Sunday 20 March 2022

VÌ SAO TRUNG QUỐC KHÔNG HĂNG HÁI HÒA GIẢI GIỮA NGA và UKRAINE? (Vann Phan)

 



 

Vì sao Trung Quốc không hăng hái hòa giải giữa Nga và Ukraine?

Vann Phan

March 16, 2022

https://www.nguoi-viet.com/binh-luan/vi-sao-trung-quoc-khong-hang-hai-hoa-giai-giua-nga-va-ukraine/

 

Cuộc chiến tranh nhì nhằng từ hôm 24 Tháng Hai, đến nay, giữa siêu cường quân sự Nga và Ukraine, nước cộng hòa nhỏ yếu bên bờ Hắc Hải, đang khiến cả thế giới phải sốt ruột vì mức độ tàn phá về cơ sở vật chất ngày càng lớn lao và số lượng sinh mạng con người ở cả hai phe bị hủy diệt ngày càng cao.

 

Hiện nay, có vẻ như Tổng Thống Vladimir Putin của Nga đang lay hoay lo kết thúc cuộc chiến càng sớm càng tốt để có thể thiết lập một chính quyền bù nhìn thân Nga tại Kiev thay cho Tổng Thống Volodymyr Zelensky của Ukraine.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-Trung-Quoc-Va-Cuoc-Chien-Nga-Ukraine-1068x703.jpg

Tổng Thống Vladimir Putin của Nga (trái) gặp Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc ở Bắc Kinh hôm 4 Tháng Hai trước khi khai mạc Thế Vận Hội Mùa Đông 2022. (Hình minh họa: Alexei Druzhinin/Sputnik/AFP via Getty Images)

 

 Ông Zelensky là người vừa có khuynh hướng thân Tây phương vừa cứng đầu tới mức không chịu đầu hàng cho sớm.

 

Trong khi đó, cả Hoa Kỳ lẫn Liên Âu đang bị dằn vật vì mặc cảm tội lỗi khi không dám xông tới đương đầu với đội quân dũng mãnh và được trang bị đầy đủ của Putin để cứu nước bạn Ukraine khỏi “một bàn thua trông thấy.”

 

Trong tình huống này, Trung Quốc đang được cộng đồng thế giới trông chờ sẽ là người trung gian hòa giải lý tưởng và có đầy đủ tư cách để giúp chấm dứt cuộc chiến tranh quái ác đó.

Có nhiều lý do mạnh mẽ để Trung Quốc có thể trở thành trung gian đáng tin cậy trong sứ mạng hòa giải này, trong đó có nhu cầu cải thiện hình ảnh của mình sau những hành động thất nhân tâm và đôi khi tàn bạo của họ tại Hồng Kông và Tân Cương.

 

Vả lại, nếu Trung Quốc thành công trong sứ mạng chấm dứt một cuộc chiến tranh tàn hại như thế thì vị thế cường quốc thế giới của họ dĩ nhiên là sẽ được nâng lên một điểm cao mới.

 

Thêm vào đó, một nền hòa bình bền vững tại Âu Châu thế nào cũng giúp củng cố thêm cho vai trò cường quốc kinh tế của Trung Quốc trên trường quốc tế.

 

Vào những ngày đầu của cuộc chiến Nga-Ukraine, các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra khá xông xáo khi gọi điện thoại cho các đồng nhiệm ngoại quốc của mình để thúc giục họ cùng nhau tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm sớm kết thúc cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Ukraine do cuộc tấn công dữ dội của quân Nga gây ra, và dường như Trung Quốc luôn sẵn lòng cộng tác với bất cứ đối tác nào để hoàn thành mục tiêu kể trên.

 

Thế nhưng, mới đây, bắt đầu có những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bỗng dưng kém hăng hái và không còn muốn đứng ra giữ vai trò nước trung gian hòa giải cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nữa.

 

Những sự kiện sau đây có thể giải thích thái độ miễn cưỡng mới có của Trung Quốc trong nỗ lực dàn xếp êm thắm cuộc chiến tranh Nga-Ukraine hiện nay.

 

Thứ nhất, Trung Quốc coi đây chẳng những là cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine mà còn là cuộc chiến tranh giữa Nga và Hoa Kỳ cùng với các nước Tây phương.

 

Các lãnh tụ và truyền thông Tây phương gọi đây là cuộc chiến giữa một nền dân chủ và một chế độ độc tài, rồi nhân tiện đó lại gán ghép Trung Quốc vào phe các chế độ độc tài luôn.

 

Quan hệ không mấy tốt đẹp giữa các nước Tây phương và Hoa Kỳ hiện nay với Trung Quốc khiến cho Bắc Kinh không thấy hứng khởi lắm khi dính líu vào cuộc chiến tranh hiện tại, dù trong bất cứ vai trò nào.

