Monday, 14 March 2022

THỦ TƯỚNG VN THẮP NHANG TƯỞNG NIỆM LIỆT SĨ GẠC MA : KHÔNG CÒN SỢ TRUNG QUỐC? (Diểm Thi, RFA)

 



Thủ tướng thắp nhang tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma: Không còn sợ Trung Quốc?

Diễm Thi, RFA
2022.03.14

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prime-minister-offers-incense-to-commemorate-martyr-gac-ma-no-longer-afraid-of-china-dt-03142022140118.html

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prime-minister-offers-incense-to-commemorate-martyr-gac-ma-no-longer-afraid-of-china-dt-03142022140118.html/@@images/5c041915-4360-436d-bc78-45cdccbecbd8.jpeg

Người dân tưởng niệm các liệt sĩ Gạc Ma tại Hà Nội hôm 14 tháng 3 năm 2013.  AFP

 

Ngày 14 tháng 3 năm 2022 là đúng 34 năm Trung Quốc tiến chiếm nhóm đảo Gạc Ma-Cô Lin-Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa, thảm sát 64 lính hải quân Việt Nam. Lâu nay, những đồng đội của các người hy sinh trong trận thảm sát vẫn luôn nhớ về họ bằng hành động cụ thể trong những dịp tưởng niệm biến cố tang thương đó. 

 

Anh Lê Hữu Thảo, cựu binh đảo Gạc Ma, trưởng ban liên lạc cựu chiến binh tàu HQ 604 nói với RFA: 

“Trong nhiều năm qua, những lần bọn anh tổ chức tưởng niệm các đồng đội thì đều có sự ủng hộ và tạo điều kiện của chính quyền. Nếu không thì bọn anh không tổ chức được. Đây là lễ tưởng niệm rất là linh thiêng, rất là ý nghĩa. Riêng cái này thì chính quyền ủng hộ tuyệt đối.  

Năm nay Thủ tướng đi thắp hương ở tượng đài Gạc Ma trong Khánh Hòa thì đây là hành động này rất giá trị, rất đáng quý. Các ông làm việc đó là tri ân, đền ơn đáp nghĩa với các bậc tiền nhân, với những người đã hy sinh. Các ông cũng là người bình thường, là người dân. 

Nếu Thủ tướng không đi thắp hương thì bọn anh vẫn tổ chức và vẫn được chính quyền tạo điều kiện để tổ chức vì ngày này là ngày của bọn anh.

Cái này cũng có nhiều thứ để mà nói, để mà phân tích, nhưng thực sự mà nói thì đây là điều đáng quý, đáng trân trọng. Bọn anh là nội bộ những cựu binh hải quân và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma cảm ơn thủ tướng đã đến dâng hương.”  

 

Cách đây hai tháng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Lê Huy Vịnh, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Lê Đức Thái và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cũng đã đến Đài tưởng niệm Pò Hèn để thắp nhang cho các quân nhân qua đời trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 với Trung Quốc. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc còn tại vị cũng từng đi thăm Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. 

 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên là nơi yên nghỉ của hơn 1.800 anh hùng liệt sĩ hy sinh trong công cuộc chống bọn bành trướng Trung Quốc xâm lược từ năm 1979 đến 1989. Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1990 đến 1991 mới hoàn thành trong hoàn cảnh cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc đã chấm dứt và trong hoàn cảnh quan hệ Việt Trung đã trở lại bình thường. 

 

Tuy vậy chưa thể nói là tập thể lãnh đạo của Việt Nam đã có ý xa rời Trung Quốc, vượt lên ý thức hệ cộng sản, vì rằng trên thủ tướng còn có Tổng bí thư Đảng. Dù sao việc làm của Thủ tướng cũng là một dấu hiệu tốt, hợp lòng dân và đại đa số đảng viên. - Giáo sư Nguyễn Đình Cống

 

Với những cuộc viếng thăm như vậy, đặc biệt là việc thắp nhang cho các liệt sĩ Gạc Ma cách đây hai hôm của Thủ tướng Phạm Minh Chính, một số người quan tâm cho rằng đã có tín hiệu thay đổi trong tư duy của các quan chức cao cấp với mối quan hệ với Trung Quốc xưa nay. 

 

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận xét: 

“Nó đánh đấu một bước nhích ra khỏi ảnh hưởng quá nặng nề trước đây của Trung Quốc. Tức là Hà Nội cũng cố gắng nhích dần ra bên cạnh việc tăng cường ngoại giao với khối các quốc gia phi cộng sản như Mỹ hoặc các nước Tây Âu khác. Họ đã nhận thức ra được là nếu cứ lệ thuộc mãi vào Trung Quốc thì cũng không ổn vì sẽ hạ đà phát triển chung của đất nước và vị thế của Việt Nam sẽ mất uy tín trên trường quốc tế, cho nên họ có những thay đổi nhất định.  

Chiều 12 tháng 3 năm nay, đương kim Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đi công cán ở Khánh Hòa và ghé thắp nhang ở khu tượng đài tưởng niệm và tri ân 64 liệt sĩ đã hy sinh hôm 14 tháng 3 năm 1988. Tôi đánh giá đã có bước chuyển nhưng chưa thật chính thức, bởi ông Chính kết hợp với đi công tác, nó khác với chuyện Chủ tịch nước, Tổng bí thư hay Chủ tịch nước từ Hà Nội bay vào để tổ chức, đứng đầu một lễ tưởng  niệm. Tính chất nó sẽ khác hẳn.” 

 

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/prime-minister-offers-incense-to-commemorate-martyr-gac-ma-no-longer-afraid-of-china-dt-03142022140118.html/000_hkg8376706.jpg/@@images/cd672371-fbb5-4f52-9c75-34bc9d08d82d.jpeg

Người dân tưởng niệm những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến bảo vệ đá Gạc Ma. Hình chụp tại Hà Nội hôm 14/3/2016. Reuters

 

Giáo sư Nguyễn Đình Cống thì nhận định qua email với RFA: 

“Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ chống Trung Quốc xâm lược là một hành động được nhiều người dân ủng hộ. Việc đó chứng tỏ Thủ tướng có bản lĩnh, không sợ Trung quốc giống như một số lãnh đạo Đảng Cộng sản và như một số người tưởng nhầm. Tuy vậy chưa thể nói là tập thể lãnh đạo của Việt Nam đã có ý xa rời Trung Quốc, vượt lên ý thức hệ cộng sản, vì rằng trên Thủ tướng còn có Tổng bí thư Đảng. Dù sao việc làm của Thủ tướng cũng là một dấu hiệu tốt, hợp lòng dân và đại đa số đảng viên.” 

 

Sáng sớm ngày 14 tháng 3 năm 1988, khi hải quân Việt Nam đổ bộ, bốc vật liệu xây dựng từ tàu xuống đảo thì phát súng đầu tiên vang lên, tiếp sau đó là một tràng súng dài. Thiếu úy Trần Văn Phương là người giữ lá cờ Việt Nam trên đảo Gạc Ma, cũng là người nhận phát đạn đầu tiên và tử thương. Nhiều người sống sót kể lại, trước khi chết, anh Phương còn hô to “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông”. 

 

Chị Thủy, con gái liệt sĩ Trần Văn Phương nêu cảm nghĩ của mình với RFA vào sáng 14 tháng 3 năm 2022 khi biết tin thủ tướng Chính phủ đến thắp nhang tưởng niệm cho những chiến sĩ hy sinh năm 1988: 

 

“Năm nay Thủ tướng quan tâm, đi thắp hương ở Khánh Hòa thì vấn đề nó hơi tế nhị thuộc về chính trị nên tôi không nói sâu được. Bản thân tôi nhận thấy, nhân ngày giỗ của bố và đồng đội của bố mà thủ tướng tới dâng hương tưởng niệm thì đây là một sự động viên sâu sắc gửi tới gia đình tôi cũng như gia đình của những đồng đội khác. Đó là sự động viên tinh thần để những người còn lại có động lực để sống tiếp”. 

 

Một cựu binh Gạc Ma không muốn nêu tên nói với RFA sáng 14 tháng 3 năm 2022: 

 

“Tôi rất mừng vì đây là lần đầu tiên trong hơn 30 năm qua mới có một người đại diện cho Chính phủ đi thắp hương tưởng niệm vụ Gạc Ma. Đó là niềm động viên cho 64 gia đình tử sĩ và các cựu chiến binh cũng như hàng triệu người Việt Nam hướng về biển đảo thân yêu của tổ quốc. 

Tuy những gì về Gạc Ma trước giờ có thể bị cấm đoán nhưng việc ông Chính dâng hương tưởng niệm là một sự thay đổi rất lớn. Hy vọng rằng đây là một tín hiệu, không chỉ vụ Gạc Ma, cho thấy Đảng và Nhà nước đã nhìn ra vấn đề. Tôi mong những cuốn sách lịch sử viết về Gạc Ma sẽ được xuất bản và sự kiện lịch sử này phải được đưa vào sách giáo khoa để các thế hệ con cháu có thể hiểu lịch sử của dân tộc.” 

 

Mấy mươi năm sau cuộc tàn sát lính hải quân Việt Nam của Trung Quốc, sự kiện lịch sử này hầu như không được nói đến một cách rõ ràng, chi tiết trong sử sách Việt Nam. Một clip ngắn được VNExpress thực hiện, không rõ thời gian, cho thấy tất cả các bạn trong lứa tuổi học sinh đều không biết đến cuộc chiến Gạc Ma, bởi nó không có trong sách sử nước nhà. 

 

Cách đây vài năm, một cuốn sách có tên “Gạc Ma - Vòng tròn bất tử” ra mắt, được biên soạn bởi 68 người gồm các tướng lĩnh trong quân đội, các nhà nghiên cứu sử học, các nhà báo, các cựu chiến binh Gạc Ma với hàng trăm lần chỉnh sửa, hàng chục lần biên tập...  Dư luận cho rằng, nếu cuốn sách được phổ biến rộng rãi thì nhiều thế hệ người Việt được biết đến một cuộc tàn sát đẫm máu của hải quân Trung Quốc với 64 chiến sĩ Việt Nam mãi mãi nằm lại với biển khơi như thế nào. Tiếc rằng cuốn sách bị ngưng phát hành ngay sau khi ra mắt, tháng 7 năm 2018. 

 

Từ nhiều năm nay, mỗi khi có sự kiện mà phía chính quyền cho là ‘nhạy cảm’ thì những người đấu tranh, những nhà hoạt động đều bị canh cửa không cho ra khỏi nhà, dù chỉ ra tượng đài thắp nhang tưởng niệm những người hy sinh cho tổ quốc, chẳng hạn như ngày Trung Quốc chiếm toàn bộ Hoàng Sa 19 tháng 1 năm 1974; cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc của Trung Quốc ngày 17 tháng 2 năm 1979; ngày Trung Quốc tiến chiếm một số đảo ở Trường Sa ngày 14 tháng 3 năm 1988… 

 

Cựu binh Nguyễn Khắc Toàn nói với RFA khi biết tin ông Phạm Minh Chính thắp hương tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma qua truyền thông Nhà nước: 

 

“Trong nước người ta cũng lấy làm lạ vì sau bao nhiêu năm quên lãng, nay có vẻ như tiến bộ, không còn ngại Trung Quốc mà nhớ đến những nạn nhân vụ thảm sát cách đây 34 năm. Đây là một hành động khá hơn các thủ tướng tiền nhiệm. Chuyện này có lẽ nhằm phục vụ cho tuyên truyền của Nhà nước là chính. Chứ nếu thực chất thì họ nên nhớ đến các thương binh, các gia đình liệt sĩ, không chỉ Gạc Ma, phải cải tiến những chính sách, cách đối xử với những người đã cống hiến xương máu, tính mạng của mình cho sự nghiệp của Nhà nước cộng sản.” 

 

Theo cựu binh Nguyễn Khắc Toàn, việc đầu tiên Nhà nước cần làm là đừng ngăn chặn những buổi tưởng niệm các liệt sĩ thay vì cho lãnh đạo đi thắp nhang một cách ‘bán chính thức’ như thế.

 

---------------------

Tin, bài liên quan

·         Gạc Ma: Trung Quốc xâm lược và thảm sát không phải chỉ là một ngày 14/3/1988

 

·         Căn cước thể hiện chủ quyền biển đảo Việt Nam: hợp lòng dân Việt!

 

·         Thảm sát Gạc Ma: Loan tin theo kiểu đu dây!

 

·         Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc “nói dối một cách trắng trợn”

 

·         “Gạc Ma-Vòng tròn bất tử”: Số phận cuốn sách về đâu?

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats