Wednesday 2 March 2022

PUTIN và BAOFENG (Đặng Anh Sơn)

 



NỘI DUNG :

 

Putin và Baofeng

Đặng Anh Sơn

.

Những hạt hướng dương cho Putin

Mạnh Kim  -  Saigon Nhỏ

.

Lính Nga mất tinh thần

Bông Lau

.

===================================

.

.

Putin và Baofeng

Đặng Anh Sơn 

02/03/2022

http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/03/ang-anh-son-putin-va-baofeng.html#more

 

Mấy hôm nay, nhìn đội quân xâm lăng của Putin đánh đấm thì mình đã ngờ ngợ. Tiến quân như thời WWII, có vẻ lạc hậu thế nhỉ?

 

Dễ đoán nhất là gì: một nền kinh tế như Nga, chủ yếu nhờ bán nhiên liệu, nhưng số thu được chỉ bằng một phần của Đức, thì làm sao có thể nuôi một đội quân hùng hậu cho nổi? Thứ nữa, nhân tài nước Nga chán ngán Putin nên tìm mọi cách chạy sang Tây để có cuộc sống yên bình, thì lấy đâu ra nhân lực để phát triển công nghệ-khoa học quân sự?

 

Nhưng điểm yếu cốt tử của quân đội Nga, theo như ông anh mình giải thích dưới đây, thì rất dễ hiểu: đám tướng tá tham nhũng sạch trơn nguồn lực, khiến quân đội Nga suy yếu. Putin duy trì một chế độ độc tài oligarch (tài phiệt) thì sẽ đến lúc hứng thành quả.

 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Serdyukov là người duy nhất dám chống lại tham nhũng và đám nhà thầu quân sự thân hữu (crony) trong quân đội Nga. Ông rất nỗ lực cải tổ quân đội Nga. Kết quả là các nhóm lợi ích cho ông về vườn năm 2012.

 

Người kế nhiệm ông là Shoygu, ông này làm tới tận... bây giờ. Chưa hết, Shoygu là quan chức chính phủ duy nhất làm việc liền một mạch từ năm 1991 (khi thành lập Liên Bang Nga) cho tới bây giờ, thoát mọi sự thanh trừng. Biệt thự (nhà riêng) của ông ấy cũng khổng lồ. Ngoài việc ông này được Putin tin cậy giao cho quân đội mà không sợ làm phản (vì là người thiểu số), ông này đương nhiên chia bánh rất đều và hậu hĩnh cho các nhà thầu quân sự thân hữu và các nhóm lợi ích.

 

Tham nhũng kiểu này dẫn đến việc quốc phòng chi tiền cho các chiến lược phát triển quân sự có lợi cho các nhà thầu, thay vì có lợi cho quân đội Nga. Tức là thay vì quân đội Nga trở nên hiện đại, thiện chiến, hiệu quả, thì hóa ra là nhà thầu quân sự và các nhóm lợi ích trở nên giàu có.

 

Cụ thể là, các cường quốc châu Âu suốt vài trăm năm qua hoặc là chọn phát triển lục quân, hoặc là hải quân. Trừ Liên Xô, họ có hải quân rất mạnh. Liên Bang nga (hậu Liên Xô) lúc đầu có lục quân rất mạnh, đủ đế chiến thắng các cuộc chiến trên bộ. Sau này đổ tiền vào hải quân (quá sức với kinh tế Nga) khiến cho cả lục cả hải quân Nga đều yếu kém. Lý do như trên, nhà thầu hải quân dễ kiếm chác hơn nhà thầu lục quân. Nhất là Nga phải đầu tư cực kỳ nhiều tiền vào các binh xưởng đóng tàu mới toe (vì các nhà máy đóng tàu quân sự toàn nằm ở... Ukraina).

 

Nga tấn công Ukraina, báo chí dùng từ #Blitzkrieg. Đây là tiếng Đức. Nó là cách đánh thần tốc của Hitler, dùng xe tăng và máy bay để ào ạt thọc sâu. Ngày nay thì dùng tên lửa đất đối đất (cruise), không quân (ném bom và tên lửa không đối đất), sau đó là drone vào bắn phá tiếp, cuối cùng mới là xe tăng và bộ binh.

 

Trước khi cuộc chiến nổ ra, người ta tính toán và chờ đợi Nga sẽ bắn mỗi ngày cả ngàn quả tên lửa lên khắp các căn cứ quân sự và sân bay quân sự của #Ukraina, rồi sẽ có hàng trăm lần không quân Nga xuất kích. Đè bẹp Ukraina từ trên không xong xuôi rồi thì xe tăng Nga mới đĩnh đạc tiến vào, rất là Blitzkrieg.

 

Cuối cùng thì hóa ra sai cả: tên lửa bắn vài phát, máy bay thì ú ớ, drone chẳng thấy đâu, xe tăng thì tiến vào ngáo ngơ không đi cùng quân bộ, đã thế còn hết xăng. Tất cả là do tham nhũng đã bào mòn nguồn lực (lẽ ra phải) cực kỳ khổng lồ của quân đội Nga.

 

Hiệp đồng tác chiến lại là chuyện khác. Nga vẫn đánh theo kiểu Barbarossa-style Blitzkrieg; tức là các echelon tiến quân ào ạt vào đồng bằng Ukraina, liên tục các echelon nối đuôi nhau thọc sâu. Nhưng để làm như vậy thì khâu hậu cần và chuẩn bị phải cực kỳ chuyên nghiệp, công phu và dồi dào. Mà tham nhũng thì hậu cần và huấn luyện là hai khâu dễ ăn nhất.

 

Kết quả là quân Nga vào và bị chia cắt, hết cả xăng. Đã thế lại còn không có công nghệ cao dẫn đường, đâm ra ngày đi đêm nghỉ. Đêm nằm yên phơi mình ra cho drone của Ukraina (mua của Thổ Nhĩ Kỳ) bắn.

 

Cuối cùng thì chính là Putin. Putin chỉ có năng lực tiến hành các chiến dịch gọn gàng, kiểu chiếm Crimea; chứ không đủ năng lực để phát động một cuộc chiến tranh. Nhất là phát động một cuộc chiến tranh bằng một đội quân đầy rẫy tham nhũng.

 

Bọn Tây cũng bắt đầu nói đến đảo chính sau khi Putin đe dọa dùng hạt nhân (nuke or coup). Trước khi Nga đánh Ukraina, thì ngai vàng của Putin vững hơn bàn thạch, xác suất đảo chính là bằng zero. Nhưng giờ thì khả năng đảo chính, dù rất thấp, nhưng đã khác zero. Tất cả oligarch và quần thần mà Putin có được, thì lòng trung thành của họ xây dựng trên những gì mà Putin ban phát: các hợp đồng và bổng lộc. Nay những thứ đó đang ào ạt bay hơi. Vấn đề lúc này là nước Nga đã bị cô lập cả về ngoại giao lẫn kinh tế. Nga thắng hay thua ở Ukraina thì cũng vẫn bị cô lập, chừng nào Putin còn tại vị. Đây chính là lý do bọn Tây cho rằng có khả năng đảo chính, dù là rất bé.

 

Nhưng dù có đảo chính hay không, thì rõ ràng Nga không còn là cường quốc quân sự (dù có hạt nhân), và vũ khí Nga không còn là ưu việt (nếu như không nói là quá lạc hậu so với chiến tranh hiện đại).

 

Quân Nga đến lúc này gây ra khá nhiều sự ngạc nhiên. Ngạc nhiên lớn nhất là không quân Nga, ngạc nhiên ngã ngửa nhất là bộ đàm.

 

Lính Spetsnaz (đặc nhiệm) Nga ở Ukraina sử dụng bộ đàm Baofeng () tức Bạo Phong của Trung Quốc. Đây là bộ đàm không có mã hóa, giá rẻ, không ổn định. Ở Việt Nam có thể mua bộ đàm Bạo Phong rất dễ dàng trên mạng.

 

Máy bay thì Nga bố trí sẵn 300 chiếc rất hiện đại, nhưng đến lúc đánh nhau thì xuất kích rất lẻ tẻ. Có nhiều lý do:

 

a) Trong chiến tranh hiện đại, máy bay cường kích luôn sử dụng bom thông minh (có dẫn đường) và tên lửa có dẫn đường. Bắn phát nào trúng cứ điểm của địch phát đấy. Đáng buồn là do tham nhũng nên kho bom và tên lửa dẫn đường quá ít, lại bị đem dùng hết ở Syria rồi. Sắp tới chắc Nga sẽ dùng bom đạn loại thường.

 

b) Do tham nhũng nên công tác huấn luyện của phi công Nga cũng rất có vấn đề. Họ bay chưa tới 100 giờ bay tập/năm. Trong khi phương Tây bay tầm 200 giờ. Nên kỹ năng bay chiến đấu là là kém hẳn.

 

c) Tấn công mặt đất, hoặc không chiến, cần rất nhiều công nghệ định vị, dẫn đường (để xác định mục tiêu từ xa), hỗ trợ cận chiến. Nga rất kém cái này.

 

d) Để phối hợp với bộ binh, cần huấn luyện rất nhiều (nhưng do tham nhũng, bị cắt bớt), và khi thực hành lại cần... bộ đàm. Làm sao mà phi công, bộ binh, và các đơn vị phòng không đi cùng bộ binh phối hợp với nhau trong chiến đấu bằng bộ đàm Bạo Phong ? "

 

ĐẶNG ANH SƠN

Publié par Thụy My RFI à 16:36

.

======================================

.

.

Lính Nga mất tinh thần

Bông Lau  

02/03/2022

http://thuymyrfi.blogspot.com/2022/03/bong-lau-linh-nga-mat-tinh-than.html#more

 

Hai ngày trước có thảo luận với một người bạn phục vụ trong một cơ quan nghiên cứu về Cộng Hòa Liên Bang Nga, về hiện tượng xe tăng và quân xa Nga bị “hết xăng” xảy ra khắp nơi ở Ukraine.

 

Người bạn nói xe cộ sử dụng trong một cuộc hành quân phải có đầy đủ nhiên liệu là điều cơ bản, cho nên khó tin những chuyện “hết xăng” xảy ra lan tràn như vậy. Đó có thể là sự phá hoại của chính binh lính Nga vì họ không muốn chiến đấu.

 

Tính lấy ý kiến “lính Nga phá hoại” của người bạn để viết bài nhưng ngại, vì thấy chưa có chứng cớ mà viết bậy thì hóa ra mình cũng say mê chém gió “thuyết âm mưu”.

 

Nhưng hỏng ngờ chiều tối hôm qua các báo đài có uy tín như Fox News, New York Times, New York Post v.v... đều loan tin Ngũ Giác Đài đã xác nhận sự phá hoại đó.

 

Tinh thần của binh sĩ Nga sa sút trầm trọng rất tội nghiệp. Lương bổng của họ thấp, huấn luyện yếu kém, trang bị thiếu thốn v.v... Họ phải đối đầu với sự kháng cự dũng mãnh của người Ukraine nói cùng ngôn ngữ nên không còn muốn chiến đấu nữa. Nhiều binh sĩ Nga đã đâm lủng bình xăng xe cộ và phá hủy cơ giới để khỏi tác chiến. Tất cả người lính bị lừa dối đẩy vào chỗ chết đều đáng thương.

 

Có nơi binh sĩ Nga đầu hàng tập thể. Nói nôm na theo ngôn ngữ Việt Nam Cộng Hòa là họ “chiêu hồi”, “quay về với chính nghĩa”... Ukraine.

 

Cách đây hai ngày, thế giới nín thở chờ đợi sự trả thù khủng khiếp của Vladimir Putin sau khi hắn bị thua ở khắp các mặt trận. Một đoàn công voa gồm có hàng ngàn con cua sắt, pháo, quân xa chở bộ binh, xe bồn nhiên liệu v.v... Đoàn xe này dài 40 dặm hay 64 km, từ biên giới Belarus phía Bắc tiến về thủ đô Kyiv.

 

Các chuyên gia quân sự phân tích đại quân này sẽ hỏng đánh vào thủ đô và chiến đấu trên đường phố, vì sẽ bị thiệt hại nặng nề. Nhưng sẽ bao vây rồi pháo dập Kyiv cho đến khi nào quân trú phòng hết lương thực đạn dược thì phải đầu hàng, và một chính phủ bù nhìn sẽ được thành lập.

 

Tuy nhiên sau hai ngày đoàn công voa dài 64 km này chỉ mới đến gần Kyiv rồi dậm chưn tại chỗ. Hình không ảnh và tình báo đồng minh theo dõi các cuộc điện đàm thì phát hiện sự rối loạn vô tổ chức của đoàn công voa. Nhiều xe bị “hết xăng” và hết lương thực nhưng hỏng thể câu lui được vì xe cộ chỉ ùn ùn tới một chiều, hỏng có chỗ trống để các xe khác chạy lui. Đây hỏng biết có phải là “Nga ngố” hay cố tình phá hoại để khỏi tham gia một cuộc chiến phi nghĩa.

 

Hiện nay Bộ chỉ huy Nga gởi thêm nhiều xe tiếp tế xăng từ biên giới Belarus để tiếp viện đoàn xe đang bị kẹt cứng. Họ đã bị mất đi yếu tố cơ động chớp nhoáng của cuộc hành quân. Không biết sự bế tắc của đoàn xe xâm lược có cho phép quân trú phòng đủ thời gian để nhận tiếp tế từ phương Tây.

 

Theo các nguồn tin thì binh sĩ và dân quân Ukraine chỉ còn đạn dược để chiến đấu một tuần. Riêng thủ đô Kyiv bị bao vây ba hướng Bắc – Đông – Nam. Chỉ còn phía Tây là chưa bị đe dọa. Và Kyiv chờ đợi được tiếp tế mỗi một phút trôi qua...

 

Trong mấy ngày qua Âu Châu ồ ạt mở kho võ khí để cứu Ukraine anh dũng và đáng thương. Âu Châu cũng hết sợ chú gấu nhồi bông Vladimir Putin rồi.

 

Dẫn đầu là Cộng Hòa Liên Bang Đức bẻ cua 180 độ, chơi trội anh em. Từ một chính sách và Hiến pháp con gà mái cấm viện trợ đồ chơi cho các cuộc xung đột. Họ mau chóng bầu thông qua điều luật cho phép tiếp tế hàng nóng cho Ukraine. Và hỏng hổ danh một quốc gia đã từng thích quánh nhau làm Âu Châu nước nào cũng ghét và sợ.

 

Đức tuyên bố sẽ quân viện cho Ukraine 1.000 súng cua rang muối (chưa rõ loại) và 500 hỏa tiễn phòng không Stinger. Ghi chú: Đức mua bằng sáng chế của Mỹ để sản xuất Stinger tại chỗ. Ngoài ra Đức còn tặng cho Ukraine 9 khẩu thần công... ý quên đại bác, và 14 xe thiết giáp.

 

Ý Đại Lợi (Italy) hứa viện trợ cho Ukraina đủ loại đồ chơi hỗn hợp gồm có hỏa tiễn Stinger, hỏa tiễn chống chiến xa Milan và Panzerfaust, súng cối, đại liên 50, các loại đại liên nhẹ và máy chống mìn IED.

 

Các quốc gia Bắc Âu cũng đã gút bai vị trí trung lập với Liên Bang Nga. Thụy Điển hứa viện trợ Ukraine 5.000 súng cua rang muối. Phần Lan thì tặng 1.500 hỏa tiễn hỏng rõ loại và 2.500 súng trường tấn công.

 

Na Uy tặng 2.000 súng cua rang muối M-72 loại mới, Đan Mạch thì 2.700 súng thịt cua sắt. Hòa Lan (Netherlands) cho 200 Stinger và 50 ống phóng Panzerfaust 3 với 400 hỏa tiễn diệt tăng.

 

Belgium: 3.000 súng máy, 200 súng bắn cua sắt, 3.800 tấn nhiên liệu.

 

Portugal: Máy hồng ngoại tuyến, áo giáp, nón chống đạn, súng máy G3 (7.62mm), mãng cầu và kẹo đồng.

 

Đặc biệt Tiệp (Czech Republic), một cựu vệ tinh chư hầu của đế quốc Liên Xô ngày xưa, rất nổi tiếng trong nghề chế tạo đồ chơi. Đã từng viện trợ súng AK Tiệp rất đẹp đơn giản và nhẹ cho Vi Xi. Nhứt là chất nổ Plastic của Tiệp từng được các sư phụ khủng bố mắt hí mũi tẹt của hậu bối Osama bin Laden, làm tan nát miền Nam Việt Nam, hàng ngàn người Việt banh xác.

 

Tiệp gút bai đế quốc Liên Xô sau cuộc “Cách Mạng Nhung” 1990 với vị nguyên thủ nghệ sĩ tài hoa nhứt thế kỷ là nhà soạn kịch Václav Havel. Phải chăng có một mối duyên nợ nào đó với người nghệ sĩ sân khấu kiêm Luật Sư trở thành Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy của Ukraine.

 

Tiệp mau mắn tuyên bố trong vòng vài tiếng đồng hồ sẽ gởi Ukraine 30 ngàn súng ngắn, 7.000 súng trường tấn công, 3.000 súng máy, 4.000 súng cối, nhiều súng bắn tỉa, và một triệu cục kẹo đồng. Đủ trang bị cho một sư đoàn.

 

Những quốc gia Âu Châu khác kể cả Hoa Kỳ và Canada cũng gởi rất nhiều dụng cụ y khoa, lương khô, máy móc, và tiền để giúp một dân tộc anh hùng.

 

Vấn đề ưu tư của nhiều người là làm sao chuyển tất cả đồ chơi này đến cho quân trú phòng kịp thời mà hỏng bị quân Nga chận đánh. Một số nhà lập pháp Hoa Kỳ muốn thành lập “vùng cấm bay” (no fly zone) ở Ukraine để có thể tiếp tế giúp Ukraine.

 

Hoa Kỳ có khả năng thả Biệt Kích xâm nhập sâu vào Ukraine ban đêm, dưới sự bảo vệ của các chiến đấu cơ tàng hình như F22 hay F35. Biệt Kích Không Quân giữ an ninh các xa lộ làm phi đạo cho máy bay vận tải C-17 hay C-130 đáp ban đêm nhanh chóng bốc dỡ hàng cho quân trú phòng rồi cất cánh trước khi trời sáng.

 

Máy bay Nga rất ít hoạt động ban đêm. Và đây là không phận của Ukraine chớ hỏng phải Liên Bang Nga, và Tổng Thống Volodymyr Zelenskyy đã yêu cầu Hoa Kỳ giúp nhiều lần rồi. Nếu máy bay Nga xuất hiện và đe dọa thì bắn tan xác pháo luôn. Biệt Kích và phi công Mỹ có thừa khả năng hành quân ban đêm thực hiện phi vụ ấy.  Chỉ sợ ông già Joe Biden, Chỉ Huy Trưởng Tối Cao của Quân Lực Hoa Kỳ, lạnh cẳng vì sợ làm mất lòng Soái Ca Vladimir Putin mà thôi.

 

BÔNG LAU 02.03.2022

 

Publié par Thụy My RFI à 16:47

.

=================================================

.

.

Những hạt hướng dương cho Putin

Mạnh Kim  -  Saigon Nhỏ

28 tháng 2, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/van-de-hom-nay/nhung-hat-huong-duong-cho-putin/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238830266-1024x683.jpg

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Denys Monastyrskyi, Kyiv, ngày 28 Tháng Hai (ảnh: Aytac Unal/Anadolu Agency via Getty Images)

 

*Hôm nay, khi đang họp báo, Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc, Vasily Nebenzya, phải ngưng giữa chừng để nghe một cuộc điện thoại. Vài phút sau, Vasily Nebenzya thông báo: Chính phủ Mỹ vừa quyết định trục xuất 12 nhà ngoại giao thuộc phái bộ Nga tại LHQ. Tất cả phải rời khỏi Mỹ trước ngày 7 Tháng Ba.

 

*Cũng hôm nay, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) quyết định treo giò đội tuyển Nga “cho đến khi có thông báo mới”.

 

*“Nga thực sự đang cho thế giới thấy họ không mạnh như được tưởng”. Đó là nhận xét của John Spencer, cựu binh Lục quân Hoa Kỳ, đương kim Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại của Học viện Quân sự Hoa Kỳ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238841174-1024x683.jpg

Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebenzia (ảnh: Lev Radin/Pacific Press/LightRocket via Getty Images)

 

Thứ Bảy 26 Tháng Hai, một số tiểu bang Mỹ ban lệnh cấm bán vodka được sản xuất ở Nga. Không phải lệnh suông. Thống đốc Utah, Spencer Cox, ký hẳn sắc lệnh hành pháp yêu cầu Cơ quan kiểm soát thức uống có cồn “ngay lập tức” hạ khỏi kệ tất cả sản phẩm sản xuất ở Nga và mang thương hiệu Nga. “Utah cùng đứng lên biểu thị sự đoàn kết với người dân Ukraine” – Spencer Cox nói. Những sắc lệnh tương tự cũng được Thống đốc New Hampshire Chris Sununu và Thống đốc Ohio Mike DeWine ký… Từ những vụ “lẻ tẻ” đến các chính sách siết cổ bằng đòn tài chính, thế giới cho thấy sự phản hồi và “đáp lễ” Putin đang được thực hiện với mức độ và tốc độ chưa từng có đối với một quốc gia kể từ sau Thế chiến thứ hai.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238830014-1024x687.jpg

Người Nga hối hả đi rút tiền (ảnh: tại một cây ATM của Ngân hàng Sberbank trong khu mua sắm Yevropeisky, Moscow; ngày 28 Tháng Hai (ảnh: Sergei Fadeichev\TASS via Getty Images)

Khi Putin quyết định tăng hỏa lực cho cục diện chiến sự bế tắc, lửa đang cháy trong “nhà” Putin. Đồng rúp đang mất giá không phanh. Tính đến chiều tối ngày 28 Tháng Hai giờ EST, giá trị đồng rúp đã bốc hơi ¼. Ngân hàng Trung ương Nga, với phần lớn dự trữ ($643 tỷ) bị phong tỏa, đã phải tăng hơn gấp đôi tỉ lệ lãi suất, lên 20%, để neo đồng rúp khỏi chìm sâu hơn. Hôm nay, 28 Tháng Hai, tại Moscow, một đôla Mỹ trị giá hơn 110 rúp, so với khoảng 80 một tuần trước. Trong phiên giao dịch tại London, cổ phiếu Sberbank (ngân hàng lớn nhất Nga) đã mất ¾ giá trị. Nước Nga đang hoảng loạn. Người dân ào đến các trạm ATM. Hãng hàng không Aeroflot hủy tất cả chuyến bay đến châu Âu sau khi loạt quốc gia châu Âu cấm máy bay Nga sử dụng không phận họ. Mỗi cú đòn tiếp theo lại nặng ký hơn cú trước.

Điều không thể ngờ là sự thay đổi bước ngoặt trong các chính sách, từ đối ngoại, quốc phòng đến kinh tế tại một số quốc gia vốn ôn hòa. Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis loan báo Thụy Sĩ sẽ khóa “ngay lập tức” tài khoản của Vladimir Putin, Thủ tướng Mikhail V. Mishustin và Ngoại trưởng Sergey V. Lavrov; cùng tất cả 367 cá nhân nằm trong danh sách cấm vận mà EU liệt kê tuần trước. Ngoại trưởng Lavrov, dự kiến đến Geneva vào hôm nay (28 Tháng Hai) để nói chuyện trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, đành “lỗi hẹn” vì lệnh cấm bay. Dữ liệu ngân hàng quốc gia Thụy Sĩ cho biết, giá trị tài khoản của các công ty và cá nhân Nga là hơn $11 tỷ, tính đến năm 2020. Không chỉ Thụy Sĩ, Monaco cũng quyết định “nhanh chóng áp dụng và thực hiện” các biện pháp tương tự “những gì được hầu hết quốc gia châu Âu tiến hành”.

Hãng dầu hỏa khổng lồ Shell, từng nhiều năm làm ăn với Nga, tuyên bố rút khỏi tất cả dự án hợp tác với Gazprom – tập đoàn dầu khí lớn nhất thuộc quản lý nhà nước Nga. BP tuyên bố bán cổ phần của họ trong Rosneft. Volvo cho biết sẽ ngưng sản xuất tại nhà máy ở Nga; và Mercedes-Benz loan bố ngưng hoạt động kinh doanh tại Nga “ngay lập tức”, trong đó có quan hệ kinh doanh với hãng xe tải Kamaz. “Không có bất kỳ chiếc xe tải nào được sản xuất dưới liên doanh Mercedes-Benz và Kamaz nữa; không có phụ tùng nào được cung cấp cho Kamaz…” – theo bản ghi nhớ nội bộ Mercedes-Benz mà Reuters tiếp cận được.

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238826392-1-1024x683.jpg

Châu Âu “khóa” không phận đối với các hãng hàng không thuộc nhà nước Nga (ảnh: thông báo hủy chuyến tại Phi trường Quốc tế Sheremetyevo; Moscow, ngày 28 Tháng Hai – Mikhail Metzel\TASS via Getty Images)

 

Với người dân Ukraine, tinh thần chiến đấu tiếp tục lên cao. Võ sĩ Oleksandr Usyk, huy chương vàng Olympic 2012; và võ sĩ Vasiliy Lomachenko, cựu vô địch thế giới và hai lần huy chương vàng Olympic, tuyên bố cầm súng ra trận. Hãng rượu Pravda ở Lviv loan báo tặng vỏ chai để bà con “chế ra nhiều bom xăng mang thương hiệu Pravda hơn”. Ukraine cũng cắt nguồn điện khỏi mạng điện kết nối vào lưới điện Nga và móc kết nối vào lưới châu Âu…

 

Tại chiến trường, quân Nga bắt đầu tăng mạnh hỏa lực vào hôm nay để gỡ thế bế tắc. Từ năm 2008, quân đội Nga đã tăng tốc cải tổ, tạo ra cái gọi là một hệ thống quân đội chuyên nghiệp (kontrakniki). Không nhà quân sự nào có thể đánh giá thấp sức mạnh quân sự Nga (nhấn mạnh: “quân sự”, không phải “quân đội”). Quân đội Nga được đánh giá chỉ đứng sau Mỹ, với ngân sách ước tính $61.7 tỉ. So với Nga, Ukraine chỉ là một đứa trẻ, với ngân sách quốc phòng $5.9 tỉ. Nga có gần 900,000 quân thường trực, so với khoảng 200,000 của Ukraine. Nga có 1,328 chiến đấu cơ trong khi Ukraine chỉ có 146; Nga có 478 trực thăng trong khi Ukraine có 42; Nga có 31,000 xe bọc thép trong khi Ukraine vỏn vẹn 5,000… Tuy nhiên, việc đếm số trở nên ít có ý nghĩa, căn cứ vào những gì quân đội Nga thể hiện vài ngày qua.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238834274-1024x683.jpg

“Pháo đài” dã chiến tại Kyiv, ngày 28 Tháng Hai (ảnh: Anastasia Vlasova/Getty Images)

 

Còn sớm để có thể kết luận về cuộc chiến nhưng “Nga thực sự đang cho thế giới thấy họ không mạnh như được tưởng”. Đó là nhận xét của John Spencer, cựu binh Lục quân Hoa Kỳ, đương kim Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Viện Chiến tranh Hiện đại của Học viện Quân sự Hoa Kỳ.

 

Lính Nga đang làm thế giới “kinh ngạc”. Những chiếc xe quân sự cũ kỹ xộc xệch của Nga có đánh dấu chữ “Z” để tránh đồng đội bắn nhầm lại là cách để dân Kharkiv nhanh chóng nhận diện. Trên các nhóm chat Telegram, họ thông báo cho nhau vị trí lính Nga… Loạt video được tung lên mạng từ khi xảy ra chiến sự cho thấy xe tăng Nga dễ dàng bị tấn công bởi những người cầm súng không phải “kontrakniki”. Ngày 27 Tháng Hai, Nga tưởng chừng sắp chiếm trọn Kharkiv (cách biên giới Nga chưa đến 30 dặm) nhưng sau đó nhanh chóng lại bị đánh bật ngược ra. Chiến dịch tấn công vào Kyiv tạm kết thúc vào hôm qua 27 Tháng Hai, với những cột khói trắng ở ngoại ô Irpin bốc lên từ những chiếc tăng và bọc thép Nga bị bắn cháy, cùng cảnh lính Ukraine tước vũ khí kẻ thù đầu hàng và nhặt vũ khí từ xác lính Nga.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/02/GettyImages-1238834162-1-1024x683.jpg

Người dân Kyiv làm bom tự chế; ngày 28 Tháng Hai (ảnh: Wolfgang Schwan/Anadolu Agency via Getty Images)

 

“Quân nhân Nga đang thể hiện lòng dũng cảm và tinh thần anh hùng khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong một hoạt động quân sự đặc biệt. Thật không may, đã có những đồng đội của chúng ta đã thiệt mạng và bị thương” – hãng thông tấn nhà nước Tass dẫn lời phát ngôn viên quân đội Igor Konashenkov.

 

Kịch bản ban đầu là đánh sấm sét và thọc nhanh vào tim Kyiv để bắt hoặc giết Tổng thống Volodymyr Zelensky rồi dựng lên chính phủ bù nhìn đã thất bại. Bởi một phần do sức kháng cự của Ukraine; và một phần do sự yếu kém của lính Nga – những người thuộc một quân đội được đánh giá là tham nhũng nhất nhì thế giới (với mức độ bằng hơn Trung Quốc); một quân đội chỉ quy tụ đám tướng tá trung thành với Putin hơn là có tài năng; một quân đội với vũ khí dữ dằn nhưng tinh thần bạc nhược; một quân đội giỏi tập trận hơn là có kinh nghiệm đối mặt một đối thủ có sức mạnh ý chí bảo vệ tổ quốc. Điều cần cải tổ quân đội Nga không phải là trang bị vũ khí mà là thiết kế lại cấu trúc để tạo ra một “bộ máy chiến tranh” có sức mạnh thật sự chứ không phải phô bày giàn hỏa tiễn tại các cuộc diễu hành trên Quảng trường Đỏ.

 

Với người Ukraine, không thua đã là chiến thắng. Với Nga, chiến thắng quân sự nếu có vẫn không thể che được nỗi nhục không thể khuất phục người Ukraine. Cách đây ba ngày, một video với cảnh đối mặt của một phụ nữ Ukraine với lính Nga tại Henichesk thuộc Kherson ở Nam Ukraine đã được tung lên mạng.

 

– “Mày làm chó gì trên đất của tao?”

– “Chúng tôi tập trận”…

– “Bọn mày là những kẻ xâm lược. Bọn mày là phát xít. Mày hãy cầm những hạt hướng dương này và cất vào túi để hoa hướng dương mọc lên xác tất cả chúng mày”…

 

________

 

ĐỌC THÊM:

 

Cuộc chiến Ukraine: Putin chưa thể “làm gỏi” Ukraine

 

Putin đại bại trong cuộc chiến truyền thông

 

Vladimir Putin: Khi “đại đế” tự lật đổ ngai vàng

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats