Phỏng
Vấn GS Anne Cheng về cuốn Lịch Sử Tư Tưởng Trung Quốc
Anne Cheng / Nguyễn
Quang Diệu
14/03/2022
15:22
Cập nhật ngày 14.3.2022: Câu đầu của phần giới thiệu
sơ lược về cuốn sách (Khung thứ nhì) đã được chỉnh lại theo yêu cầu của tác giả
bài phỏng vấn.
Giáo sư Anne Cheng:
Tiếp tục suy ngẫm, trau dồi và
truyền bá tri thức
một cách trung thực nhất có thể
Nguyễn Quang Diệu (phỏng vấn)
TTCT - "Các lý giải,
bình chú đến từ “bên ngoài” thường sáng rõ hơn quan điểm của “những người gác đền”,
vốn chỉ nhắc đi nhắc lại những bài học kế thừa từ kinh văn cổ điển" - giáo
sư Anne Cheng, tác giả công trình nghiên cứu Histoire de la pensée chinoise (Lịch
sử tư tưởng Trung Quốc) (1) nói trong cuộc trò chuyện từ Paris (Pháp), nhân dịp
bản dịch tiếng Việt của cuốn sách được xuất bản ở Việt Nam tháng 2-2022.
Bức tranh
Trung Quốc mô tả cảnh hai người đánh cờ, thế kỷ 17.
*
Trong các quốc gia thuộc khu vực văn
hóa Hán ở Đông Á, Việt Nam là nước thứ ba tổ chức dịch và xuất bản. Histoire de la pensée chinoise. So với
hai lần trước (bản tiếng Nhật - 2010, bản tiếng Trung - 2018), cảm xúc của bà
như thế nào?
- Bản Việt
ngữ đã được nhóm dịch thực hiện một cách công phu, ra mắt bạn đọc vào những
ngày đầu tiên của năm con hổ (Nhâm Dần). Ấn bản Việt ngữ mang tất cả vẻ đẹp và
sự uy vũ của loài vật cao quý này. Tôi rất xúc động, tự hào và mong rằng nó sẽ
được chào đón dài lâu.
Tôi không
rõ những cách diễn đạt như “khu vực văn hóa Hán” hay “thế giới Hán hóa” có đích
đáng trong trường hợp này hay không. Nhật Bản là nước đầu tiên có ý tưởng và khởi
xướng việc dịch thuật cuốn Histoire de la pensée chinoise của
tôi, sau đó Trung Quốc cũng theo đó mà tiến hành. Nhóm dịch Nhật Bản gồm có ba
người, họ cho tôi biết rằng cuốn sách đã được chào đón nồng nhiệt ở Nhật, trong
đó có giới sinh viên Nhật quan tâm đến Trung Quốc, vì công trình này không quá
nặng nề và khó tiếp cận như những công trình khác được viết bởi các nhà Hán học
của Nhật Bản. Họ thường giới thiệu rất nhiều bộ sách chứa đầy kiến thức uyên
bác nhưng lại không quan tâm đến tính tổng hợp cũng như tính sư phạm.
Ở Trung Quốc,
các thế hệ sinh sau năm 1949 có sự đứt gãy với di sản cổ điển. Rất nhiều độc giả
thú nhận với tôi rằng họ không còn được nghe giảng về truyền thống tư tưởng của
họ ở trường học nữa.
Còn về Việt
Nam, hình như đây là một sự khởi xướng riêng từ gợi ý của GS.TS Philippe Papin
(2) và nhờ mối quan hệ của các thành viên thuộc dự án Vietnamica (3) với các viện
hàn lâm và các cơ sở xuất bản Việt Nam nên mọi việc đã được tiến hành nhanh
chóng. Ba bản dịch tuyệt vời của cuốn sách được chuyển ngữ sang ba thứ tiếng lớn
ở Đông Á. Tôi cho rằng điều này rất quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện
nay.
*
Thông
qua cuốn thông sử tư tưởng này, độc giả Việt Nam được tiếp cận lịch sử tư tưởng
Trung Quốc từ góc nhìn châu Âu. Theo bà, “cái nhìn từ bên ngoài” này có những
ưu điểm gì so với truyền thống viết lịch sử tư tưởng triết học Trung Quốc cũ?
- Ngay từ
phần Dẫn nhập cuốn sách, tôi đã khẳng định quan điểm châu Âu là tiên quyết, đó
không phải là quan điểm kinh viện truyền thống Trung Quốc, cũng không phải là lịch
sử tư tưởng Trung Quốc được giới thiệu ở Mỹ. Cần nhắc lại rằng thể loại “Lịch sử
tư tưởng Trung Quốc” mới chỉ xuất hiện từ đầu thế kỷ 20, nghĩa là mới tầm một
thế kỷ với sự xuất hiện của Hồ Thích qua công trình Trung Quốc triết học sử đại
cương (中國哲學史大綱) năm 1919 và Phùng Hữu Lan với Trung
Quốc triết học sử (中國哲學史) ấn
hành năm 1934. Cuốn sách của Phùng Hữu Lan đã được biết đến rất rộng rãi nhờ bản
dịch tiếng Anh của Derk Bodde có nhan đề A History of Chinese
Philosophy, do Princeton University Press ấn hành năm 1953 và từ đó nó đã
trở thành một công trình kinh điển cho thể loại này.
Khác với
Phùng Hữu Lan với mục đích chính là chứng minh rằng Trung Quốc đã có luận lý học,
siêu hình học… trước châu Âu, mục đích của tôi cũng không phải là kiểu “Chính
trị học về sự thừa nhận”, tôi dùng lại cụm từ này của Charles Taylor trong công
trình The politics of recognition ấn hành năm 1994. Tôi triển
khai việc giới thiệu văn bản và các nhà tư tưởng Trung Quốc như nguyên trạng vốn
có trong mỗi lĩnh vực chuyên sâu của từng học giả mà không đưa ra các phán xét
về giá trị, cũng không để chứng minh tính thượng đẳng hay hạ đẳng so với các
tác gia Hy Lạp và châu Âu.
Mặt khác,
để chống lại mọi định kiến cho rằng cần tính đến “ưu thế dân tộc”, theo cách trực
diện hay hàm ẩn, việc là “người Trung Quốc” hoặc người gốc Trung Quốc có thể sở
hữu kiến thức “thiên bẩm” hay “di truyền” từ truyền thống nước nhà, và ngược lại,
việc không phải là người Trung Quốc có thể là một trở ngại không thể vượt qua
trước nguồn tri thức này, tôi ưu tiên giới thiệu các lý giải, bình chú đến từ
“bên ngoài”, thường là chúng sáng rõ hơn quan điểm của “những người gác đền” vốn
chỉ nhắc đi nhắc lại những bài học kế thừa từ kinh văn cổ điển.
*
Trong bức
tranh rộng lớn về nghiên cứu lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Histoire de
la pensée chinoise ở đâu và giải quyết được vấn đề nền tảng gì cho học
giới theo cảm nhận của riêng bà?
- Như tôi
vừa nói, cách tiếp cận của tôi là gạt bỏ ngay từ đầu những nỗ lực theo kiểu khẳng
định bản sắc hay chủ nghĩa dân tộc, lấy việc tiếp cận văn bản một cách khách
quan làm xuất phát điểm. Từ đó, công trình của tôi bắt đầu từ những kinh nghiệm
giảng dạy các văn bản về truyền thống tư tưởng Trung Quốc cho sinh viên của
INALCO (Viện Ngôn ngữ và văn minh Phương Đông) ở Paris. Họ là những người đối
thoại đầu tiên của tôi và đã đặt ra nhiều câu hỏi buộc tôi phải xem xét lại những
luận điểm mang tính tiên nghiệm của mình, cũng như đặt nghi vấn về những vấn đề
tôi từng cho là đã mặc định.
Sau khi bản
Pháp ngữ ra đời, nó được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Mỗi lần công
trình được dịch ra một ngôn ngữ mà tôi biết hoặc có thể đọc, tôi đều nhiệt tình
cộng tác với dịch giả bằng cách cố gắng trả lời các câu hỏi họ đặt ra, đôi khi
tôi chấp nhận một số gợi ý của dịch giả nhằm cải thiện, thậm chí thay đổi một số
trích đoạn nguyên tác để bản dịch được hoàn thiện hơn.
Đối với bản
Việt ngữ, thật không may là tôi không thể đọc hiểu tiếng Việt nhưng bà Nguyễn
Thị Hiệp, chủ trì dịch thuật công trình, đã đặt ra rất nhiều câu hỏi và nhờ tôi
giải thích những chỗ khó hiểu trong suốt thời gian dài thực hiện bản dịch trong
vòng hai năm. Vì thế, cuốn sách này giống như một “công trường” liên tục được
xây dựng và gia cố để giảm thiểu sự đông cứng, giáo điều và cao vọng duy nhất của
nó chính là hỗ trợ tất cả mọi người, cả chuyên gia lẫn độc giả phổ thông, quan
tâm đến lịch sử của các văn bản này trong chiều dài thời gian.
*
Một điều
dễ nhận thấy là ở. Histoire de la pensée chinoise, bà rất coi trọng
vai trò của Phật giáo trong tiến trình lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Bà có thể
chia sẻ thêm về vấn đề này?
- Nếu tính
số trang cần phải dành để viết về một chủ đề theo niên đại, vị trí dành cho Phật
giáo trong cuốn sách của tôi có vẻ không được cân bằng lắm. Lý do tôi triển
khai chủ đề này hơi dài có lẽ là do sự du nhập của Phật giáo từ Ấn Độ và qua
các kinh tạng bằng chữ Pāli hoặc chữ Phạn, khác hẳn với chữ Hán, đóng vai trò
quan trọng trong tiến trình chung của tư tưởng và văn hóa Trung Quốc.
Tôi cho rằng
tuổi thọ của tư tưởng Trung Quốc có lẽ không dài nếu không có sự can thiệp của
tư tưởng Phật giáo Ấn Độ và tất cả các biến động kèm theo những cải cách mang
tính nền tảng trong thế giới quan truyền thống kiểu Trung Quốc. Lần đầu tiên,
người Trung Quốc buộc phải làm quen với việc không chỉ sử dụng duy nhất một
ngôn ngữ, phải dùng đến dịch thuật, điều chưa từng xảy ra trước đó.
Cũng chính
nhờ những đóng góp và những vấn đề đặt ra của Phật giáo đã buộc Nho giáo phải
xem lại toàn bộ hệ thống của mình và chú ý xem xét những vấn đề chưa từng biết
tới cho đến thời điểm đó, đến mức đã dẫn đến sự ra đời của một thuật ngữ mà
phương Tây gọi là “Tân Nho giáo” (néo-confucianisme) kể từ đời Tống. Cũng chính
Phật giáo đã đem tới cho tư tưởng Trung Quốc một khuynh hướng triết học đặc thù
qua việc đặt ra những vấn đề chính yếu về bản thể đích thực và về điều kiện con
người.
Cuối cùng,
cũng cần nhắc đến sự mở rộng tuyệt vời của Phật giáo Ấn Độ không chỉ ở Trung Quốc
mà còn tới cả Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam cũng như toàn bộ Đông Nam Á, và vẫn
trường tồn đến tận bây giờ.
==============================================
Anne Cheng (程艾蓝, Trình Ngải Lam) sinh
năm 1955 tại Paris, có cha và mẹ là người gốc Trung Quốc. Bà nhận bằng tiến sĩ
Hán học (Doctorat en études Chinoises) tại Đại học Paris 7 năm 1982, hiện là một
trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực lịch sử, triết học và tư tưởng
Trung Quốc.
Một
số công trình tiêu biểu do Anne Cheng viết, chủ biên hoặc đồng chủ biên: Histoire
de la pensée chinoise (Lịch sử tư tưởng Trung Quốc; xuất bản năm 1997, tái
bản năm 2002 và 2014), La pensée en Chine aujourd’hui (Tư tưởng ở Trung
Quốc hiện nay; xuất bản năm 2007, chủ biên cùng với Jean-Philippe
Tonnac), India-China: Intersecting Universalities (Ấn Độ -
Trung Quốc: Cộng tính giao thoa; xuất bản năm 2020, chủ biên cùng với
Sanchit Kumar), Penser en Chine (Tư duy ở Trung Quốc [đương đại];
xuất bản năm 2021, chủ biên), Autour du Traité des rites - De la
canonisation du rituel à la ritualisation de la société (Xung quanh “Kinh lễ”,
từ điển phạm hóa nghi lễ đến lễ chế hóa xã hội; xuất bản năm 2022, chủ biên
cùng với Stéphane Feuillas)…
Công
trình Histoire de la pensée chinoise được Viện hàn lâm Văn khắc
và văn chương Pháp trao giải thưởng Stanilas Julien (1997) và Viện hàn lâm Khoa
học đạo đức và chính trị Pháp trao giải thưởng Dagnan-Bouveret (1998).
===============================================
Là một
chuyên gia có thẩm quyền về Khổng Tử và Nho học, theo bà hình tượng Khổng Tử và
học thuyết Khổng giáo đang được sử dụng như thế nào và mang giá trị biểu trưng
gì trong đời sống kinh tế - chính trị - xã hội ở châu Á nói chung?
- Trên thực
tế, Nho giáo dường như bị rỗng dần nội hàm từ đầu thế kỷ 20, cụ thể là vào năm
1905, thời điểm mà triều đại Mãn Thanh quyết định bãi bỏ chế độ khoa cử, cùng
lúc làm tan rã nền Nho giáo đã được thể chế hóa và mang tính kinh viện, vì khoa
cử là phương tiện để lựa chọn bộ máy quan lại gắn liền với đế chế và sự hiểu biết
về kinh điển Nho gia là phương tiện để có thể gia nhập bộ máy này.
Vì vậy, hậu
quả tất yếu của việc xóa bỏ khoa cử là chế độ phong kiến hoàng gia cũng bị tan
rã không lâu sau đó, vào năm 1911, nhường chỗ cho chế độ Cộng hòa đầu tiên
trong lịch sử Trung Quốc. Từ đó, Nho giáo tồn tại dưới dạng biểu tượng hơn là
trong thực tế xã hội. Điều này dẫn đến những hoạt động “phục hồi” tư tưởng, như
phong trào phục hồi “giá trị châu Á và Nho giáo” lan truyền ở Singapore và một
bộ phận thuộc châu Á vào những năm 1980, hoặc như tham vọng “phục hưng Nho
giáo” hiện nay ở Trung Quốc với xu hướng tôn vinh lòng hiếu thảo và lòng trung
thành với bề trên nhằm chống lại cơn sốt tiêu dùng và cá nhân ở giới trẻ.
*
Sau gần
50 năm, kể từ thời Cách mạng văn hóa (1966 - 1976) với phong trào “phê Nho phê
Khổng”, theo bà, việc nghiên cứu lĩnh vực lịch sử tư tưởng Trung Quốc trong bối
cảnh chủ nghĩa dân tộc đang lên [và trở lại] ở Trung Quốc hiện tại gặp những trở
ngại và khó khăn gì?
- Tôi luôn
bị choáng váng bởi nghịch lý to lớn đánh dấu Trung Quốc vào thế kỷ trước và hậu
quả của nó còn đến ngày nay. Như mọi người đều biết, Cách mạng văn hóa đã phá hủy
những gì thuộc về “xã hội cũ” và “tứ cựu” [tư tưởng, văn hóa, phong tục và tập
quán], những thứ được dán nhãn Nho giáo. Mọi người đều nhớ đến cảnh phá hoại một
cách đầy bạo lực các di sản vật thể, thư tịch và cả việc tấn công con người của
đội Hồng vệ binh. Những Hồng vệ binh này tàn phá văn hóa khi họ còn trẻ nhưng
khi 60-70 tuổi và còn đang công tác, cũng chính những người này lại phục dựng
tượng Khổng Tử khắp nơi trong nước và trích dẫn Luận ngữ mọi lúc mọi nơi.
Sau khi
phá hủy một cách máy móc các di sản văn hóa truyền thống khi còn trẻ, cũng
chính những người này hiện nay lại tự nhận mình là những người kế thừa “5.000
năm văn minh tiếp diễn” và là những người đảm bảo cho sự trường tồn các giá trị
văn hóa và sự hùng tráng của một Trung Quốc vĩnh hằng. Tại sao lại có một sự
quay đầu ngoạn mục đến như vậy? Bởi vì trong thời gian đó, Trung Quốc đã trở
nên giàu mạnh và xuất phát từ lòng tự tôn dân tộc, họ cần phải vá víu những lỗ
hổng của hệ tư tưởng Mao nhằm làm lu mờ và lãng quên đi những sang chấn tinh thần
của 70 năm về trước.
*
Kết
thúc cuốn sách bà đặt câu hỏi: “Khi phương Tây đang cảm thấy cần phải thoát khỏi
sự tự mãn về di sản Hy Lạp cổ đại, khi Trung Quốc bắt đầu suy xét về thế giới
theo phương thức khác, liệu có thể có một cuộc đối thoại thực thụ giữa những
câu hỏi căn cốt của phương Tây với nhãn quan đặc thù của Trung Quốc?”. Đúng 1/4
thế kỷ kể từ khi. Histoire de la pensée chinoise ra đời (năm
1997), cuộc đối thoại lớn này đã diễn ra chưa, thưa bà?
- Chưa thể
nói rằng bối cảnh toàn cầu hiện nay là thuận lợi cho việc đối thoại giữa các nền
văn hóa. Ngược lại, chúng ta có cảm giác rằng thế giới đang một lần nữa dựng
lên những khối chặn phong bế đối nghịch lẫn nhau, với sự thiếu hiểu biết lẫn
nhau và những giản lược theo kiểu địa chính trị. Nhưng chúng tôi, những nhà
giáo và trí thức vốn không có quyền lực và phương tiện gì để tạo ảnh hưởng lên
xu hướng này. Chúng tôi chỉ có thể tiếp tục suy ngẫm, trau dồi, truyền bá tri
thức một cách trung thực nhất có thể và hy vọng những hạt giống được gieo sẽ nảy
mầm và sinh hoa trái mới. Đó chính là những cuốn sách mà chúng tôi viết và công
bố sẽ được lưu giữ lại trong ký ức nhân loại, trừ khi chúng bị thế lực nào đó hủy
hoại. Nhưng lịch sử hình thành trong chiều dài thời gian đã chứng minh rằng lẽ
phải luôn chiến thắng. n
(1): Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, Nguyễn
Thị Hiệp chủ trì dịch thuật, Phạm Văn Ánh - Nguyễn Thị Hiệp - Ninh Thị Sinh và
Bùi Thị Thiên Thai dịch, Omega+ và NXB Thế Giới, tháng 2-2022, 684 trang.
(2) và
(3): Giáo sư chuyên ngành lịch sử Việt Nam của khoa lịch sử và văn bản học thuộc
Viện Khảo cứu cao cấp (École Pratique des Hautes Études - EPHE), người khởi xướng
Dự án châu Âu về nghiên cứu lịch sử và số hóa tư liệu văn bia Việt Nam -
Vietnamica (do Hội đồng nghiên cứu châu Âu thuộc Liên minh châu Âu tài trợ).
***
Quyển Lịch sử tư tưởng Trung Quốc
Công trình Lịch sử tư tưởng Trung Quốc của
Anne Cheng trao cho độc giả, phổ thông lẫn chuyên ngành, những phương tiện cần
thiết để họ tự định hướng, vận dụng theo nhu cầu tìm hiểu và mục đích riêng của
mỗi người, thay vì một lượng kiến thức toàn diện về tất cả mọi thứ liên quan đến
tư tưởng Trung Quốc - điều mà ngay từ đầu tác giả khiêm tốn cho là không thể.
"Lịch sử tư tưởng Trung Quốc, cũng như tất
cả mọi lịch sử khác, đều cần được xem xét soi tỏ không ngừng từ cái nhìn đương
đại" thông qua những phát hiện và nghiên cứu mới. Có cha mẹ là người Trung
Quốc nhưng Anne Cheng được sinh trưởng tại Pháp, được đào luyện trong môi trường
giáo dục và tinh thần khoa học nhân văn Âu châu. Bà nhìn lịch sử tư tưởng (triết
học, chính trị, văn hóa, tôn giáo, xã hội...) Trung Quốc từ khởi thủy đến những
năm đầu của thế kỷ 20 dưới cả hai quan điểm châu Âu và Trung Quốc.
Để thảo luận về chủ đề lịch sử tư tưởng Trung
Quốc, Anne Cheng chia cuốn sách của mình thành 6 phần, 22 chương, với mong muốn
"cùng độc giả chia sẻ niềm vui được viếng thăm những nhà tư tưởng lỗi lạc,
chia sẻ một góc nhìn được tạo dựng từ cá nhân tác giả".
Trong ý nghĩa đó, độc giả sẽ đi một chặng
hành trình dài lịch sử về sự tiến hóa của tư tưởng Trung Quốc, bắt nguồn từ triều
đại nhà Thương trong thiên niên kỷ thứ hai trước Công nguyên đến phong trào Ngũ
Tứ năm 1919 dẫn đến sự ra đời của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong đó, khởi đi từ
nền tảng cổ đại của tư tưởng Trung Quốc 2.000 năm trước Công nguyên, giai đoạn
giao lưu tự do trong thời Chiến quốc với những Trang Tử, Mạnh Tử, Lão Tử, Tuân
Tử, Pháp gia, Kinh dịch…, qua các giai đoạn chỉnh lý di sản với cuộc cải cách
tư tưởng quan trọng sau thời Chiến quốc, đồng thời mở đường cho việc truyền bá
Phật giáo. Và ở ngã rẽ này, sự du nhập và ảnh hưởng to lớn của thứ văn hóa ngoại
lai là Phật giáo đã đem đến một nhân sinh quan hoàn toàn mới, làm rung chuyển
toàn bộ rường cột tư tưởng Trung Quốc.
Sau quá trình tiếp thu, dung hội và phát
dương Phật giáo, tư tưởng Trung Quốc phát triển lên một tầm cao mới nhưng đồng
thời phải đối diện một thách thức mới là Cơ Đốc giáo và truyền thống khoa học
Âu châu thông qua các giáo sĩ truyền giáo, tiếp nối là những cuộc tiếp xúc với
phương Tây vào hậu bán thế kỷ 19 khi liệt cường Âu châu mở rộng ảnh hưởng ở
Đông Á. Từ đây, hiện lên một Trung Quốc phải chèo chống và còng lưng ứng phó với
những thách thức mới từ phương Tây, trong đó có nhu cầu bức thiết của tính hiện
đại và nguy cơ làm biến đổi và mất mát bản sắc văn hóa. Và rồi, bước ngoặt lịch
sử được tạo ra với phong trào Ngũ Tứ năm 1919 khi lần đầu tiên Trung Quốc quay
lưng vứt bỏ truyền thống 2.000 năm lịch sử, mở màn một kỷ nguyên mới đầy mâu
thuẫn và xung đột kéo dài cho đến tận hôm nay.
Anne
Cheng/Nguyễn Quang Diệu
Nguồn : Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 4.3.2022
Đọc
thêm: Lời giới
thiệu của Nguyễn Tiến Cường và Mục lục sách
Attachments
·
2021_Thong_su_tutuong_Trung_Quoc.0.pdf
No comments:
Post a Comment