Tuesday 15 March 2022

THẤM ĐÒN CẤM VẬN, KREMLIN GÕ CỬA CẦU VIỆN BẮC KINH (Lê Tây Sơn - Saigon Nhỏ)

 



Thấm đòn cấm vận, Kremlin gõ cửa cầu viện Bắc Kinh

Lê Tây Sơn  -  Saigon Nhỏ

14 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/tham-don-cam-van-kremlin-go-cua-cau-vien-bac-kinh/

 

Theo các quan chức Mỹ giấu tên, Nga đang gõ cửa Bắc Kinh yêu cầu được cung cấp thiết bị quân sự hỗ trợ cuộc xâm lược Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1382529250-1024x683.jpg

Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Trương Quân và người đồng cấp Nga Vasily Nebenzia: Tạm thời, “hồn ai nấy giữ, thân ai nấy lo” – (ảnh: Michael M. Santiago/Getty Images)

 

Ngày 14 Tháng Ba, một quan chức Mỹ tiết lộ với tờ Financial Times rằng Nga đề nghị Trung Quốc cung cấp thiết bị quân sự và những hỗ trợ cần thiết khác, khi cuộc chiến ở Ukraine bước sang tuần thứ ba. Toà Bạch Ốc không bình luận về nguồn tin trên nhưng Lưu Bằng Vũ (Liu Pengyu), phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington DC khẳng định ông không biết về bất kỳ đề nghị nào như thế, đồng thời nói tránh: “Trung Quốc rất lo ngại và đau buồn về tình hình Ukraine. Chúng tôi hy vọng chân thành xung đột sẽ dịu đi và hòa bình sẽ sớm trở lại”.

 

Moscow thấm đòn

 

Tin Nga cầu viện Trung Quốc được đưa ra khi Jake Sullivan, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, tới Rome để đàm phán vào ngày 14 Tháng Ba với Dương Khiết Trì (Yang Jiechi), người phụ trách chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Trước khi rời Washington, trên kênh truyền hình NBC, ông Sullivan cảnh báo Trung Quốc không nên cố gắng cứu Nga bằng cách giúp Moscow lách các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh. Trên chương trình “State of the Union” của CNN, ông nói: “Chúng tôi không cho phép Trung Quốc hoặc bất kỳ ai khác bù đắp cho Nga những tổn thất do trừng phạt. Chúng tôi sẽ thông báo riêng với Trung Quốc về những phương thức cụ thể để bảo đảm điều này không xảy ra”.

 

Tiết lộ cũng đặt ra những câu hỏi mới về mối quan hệ Trung-Nga, khi cả hai nước cùng phản đối Mỹ về mọi thứ, từ việc mở rộng NATO đến các lệnh trừng phạt. Trung Quốc tự cho mình là “nhân tố trung lập” trong cuộc khủng hoảng Ukraine, từ chối lên án Nga xâm lược và chưa có dấu hiệu nào cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẵn sàng gây áp lực lên Putin. Theo Chris Johnson, cựu chuyên vên phân tích Trung Quốc hàng đầu của CIA, yêu cầu cứu trợ của Nga dựa vào mối quan hệ Nga-Trung được xem là khắng khít nhất kể từ khi Trung-Xô chia rẽ vào thập niên 1960. Trên cương vị nguyên thủ, Tập và Putin đã gặp nhau 38 lần.

 

Các đòn trừng phạt kinh tế do Mỹ và châu Âu dẫn đầu đã buộc Moscow tìm kiếm thêm sự trợ giúp kinh tế từ Trung Quốc. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình: “Chúng tôi có một phần dự trữ vàng và ngoại hối bằng đồng nhân dân tệ. Chúng tôi cũng biết các nước phương Tây đang gây áp lực để Trung Quốc hạn chế thương mại với Nga”.

 

Sự hỗ trợ quân sự mà Nga cần từ Trung Quốc hiện chưa rõ ràng. “Có thể Moscow đề nghị thăm dò đàm phán cấp cao – Michael Kofman, Giám đốc Nga tại tổ chức tư vấn CNA có trụ sở tại Virginia, dự đoán – Cũng có thể là nhờ chi viện máy bay không người lái hoặc chất bán dẫn (chip) đang thiếu nghiêm trọng. Tuy nhiên, phần lớn chất bán dẫn của Nga đến từ Đài Loan, nơi đang thực thi nghiêm túc lệnh cấm xuất khẩu toàn cầu với Nga”. Yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ của Điện Kremlin đã đặt ra câu hỏi về sự thiếu hụt của Nga trên chiến trường. Việc tìm kiếm hỗ trợ quân sự chỉ hai tuần sau xung đột cho thấy các nhà lãnh đạo quân sự Nga đã nhận thức khả năng cuộc chiến sẽ kéo dài nên cần chuẩn bị thêm phần cứng và những thứ khác để duy trì cuộc chiến. Thông thường, Nga bán vũ khí cho Trung Quốc, vì vậy việc Nga yêu cầu ngược lại có thể nói rằng tình thế đối với Nga là bi thảm.

 

Nga cần Trung Quốc hơn là ngược lại

 

Trung Quốc là đối tác thương mại số một của Nga, chiếm 16% giá trị ngoại thương nước này. Nhưng đối với Trung Quốc, Nga ít quan trọng hơn rất nhiều: Thương mại giữa hai nước chỉ chiếm 2% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc. Liên hiệp châu Âu (EU) và Mỹ có kim ngạch lớn hơn nhiều. Các ngân hàng và công ty Trung Quốc cũng lo ngại các lệnh trừng phạt thứ cấp nếu họ giao dịch với các đối tác Nga. Hầu hết ngân hàng Trung Quốc không thể để mất quyền tiếp cận với đồng đôla Mỹ, nhiều ngành công nghiệp của Trung Quốc không thể để mất quyền tiếp cận với công nghệ của Mỹ.

 

Cho đến nay, ICBC (Trung Quốc Công thương Ngân hàng Hữu hạn Công ty) và Bank of China (hai trong số ngân hàng lớn nhất Trung Quốc) vẫn hạn chế cho vay mua hàng hóa của Nga, do lo ngại vi phạm trừng phạt. Nhập khẩu than của Trung Quốc từ Nga đã bị đình trệ do người mua không thể bảo đảm nguồn vốn từ các ngân hàng không muốn chọc giận Mỹ. Các chuyên gia cho biết, ngay cả khi Trung Quốc muốn hỗ trợ Nga trong các lĩnh vực không bị trừng phạt như năng lượng, Bắc Kinh vẫn có thể phải đối mặt với những chế tài nghiêm trọng.

 

Trung Quốc không thể thay thế Mỹ để cung cấp các công nghệ quan trọng cho Nga. Cả Nga và Trung Quốc đều phụ thuộc Mỹ đối với chip cao cấp cần thiết cho những hệ thống vũ khí tiên tiến. “Một mình Trung Quốc không thể cung cấp tất cả các nhu cầu thiết yếu cho quân đội Nga” – một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết. Điều đó khiến các công ty công nghệ Trung Quốc, đặc biệt là các công ty lớn, phải thận trọng hơn nữa trong các giao dịch tiềm năng với Nga để tránh số phận như Huawei (công ty bị Mỹ cắt quyền tiếp cận với các chất bán dẫn tiên tiến).

 

Ít nhất ở thời điểm hiện tại: “Hồn ai nấy giữ”

 

Liệu Trung Quốc có thể giúp Nga đối phó với hậu quả từ các trừng phạt kinh tế? Đó là câu hỏi lớn sau khi Nga xâm lược Ukraine. Khả năng giúp đỡ nước láng giềng của Trung Quốc đang được thử nghiệm nhưng các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh không có nhiều lựa chọn. Hiện nhìn bề ngoài, Bắc Kinh có vẻ không vội vàng giúp đỡ Nga. Quách Thọ Thanh (Guo Shuqing), Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Bảo hiểm và Ngân hàng Trung Quốc, nói: “Trung Quốc sẽ không tham gia vào các lệnh trừng phạt, nhưng cũng không đưa ra bất kỳ biện pháp giúp Nga nào”.

 

Dù Bắc Kinh tiếp tục đổ lỗi cho Washington và các đồng minh phương Tây “khiêu khích” Nga nhưng cũng muốn tránh sự đổ vỡ hoàn toàn quan hệ Mỹ-Trung. Trong chuyến thăm Trung Quốc gần đây, Putin đã ký 15 thỏa thuận với nước chủ nhà, trong đó có các hợp đồng mới với hai tập đoàn năng lượng khổng lồ của Nga, Gazprom và Rosneft. Trung Quốc cũng đồng ý dỡ bỏ tất cả hạn chế nhập khẩu lúa mì và lúa mạch Nga. Năm ngoái, 16% nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đến từ Nga và Nga là nhà cung cấp lớn thứ hai cho Trung Quốc sau Saudi Arabia. Khoảng 5% khí đốt tự nhiên của Trung Quốc cũng đến từ Nga.

 

Trong khi đó, Nga mua khoảng 70% chất bán dẫn từ Trung Quốc. Nga cũng nhập khẩu máy tính, điện thoại thông minh và linh kiện xe hơi từ Trung Quốc (Xiaomi là một trong những thương hiệu điện thoại phổ biến nhất ở Nga). Trung Quốc ký hợp đồng với các ngân hàng Nga tham gia Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một hệ thống thanh toán được xem là thay thế tiềm năng cho SWIFT, dịch vụ nhắn tin an toàn có trụ sở tại Bỉ kết nối hàng trăm tổ chức tài chính trên khắp thế giới.

 

Trung Quốc và Nga có chung lợi ích chiến lược khi đối đầu với phương Tây, nhưng cuộc xâm lược Ukraine đã đặt tình bạn vào thử thách. Neil Thomas, nhà phân tích về Trung Quốc tại Eurasia Group, nhận định: “Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc sẽ hỗ trợ Nga đến mức vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nếu Trung Quốc xé rào trừng phạt chắc chắn sẽ phải chịu trừng phạt kinh tế nặng của Mỹ”.





No comments:

Post a Comment

View My Stats