Wednesday 2 March 2022

UKRAINA : THẾ GIỚI CẦN NGHE THẤY CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TÔI (Đỗ Hùng)

 



Ukraina: Thế giới cần nghe thấy câu chuyện của chúng tôi

Đỗ Hùng

02/03/2022

https://baotiengdan.com/2022/03/02/ukraine-the-gioi-can-nghe-thay-cau-chuyen-cua-chung-toi/

 

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/03/1-1-748x420.jpg

Chị Helen đang trấn an con gái Polina, 8 tuổi, trong hầm trú bom tại một bệnh viện nhi ở Kyiv. Ảnh: CNN

 

Chiến tranh nổ ra, anh Victor Tregubov gửi vợ – chị Julia, cùng con và hai chú mèo tới thành phố Truskavets gần cực tây Ukraina.

 

Mẹ anh thì xuống thành phố Cherkasy ở phía nam Kyiv.

 

“Ở đấy họ tương đối an toàn. Còn tôi thì không muốn giữ an toàn cho riêng mình. Tôi là một lính dự bị động viên và tôi ở lại Kyiv để hỗ trợ đồng đội”, Victor Tregubov nói khi mình hỏi anh ấy tình hình Kyiv và các thành phố khác của Ukraina sau sáu ngày bị quân Nga tấn công.

 

TÌNH HÌNH XẤU THÊM SAU ĐÀM PHÁN

 

Mình hỏi là sau khi hai bên đàm phán thì Nga có bớt bắn phá hay không. “Rõ ràng là tình hình tệ hơn,” Victor Tregubov nói.

 

Anh nói rằng, có vẻ trong giai đoạn đầu, chiến thuật của phía Nga là không sử dụng vũ lực quá mạnh nhằm vào hạ tầng dân sự. Người Nga cố gắng cho thấy họ là những nhà giải phóng tới giúp nhân dân Ukraina “anh em” chống lại chính phủ mà cử tri Ukraina đã bầu lên.

 

Thế rồi, sau cuộc đàm phán đó, họ cảm thấy kinh hãi khi hiểu rằng toàn dân tộc Ukraina đang đoàn kết chống lại cuộc tấn công, và do đó họ chuyển qua hình thức cưỡng bách”.

 

Victor Tregubov kể rằng, người Nga đã sử dụng dàn phóng rốc két nã vào Kharkiv và dùng tên lửa tấn công Kyiv. Trong mấy ngày qua, Nga đã tìm cách bắn tháp truyền hình Kyiv mà chưa mấy thành công, nhưng đã bắn phá khe Babyn Yar tan nát.

 

Khe Babyn Yar ở Kyiv chính là nơi mà hồi Thế chiến II quân Đức đã giết 150.000 tù nhân, trong đó chỉ riêng hai ngày đã thảm sát hơn 37.000 người Do Thái.

 

Giờ đây, người Ukraina đang lo quân Nga sẽ bắn phá khu Nhà thờ chính tòa Thánh Sophia, địa điểm lịch sử ngàn năm tuổi nổi tiếng nhất Kyiv.

 

Có những cáo buộc rằng ý chí của quân Nga là muốn cạo trọc lịch sử và văn hóa Ukraina.

Kyiv và các thành phố bị tấn công khác hiện nay thế nào? Có điện không? Có nước không? Có nhiên liệu để sưởi ấm không? Người dân có đủ thực phẩm không?

 

Mình có một triệu câu hỏi dành cho Victor Tregubov và những người như anh. Nhưng làm sao hiểu hết được, khi mà giữa các cuộc nói chuyện là tiếng đạn bom và những bất an rình rập.

 

Victor Tregubov bảo rằng đa phần các đô thị lớn ở Ukraina tới thời điểm hiện nay “vẫn có đầy đủ những thứ mà anh đề cập. Hệ thống phòng không của chúng tôi đặc biệt tập trung bảo vệ các phần hạ tầng quan yếu.”

 

“Nhưng tôi không biết điều này sẽ kéo dài trong bao lâu,” Victor Tregubov băn khoăn. Và anh cho biết là nhiệt độ thời gian này ở Kyiv tầm khoảng âm 1 độ đến dương 3 độ C, khá ấm so với mọi năm.

