        Tù chính trị Nguyễn Đoàn Quang Viên suy kiệt sức khoẻ ở Trại giam Gia Trung

·        Hai người theo "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" bị tuyên giữ nguyên án 12 năm

·        Tòa án TPHCM tuyên 108 năm tù 12 người dân trong phiên toà bị cho là “vi phạm tố tụng”

 

 

 




View My Stats