Sunday, 13 March 2022

TÔN GIÁO THÁNG 2/2022 : LÀNG MAI GẶP BAN TÔN GIÁO CHÍNH PHỦ, BÀN VỀ HOẠT ĐỘNG TẠI VIỆT NAM (Thái Thanh - Luật Khoa)

 



Tôn giáo tháng 2/2022 : Làng Mai gặp Ban Tôn giáo Chính phủ, bàn về việc hoạt động tại Việt Nam    

Thái Thanh  -  Luật Khoa

12 Mar 2022

https://www.luatkhoa.com/2022/03/ton-giao-thang-2-2022-lang-mai-gap-ban-ton-giao-chinh-phu-ban-ve-viec-hoat-dong-tai-viet-nam/

 

Cùng với những tin tức đáng chú ý khác về quyền tự do tôn giáo.

 

*Thiện Trường hỗ trợ thực hiện.

 

                                                                *

 

[Bàn tay chính quyền]

 

Tăng đoàn Làng Mai gặp Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Vào ngày 16/2/2022, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc đã tiếp tăng đoàn Làng Mai do Thượng tọa Thích Chân Pháp Ấn dẫn đầu. [1]

 

Theo Ban Tôn giáo Chính phủ, đại diện tăng đoàn đã gửi lời cảm ơn đến cơ quan, các cấp chính quyền vì đã hỗ trợ, giúp đỡ tổ chức tang lễ của thiền sư Thích Nhất Hạnh vào tháng 1/2022.

 

Đồng thời, đại diện Làng Mai cũng thông báo với Ban Tôn giáo Chính phủ về những định hướng hoạt động của tăng đoàn tại Việt Nam, và đề nghị được chính quyền tiếp tục giúp đỡ.

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2022/03/image-3.jpeg

Ông Vũ Hoài Bắc (phải) và Thượng tọa Thích Chân Pháp Ấn tại buổi tiếp. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

Cùng ngày, tăng đoàn Làng Mai đã gặp Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chiến Thắng tại trụ sở Bộ Nội vụ. Thượng tọa Thích Chân Pháp Ấn cũng đề cập đến hoạt động của Làng Mai tại Việt Nam. [2]

 

Hai bản tin ghi nhận về những buổi gặp này đều không đề cập đến những định hướng hoạt động của tăng đoàn tại Việt Nam.

 

Tăng đoàn Làng Mai hiện nay vẫn chưa được cấp phép hoạt động tại Việt Nam.

 

Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo duy nhất được chính quyền công nhận là cơ quan tổ chức, quản lý toàn bộ hoạt động Phật giáo. Các hội, đoàn Phật giáo nếu muốn hoạt động đều phải gia nhập và chịu sự quản lý của cơ quan này.

 

Sau lần trở về nước đầu tiên của thiền sư Thích Nhất Hạnh năm 2005, một số tu sinh của Làng Mai từng được phép tu tập ở Việt Nam tại chùa Bát Nhã, một ngôi chùa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, đến năm 2008, việc tu tập bị cản trở do nhiều người đến quấy nhiễu. Cuối cùng, các tu sinh bị đuổi ra khỏi chùa. [3]

 

Vụ việc này xảy ra không lâu sau Lá thư Làng Mai số 31, đăng vào tháng 2/2008, trong đó nêu nhiều quan điểm liên quan đến đảng, “công an tôn giáo” và Ban Tôn giáo Chính phủ. [4] Sau đó, báo Công an Nhân dân đã dùng bức thư này để phỉ báng Làng Mai và Thích Nhất Hạnh vì cho rằng ông muốn can thiệp quá sâu vào quản lý tôn giáo và chính trị. [5]

 

Tỉnh Hòa Bình: Hai cán bộ thị trấn Vụ Bản cản trở thánh lễ do Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên chủ trì

 

Vào lúc 10h sáng ngày 20/2/2022, khi Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên đang dâng lễ tại nhà thờ giáo xứ Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình, hai cán bộ thị trấn Vụ Bản đã xuất hiện và yêu cầu giải tán thánh lễ.

 

Theo Tòa Tổng Giám mục Hà Nội, [6] hai cán bộ được cho là ông Phạm Hồng Đức, Bí thư thị trấn Vụ Bản, và ông Phạm Văn Chiến, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản.

 

Một video trên mạng xã hội cho thấy hai người này bước lên lễ đài, giật microphone, yêu cầu giáo dân giải tán trong khi các vị linh mục đang cử hành nghi lễ. [7]

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2022/03/image-4.jpeg

Ông Phạm Hồng Đức, Bí thư thị trấn Vụ Bản (ngoài cùng bên phải), và ông Phạm Văn Chiến (người cầm microphone), Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vụ Bản đang yêu cầu giải tán thánh lễ vào ngày 20/2/2022. Ảnh: Amen TV.

 

Một ngày sau khi thánh lễ bị cản trở, Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đã gửi đơn khiếu nại về vụ việc đến UBND tỉnh Hòa Bình, yêu cầu tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các giáo sĩ và giáo dân. Theo họ, chính quyền tỉnh Hòa Bình thường xuyên gây khó khăn đối với các thánh lễ Công giáo.

 

Theo báo Hòa Bình, chính quyền thị trấn Vụ Bản đã làm đúng chức năng về quản lý nhà nước khi ngăn cản thánh lễ. [8]

 

Bài báo khẳng định thánh lễ do Tổng Giám mục Vũ Văn Thiên cử hành không có trong chương trình đã gửi cho chính quyền, được tổ chức tại địa điểm thờ tự xây dựng trái phép và không thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

 

 

[Tôn giáo 360 độ]

 

Báo nhà nước: Người sát hại linh mục tại tỉnh Kon Tum khai không bị ai xúi giục

 

Báo Thanh Niên vào ngày 18/2/2022 đã đưa tin về lời khai của ông Nguyễn Văn Kiên, người đã sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh hồi cuối tháng 1/2022. [9]

 

Theo đó, ông Kiên cho rằng bản thân ông bị “vong” theo quấy phá, khiến ông hay đau ốm và không lập được gia đình. Ông cho rằng sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh sẽ giải thoát cho bản thân. Ông làm việc này một cách tự nguyện, không bị ai xúi giục.

 

Vụ sát hại linh mục Trần Ngọc Thanh tại nhà thờ giáo xứ Đắk Mót, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi xảy ra vào ngày 29/1/2022. Linh mục bị ông Kiên chém nhiều nhát dẫn đến tử vong.

 

Trong thông báo ngày 4/2/2022, Giáo phận Kon Tum cho biết ông Kiên “không sống đạo” Công giáo như bố mẹ của mình. Ông Kiên vẫn làm việc bình thường nhưng thỉnh thoảng lại quậy phá, chửi bới, đập phá đồ đạc và hoang tưởng rằng mình bị ức hiếp. [10]

 

Hiện ông Kiên vẫn đang bị bắt tạm giam, khởi tố bị can về tội giết người.

 

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ: Việt Nam “cần được quan tâm đặc biệt”

 

Vào tháng 2/2022, Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) đã cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2021. Ủy ban tiếp tục kêu gọi Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (Country of Particular Concern – CPC). [11]

 

USCIRF tiếp tục chỉ trích Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2016  đặt ra nhiều hạn chế đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cũng như việc áp dụng không đồng bộ, thiếu nhất quán của bộ luật này.

 

Báo cáo khẳng định chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục đàn áp nặng nề các nhóm tôn giáo độc lập, cho rằng đó là “đạo lạ, lệch lạc, dị giáo”. Nhiều tín đồ và các nhà vận động tôn giáo vẫn đang bị cầm tù, một vài người cho biết sức khỏe của họ suy giảm vì bị ngược đãi trong trại giam.

 

USCIRF cũng đề cập đến các nhóm tôn giáo mà chính quyền Việt Nam kiên quyết loại bỏ như Pháp Luân Công, Hà Mòn, Hội thánh Đức Chúa Trời, Dương Văn Mình. Bên cạnh đó, chính quyền Việt Nam cũng bị cáo buộc đã cưỡng ép nhiều người Thượng ở Tây Nguyên phải cải đạo Tin Lành.

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2022/03/image-5.jpeg

Cảnh sát cơ động trấn áp tín đồ đạo Dương Văn Mình trong đám tang của nhà sáng lập đạo này vào 12/12/2021. Ảnh: Người dân cung cấp/ RFA.

 

Ủy ban đề nghị Việt Nam xem xét khuyến nghị của Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về Tự do tôn giáo. Theo đó, Việt Nam không nên xem việc đăng ký với chính quyền là điều kiện bắt buộc đối với các hoạt động tôn giáo.

 

Nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam đã dùng quy trình đăng ký như một công cụ kiểm soát tôn giáo. Họ có quyền quyết định nhóm tôn giáo nào được hoạt động, nhóm nào thì không.

 

Về các tù nhân lương tâm liên quan đến tôn giáo, ủy ban kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, người bị tuyên án 11 năm tù giam vào năm 2018 vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đối với quốc tế, ông Truyển là nhà vận động về quyền tự do tôn giáo nổi bật. Hai tù nhân lương tâm khác cũng được nhắc đến là Y Yich (bị tuyên án 12 năm tù giam) và Phan Văn Thu (bị tuyên án chung thân).

 

Đặc phái viên của Tòa Thánh Vatican gặp Ban Tôn giáo Chính phủ

 

Vào ngày 15/2/2022, Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ thần Tòa Thánh tại Singapore kiêm Đặc phái viên không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam đã gặp Ban Tôn giáo Chính phủ. [12]

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2022/03/image-6.jpeg

Tổng Giám mục Marek Zalewski (trái) và Trưởng ban Ban tôn giáo Chính phủ Vũ Hoài Bắc trong buổi gặp ngày 15/2/2022. Ảnh: Ban Tôn giáo Chính phủ.

 

Cùng đi với ông có linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng, kiêm Quản lý Trụ sở Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam.

 

Ông Vũ Hoài Bắc khẳng định rằng mối quan hệ giữa Tòa Thánh Vatican và Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng. Tòa Thánh có thể sẽ sớm có Đặc phái viên thường trú tại Việt Nam.

 

Tòa Thánh và chính quyền Việt Nam đã nhất trí nâng cấp quan hệ lên mức đại diện thường trú từ năm 2018. [13] Tuy nhiên, việc này vẫn chưa có tiến triển.

 

Vào năm 2011, lần đầu tiên chính quyền Việt Nam đồng ý để Tòa Thánh bổ nhiệm một vị Đại diện không thường trú tại Việt Nam là Tổng Giám mục Leopoldo Girelli. Đến năm 2018, Tổng Giám mục Marek Zalewski thay thế ông.

 

[Tôn giáo mới]

 

Tỉnh Đắk Lắk: Bốn người bị xử phạt vì phổ biến Pháp Luân Công

 

Theo báo Công an Nhân dân, ngày 15/2/2022, Công an huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bốn người trú tại xã Tân Lập, huyện Krông Búk sau khi phân phát các tài liệu về Pháp Luân Công. [14]

 

Bốn người được cho là đã phát tán các tài liệu về Pháp Luân Công tại một khu chợ ở huyện Cư M'gar vào ngày 13/2/2022. Sau đó, công an đã mời họ về trụ sở, tịch thu các tài liệu đã được phân phát và cả số tài liệu đang được bốn người này lưu giữ.

 

https://www.luatkhoa.org/wp-content/uploads/2022/03/image-7.jpeg

Bốn người bị xử phạt vi phạm hành chính và các tài liệu về Pháp Luân Công bị Công an huyện Cư M’gar tịch thu. Ảnh: Công an Nhân dân.

 

Quyết định xử phạt dựa trên hành vi “phát tán trái phép các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm”. Chưa rõ căn cứ xử phạt hành vi này được quy định bằng văn bản pháp luật nào. Trước đây, hành vi này được quy định tại Điều 27, Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. [15] Tuy nhiên, nghị định này đã được thay thế bằng Nghị định 119/2020/NĐ-CP với cùng tên gọi, nhưng trong đó không còn quy định về hành vi “phát tán trái phép các sản phẩm in không phải là xuất bản phẩm”. [16]

 

Công an huyện Cư M’gar khẳng định rằng Pháp Luân Công không phải là tổ chức tôn giáo, chưa được nhà nước cho phép hoạt động.

 

Không chỉ riêng ở tỉnh Đắk Lắk, công an tại nhiều tỉnh thành ở Việt Nam cũng đã ngăn cản, xử phạt hành chính nhiều học viên Pháp Luân Công về việc phân phát tài liệu của bộ môn này. [17]

 

----------------------------

 

Chú thích

 

1.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, February 16). Trưởng ban Vũ Hoài Bắc tiếp đoàn đại diện tăng thân Làng Mai

https://web.archive.org/web/20220312090754/http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/truong-ban-vu-hoai-bac-tiep-doan-dai-dien-tang-than-lang-mai-postDqKewW4l.html

 

2.  Tạp chí Tổ chức nhà nước. (2022, February 16). Thứ trưởng Vũ Chiến Thắng tiếp Đoàn tăng thân Làng Mai

https://tcnn.vn/news/detail/53514/Thu-truong-Vu-Chien-Thang-tiep-Doan-tang-than-Lang-Mai.html

 

3.  Luật Khoa. (2022, January 22). Cuộc đời của thiền sư Thích Nhất Hạnh

https://www.luatkhoa.org/2022/01/cuoc-doi-cua-thien-su-thich-nhat-hanh/

 

4.  Làng Mai. (2008, February 4). Lá thư Làng Mai số 31

http://langmai.org/wp-content/uploads/2017/09/LaThuLangMai31-2008.pdf

 

5.  Báo Công an Nhân dân. (2009, October 19). Sự thật về Tu viện Bát Nhã (Bảo Lộc)

https://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Su-that-ve-Tu-vien-Bat-Nha-(Bao-Loc)-i152099/

 

6.  Tổng giáo phận Hà Nội. (2022, February 24). Thông Báo: Hai cán bộ phá rối và xúc phạm Thánh Lễ tại Nhà thờ Vụ Bản, tỉnh Hoà Bình

https://www.tonggiaophanhanoi.org/thong-bao-hai-can-bo-pha-roi-va-xuc-pham-thanh-le-tai-nha-tho-vu-ban-tinh-hoa-binh%ef%bf%bc/

 

7.  AMEN Tv, Youtube. (2022, February 21). Video khác về sự xúc phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo của chính quyền Vụ Bản khi phá rối thánh lễ

https://www.youtube.com/watch?v=gpFFXzf31F4

 

8.  Báo Hoà Bình điện tử. (2022, February 24). Về vụ việc liên quan đến tôn giáo ở thị trấn Vụ Bản: Chính quyền thực hiện đúng chức năng quản lý Nhà nước về tôn giáo và phòng, chống dịch bệnh

https://web.archive.org/web/20220312090050/http://baohoabinh.com.vn/220/163176/Ve-vu-viec-lien-quan-den-ton-giao-o-thi-tran-Vu-Ban-Chinh-quyen-thuc-hien-dung-chuc-nang-quan-ly-Nha-nuoc-ve-ton-giao-va-phong,-chong-dich-benh.htm

 

9.  Thanh Niên. (2022, February 18). Kon Tum: Lời khai của kẻ sát hại một linh mục

https://web.archive.org/web/20220312090007/https://thanhnien.vn/kon-tum-loi-khai-cua-ke-sat-hai-mot-linh-muc-post1430901.html

 

10.  Giáo phận Kon Tum. (2022, February 4). Thư Chung Mùng 3 Tết Nhâm Dần Của Đức Cha Alôisiô Giám Mục Giáo Phận

https://giaophankontum.com/van-kien/van-thu-giao-phan/thu-chung-mung-3-tet-nham-dan-cua-duc-cha-aloisio-giam-muc-giao-phan

 

11.  The United States Commission on International Religious Freedom. (2022, February). Country Update: Vietnam

https://www.uscirf.gov/sites/default/files/2022-02/2022%20Vietnam%20Country%20Update.pdf

 

12.  Ban Tôn giáo Chính phủ. (2022, February 15). Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp Đặc phái viên không thường trú Tòa thánh Vatican tại Việt Nam

http://btgcp.gov.vn/tin-hoat-dong-cua-ban-ton-giao-chinh-phu/truong-ban-ban-ton-giao-chinh-phu-tiep-dac-phai-vien-khong-thuong-tru-toa-thanh-vatican-tai-viet-nam-postQpV19745.html

 

13.  BBC News Tiếng Việt. (2019, August 24). Vatican sắp bổ nhiệm đại diện thường trú tại VN

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-49458968

 

14.  Báo Công an Nhân dân. (2022, February 15). Phạt hành chính nhóm đối tượng tuyên truyền trái phép pháp luân công

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/phat-hanh-chinh-nhom-doi-tuong-tuyen-truyen-trai-phep-phap-luan-cong-i644061/

 

15.  Chính phủ. (2013, November 12). Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Thư viện Pháp luật. 

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/cong-nghe-thong-tin/Nghi-dinh-159-2013-ND-CP-2013-quy-dinh-xu-phat-vi-pham-hanh-chinh-bao-chi-xuat-ban-213555.aspx

 

16.  Chính phủ. (2020, October 7). Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản. Luật Việt Nam. 

https://luatvietnam.vn/vi-pham-hanh-chinh/nghi-dinh-119-2020-phat-hanh-chinh-trong-hoat-dong-bao-chi-xuat-ban-192006-d1.html

 

17.  Luật Khoa. (2021, January 24). Pháp Luân Công đối diện với tương lai đầy rắc rối

https://www.luatkhoa.org/2021/01/phap-luan-cong-doi-dien-voi-tuong-lai-day-rac-roi/

 

Thái Thanh





No comments:

Post a Comment

View My Stats