 

Thứ nhì, cho dù có thêm diễn biến nào mới lạ đi nữa trên trường quốc tế, Chủ Tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc thế nào cũng được tái bầu vào chức tổng bí thư đảng Cộng Sản kiêm chủ tịch Trung Quốc lần thứ ba tại đại hội đảng vào mùa Thu này.

 

Có lẽ là vì họ Tập đang được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên trong đảng, nhờ những thành tích sáng ngời lâu nay của nhà lãnh đạo Trung Quốc, cho nên ông chẳng cần phải có thêm một thành tựu ngoại giao mới nào nữa, ví dụ như thành công trong việc đem lại hòa bình cho Âu Châu vào lúc này.

 

Rất có thể, ông Tập thấy chuyện làm trung gian hòa giải cho các bên lâm chiến tại Âu Châu hiện nay không có gì bảo đảm cho lắm là sẽ thành công, trong khi nếu sứ mệnh bất thành thì tư thế lãnh đạo của ông thế nào cũng bị tổn hại một cách không cần thiết.

 

Họ Tập nghĩ rằng mình sẽ phải rất cẩn trọng trong mọi hành động trước khi đã chắc chắn nắm bắt được ngôi vị chúa tể Trung Quốc cho nhiệm kỳ thứ ba.

 

Thứ ba, những chuyên gia phân tích thời cuộc người Trung Quốc tin rằng cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và Ukraine là do các nước Âu Châu và Hoa Kỳ tạo nên.

 

Vì thế, chính họ và hai quốc gia liên quan tới cuộc chiến phải cùng nhau ráng sức giải quyết vấn đề.

 

Nếu đòi hỏi Trung Quốc phải cầm đầu công cuộc hòa giải giữa hai bên thì hóa ra là cứ để cho các bên liên hệ trong cuộc chiến được quyền trốn tránh trách nhiệm của họ hay sao?

Sau cùng, các dấu hiệu đều cho thấy Trung Quốc ngày càng lo lắng về tương lai của Đài Loan.

 

Mặc dù trường hợp của Đài Loan khác với trường hợp của Ukraine, cả hai nơi này đều được thế giới coi như tuyến đầu chống lại hai lân quốc chuyên chế.

 

Nghĩ tới phản ứng nhanh chóng và cứng rắn của thế giới đối với hành động của Nga, Bắc Kinh vẫn lo sợ rằng cuộc chinh phục Đài Loan trong nay mai bằng võ lực rất có thể sẽ dẫn tới những phản ứng mạnh mẽ hơn từ phía cộng đồng quốc tế, căn cứ vào sự thể Đài Loan vẫn có giá trị chiến lược lớn hơn là Ukraine đối với Hoa Kỳ.

 

Trên thực tế, quyết định của Tổng Thống Joe Biden của Mỹ vừa gởi một phái đoàn do ông Mike Mullen, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Mỹ, dẫn đầu đến thăm Đài Loan giữa lúc cuộc khủng hoảng tại Âu Châu đang diễn ra gởi đi một tín hiệu mạnh mẽ về cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ Đài Loan.

 

Hành động này bị Trung Quốc coi là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ chỉ công nhận “một nước Trung Hoa” trên đầu môi, chót lưỡi mà thôi.

 

Nếu như Trung Quốc cảm thấy rằng họ sẽ vĩnh viễn mất Đài Loan thì phản ứng tức thời của họ sẽ là luôn đề cao cảnh giác và sẵn sàng đối phó trước tình huống Hoa Kỳ can thiệp vào vấn đề này.

 

Các nhà phân tích tình hình tin rằng một phần trong các lý do khiến Hoa Kỳ loại bỏ khả năng can thiệp vào tình hình Ukraine là để siêu cường này có thể chú tâm hơn vào mối hiểm họa mà Trung Quốc tạo ra tại vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

 

Phải ngây thơ lắm mới tin rằng việc Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraine có thể sẽ làm cho Hoa Kỳ phải thay đổi chính sách đối với Trung Quốc, hoặc cải thiện đáng kể quan hệ ngoại giao đang xấu đi giữa hai cường quốc khổng lồ này.

 

Thành tích giúp hòa giải cuộc chiến Nga-Ukraine, so ra, vẫn không quan trọng bằng những tính toán về chiến lược quốc tế của các đại cường.

 

Cho tới khi nào Trung Quốc, Hoa Kỳ, và Liên Âu cùng các cường quốc khác trên thế giới chịu dẹp qua một bên quyền lợi riêng tư của mình mà chú tâm giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra ở Ukraine thì dân chúng quốc gia này vẫn còn phải tự mình tìm ra lối thoát khỏi thảm họa mà họ đang chịu đựng. (Vann Phan) [đ.d.]

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats