Thursday, 17 March 2022

QUY CHẾ TRUNG LẬP : GIẢI PHÁP TỐT NHẤT CHO UKRAINA? (Thanh Phương - RFI)

 



Quy chế trung lập: Giải pháp tốt nhất cho Ukraina?

Thanh Phương  -  RFI

Đăng ngày: 17/03/2022 - 13:38

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20220317-quy-ch%E1%BA%BF-trung-l%E1%BA%ADp-gi%E1%BA%A3i-ph%C3%A1p-t%E1%BB%91t-nh%E1%BA%A5t-cho-ukraina

 

Trong khi chiến sự vẫn diễn ra ác liệt, Nga tiếp tục dội bom vào các thành phố Ukraina, một tia hy vọng vừa lóe lên trong cuộc đàm phán giữa Kiev với Matxcơva. Hôm qua, 16/03/2022, phái đoàn thương thuyết của Nga đã lần đầu tiên nêu lên khả năng đạt thỏa hiệp về một quy chế trung lập theo kiểu Áo hay Thụy Điển cho Ukraina. Tuy phía Kiev đã bác bỏ ngay lập tức ý tưởng này, rõ ràng đây là một bước khởi đầu đáng lạc quan trên con đường tìm kiếm hòa bình cho Ukraina. 

 

https://s.rfi.fr/media/display/d822ba42-a5e7-11ec-864d-005056bf30b7/w:1024/p:16x9/AP22076038861015.webp

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky tại Kiev, Ukraina ngày 16/03/2022. AP

 

Phía Matxcơva đã đề xuất quy chế trung lập nói trên sau khi tổng thống Zelensky hôm 15/03 tuyên bố sẵn sàng từ bỏ việc Ukraina xin gia nhập khối NATO. Đây chính là một trong những lý do khiến Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lăng Ukraina. 

 

Như vậy là hai bên đều đã có những bước nhượng bộ đáng kể, nhất là những yêu sách của Nga nay không còn giống như lúc khởi đầu chiến tranh khi điện Kremlin thậm chí đã đòi xóa bỏ sự tồn tại của quốc gia Ukraina.

 

Vì sao Matxcơva phải nhượng bộ như vậy? Rất có thể đó là vì tổng thống Putin thấy rằng quân Nga đang dần dần sa lầy ở chiến trường Ukraina, đà tiến công thì rất chậm, còn lực lượng thì bị tổn thất nặng nề về nhân mạng và thiết bị. Đàm phán, đối với điện Kremlin, có lẽ là cách để thoát khỏi bế tắc quân sự, trừ phi ông Putin muốn “câu giờ” để có thể tổ chức lại cuộc xâm lăng Ukraina. 

 

Nếu phía Nga thực tâm muốn đàm phán, thì quy chế trung lập “theo kiểu Áo và Thụy Điển” mà họ đề nghị là như thế nào?

 

Trung lập “theo kiểu Áo hay Thụy Điển”

 

Trong trường hợp của Áo, quy chế trung lập chính là do Liên Xô áp đặt vào năm 1955 và đã được ghi trong Hiến pháp, cũng như đã đưa vào luật pháp quốc tế, tức là đã thông báo cho các quốc gia khác. Nhưng thật ra, kể từ khi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu vào năm 1995, Áo không còn thật sự là một quốc gia trung lập, vì nước này trên nguyên tắc phải tham gia vào an ninh và quốc phòng chung của châu Âu. Mặt khác, Nga đã trách là Áo chỉ “trung lập về hình thức”, bởi vì, cùng với phương Tây nói chung, Vienna đã đứng về phía Ukraina trong cuộc chiến tranh hiện nay.

 

Thụy Điển cũng vậy, về mặt chính thức, trong nhiều năm nước này cũng là một quốc gia “phi liên kết trong hòa bình” và “trung lập trong chiến tranh”. Nhưng đến năm 1992, sau khi chấm dứt chiến tranh lạnh, Thụy Điển đã từ bỏ quy chế trung lập tuyệt đối và 3 năm sau đó, nước này cũng đã gia nhập Liên Hiệp Châu Âu cùng lúc với Áo. 

 

Do quy chế trung lập, cho nên cả Áo và Thụy Điển cho tới nay vẫn chưa phải là thành viên của khối NATO và trong một thời gian dài không chi tiêu nhiều cho quốc phòng. Nhưng nay, cuộc xâm lăng Ukraina của Nga khiến Áo và Thụy Điển phải nghĩ đến việc tăng cường khả năng phòng thủ.

 

Áp dụng cho Ukraina?

 

Cho tới nay Ukraina chưa là thành viên của Liên Hiệp Châu Âu và NATO. Vài ngày sau khi Ukraina bị Nga tấn công, tổng thống Zelensky đã ký đơn xin gia nhập Liên Âu, nhưng còn đối với NATO, ông sẵn sàng từ bỏ việc xin gia nhập. Như vậy, ông Zelensky đang đưa nước ông đến gần mô hình nước Áo. Nhưng nên nhớ rằng trước khi ghi quy chế trung lập vào trong Hiến pháp, Áo đã yêu cầu rút hết các lực lượng nước ngoài đóng tại nước này từ năm 1945, trong đó có lực lượng Nga. Có phải điện Kremlin nghĩ đến mô hình này? Nếu đúng như thế thì quân Nga sẽ phải rút về nước, còn Ukraina sẽ phải chính thức cam kết không bao giờ xin vào NATO.

 

Trước mắt, Kiev đã bác bỏ đề xuất của Nga về mô hình trung lập. Một nhà thương thuyết của Ukraina, Mykhaïlo Podoliak, hôm qua tuyên bố: “Ukraina hiện đang trong tình trạng chiến tranh trực tiếp với Nga. Cho nên, chỉ có một mô hình là mô hình Ukraina”. Nhà thương thuyết này nhấn mạnh điều mà Kiev muốn, đó là những “ bảo đảm an ninh tuyệt đối” để đối đầu với Nga. Cụ thể là những nước tham gia ký kết các bảo đảm này cam kết sẽ can thiệp hỗ trợ Ukraina trong trường hợp nước này bị tấn công. 

 

Nhưng có nước nào dám ký những bảo đảm như vậy, trong bối cảnh mà thật ra khối NATO cũng không thật sự muốn thâu nhận Ukraina, còn Liên Hiệp Châu Âu cũng không muốn nhanh chóng kết nạp Ukraina?

 

Trả lời nhật báo Pháp Les Echos hôm qua, giáo sư Tanguy Struye, Đại học Công giáo Louvain, Vương quốc Bỉ, cho rằng: “Quy chế trung lập không phải là giải pháp tốt nhất, nhưng chắc chắn là giải pháp thực tiễn nhất trong bối cảnh hiện nay”. Đó là quy chế mà vị giáo sư này gọi là “trung lập có vũ trang”, theo như mô hình Áo hay Thụy Điển, vì hai nước này cũng có khả năng phòng thủ và có một chính sách ngoại giao riêng.

 

Liệu Nga và Ukraina rồi sẽ đạt được thỏa hiệp về một quy chế trung lập hay không? Điều này có lẽ tùy thuộc phần lớn vào diễn tiến tình hình chiến sự hiện nay.

 

Và dầu gì đi nữa thì trước khi bước vào đàm phán thật sự, hai bên phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn.

 

------------------------------

 

CÁC TIN KHÁC

 

CHIẾN TRANH UKRAINA

Ukraina : Nga tấn công nơi cả ngàn dân cư Mariupol trú bom

 

HOA KỲ - NGA - UKRAINA

Ukraina: Tổng thống Mỹ Biden gọi Putin là “tội phạm chiến tranh”

 

PHÁP TIẾP NHẬN DI DÂN UKRAINA

Pháp sẵn sàng đón tới 100 000 người tị nạn Ukraina

TẠP CHÍ TIÊU ĐIỂM

Chiến tranh Ukraina : Mỹ đẩy châu Âu lên tuyến đầu đối phó Nga ?

 

Ukraina : Bệnh viện vừa lo tránh bom vừa chiến đấu với dịch Covid-19

 

NATO - CHIẾN TRANH UKRAINA

NATO từ chối lập vùng cấm bay ở Ukraina

 

TÒA ÁN CÔNG LÝ QUỐC TẾ - NGA - UKRAINA

Tòa án Công lý Quốc tế yêu cầu Nga ngừng ngay các chiến dịch quân sự ở Ukraina

 

NGA - VLADIMIR PUTIN

Kim tự tháp quyền lực đang tiêu diệt Putin

 

ĐIỂM BÁO

Lập tòa án đặc biệt để xét xử tội ác của Putin ở Ukraina ?





No comments:

Post a Comment

View My Stats