 

TINH THẦN MAIDAN

 

Anh Victor Tregubov cho rằng hệ thống hầm trú ẩn và nhà ga tàu điện ngầm ở Kyiv và Kharkiv, hai thành phố từng là thủ đô của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết Ukraina, đã giúp giảm bớt thương vong.

 

Một số nhà ga ở Kyiv thuộc hàng sâu nhất thế giới và có thể bảo vệ người dân ngay cả khi có bom nguyên tử. Mình từng đi mòn chân ở mấy nhà ga Kyiv và Moscow rồi nên mình tin Victor Tregubov nói chính xác. Có những nhà ga đồng thời là hầm trú ẩn thời Thế chiến II, thậm chí chúng được thiết kế để khi cần thì bộ sậu Stalin có thể xuống đó tránh bom hạt nhân mà vẫn có thể chỉ huy toàn cục.

 

Tất nhiên là sức chứa của các nhà ga này có hạn, vả lại không phải khu vực nào ở Kyiv và Kharkiv cũng có nhà ga, nên không thể bảo vệ cho toàn thành phố được.

 

Trong giai đoạn đầu của cuộc tấn công, chúng tôi đã tìm cách sơ tán trẻ em, người già và phụ nữ tới miền Tây hoặc miền Trung, thậm chí ra nước ngoài. Có rất nhiều tình nguyện viên chăm sóc người ở lại. Phải nói là người Ukraina chúng tôi có một sự huy động toàn quốc mà tôi gọi là ‘tinh thần Maidan’ (có thể hiểu là sự đoàn kết, sát cánh). Thời bình thì chúng tôi thích cãi nhau, nhưng trong khủng hoảng chúng tôi có thể cho thấy được tình đoàn kết đáng kinh ngạc”, anh nói.

 

HÃY NGHE CÂU CHUYỆN CỦA CHÚNG TÔI

 

Anh Victor Tregubov nói rằng, gần đây đã có sự dịch chuyển trong nhận thức của mọi người về Urkaina.

 

Không ai còn hỏi chúng tôi rằng, ‘Ukraina ư? Đó có phải là một nơi ở Nga không?’ Thế giới đã thấy chúng tôi là một quốc gia riêng biệt và chúng tôi đang chiến đấu để bảo vệ điều đó. Tôi nhận ra rằng, ngày càng có nhiều người quan tâm tới văn hóa, lịch sử và sự tồn tại của Ukraina. Đó là thứ mà trước đây chúng tôi thiếu, đặc biệt là vào thời điểm nổ ra cuộc chiến vào năm 2014”.

 

Không đến mức phải nhầm lẫn Ukraina với Nga vì mình theo dõi Liên Xô lâu rồi, sau khi Liên Xô tan rã thì có hàng loạt chuyển động trong lòng các cựu thành viên mà một người quan tâm tới chính trị quốc tế không thể làm ngơ.

 

Với Ukraina, đấy là làn sóng Cách mạng Cam hồi thập niên 2000 với người đẹp Yulia Tymoshenko, hay vụ đầu độc Viktor Yushchenko.

 

Với Ukraina, đó còn là Valeriy Lobanovskyi, Serhiy Rebrov và Andriy Shevchenko, là anh em Vitali và Wladimir Klitschko.

 

Nhưng một sự hiểu cặn kẽ thì còn lâu mới có.

 

Mười năm trước, khi băng qua những thảo nguyên lúa mì và hướng dương mênh mông của Ukraina, mình chưa hề hình dung được rằng đây chính là nơi mà Taras Shevchenko đã gửi vào di nguyện:

 

Một mai tôi chết đi

Hãy đặt tôi xuống mồ

Trên gò cao vắng lặng

Giữa đất nước Ukraina

Để cho tôi được nhìn

Những thảo nguyên mênh mông

Và nghe tiếng thì thầm

Của dòng sông Dnieper

(Mình dịch qua một bản tiếng Anh nên có lẽ hơi bị xa rời bản gốc)

 

Mười năm trước, khi đến Kyiv lần đầu, mình vẫn còn chưa có ý niệm rằng những tên gọi Kyiv, Kharkiv, Quảng trường Độc Lập (Nezalezhnosti), Quảng trường Tự Do (Svobódy) quan trọng và có ý nghĩa như thế nào đối với người Ukraina.

