Thursday 24 March 2022

TRÒ CHUYỆN VỚI "CHA ĐẺ" CỦA MIẾNG DÁN VACCINE THAY CHO CÁC MŨI TIÊM NHẮC LẠI (Người Đô Thị)

 



Trò chuyện với “cha đẻ” của miếng dán vaccine thay cho các mũi tiêm nhắc lại   

Người Đô Thị

10:45 | Thứ năm, 10/02/2022

https://nguoidothi.net.vn/tro-chuyen-voi-cha-de-cua-mieng-dan-vaccine-thay-cho-cac-mui-tiem-nhac-lai-33552.html

 

Từ khẩu trang sinh học đến miếng dán vaccine thay mũi tiêm, những nghiên cứu của GS-TS Nguyễn Đức Thành, hiện là giảng viên Đại học Connecticut (Mỹ), ngay lập tức tạo được tiếng vang sau khi công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành uy tín hàng đầu thế giới với hàng nghìn lượt trích dẫn. Bởi những nghiên cứu này khi được hiện thực hoá sẽ có tác động to lớn đến hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người trên toàn cầu trong tương lai.

 

·         Phạm Hy Hiếu: Chuyên gia huấn luyện mạng neuron ở Google

·         Nguyễn Thục Quyên: Khoa học gia trong top quyền lực của thế giới

·         TS. Vũ Duy Thức: Ấn tượng trí tuệ Việt ở thung lũng silicon 

 

Trong cuộc trò chuyện với Người Đô Thị, nhà khoa học sinh ra ở Đã Nẵng không chỉ chia sẻ về những thôi thúc tự thân, trách nhiệm của người làm nghiên cứu trước dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên toàn cầu trong hai năm qua mà còn gợi mở về vai trò của một lĩnh vực khoa học đặc biệt trong việc dự báo về những nguy cơ đại dịch bệnh cũng như “vũ khí” phòng vệ của loài người...

 

*

Đại dịch COVID-19 xảy ra trên toàn cầu đã được hai năm và làm đảo lộn nhiều thứ, anh đã thích ứng với nó như thế nào?

 

Cũng giống như bao người khác, lúc dịch xảy ra cuộc sống và công việc của tôi cũng bị ảnh hưởng. Nhưng may mắn là phòng thí nghiệm (lab) của tôi ở Đại học (ĐH) Connecticut làm nhiều về vaccine (vắc xin) cũng như các công nghệ liên quan đến y sinh. Vì vậy lab đã chuyển hướng, tập trung làm công nghệ đưa vaccine COVID-19 vào cơ thể mà không cần bất cứ mũi tiêm nào.

Nhờ nghiên cứu này lab đã nhận được tiền tài trợ, tiếp tục được làm việc ngay cả trong lúc trường học đóng cửa còn những lab khác phải tạm ngưng hoạt động.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/746af391-fcd1-4b32-8560-9d70f23493c1.jpg

GS-TS Nguyễn Đức Thành.

 

*

Theo anh cuộc sống và bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay đặt ra những yêu cầu gì cho nền y học, cụ thể là lĩnh vực y sinh mà anh đang nghiên cứu?

 

Có nhiều vấn đề mà khoa học kỹ thuật cần phải giải quyết, không chỉ cho COVID-19 mà cho những bệnh dịch có khả năng xảy ra sau này nữa. Vấn đề thứ nhất, theo tôi nghĩ, đó là phải có một công nghệ có thể tiên đoán được dịch bệnh. Virus sẽ tiến hoá liên tục, không phải chỉ COVID-19 mà sau này chắc chắn sẽ có những loại virus khác có khả năng lây lan còn linh khủng hơn. 

 

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào y học và công nghệ có thể dự đoán được virus gây bệnh cùng những biến thể của nó có thể xuất hiện.

 

Vấn đề thứ hai, chúng ta phải thừa nhận vaccine đang “vũ khí” hiệu quả nhất mà loài người có để chống dịch bệnh, đặc biệt là những dịch bệnh có khả năng lây lan lớn như COVID-19. Quy trình công nghệ sản xuất vaccine (chẳng hạn công nghệ mRNA) đã tiến bộ vượt bậc, thay vì trước đây phải mất vài năm mới có thể ra được một vaccine thì bây giờ chưa đến một năm thì mọi người đã có vaccine để phòng ngừa bệnh.

 

Sản xuất vaccine thì đã nhanh rồi nhưng công nghệ để phổ cập vaccine đó lại chưa phát triển song hành. Làm thế nào để phổ biến vaccine đó đến được với người dân một cách nhanh, an toàn, hiệu quả nhất, tạo nên hiệu ứng miễn dịch mang tính chất toàn cầu nhanh chóng, vẫn là một thách nhức mà lĩnh vực y sinh cần giải quyết.

 

Câu hỏi thứ ba là làm thế nào vaccine sản xuất ra được không chỉ nhanh mà có thể đưa đến được những nơi hẻo lánh, những nơi mà người dân rất ít điều kiện để có thể lưu trữ, nhận được vaccine theo những chương trình bình thường, theo đúng lịch trình tiêm - điều vốn rất là bất cập, là rào cản lớn để miễn dịch toàn cầu.

 

Vấn đề đầu tiên ngoài y sinh rõ ràng cần phải có sự hợp tác rất lớn trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt là AI (trí tuệ nhân tạo) mới có thể dự đoán được những loài virus gây bệnh mới. Hai vấn đề còn lại mấu chốt là cần phải có những công cụ để có thể phổ cập vaccine một cách hiệu quả. Lab của tôi đang giải quyết hai vấn đề này.

 

*

COVID-19 được coi là vấn đề toàn cầu và dự báo là sẽ còn xuất hiện những đại dịch tương tự trên thế giới trong tương lai. Theo anh có nên cần những hợp tác mang tính toàn cầu, thay vì phụ thuộc vào những công ty/ tập đoàn (chẳng hạn việc sản xuất vaccine) như hiện nay? Nhìn về tương lai, anh có dự báo gì?

 

Đương nhiên vấn đề giải quyết một dịch bệnh trên phạm vi toàn cầu đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa rất nhiều nước với nhau vì một nước lớn cũng không thể làm hết được. Sự hợp tác này nên được diễn ra ở lĩnh vực y tế công cộng (Public Health). Còn việc nghiên cứu, sản xuất vaccine rõ ràng các nước đều muốn nhưng để làm được phải hội đủ nhiều điều kiện cơ sở vật chất, con người...

 

Nơi nào có sẵn nền khoa học mạnh, có sẵn những cơ sở vật chất tốt và quá trình kiểm tra, đánh giá chất lượng tốt cũng như hệ thống nhân lực chuyên môn cao thì nơi đó nên được tập trung để tạo ra vaccine. Đã là nghiên cứu, đặc biệt là công nghệ cao thì khó có thể đại trà, vì cần hội đủ các điều kiện như vừa nêu.

 

Tôi nghĩ để giải quyết dịch bệnh thì nên tạo điều kiện để một nước nào đấy, một cơ sở nào đấy đã sẵn có nền tảng đảm trách tiếp tục nghiên cứu, phát triển vaccine mới. Còn việc sản xuất có thể chuyển giao công nghệ và giúp những nước khác, hay kỹ thuật tương tự để một khi có một loại dịch bệnh mới xuất hiện thì nước đó có khả năng chế rạo ra một loại vaccine để chống lại virus.

 

Tôi nghĩ WHO và chương trình COVAX cũng là một cơ chế như vậy nhưng có lẽ vẫn chưa đủ, cần nhiều hơn. Ví dụ do quy mô, số người bị lây nhiễm trong nước lớn nên những tập đoàn sản xuất vaccine của Mỹ cần ưu tiên tập trung cho nước Mỹ trước, dẫn đến khan hiếm vaccine đối với những nước còn lại. Tôi nghĩ cần cơ chế nào đó thoáng hơn, giúp cho các tập đoàn có thể làm được (quy trình sản xuất) vaccine rẻ hơn, bán hoặc phân bổ lại hiệu quả nhất cho cho những đất nước vẫn còn đang phát triển, những nước nghèo.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/b965aa76-be11-463a-ac51-d249f6da96b8.jpg

GS-TS Nguyễn Đức Thành với sinh viên và miếng dán áp điện tự tiêu.

 

*

Năm 2018, anh cùng nhóm nghiên cứu (Nguyen Lab) công bố việc tạo nên những tấm polymer áp điện có khả năng tự tiêu hủy cho các ứng dụng trong y học cấy ghép. Phát minh này lần đầu tiên được sử dụng cho việc lọc bụi bẩn, vi khuẩn và virus với loại khẩu trang kháng khuẩn đặc biệt, không chỉ hiệu quả, giá thành cạnh tranh mà còn tái sử dụng nhiều lần, tự tiêu huỷ. Anh có thể cho biết sản phẩm này đã được thương mại hoá hay chưa?

 

Sản phẩm hiện tại vẫn chưa được thương mại hoá nhưng chúng tôi đã có một startup, đã mở doanh nghiệp mà CEO một người Việt Nam có nhiều kinh nghiệm làm về sản phẩm khẩu trang. Chúng tôi vẫn đang thực hiện các kế hoạch, tổ chức tuyển người và kêu gọi thêm nguồn tài chính để sớm thương mại hoá sản phẩm này.

 

Hy vọng một, vài năm nữa khẩu trang đặc biệt này sẽ đến tay người tiêu dùng.

 

*

Công trình nghiên cứu miếng dán trên da để đưa vaccine phòng COVID-19 vào cơ thể cũng là một công trình tạo tiếng vang trong cộng đồng chuyên môn sau khi tạp chí chuyên ngành nổi tiếng về công nghệ y sinh Nature Biomedical Engineering công bố. Anh có thể cho biết công trình này hiện đã phát triển đến giai đoạn nào? Đóng góp của công trình nghiên cứu này khi thành công là gì?

 

Thời điểm chúng tôi nghiên cứu công nghệ miếng dán đưa vaccine vào cơ thể thì COVID-19 chưa xảy ra. Lúc nhóm đang tập trung vào một loại vaccine khác chống lại vi khuẩn pneumoccocus gây ra bệnh viêm phổi. Khi COVID-19 xuất hiện và bùng phát ra toàn cầu, lab của tôi nhận được nguồn tài trợ của tổ chức BARDA(*) và chúng tôi bắt đầu tập trung phát triển miếng dán này cho COVID-19.

 

Hiện tại lab đã làm ra được kết quả rất khả quan, khi tính sinh miễn dịch của miếng dán vaccine trong máu của chuột đạt chỉ số cao tương tự như cách tiêm nhiều mũi mà Moderna từng công bố và có khả năng tiêu diệt các chủng khác nhau của COVID-19 thông qua các thí nghiệm trong lab.

 

Miếng dán thay mũi tiêm này có khả năng bảo quản được vaccine, không lo bị hỏng trong điều kiện nhiệt độ cao. Điều đặc biệt là một miếng dán chỉ có kích thước bằng đầu ngón tay cái nhưng đủ để tạo hiệu ứng miễn dịch tương tự như những mũi tiêm nhắc lại trong một thời gian dài.

 

Miếng dán được đặt trực tiếp lên da và phóng thích các vi kim (microneedle) rất nhỏ vào lớp biểu bì (tương tự như mực xăm) để đưa vaccine vào cơ thể người lặp đi lặp lại trong một khoảng thời gian dài tương tự như các mũ tiêm nhắc lại. Các vi kim này được làm từ loại polymer tự tiêu, siêu nhỏ nên không tác động đáng kể vào dây thần kinh, không gây đau buốt.

 

Lab cũng đã gửi mẫu tới một phòng thí nghiệm ở Harvard để làm thí nghiệm dùng kháng thể trong máu chuột để trung hoà virus gây bệnh COVID-19. Kết quả là kháng thể này có khả năng trung hoà và tiêu diệt virus COVID-19, kể cả biến chủng Delta tương tự như cách tiêm nhiều mũi vắc xin phòng COVID-19. Kết quả khả quan này khiến nhóm rất phấn khởi.

 

Tuy nhiên giai đoạn hiện nay sản phẩm vẫn dừng lại ở nghiên cứu trên chuột. Vì vậy bước tiếp theo chúng tôi cần kiểm tra miếng dán trên loài vật bậc cao gần với người hơn, chẳng hạn như khỉ và sau đó an toàn mới làm thêm thực nghiệm lâm sàng trên người. Hiện tại Chính phủ Mỹ và BARDA đang hỗ trợ chúng tôi thành lập một công ty thứ hai để có thể tiếp nhận thêm nguồn tài trợ nghiên cứu và xa hơn là thương mại hoá miếng dán vaccine.

 

Tuy nhiên cần phải xác định công nghệ miếng dán vaccine này không thể “đốt cháy giai đoạn” để dùng ngay cho việc chống COVID-19 mà nó còn cần thêm các bước nghiên cứu tiếp theo để hoàn thiện. Nó là công nghệ của tương lai. Vì như đã nói ở trên, không chỉ COVID-19 mà trong tương lai sẽ có những virus mới. Để sản xuất vaccine nhanh thì đã có công nghệ mRNA nhưng phổ biến vaccine đó sớm, hiệu quả, độ phủ rộng thì công nghệ miếng dán vaccine chính là giải pháp.

 

Với miếng dán vaccine này hoàn toàn có thể được vận chuyển qua đường bưu điện, đến từng nhà để người dân có thể sử dụng như một miếng băng urgo mà không cần phải đi xa, tụ tập đông người nguy cơ lây nhiễm chéo, không cần phải lo lắng về bảo quản cũng như không cần phải lo tiêm nhắc lại. Vì đây là nhiên cứu tâm huyết nên nhóm sẽ tập trung hoàn thiện quy trình sản xuất theo hướng tự động hóa để giảm thiểu chi phí sản xuất, giúp đưa sản phẩm đến nhiều người dùng.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/e027ebe9-4f08-4d5f-bdc0-f7ae3e7bf50f.jpg

Miếng dán vaccine thay cho các mũi tiêm nhắc lại và hình ảnh các vi kim khi được phóng đại.

 

*

Ngoài các nghiên cứu về COVID-19, chắc hẳn lab đang theo đuổi nhiều dự án khác về y tế?

 

Chúng tôi đang phát triển miếng dán cho liệu pháp miễn dịch chống ung thư, các thuốc giảm đau không gây nghiện vào cơ thể và các kháng thể để trị các virus khác. Đặc biệt có một nghiên cứu vừa được tạp chí Science Translational  Medicine (một tạp chí của Science về lĩnh vực y học) chấp nhận xuất bản. Đó là sản xuất ra những miếng sụn đầu gối giả để chữa cho những người bị bệnh viêm khớp.

 

Vật liệu được sử dụng là tấm polymer áp điện, một sản phẩm mà lab đã nghiên cứu thành công và đã ứng dụng để làm khẩu trang như đã chia sẻ ở trên. Khi cấy ghép vào trong các khớp xương như khớp gối và chịu lực từ cử động của khớp, tấm polymer áp điện này sẽ tạo ra các xung điện để “triệu hồi” các tế bào gốc, kích thích quá trình tiết ra các protein giúp tái tạo miếng sụn bị hư tổn.

 

Kết quả của kết hợp giữa vật lý trị liệu và miếng polymer áp điện giúp cho miếng sụn được tái tạo rất tốt và có khả năng chữa lành hoàn toàn các tổn thương lớn ở sụn. Đặc biệt là miếng sụn giả này có khả năng tự tiêu.

 

Có thể thấy viêm khớp, chấn thương do chơi thể thao là căn bệnh rất phổ biến nhưng không có thuốc chữa, nhiều người phải thay nguyên cả một đầu gối rất kinh khủng. Công trình thuộc lĩnh vực y học tái tạo này của chúng tôi mục tiêu là sẽ giải khắc phục lỗ hổng đó.

 

*

Từng được quỹ từ thiện của Bill Gates tài trợ để làm nghiên cứu về vaccine tại MIT và Nguyen Lab hiện cũng đang nhận được các nguồn kinh phí lớn cho nghiên cứu, bí quyết nào để anh thuyết phục họ tài trợ?

 

Cốt lõi vẫn là chất lượng của các sản phẩm về kỹ thuật công nghệ và khoa học mà mình và lab làm ra. Các kết quả nghiên cứu mà lab của chúng tôi làm ra đều được xuất bản trên những tạp chí lớn, uy tín. Những tạp chí lớn lại thường thu hút được rất nhiều sự quan tâm của chính phủ, các nhà tài trợ từ đó họ sẽ tự động tìm đến mình, tài trợ kinh phí để mình tiếp tục làm nghiên cứu. Tuy nhiên, dữ liệu khoa học không chỉ để phục vụ cho mỗi xuất bản mà phải dùng cho các ứng dụng sau này, vì thế phải có chất lượng cao.

 

Cùng với đó là cần đến những kỹ năng mềm, chẳng hạn khả năng giao tiếp phải tốt. Làm nghiên cứu, đặc biệt là nghiên cứu công nghệ đòi hỏi phải đầu tư nhiều kinh phí nên phải xin tài trợ rất nhiều. Tiền tài trợ do vậy là vấn đề sống còn. Cũng may mắn tôi học từ thầy của mình, từ nững người đi trước, rồi tự học cách thuyết trình, viết lách để có thể trình bày. Cho dù đó là một vấn đề rất phức tạp về mặt khoa học kỹ thuật, thì cũng cần được diễn đạt một cách gọn gàng và dễ hiểu nhất.

 

Các kỹ năng mềm còn giúp tôi có thể nói chuyện với các bạn đồng nghiệp, những người mình cần hợp tác và cả các bạn sinh viên, giúp họ hiểu những điều mình đang làm, đang cần vì mình không thể làm hết mọi thứ được mà cần những những người thuộc lĩnh vực khác. Khi đã hiểu thì rất dễ để làm việc chung, hợp tác và họ sẽ mang đến những nền tảng, kiến thức, chuyên môn giúp cho công nghệ của mình đạt được kết quả mỹ mãn nhất.

Ví dụ, trước đây có lẽ không ai nghĩ có thể đưa công nghệ chế tạo chip điện tử vào để tạo nên những hạt vắc xin, nhưng hiện nay đây là công trình mà tôi đang làm. Rõ ràng là phải luôn sẵn sàng để học hỏi, liên tục học hỏi. Là một giáo sư, nhưng tôi còn phải học nhiều hơn trước đây rất nhiều nhưng điều đó lại làm cho tôi ngày càng thích thú với công việc của mình.

 

*

Ai đó nói rằng để ngồi ở vị trí không ai ngồi được, phải chịu được cảm giác không ai chịu được. Là một trong những kỹ sư trẻ xuất sắc nhất thế giới vì có nhiều sáng chế trong lĩnh vực y sinh, anh có chiêm nghiệm hay đúc kết gì về áp lực mà một người làm nghiên cứu phải trải qua? Và để đạt được vị trí và thành công như hiện nay, chắc hẳn lộ trình và kế hoạch làm việc của anh phải rất đặc biệt?

 

Công việc của tôi hiện tại là đang phải quản lý một phòng thí nghiệm 12 người, làm rất nhiều nghiên cứu khác nhau, không phải chỉ riêng về COVID-19. Rất vui vì các nghiên cứu của mình đã được mọi người công nhận. Với tôi cuộc sống lâu giờ chủ yếu xoay quanh công việc, gia đình và một ít thời gian cho bản thân như chơi nhạc, thể thao... Ngoài ba việc này ra thì hầu như không còn gì khác, bảy ngày trong tuần đều phải làm việc.

 

Thực sự thì công việc của một giáo sư ở Mỹ rất bận, mình không có nhiều thời gian để nghỉ. Bởi sinh viên sẽ liên tục nhắn tin, gọi điện, email hỏi xin ý kiến. Ngoài ra phải làm việc để có các dự án nghiên cứu mà mình muốn, kêu gọi nguồn tài trợ nuôi lab, hỗ trợ các bạn làm việc trong lab. Nhưng đây là công việc mà đã từ lâu rất muốn làm nên tôi rất yêu thích nó. Tôi được nghiên cứu, làm ra những sản phẩm có ảnh hưởng lớn tới con người, chữa được một căn bệnh, giúp được một người bệnh có thể thoải mái hơn điều đó tạo cho mình một cảm giác rất vui sướng. Nó càng thôi thúc mình say mê, cống hiến hết cho công việc.

 

Chính sự say mê, yêu thích công việc, làm trong sự tận hưởng cho nên tôi thấy hạnh phúc, cảm giác không có gì khó khăn cả.

 

https://uploads.nguoidothi.net.vn/content/aac594c9-551d-4f05-a355-26848110fb28.jpg

GS-TS Nguyễn Đức Thành thảo luận về microneedles trong miếng dán vaccine.

 

*

Đồng nghiệp đã có nhiều lời khen và truyền thông quốc tế không ít lần tôn vinh thành công nghiên cứu của anh, trong trường hợp này, người phỏng vấn muốn hỏi một câu hơi "ngược dòng" một chút, đó là anh đã học được gì từ những thất bại? Thất bại “đáng giá” nhất của anh là gì?

 

Từng trải qua nhiều thất bại trong quá trình nghiên cứu nên tôi học được nhiều lắm (cười). Mỗi lần như thế cho tôi một bài học, càng đi qua thì càng tích luỹ được nhiều bài học. Bởi nghiên cứu đó có thể không ra được kết quả như mong đợi, tuy nhiên mình vẫn luôn luôn tìm được ở đó một điều gì đó mới mẻ, là kiến thức mới, công nghệ mới nó có thể không phù hợp cho lĩnh vực này nhưng tốt cho một ứng dụng khác, sau này có thể cần đến. Và kể cả thất bại mình cũng cần có kế hoạch B để đưa những kiến thức mới đấy, kết quả không mong đợi đó thành một cái mới, giúp ích được cho nghiên cứu mới.

 

Thất bại trong nghiên cứu là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là làm những lĩnh vực mới mẻ. Mỗi dự án, mỗi nghiên cứu các thử nghiệm thất bại không thể kể hết được và vì nhiều quá nên chưa bao giờ có dịp ngồi ngẫm lại xem cái nào đáng giá nhất. Cái nào cũng có giá trị đối với mình.

 

*

Công trình nghiên cứu nào khiến anh hài lòng nhất?

 

Nếu mà nói hài lòng thì đến nay tôi vẫn chưa hài lòng với những gì mình đã làm được bởi vẫn đang dừng lại ở việc thí nghiệm trên các loài vật, vẫn chưa có nghiên cứu nào đi đến cuối đoạn đường là ứng dụng đại trà cho các bệnh nhân hay cho ngành y tế. Nhưng tôi vui vì những kiến thức mình có được và bất cứ công trình nghiên cứu nào trong lab cũng đều khiến cho tôi phấn khích. Dù có thể chưa ứng dụng được ngay cho thời điểm bây giờ, nhưng chúng đều có tầm ảnh hưởng rất lớn khi nghiên cứu thành công. Có thể là vài năm nữa và có lẽ đến lúc đấy tôi sẽ nói được là mình đã hài lòng.

 

*

Điều gì đã thôi thúc anh từ một người được đào tạo và làm về kỹ thuật lại “nhảy” qua lĩnh vực y sinh, một địa hạt mới mẻ phải học lại từ đầu?

 

Bố mẹ và hai chị của tôi đều làm trong lĩnh vực y tế. Vì thế từ nhỏ tôi hiểu được y học có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, đến con người nên tôi rất yêu thích. Hồi đi học, do tập trung quá nhiều về toán, lý nên cái mà tôi tự tin vào thời điểm đó là về kỹ thuật. Khi học những năm cuối ĐH Bách khoa Hà Nội tôi nhận ra có một lĩnh vực mới mà mình có thể sử dụng kiến thức kỹ thuật cho y học, đó chính là kỹ thuật y sinh. Tôi bắt đầu chuyển hướng và cuối năm học ở Bách khoa đã làm được một ít về cảm biến sinh học.

 

Khi học lên tiến sĩ ở ĐH Princeton giáo sư hướng dẫn tôi là một người còn rất trẻ nhưng có rất nhiều công trình về y sinh. Đó có lẽ là giai đoạn chuyển giao giữa một sinh viên học về kỹ thuật đi vào con đường nghiên cứu về y sinh.

 

Và khi sang làm nghiên cứu sau tiến sĩ tại MIT thì lúc đó tôi hoàn toàn làm về kỹ thuật y sinh, tất cả mọi thứ đều có ứng dụng trên con người. Lab đó là nơi mà đam mê của tôi được thực hiện một cách hoàn chỉnh. Những kiến thức học được lại càng làm cho tôi say mê, thích thú hơn.

 

*

Theo anh cơ hội và trách nhiệm của người trẻ, đặc biệt là nhà khoa học trẻ trong bối cảnh hiện nay như thế nào?

 

COVID-19 và sự tác động lớn của nó cho chúng ta thấy rằng lĩnh vực y sinh có thể giúp được rất nhiều người. Hi vọng các bạn trẻ thấy được lĩnh vực này thú vị và sẽ tìm kiếm được những cơ hội. Nếu ngành này chưa phát triển lắm ở Việt Nam thì các bạn có thể đi học ở nước ngoài, không chỉ lab của tôi mà còn có rất nhiều lab khác ở Mỹ.

 

Riêng lab của tôi lúc nào cũng rộng mở nếu có các bạn sinh viên Việt Nam thích thú đi theo hướng nghiên cứu này. Trong lab hiện tại cũng có rất nhiều bạn Việt Nam, các bạn làm việc rất tốt, chăm chỉ và thông minh.

 

Tôi nghĩ lĩnh vực y sinh hiện được đầu tư rất lớn vì ai cũng thấy được ảnh hưởng của dịch bệnh, thấy được sự cần thiết của công nghệ để giúp giải quyết được những dịch bệnh này. Đấy là cơ hội lớn cho các bạn trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ ở Việt Nam.

 

*

Nhiều người trẻ vẫn đang khó khăn trong việc định hướng tương lai, hoạch định con đường mà mình theo đuổi. Từ trải nghiệm bản thân anh có thể chia sẻ kinh nghiệm cũng như bí quyết để nuôi dưỡng, theo đuổi đam mê là gì?

 

Để nuôi dưỡng và theo đuổi đam mê thì bản thân phải luôn luôn nỗ lực học hỏi, rèn luyện từng ngày. Có một định hướng rõ ràng từ sớm thì sẽ tốt hơn. Trước đây tôi luôn định hướng sẽ đi học ở Mỹ và nghiên cứu phát triển về kỹ thuật y sinh. Chính điều đó đã góp phần giúp tôi có được như ngày hôm nay.

 

*

Là người tổ chức nhóm nghiên cứu với các thành viên trẻ đến từ nhiều nước, lại được trao Giải thưởng Người mở đường cho các nhà nghiên cứu trẻ của Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ, anh có thể chia kinh nghiệm trong việc tập hợp và hướng dẫn các tài năng trẻ trong việc làm việc nhóm?

 

Đầu tiên phải xác định làm việc nhóm rất quan trọng. Khi làm ở lĩnh vực công nghệ cao, một người chỉ giỏi được một hoặc hai lĩnh vực, không thể nào làm hết tất cả mọi thứ được. Vì vậy cần làm việc nhóm mà trong đó mỗi người sẽ chuyên trách một lĩnh vực khác nhau, hỗ trợ, chia sẻ tri thức cho nhau để làm một sản phẩm mang tính chất đột phá, có tầm ảnh hưởng lớn.

 

Với lab của tôi để các bạn làm được với nhau tôi phải xác định rõ ràng với họ là mỗi người đều có một giá trị riêng của mình, cần có sự tôn trọng lẫn nhau, không nên ngại nói ra quan điểm, ý tưởng của mình. Điều đó tạo cho họ hiểu được rằng mình đang góp phần làm một nghiên cứu có ý nghĩa rất lớn, cả nhóm phải cùng chung một chí hướng, bất cứ thứ gì mình làm có thể đóng góp được cho nhau, đều mang lại một giá trị lớn sau này.

 

Tôi cũng chủ động sắp xếp những người thuộc lĩnh vực khác nhau vào trong nhóm, người ta sẽ học hỏi lẫn nhau. Vừa là đồng nghiệp, vừa là thầy, vừa là trò mà thực sự thì ngay cả tôi cũng vậy, làm việc với các bạn tôi cũng học được rất nhiều từ họ. Chính vì thế mọi thứ diễn ra rất suôn sẻ.

 

*

Anh từng chia sẻ về nguyện vọng tổ chức các chương trình hoạt động cũng như hợp tác các chương trình nghiên cứu với chuyên gia trong nước, hỗ trợ các nhà khoa học trẻ. Anh có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch này?

 

Nếu là một dự án nghiên cứu chính thức thì chưa nhưng tôi đã trao đổi, kết nối các giáo sư trường ĐH Bách khoa với khoa Kỹ thuật Y sinh ĐH Connecticut để tổ chức một hội nghị khoa học. Hiện tại chúng tôi vẫn đang xúc tiến để tiến tới ký kết một văn bản hợp tác chính thức đưa sinh viên qua lại giữa hai trường.

 

Rất vui khi kết nối được thành công bởi tôi cũng từng là sinh viên, thấy được các bạn Việt Nam rất giỏi, chăm chỉ. Hi vọng từ sự kết nối này sẽ có càng nhiều bạn trẻ Việt Nam có thể qua được bên này, tiếp cận với công nghệ tiên tiến để học hành, nghiên cứu...

 

                                                             ***

 

GS-TS Nguyễn Đức Thành (sinh năm 1984) là cựu sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Năm 2008 anh nhận học bổng tiến sĩ của Quỹ Giáo dục Việt Nam – Mỹ và hoàn thành luận án tiến sĩ năm 2013 tại ĐH Princeton. Sau đó, anh làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại HV Công nghệ Massachusetts (MIT) và được ĐH Connecticut bổ nhiệm vị trí Assistant Professor, giảng viên Khoa Cơ khí và Khoa Kỹ thuật Y sinh... 

 

GS-TS Nguyễn Đức Thành hiện đứng đầu một nhóm nghiên cứu về công nghệ y sinh và vật liệu y sinh của ĐH này. Nhóm thực hiện nghiên cứu đa ngành, tập trung cho những ứng dụng trong y khoa, liên quan đến các lĩnh vực khác nhau bao gồm vật liệu sinh học, dược phẩm, vắc-xin, công nghệ nano, y học tái tạo và thiết bị điện tử y tế. Các nghiên cứu này đã được công bố trên các tạp chí khoa học chuyên ngành hàng đầu thế giới như Science, Nature Nanotech, Nature Biomedical Engineering, Science Translational Medicine, PNAS... và được The New York Times, The Guardian, BBC... dẫn lại.

 

TS Thành đã được nhận nhiều giải thưởng danh giá, trong đó có Giải thưởng dành cho giáo sư trẻ xuất sắc trong lĩnh vực y học tái tạo (ACell Young Investigator Award for Regenerative Medicine, 2020), nhà nghiên cứu trẻ tiên phong của Viện Y học quốc gia Mỹ (NIH Trailblazer Award for Young and Early Investigator 2017), Giải thưởng dành cho 1 trong 18 kỹ sư chế tạo trẻ xuất sắc nhất trên thế giới do Hiệp hội các nhà sản xuất Mỹ trao tặng năm 2018 (2018 SME Outstanding Young Manufacturing Engineer Award), top 10 nhà sáng chế dưới 35 tuổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương do MIT bình chọn (MIT top innovators under 35 at Asia Pacific, 2019), top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019.

 

Trung Dũng thực hiện

____________________

 

(*) Cơ quan Phát triển và Nghiên cứu y sinh học tiên tiến (BARDA)- cơ quan liên bang của Mỹ chuyên tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ phòng chống dịch bệnh đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào các loại vaccine và cung cấp tài chính cho hơn 30 dự án, trong đó có các dự án liên quan tới chẩn đoán và điều trị. BARDA đã viện trợ tài chính cho Moderna Inc, Sanofi, Johnson & Johnson và công ty dược phẩm AstraZeneca Plc (Vương quốc Anh).

 

·         Giáo sư 8X và “phác đồ” đặc biệt: Chống ung thư bằng... môi trường

·         Đặng Văn Lâm và niềm hạnh phúc lặng lẽ

·         Trò chuyện với người được Google “tam cố thảo lư”





No comments:

Post a Comment

View My Stats