Friday 25 March 2022

TÊN LỬA JAVELIN, ĐẠN ĐẠO, SIÊU THANH và DRONE CẢM TỬ (Blog của 5xu)

 



Tên lửa Javelin, đạn đạo, siêu thanh và drone cảm tử

Blog của 5xu

Đăng trong Tháng Ba 21, 2022 bởi Blog của 5xu

https://5xublog.wordpress.com/2022/03/21/ten-lua-javelin-dan-dao-sieu-thanh-va-drone-cam-tu/

 

Hình : https://5xublog.files.wordpress.com/2022/03/23.jpg?w=1024

 

Javelin nghĩa là “ngọn lao” như là môn thể thao phóng lao ở Olympic mà ta vẫn thấy trong các tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp La Mã cổ đại, và ngày nay olympic hiện đại vẫn có môn này. Nó cũng là vũ khí của các binh đoàn La Mã.

 

Tên lửa Javelin về nguyên lý phóng và động cơ của đầu đạn không khác gì khẩu súng B41 kinh điển mà VN quen sử dụng (B40 thì hơi khác, chưa tiến hóa). B41 là tên riêng ở VN, tên đúng của nó là RPG-số (số càng cao đời càng mới). B41 hình như là RPG-7 (1961); nay hình như đã đến RPG-32.

 

Nguyên lý đơn giản thế này: Đạn được phóng ra từ ống phóng. Đầu tiên nó có một liều phóng để đẩy đạn ra khỏi nòng. Đạn bay một quãng ngắn rồi thì liều phóng thứ hai (động cơ phản lực) mới kích hoạt để đẩy viên đạn đi về hướng mục tiêu. Như vậy là giữ an toàn cho xạ thủ, chứ nó phóng ầm phát thì chết mẹ thằng bắn trước khi trúng xe tăng địch.

 

RPG các phiên bản sau này, và cả Javelin, thì đạn sẽ có hai liều nổ. Lý do là xe tăng ngoài việc ngày càng nâng cấp giáp (vật liệu, độ dày, thiết kế) thì nó còn đeo thêm giáp phản ứng nổ (có thể search xem ảnh xe tăng Nga ở Ukraine). Giáp phản ứng nổ là có thuốc nổ, khi đạn của súng chống tăng đâm vào thì nó nổ để phá viên đạn. Nên đạn RGG hiện đại và Javelin nó phải nổ hai phát, phát một phá cái giáp nổ, phát hai là đâm xuyên.

 

Xe tăng Nga có thêm hệ thống bắn chặn đạn và tên lửa chống tăng. Nguyên lý của nó là dùng radar để phát hiện, khi đạn hoặc tên lửa chống tăng bay gần đến thì nó có khẩu súng bắn nhanh bắn như vãi đạn ra tạo thành lưới đạn ngăn và hủy quả tên lửa đang lao tới. Với B40 thì đạn còn đơn giản nên dùng lưới được, ta có cái tên lưới B40 là vì vậy. Súng này chạy bằng computer. Hệ thống hiện nay của Nga là Arena, nó phát triển từ hệ thống Drozd (nghĩa là con chim hét) ngày xưa ở chiến trường Chechen. (Súng kiểu này Mỹ cũng có, thường  gắn trên các tàu chiến để bắn các tên lửa chống hạm, hoặc gắn lên các cơ sở mặt đất cần bảo vệ. Nếu dùng trên mặt đất thì họ thay đạn tự hủy vào, tức là đạn bay một quãng nào đó sẽ tự hủy để khỏi rơi xuống khu dân cư; dùng để bảo vệ tàu chiến ngoài biển thì không cần.)

 

Về nguyên lý là vậy, nhưng Javelin khác RPG ở công nghệ. Nó nhắm bắn bằng hệ thống quang học và ảnh nhiệt. Chọn mục tiêu xong ấn lock, để quả đạn nó lock-on vào mục tiêu. Sau đó chọn một trong hai chế độ bắn rồi bắn.

 

Tên lửa Javelin có chế độ tự dẫn đường rất tinh xảo bằng công nghệ cao, nên đã lock-on là bắn trúng. Chế độ bắn có bắn thẳng và bắn vòng cầu (phi lao). Vì thế tên nó là Javelin. Bắn vòng cầu thì Javelin bay lên cao tầm 160 mét rồi lao vào mục tiêu, nên xe tăng Nga chịu chết dù có Arena và giáp phản ứng nổ. Javelin còn có thể bắn trực thăng bay thấp. (Xe tăng Nga gắn thêm cái chuồng gà ở trên để chống Javelin mà có vẻ như không ăn thua.)

 

Khác với RPG không có dẫn đường, chỉ bắn thẳng, tầm 1,5km trở lại (B41 bắn độ 200 mét), Javelin có thể bắn tới 4,5 km. Khi bắn tên lửa thoát ra rất êm, xạ thủ kịp nấp, trốn, di chuyển, hoặc thay viên đạn khác trong lúc mặc kệ tên lửa bay đến mục tiêu. Nên nó có tên gọi là fire and forget. Sử dụng Javelin được mô tả là như chơi game.

 

Giá nguyên bộ Javelin (cả súng phóng lẫn tên lửa) khoảng 200 ngàn đô la. Mỗi quả đạn khoảng gần 80 ngàn đô la.

 

Javelin ở chiến trường Ukraine nổi tiếng đến nỗi người ta vẽ tranh Thánh Javelin (Saint Javelin) với hình ảnh vị thánh nữ tay cầm súng Javelin. Hình ảnh này in lên huy hiệu, miếng dán,… rồi đem bán, tiền thu về đem tài trợ cho Ukraine, hình như đã được mấy triệu đô la (tuần rồi hình như được 1,6 triệu).

 

                                                              *


Clip này khá thú vị, nó giải thích tại sao không quân Nga hùng mạnh hơn về số lượng máy bay chiến đấu (toàn loại xịn) mà lại không làm chủ được bầu trời Ukraine.

 

VIDEO : Why Russia is INCAPABLE of Air Superiority in Ukraine

https://www.youtube.com/watch?v=KpzUCSdxi7k&t=397s

 

Clip có vài ý chính:

 

Để làm chủ bầu trời thì không quân Nga phải thực hiện SEAD (Suppression of Enemy Air Defenses), tức là áp chế hệ thống phòng không của địch. Sau đó là thực hiện DEAD (Destruction of Enemy Air Defenses) tức là phá hủy hệ thống phòng không của địch.

 

Không quân Mỹ rất giỏi việc này, do họ đã trải qua giai đoạn hệ thống phòng không của Hà Nội cực kỳ hiệu quả. Họ đành phải chế ra Wild Weasel là các đội bay dũng cảm, dùng máy bay chim mồi (mang tên lửa hạng nhẹ và các thiết bị điện tử) bay vào để dò tìm radar và bắn tên lửa tiêu diệt; hậu quả là chim mồi cũng sẽ bị bắn tên lửa lên, và nó buộc phải dùng thiết bị điện tử và pháo lửa để đánh lừa tên lửa của đối phương, và tất nhiên là kỹ năng bay của phi công phải tuyệt đỉnh; sau đó các máy bay của phi đội sẽ nhờ đó mà phát hiện các trạm tên lửa và bắn tên lửa xuống để tiêu diệt.

 

Phía Nga lúc đầu cuộc chiến bắn tên lửa đất đối đất để phá hạ tầng bên Ukraine, trong đó có các trạm radar. Nhưng NATO lập tức dùng các hệ thống radar của mình cấp data cho phòng không Ukraine.

 

Còn để tiêu diệt các trạm tên lửa của Ukraine thì bắt buộc phải bay SEAD và DEAD như Mỹ. Nhưng phi công Nga thiếu cả đào tạo lẫn kinh nghiệm thực chiến để làm việc này. Riêng về đào tạo, bay SEAD DEAD cực kỳ khó, Mỹ bay tập phải 200+ giờ/năm; trong khi Nga chỉ bay 60-100 giờ/năm.