 

Nhưng rất nhanh sau đó thì mình đã phần nào hiểu ra. Đấy cũng chính là điều mà Victor Tregubov nói, “có một sự dịch chuyển”.

 

Anh cũng bảo rằng sự quan tâm và ủng hộ của thế giới là rất quan trọng với người Ukraina vào lúc này.

 

Trước hết, tôi mong cộng đồng quốc tế nghe được câu chuyện của chúng tôi, để biết chúng tôi không phải qua lăng kính người Nga, mà qua chính lăng kính của người Ukraina. Đó là lý do tại sao tôi kêu gọi các nhà báo nước ngoài hãy nói chuyện với chúng tôi”.

 

Tất nhiên là, bên cạnh sự hiểu, hỗ trợ về quân sự, tài chính, chính trị, ngoại giao cũng quan trọng.

 

Chúng tôi đang ở trong một cuộc đấu tranh với một kẻ địch mạnh hơn và kém tinh tế hơn. Nhưng cuộc chiến ấy không chỉ là câu chuyện của chúng tôi – nó còn là xung đột giữa một bên là lý tưởng dân chủ – có thể còn khiếm khuyết nhưng vẫn là dân chủ – và pháp quyền với bên kia là chủ nghĩa hoài nghi, độc đoán và sự lên ngôi của vũ lực bạo tàn”.

 

ẢO TƯỞNG NGA

 

Victor Tregubov mong rằng cuộc chiến sẽ sớm kết thúc. Theo anh, cuộc tấn công này đã bắt đầu dựa trên những ảo tưởng khi các lãnh đạo Nga trở thành nạn nhân của chính chính sách tuyên truyền của họ: họ cho rằng tất cả người Ukraina đều yêu họ và muốn gia nhập liên minh của họ, chỉ có đám tinh hoa mới chống họ.

 

Vì thế họ nghĩ cuộc chiến này giống như một chiến dịch của công an – họ chỉ việc thực hiện các cuộc đột kích nhanh, vây ráp các thành phố lớn, bắt giữ hoặc giết những người chống đối, sau đó lập nên một chính phủ thân Nga – và thế là xong”.

 

Nhưng còn lâu mới xong như hình dung của người Nga.

 

Họ đã tấn công một đất nước Ukraina trong tưởng tượng và họ đã buộc phải chiến đấu với một nước Ukraina có thật, nơi mà hầu hết người dân không về phe với họ, nơi mà hầu hết người dân coi mình là một phần của văn hóa châu Âu. Hơn thế – chúng tôi sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ điều đó, và quân đội chúng tôi hóa ra còn mạnh mẽ hơn so với những gì người Nga hằng tưởng, mạnh hơn cả đánh giá của nhiều nhà phân tích phương Tây”.

 

TƯƠNG TỰ VIỆT NAM CHỐNG TRUNG QUỐC NĂM 1979

 

Một bất ngờ ngoài dự liệu của mình là, có lần Victor Tregubov kể rằng gia đình anh có một kết nối với Việt Nam.

 

Điều này thật thú vị. Hồi năm 1979, cha tôi đã được cử tới làm cố vấn cho Việt Nam khi Trung Quốc xâm lược đất nước các bạn.

 

Chúng tôi không gần gũi lắm và tôi chưa bao giờ có cơ hội hỏi ông tỉ mỉ, nhưng qua những gì tôi biết, cuộc xung đột đó có một vài điểm tương đồng với cuộc chiến hiện nay của chúng tôi – người Trung Quốc đã đánh giá quá thấp dân tộc mà họ tấn công. Ngày nay người Nga cũng đánh giá quá thấp chúng tôi – cũng như tình đoàn kết và ý chí của châu Âu trong việc bảo vệ trật tự nơi đây”.

 

Theo Victor Tregubov, cuộc chiến đến nay đã là một rắc rối cho phía Nga, và rằng điều tồi tệ là không có một kịch bản cho việc thoát khỏi nó.

 

Lãnh đạo hiện tại của họ không phải là một người chịu nói lý lẽ. Đó là lý do chúng ta không thể dự đoán được cuộc xung đột sẽ kết thúc vào lúc nào và bằng cách nào”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats