Friday, 4 March 2022

THẾ GIỚI HÔM NAY : 04/03/2022 (The Economist)

 



THẾ GIỚI HÔM  NAY : 04/03/2022

The Economist

Đỗ Đặng Nhật Huy, biên dịch

04/03/2022

https://nghiencuuquocte.org/2022/03/04/the-gioi-hom-nay-04-03-2022/

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông muốn hội đàm trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, nói rằng đàm phán trực tiếp là “cách duy nhất để kết thúc cuộc chiến này.” Trong khi đó, ông Putin tuyên bố trên truyền hình là “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine đang diễn ra “theo đúng kế hoạch.” Một quan chức Ukraine trong đoàn đàm phán với Nga cho biết hai nước có ý định thiết lập một số hành lang an toàn phục vụ việc sơ tán dân thường và vận chuyển hàng viện trợ. Song tại thành phố cảng miền nam Mariupol, người dân đang không thể rời đi vì bị pháo kích không ngừng.

 

Thị trưởng Kyiv Vitali Klitschko cho biết thủ đô vẫn do Ukraine kiểm soát, mặc dù tình hình đang “khó khăn.” Chỉ trong đêm qua đã có bốn vụ nổ lớn được ghi nhận. Ngoài ra tình báo Mỹ cho biết một hàng dài khí tài Nga vẫn bị “tắc” ở ngoài thành phố. Trong khi đó Kherson, một cảng chiến lược bên bờ Biển Đen, trở thành thủ phủ khu vực đầu tiên rơi vào tay Nga.

 

Chính phủ Ba Lan tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng lên 3% GDP trong năm 2023, vượt mức quy định 2% của NATO. Đến nay Ba Lan đã nhận hơn 500.000 người tị nạn Ukraine. Ở một diễn biến khác, thủ tướng Georgia (Gruzia) vừa ký đơn xin gia nhập EU, hai ngày sau khi tổng thống Zelensky của Ukraine nộp đơn.

 

Các nhà lãnh đạo của Bộ Tứ — Mỹ, Úc, Ấn Độ và Nhật Bản — đã thề sẽ ngăn chặn chiến tranh ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh chiến tranh Ukraine. Ấn Độ là nước duy nhất trong nhóm vẫn chưa tố cáo cuộc chiến. Nhưng cả bốn bên đều lo ngại Trung Quốc có thể làm theo và tấn công Đài Loan, hòn đảo bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

 

Các cơ quan xếp hạng Moody’s và Fitch đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Nga xuống trạng thái “rác” (junk) sau các lệnh trừng phạt của phương Tây. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết sẽ kiểm soát xuất khẩu sang Nga đối với một số công nghệ lọc dầu. Tổng thống Joe Biden nói phương Tây vẫn chưa cấm nhập khẩu năng lượng từ Nga vì e ngại gián đoạn nguồn cung, mặc dù “mọi phương án đều được tính tới.” Giá một thùng dầu thô Brent đang là hơn 118 đô la — tăng 24% so với trước cuộc xâm lược.

 

Nhà chức trách Nga tiếp tục bắt giữ những người phản đối chiến tranh. Có tới hơn 7.000 người bị giam giữ trong tuần qua, theo một cơ quan giám sát độc lập. Chính phủ đã hạn chế truy cập vào phần lớn các kênh truyền thông khuynh hướng tự do của đất nước trong khi các nhà lập pháp chuẩn bị một dự luật để trừng phạt việc đưa “tin giả” liên quan đến các chiến dịch quân sự với mức án lên đến 15 năm tù. Trong khi đó, bộ giáo dục phát một bài học trên truyền hình quốc gia để dạy trẻ em “tại sao sứ mệnh giải phóng ở Ukraine là cần thiết.”

 

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cuối cùng cũng tuyên bố tranh cử nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử tháng 4 này. Tuyên bố của ông nằm trong một bức thư đăng trên một số tờ báo khu vực. Nếu thành công, ông sẽ là tổng thống Pháp đầu tiên tái đắc cử trong hai thập niên qua. Mô hình dự báo của The Economist nói khả năng chiến thắng của ông là rất cao.

 

Con số trong ngày: 10.000, là số người hoặc công ty phải chịu lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm mọi thứ, từ tra tấn đến tiền điện tử.

 

 

TIÊU ĐIỂM

 

Địa chính trị toàn cầu căng thẳng do chiến tranh Ukraine

Cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đang vẽ lại địa chính trị toàn cầu. Mỹ và các đồng minh Á-Âu đặt ra nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn. EU – một câu lạc bộ kinh tế – thậm chí còn chi tiền để gửi vũ khí đến Ukraine. Nga xích lại gần Trung Quốc và sẽ ngày càng phụ thuộc vào nước này. Đối với Tổng thống Joe Biden, đây là cuộc đấu toàn cầu giữa nền dân chủ với chế độ chuyên chế.

 

Các nền dân chủ muốn chia rẽ những người khổng lồ Á-Âu, như Richard Nixon từng làm vào năm 1972. Nhưng đó là một nhiệm vụ không tưởng khi Tập Cận Bình và Vladimir Putin có mối quan hệ rất thân thiết. Một lựa chọn khác là đưa về phe mình nhiều nước bao quanh Á- Âu. Nhưng nhiều nước – bao gồm cả Ấn Độ, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ – đang cân nhắc vì có quan hệ chính trị hoặc kinh tế với Nga.

 

Rủi ro ngày càng cao. Chỉ trong ba tuần qua Nga đã đem thanh kiếm hạt nhân ra dọa đến ba lần, trong khi Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng kho đầu đạn. Trong một thế giới ngày càng khó đoán, việc tránh tái phổ biến vũ khí hạt nhân có thể trở nên khó khăn hơn.

 

Những con số ấn tượng của thị trường lao động Mỹ

Trong tháng 1, các nhà tuyển dụng Mỹ đã nhận thêm 467.000 nhân viên mới, ngay cả khi số ca nhiễm covid-19 tăng mạnh do Omicron. Đến nay số ca nhiễm đã giảm bớt, nhưng nhu cầu tuyển dụng lao động thì không. Các nhà kinh tế dự đoán một con số tương tự trong dữ liệu tháng 2, được dự kiến công bố vào thứ Sáu này. Tỷ lệ thất nghiệp có lẽ đã giảm 0,1 điểm phần trăm xuống còn 3,9%. Với tốc độ như thế, đến cuối năm Mỹ sẽ lấy lại hoàn toàn 2,9 triệu việc làm bị mất vì đại dịch.

 

Các ngân hàng trung ương thường lo về lạm phát hơn là thất nghiệp. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã khiến giá dầu tăng vọt, qua đó có thể buộc Cục Dự trữ Liên bang phải tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã hứa sẽ “nhanh chóng” bất chấp những hậu quả kinh tế “rất bất định” của cuộc xâm lược cũng như phản ứng của phương Tây. Hiện dự đoán của thị trường là Fed sẽ tăng lãi suất năm lần trong năm 2022, mỗi lần 0,25%. Đợt đầu tiên sẽ đến trong tháng này.

 

Kinh tế Brazil gặp nhiều khó khăn

Khi bị Covid-19 tấn công vào năm 2020, nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ đã suy thoái 3,9%, chưa từng có trong lịch sử. Số liệu năm 2021, được công bố vào thứ Sáu, dự kiến sẽ cho thấy GDP của Brazil tăng 4,5%, qua đó đưa nó trở lại mức của năm 2019. Song những tháng vừa qua là rất khó khăn. Lạm phát lên tới 10,6%; ngân hàng trung ương tăng lãi suất tám lần chỉ trong 2021, lên mức 10,75% của hôm nay. Còn GDP được cho là chỉ tăng 0,2% trong quý tư.

 

Tổng thống theo chủ nghĩa dân túy của Brazil, Jair Bolsonaro, sẽ tái tranh cử vào tháng 10. Cơ hội của ông sẽ nhỏ đi nếu cử tri đổ lỗi cho ông về những khó khăn kinh tế. Nhưng trong bối cảnh nóng lên toàn cầu, các nhà lãnh đạo tương lai sẽ còn thấy những con số tệ hơn. Theo một báo cáo mới của Ủy ban Liên Chính phủ về Biến đổi Khí hậu, GDP của Brazil hiện thấp hơn 13,5% so với khi không có nóng lên toàn cầu. Đến năm 2100, khác biệt có thể lên tới 83%.

 

Rác không gian rơi xuống Mặt Trăng

Vào lúc 12 giờ 26 phút thứ Sáu theo giờ GMT, một tên lửa – chính xác hơn là một tảng kim loại nặng 3.600kg – sẽ va xuống mặt xa của Mặt trăng với tốc độ 2,58 km/giây. Nó được cho là khoang đẩy rời của một tên lửa do Trung Quốc phóng vào năm 2014. Sự việc này không gây ra mối đe dọa nào đối với con người. Nhưng nó khơi dậy các cuộc tranh luận về rác ngoài trái đất.

 

Ước tính có khoảng 36.500 vật thể có bề ngang rộng hơn 10cm đang quay quanh Trái đất, cùng với hơn 100 triệu mảnh vụn nhỏ hơn. Một số người lo ngại rác không gian sẽ làm thay đổi môi trường mặt trăng, trong khi những người khác nói chúng sẽ gây ra tai nạn. Còn nhớ hồi năm 2021, các mảnh vỡ từ một vệ tinh đã gần như va chạm với Trạm Vũ trụ Quốc tế. Nhưng NASA cho biết tác động của sự việc hôm thứ Sáu này là một “cơ hội nghiên cứu rất thú vị.” Sau khi đã cố tình đâm nhiều vật thể xuống Mặt trăng, NASA có thể dành hàng tháng trời để tìm kiếm hố va chạm mà vật thể lần này để lại.





No comments:

Post a Comment

View My Stats