 

Do đó Nga đành phải xuất kích tương đối ít, ban đêm, và bay thấp để tránh hệ thống phòng không của Ukraine (các hệ thống phòng không cao cấp thì lại không hiệu quả để đánh máy bay bay thấp). Một phần nữa là Nga ít vũ khí thông minh (bom và tên lửa dẫn đường) nên phải bay thấp mới ném bom và bắn trúng mục tiêu. Mặt trái là bay thấp thì dễ ăn tên lửa Stinger là tên lửa phòng không xách tay.

 

NATO cũng không cấm bay được ở Ukraine. Nếu thiết lập vùng cấm bay, thì chính NATO phải đưa máy bay vào đi tuần, và sẽ ăn tên lửa của Nga bắn từ đất Nga hoặc Belarus qua. Để không bị bắn, NATO lại phải dùng SEAD/DEAD và thế là thành ra đánh nhau với Nga trực tiếp. Do đó NATO không thiết lập vùng cấm bay ở Ukraine.

 

                                                        *

 

Hình : https://5xublog.files.wordpress.com/2022/03/missile.jpg

 

Trong tiếng Việt thì tên lửa/hỏa tiễn hơi giống nhau. Tiếng Anh thì khác. Rocket để chỉ các động cơ phóng bằng cách phụt lửa ra đằng đít, hoặc chỉ quả pháo tên lửa bắn vọt lên trời. Còn missile là các tên lửa/hỏa tiễn có điều khiển, hoặc bán điều khiển, và bay bằng động cơ phụt lửa ra đít (tức là động cơ rocket).

 

Các loại súng bắn đạn xịt lửa ra đít như súng chống tăng B41 hoặc pháo Kachiusa vì vậy đều có tên là pháo/đạn hỏa tiễn.

 

1.

Missile thì có loại khủng nhất mà báo VN hay dùng từ cũ của Liên Xô là Tên lửa vượt đại châu. Giờ gọi là tên lửa xuyên lục địa hoặc tên lửa đạn đạo. Phân loại của nó là ballistic missile, dịch ra là tên lửa đạn đạo, nghe hơi khó hiểu. Đạn đạo (ballistic), là vì quả missile đi theo kiểu đường đạn: nó dùng động cơ rocket bắn vọt lên rất cao trên trời rồi từ trên trời lao cắm xuống đất. Động cơ tên lửa rất mạnh nhưng chỉ xịt lửa vài giây hoặc vài chục giây để đẩy quả tên lửa lên cao rồi tắt. Tên lửa đi ra khỏi tầng khí quyển, bay tự do, rồi quay trở lại tầng khí quyển, lao cắm vào mục tiêu. Cái missile này do cơ chế bắn như vậy nên tốc độ nó rất nhanh (có thể đến 20 lần tốc độ âm thanh; Mach 20), đi rất xa, và mang đầu đạn nặng. Sau này người ta chế ra các tên lửa kiểu này nhưng bay thấp hơn, không đi ra khỏi khí quyển trái đất, gọi là đạn đạo tầm trung/medium range ballistic missile; rồi các tên lửa đi gần hơn nữa, gọi là tactical ballistic missile. Các hỏa tiễn tactical thì về kỹ thuật còn gọi là quasi ballistic (nghĩa là gần như là đạn đạo). Nó bay rất nhanh (vài lần tốc độ âm thanh), trần bay thấp, và cự ly bắn chỉ vài trăm km. Nó có dẫn đường nhưng là định trước mục tiêu. Nó khỏe nên mang đầu đạn mạnh. Chủ yếu là để bắn lô cốt, công sự và các cơ sở kiên cố của địch. Nó cũng có thể bay lắt léo một chút để tránh tên lửa chống tên lửa đạn đạo.

Hai hỏa tiễn quasi/tactical nổi tiếng nhất của Nga là Tochka (nghĩa là Điểm) và Iskander.

 

2.

Missile có điều khiển, ở VN hay gọi là tên lửa có cánh, hay tên lửa dẫn đường, tiếng Anh là cruise missile. Nổi tiếng nhất là tên lửa Tomahawk của Mỹ. Tên lửa này có thể bay sát mặt đất, hoặc mặt biển (tránh radar), nó có thể bay vòng tránh các vật cản địa hình, khi gần đến mục tiêu nó mới vọt lên cao và bổ nhào xuống. Hệ thống dẫn đường của nó rất tinh xảo, dùng kết hợp cả bản đồ số, vệ tinh, laser, thậm chí có thể dùng camera nhận dạng mục tiêu ở những giây cuối cùng. Khác với đạn đạo, cái cruise missile này có động cơ xịt ra đằng đít hoạt động liên tục từ lúc xuất phát cho đến lúc đâm vào mục tiêu. Để tiết kiệm năng lượng và không để lộ nó bay khá chậm, ở tốc độ cận âm. Thường là đến gần mục tiêu nó mới tăng tốc lên tốc độ siêu âm (supersonic), hoặc siêu vượt âm (hypersonic) (ở chế độ bay quá tốc độ âm thanh, tức là từ tốc độ siêu âm trở lên, tiếng ồn do tên lửa/máy bay gây ra rất lớn, và rất tốn năng lượng để bay).

 

Các tên lửa có cánh này có thể bay cả ngàn ki lô mét, bắn tàu ngầm, bắn tàu chiến, bắn mục tiêu mặt đất đều được. Bắn từ máy bay xuống, bắn từ tàu ngầm lên đều được. Nga đánh Ukraina thì bắn tên lửa loại này là Kalibr. VN thì rất thích mua con BrahMos-II của Nga, mà chắc chưa được mua. Về lý thuyết thì do Trường Sa chỉ cách bờ biển vài trăm km, nên VN mua thật nhiều tên lửa này thì tốt hơn là mua nhiều tàu chiến/tàu ngầm. Vì cứ đứng trên bờ mà nã tên lửa ra thì an toàn và chắc ăn hơn là bơi ra đánh nhau.

 

Tên lửa có cánh và tên lửa đạn đạo đều dễ đánh chặn. Tên lửa đạn đạo tuy tốc độ có thể rất cao, Mach 20, nhưng do quỹ đạo của nó đơn giản nên dễ đánh chặn. Còn tên lửa siêu thanh (hypersonic missile) bắn từ máy bay xuống rất khó đánh chặn. Hiện NATO chưa đánh chặn được tên lửa siêu thanh của Nga. Còn về sản xuất mới có Nga và Trung Quốc có tên lửa này. Sau đó, tương lai gần, có thể Pháp và Mỹ cũng sẽ làm được. Bắc Hàn nói là làm được, nhưng chắc là bốc phét.

 

                                                            *

Aerorozvidka là đơn vị trinh sát đường không của Ukraine. Họ sử dụng drone trinh sát và một công nghệ nền do chính các kỹ sư Ukraine phát triển chỉ trong vài năm gần đây. Công nghệ này có tên gọi tương đối đơn giản là Delta. Ai muốn hiểu Delta thì có thể tìm tài liệu trên internet, mỗi tội phải trả tiền để đọc. 

 

Công nghệ Delta tổng hợp liên tục hình ảnh mặt đất từ tất cả các hình ảnh và video mà nó thu nhận được: vệ tinh, drone trinh sát, trinh sát mặt đất,… để dựng bản đồ số interactive theo thời gian thực. Hệ thống Delta có khả năng tracking liên tục các mục tiêu quân sự, chỉ điểm cho pháo kích, bắn tỉa, phục kích… Đặc biệt là cấp thông tin realtime cho các  drone chiến đấu của Ukraine, từ loại BT2 mua của Thổ (trị giá 5 triệu dollar và có thể mang tới 4 hỏa tiễn) đến các drone do Ukraine tự chế có thể thả bom nhỏ hoặc lựu đạn xuống quân địch. 

 

Đây là lý do mà hệ thống Starlink do Elon Musk cung cấp lại có giá trị rất lớn trên chiến trường Ukraine, lý do đơn giản là không có hệ thống này thì sức mạnh của Aerorozvidka giảm đáng kể.

 

(Cũng nói thêm là phó tư lệnh Ukraine là cựu sinh viên học viện quân sự Odessa, sau khi Nga chiếm Crimea thì anh này là bộ não cải cách và nâng cấp quân đội Ukraine, không chỉ về công nghệ và chiến tranh hiện đại với drone và javelin, mà đến cả tác chiến. Kỹ năng lập kế hoạch tác chiến, kỹ năng phối hợp tác chiến là những kỹ năng cao cấp, cần được huấn luyện và thực chiến rất nhiều. Mỹ được cho là chi nhiều tỷ đô la cho Ukraine để huấn luyện quân đội nước này, cũng như tài trợ cho các nghiên cứu kiểu phát triển công nghệ Delta, sản xuất drone trinh sát, hoặc drone thô sơ ném bom hoặc lựu đạn đơn giản. Từ sự kiện Crimea đến giờ quãng thời gian rất ngắn, mà quân đội Ukraine đã lột xác như vậy, cũng là một dạng kỳ tích.)


                                                            *

Thực tế chiến trường thì Nga đã bắn tên lửa siêu thanh (hypersonic).

 

Trong tiếng Việt mà đọc báo sẽ thấy  từ “vũ khí răn đe”. Nó không chỉ là vũ khí có tên gọi là “răn đe”, mà nó là vũ khí đi theo “học thuyết răn đe”; theo đó các vũ khí răn đe là vũ khí có trong tay nhưng chỉ để đe dọa (tức là vũ khí hạt nhân). Thậm chí còn không đe dọa bằng mồm, mà cứ để đấy thôi. Tên lửa siêu thanh là ở bên kia của lằn ranh giữa “vũ khí quy ước” và “vũ khí răn đe”.

 

Có nhiều lý giải về việc Putin cho bắn tên lửa siêu thanh tên là Kinzhal.

 

Lý giải hài hước thì bảo là Nga bị chê là toàn dùng vũ khí ngu (bom ngu, tên lửa ngu) nên Putin cay quá đem vũ khí hiện đại là tên lửa siêu thanh ra dùng.

 

Lý giải khác cũng buồn cười nhưng có lý hơn, đó là Nga đã bắn sắp hết tên lửa hành trình đất đối đất (cruise missile) rồi, mà chưa áp chế được phòng không Ukraine, nên phải dùng Kinzhal. Vì Kinzhal là tên lửa không đối đất, bắn từ máy bay Mig, bắn xa cả ngàn km, tốc độ thì vượt quá Mach 5, tức là nó có thể bay cả chục ngàn km/giờ. Nó bay trần thấp, tốc độ cao, lắt léo nên cực kỳ khó đánh chặn. Hiện nay vũ khí của NATO chưa đánh chặn được Kinzhal.

 

Có một phân tích khác nói là Putin bắn dọa thế chứ tên lửa Kinzhal không biết Nga đã có bao nhiêu cái? Vì hợp đồng sản xuất mới ký năm 2019. Tham nhũng như Nga thì may ra mới làm được độ 10 quả. (Nhưng có ý kiến nói là khả năng Nga đã làm được tầm 100-200 quả rồi).

 

Giới phân tích thì cho là cuộc chiến đã đến ngưỡng cực điểm (Nga không thể tấn công và giành thêm thắng lợi; cũng không đủ sức bao vây phong tỏa Kyiv) nên chiến trường sẽ tạm ngưng (tấn công lấn chiếm) thay vào đó là giữ cục diện. Cuộc chiến sẽ trở thành cuộc chiến tiêu hao cực kỳ đẫm máu, Nga thì bắn pháo bắn tên lửa ném bom. Ukraine thì tập kích.

 

                                                              *

Ukraine có vẻ như đã tính trước đến việc này nên họ nằng nặc đòi NATO cấm bay, điều mà họ biết chắc là không thể, để đổi lại buộc NATO/ISRAEL cung cấp tên lửa phòng không tầm cao và tầm xa để chống không quân Nga từ xa (không cho bắn tên lửa không đối đất, đặc biệt là siêu thanh). Đồng thời họ cũng xin viện trợ rất nhiều máy bay drone tên là Switchblade. Đây là drone cảm tử. Nó chỉ nặng tầm gần 3kg, lính bộ binh cho vào ba lô được. Và nó rất rẻ so với vũ khí hiện đại (tầm 6000 USD) và sản xuất rất nhanh. Con này dùng máy phóng đơn giản phóng lên, nó bay khá nhanh (100km/h) và bay khá xa (trên 10km). Nó có thể lập trình để nhận biết vài dạng mục tiêu. Rồi nó cứ lơ lửng trên đầu kẻ thù cả chục phút đến ba chục phút để quan sát và đợi mục tiêu xuất hiện rồi lao xuống nổ tung. (Nga bắt đầu đào công sự để cố thủ phía ngoài Kyiv, chắc Ukraine cần rất nhiều Switchblade để cảm tử vào quân Nga).

 

Nó cảm tử như vậy nên gọi là kamikaze drone (kamikaze là thần phong, chỉ các phi công cảm tử Nhật lao máy bay vào tàu chiến Mỹ). Switchblade thì là dao bấm. Kinzhal thì là cây đao, có gốc từ tiếng Trung Á là khanjali ხანჯალი. Còn Iskander là Alexander trong tiếng Nga. Do ảnh hưởng của tiếng Ba Tư đi vào Nga qua ngả Trung Á. Alexander viết tiếng Ba Tư sẽ là اسکندر Eskandar hoặc سکندر Skandar. Tên thành phố Alexander ở Ai Cập viết bằng tiếng Ả Rập sẽ là الإِسْكَنْدَر, phiên ra là al-Iskandarīyah.

 

Nga cũng có kamikaze drone. Drone này  do nhà máy Kalashnikov sản xuất, được cho là đã dùng trên chiến trường Ukraine. Tên nó là ZALA Aero KUB-BLA. Từng thử nghiệm ở chiến trường Syria nhưng đến đầu năm nay mới sản xuất hàng loạt.

https://kalashnikov.media/embed/cjs8samb681m90847llk9w1d0?fbclid=IwAR21Ix6muBBIxFX07ed0359wCSEBlTv1iTVQM68HTlFxAzp25d7kxTNmgHY

 

                                                                  *

Một thất bại nữa của Putin, đó là Thượng phụ Kirill của Giáo hội chính thống Nga mất hết network tôn giáo của mình. Nhưng chiến công nhãn tiền hơn của Ukraine là họ bắn cháy và làm chìm một tàu landing (xưa vẫn dịch là tàu đổ bộ, nhưng nhìn như tàu chở hàng) và làm hư hại (cháy) hai tàu khác. Tin này rất đặc biệt vì từ lúc xảy ra chiến sự đến giờ toàn nói về đánh nhau trên đất liền và bắn máy bay; lần đầu tiên có tin tấn công tàu của hải quân Nga.

Thú vị là, dường như Ukraine chỉ bắn một phát Tochka -U mà toi 3 cái tàu.

 

Bên Nga từ đầu đến giờ dùng tên lửa đạn đạo đất đối đất Iskander, tên lửa này bay với vận tốc hypersonic, tầm xa 500km và độ chính xác 2-5m. Đây là độ chính xác kinh khủng. Vì đứng ở HN mà bắn 100 mũi tên vào Huế mà có 50 mũi tên rơi vào vòng tròn bán kính 2-5m xung quanh hồng tâm. (Độ chính xác của tên lửa đạn đạo gọi là CEP: Circular Error Proble, ai quan tâm có thể tìm hiểu, nhưng phải nhớ một chút toán thống kê.)

 

Tochka -U là tên lửa đạn đạo đời cũ, bắn xa tầm 120km, độ chính xác chỉ cỡ 95m (nhưng vẫn là rất cao so với đời trước đó). Nhưng nó có thêm chế độ bắn như cruise missile (có độ chính xác cao hơn). Có thể Ukraine bắn ở chế độ này vào khu vực có 3 con tàu kia.

 

Kirill gốc là cán bộ KGB, bị Pháp phát hiện là gián điệp và trục xuất về Liên Xô năm 1979. Với Tây thì khó hiểu chứ với ta thì quá dễ hiểu, Kirill giống như các ông sư nhưng lại là “anh em trong ngành” trụ trì cá chùa ở VN. Về con người thì Kirill là nhà tu hành rất uyên thâm thần học từ khi còn trẻ, nhưng để đi lên các nấc thang tôn giáo thì phải được KGB ưng thuận, nhất là khi cử đi làm cho các cơ sở hải ngoại của Nhà thờ chính thống giáo Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ thì Kirill cứ thế dần lên vị trí đứng đầu Chính thống giáo Nga (bao trùm cả Ukraine, nhiều vùng khác ở châu Âu, và châu Phi). Khi Putin thành tổng thống thì hai người hợp tác với nhau, do ảnh hưởng của tôn giáo Nga vượt qua biên giới, và Putin không chỉ dùng các mối quan hệ này của Kirill mà còn dùng giáo hội Nga thay cho phần ý thức hệ (kể cả trong quân đội).

 

Sau khi Putin xua quân vào Ukraine, thì Kirill tuy không mất chức, nhưng mất uy tín, thậm chí mất ngay cả trong nước Nga. Ông này bị gọi là Little Putin, và được xếp vào nhóm các minions của ông chủ điện Kremlin.

 

Bài này nói tỷ lệ thất bại của tên lửa Nga bắn ở chiến trường Ukraine lên tới 60%. VN mua hàng của Nga chắc buốt. Dồn tiền mãi mới mua được 10 con mà bắn thì hỏng 6 con thì quá buốt. Hy vọng là tin vịt của bọn tư bản phương Tây dìm hàng Nga.

https://www.reuters.com/business/aerospace-defense/exclusive-us-assesses-up-60-failure-rate-some-russian-missiles-officials-say-2022-03-24/?fbclid=IwAR2uYd8NpdSMYMjns5VCPCK1FMPvPhk7VGWDKbyx5TDqZ22-T7nTc3vO0Eg

 

                                                       *

Về cuộc chiến. Có thể có một lý do thế này, đó là Putin đã không kiểm soát được chế độ Oligarchy (là chế độ hiện hữu khi Putin lên nắm quyền) để nó “tự chuyển hóa” thành Kleptocracy ở mọi cấp, sâu rộng. Còn ở cấp cao, cách chọn người và sử dụng người xung quanh inner circle của mình, biến họ thành henchmen, thì Putin sử dụng Timocracy (Shoigu, Patrushev, Naryshkin). Cái sau làm nảy sinh ra cái trước, Timocracy làm Oligarchy ở cấp cao thoái hóa thành Kleptocracy ở các cấp thấp hơn.

 

Nếu Putin sụp đổ, thế giới sẽ thấy chuỗi chuyển biến chính trị như sau: Oligarchy->Plutocarcy->Timocracy->Kleptocracy->Democracy.

 

Việt Nam hiện đại, tính từ 2002, có thể đã chứng kiến ít nhất hai cái là: Meritocracy và Timocracy. Kleptocracy tưởng bị ngoắc ngoải vì chiến dịch đốt lò, ai ngờ đâu còn khỏe hơn với Việt Á và Cục Lãnh Sự.

 

                                                                   *

Xem phim gì khi Nga đánh Ukraine.

 

Do Putin xuất thân là sĩ quan KGB nên ta xem Red Sparrow, trong đó có Jennifer Lawrence đóng điệp viên Nga. Từ đào tạo đến chiến đấu đều cực kỳ tàn bạo. Nhân vật sĩ quan KGB cực kỳ giống Putin.

 

Đánh đấm ác liệt đẹp mắt mà cũng có KGB là phim Atomic Blonde, có Charlize Theron đóng điệp viên nhị trùng KGB.

 

Phim Mosul. Phim này nói về trận chiến Mosul, một thành phố cổ ở Iraq. Phim này nói về sự kiện có thật, chiến tranh đô thị cực khắc nghiệt, là cái người ta dự đoán sẽ xảy ra ở Kharkiv và Kyiv.





No comments:

Post a Comment

View My Stats