Thursday, 17 March 2022

NGUYÊN CỤC TRƯỞNG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI, BỘ TT&TT, LÊ NGHIÊM : "NGA TẤN CÔNG UKRAINE, KHÔNG THỂ VIỆN DẪN QUYỀN TỰ VỆ CHÍNH ĐÁNG!" (VietTimes)

 



Nguyên Cục trưởng Thông tin đối ngoại, Bộ TT&TT Lê Nghiêm: "Nga tấn công Ukraine, không thể viện dẫn quyền tự vệ chính đáng!"    

VietTimes 

17/03/2022

https://viettimes.vn/nguyen-cuc-truong-thong-tin-doi-ngoai-bo-tt-tt-le-nghiem-nga-tan-cong-ukraine-khong-the-vien-dan-quyen-tu-ve-chinh-dang-post155306.html

 

VietTimes – Về diễn biến xung đột Nga-Ukraine, VietTimes đã có bài phỏng vấn Đại tá Lê Thế Mẫu. Để góc nhìn đa chiều, VietTimes đã có thêm cuộc trao đổi với ông Lê Nghiêm, nguyên Cục trưởng Thông tin Đối ngoại, Bộ TT&TT.

 

                                                      *

VI PHẠM LUẬT PHÁP QUỐC TẾ

 

PV: Việc Nga đưa quân vào Ukraine có vi phạm luật pháp quốc tế không? Nếu có thì vi phạm những quy định nào, thưa ông? Nó có vi phạm tập quán ứng xử của quốc tế không, thưa ông?

 

Ông Lê Nghiêm: Cuộc chiến ở Ukraine được gọi bằng những cái tên khác nhau như xung đột vũ trang, chiến dịch quân sự đặc biệt, chiến tranh... Theo các chuyên gia luật pháp quốc tế, dựa trên định nghĩa của Liên hợp quốc và Luật Quốc phòng Việt Nam, thì điều này chưa đúng.

 

Theo quy định tại Khoản 7 Điều 2 Luật Quốc phòng Việt Nam 2018 (Có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2019) thì khái niệm Xâm lược được quy định cụ thể như sau:

 

Xâm lược là hành vi chống lại độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc bằng cách sử dụng lực lượng vũ trang hoặc cách thức khác trái với pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

 

Theo Điều 1 của Nghị quyết 3314 nhằm định nghĩa về Xâm lược của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm 1974, Xâm lược là việc sử dụng lực lượng vũ trang hoặc là bất kỳ hành động nào trái với Hiến chương Liên Hợp Quốc của một quốc gia hay liên minh các quốc gia nhằm chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hay sự độc lập về chính trị của một quốc gia khác hoặc của một liên minh các quốc gia khác.

 

Việc Nga tấn công Ukraine bằng vũ lực vào lãnh thổ của Ukraine không thể viện dẫn quyền tự vệ chính đáng theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Muốn viện dẫn quyền tự vệ phải có một cuộc tấn công vũ lực (Armed attack), trong khi Ukraine chưa hề tấn công vào lãnh thổ nước Nga.

 

Việc Nga tấn công Ukraine bằng vũ lực vào lãnh thổ của Ukraine cũng không thể viện dẫn quyền tự vệ tập thể cùng với “Cộng hoà nhân dân Donetsk” và “Cộng hoà nhân dân Luhansk” theo điều 51 của Hiến chương Liên Hợp Quốc bởi vì 2 thực thể Donetsk và Luhansk không phải là hai quốc gia có chủ quyền.

 

Do vậy, tất cả các lập luận pháp lý của Nga đưa ra đều không thuyết phục, tất cả đều không thể dùng để biện minh cho hành vi tổng tấn công Ukraine, vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc, vi phạm Luật quốc tế.

 

https://photo-cms-viettimes.zadn.vn/w1200/Uploaded/2022/livospwi/2022_03_16/chien-tranh-nga-ukraine-9357.jpg

Hình ảnh tang thương Ukraine

 

Có nhiều ý kiến tán thành Nga đưa quân vào Ukraine. Trước đó Nga đã đưa ra một số đề xuất an ninh cho Mỹ/NATO nhưng đều bị bác bỏ. Dù sao Nga là một cường quốc, họ cần phải bảo vệ mình. Giả sử Nga đặt tên lửa ở một nước sát nách Mỹ, liệu Mỹ có để yên không? Phải chăng Mỹ và NATO đã quá đà, sai lầm khi không nhận thấy trước phản ứng của Nga? Ông nhìn nhận thế nào về phân tích trên?

 

Ông Lê Nghiêm: Mỹ, NATO và Nga có sự cạnh tranh chiến lược và có các vấn đề mâu thuẫn chưa giải quyết được. Nga có những yêu cầu được coi là chính đáng về an ninh ở sườn phía Tây nước này. Nhưng “mối đe dọa” đối với an ninh của Nga mới chỉ là tiềm tàng, chủ yếu là đe dọa mong muốn khôi phục ảnh hưởng của Nga đối với vùng lãnh thổ cũ thuộc Liên Xô. Mâu thuẫn hai bên chưa đến mức xảy ra một cuộc khủng hoảng như cuộc khủng hoảng tên lửa chiến lược ở Cuba 60 năm trước. Mà cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba cuối cùng cũng được giải quyết bằng đối thoại.

 

Trên thực tế, các kênh đối thoại luôn luôn có sẵn để giải quyết các mâu thuẫn giữa các nước lớn, giữa Mỹ và Nga cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc.

 

Trong cuộc cạnh tranh chiến lược, các nước lớn ngày nay thực hiện nhiều biện pháp khác nhau, như chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và chạy đua vũ trang nhưng đều tránh giải quyết mâu thuẫn bằng vũ lực. Việc một nước lớn đơn phương phát động một cuộc tấn công tổng lực vào một nước có chủ quyền là không thể chấp nhận và không có lý lẽ nào có thể biện bạch.

 

*

 

Ai cũng hiểu, nền chính trị thế giới phần lớn bị chi phối bởi các siêu cường. Phải chăng các nhà lãnh đạo Ukraine đã quá “hồn nhiên” khi không cân bằng được mối quan hệ giữa Nga, Mỹ và NATO?

 

Ông Lê Nghiêm: Việc các nước nhỏ nằm cạnh và bị kẹt trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là một bất lợi địa chính trị. Hai con voi vật nhau, thì cỏ cây khó tránh khỏi bị giẫm nát.

 

Trên thực tế, đã có một số nước nhỏ khôn khéo sử dụng ngoại giao cây tre, cân bằng quan hệ với các nước lớn mà đã thoát hiểm, không bị lôi cuốn vào chiến tranh, như trường hợp Thái Lan, Thụy Điển.

 

Tuy nhiên trong nhiều trường hợp, thì nước nhỏ dù có khôn khéo, linh hoạt đến mấy cũng chỉ trì hoãn mà không tránh được chiến tranh.

 

Trong Thế chiến II, nhiều nước cũng khôn khéo, nhượng bộ Đức quốc xã, nhưng cuối cùng cũng không tránh được chiến tranh.

 

Năm 1946, chính quyền non trẻ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tìm mọi cách nhân nhượng để không phải đánh nhau với Pháp, nhưng như cụ Hồ đã nói: Chúng ta càng nhân nhượng, thì Thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

 

Các thế lực cường quyền tiến hành chiến tranh để thực hiện tham vọng bá quyền của họ, áp đặt sự thống trị lên nước nhỏ, biến nước nhỏ thành chư hầu, nô lệ, không chấp nhận nước nhỏ là một nước độc lập, tự do, hùng cường. Trong bối cảnh đó, nước nhỏ không thể dùng sự khôn khéo, cân bằng quan hệ mà tránh được chiến tranh.

 

Để tránh được chiến tranh, một dân tộc cần đoàn kết muôn người như một, quyết tâm bảo vệ tự do, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Với chính nghĩa và lẽ phải, biết phát huy sức mạnh tổng lực cả dân tộc, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh của thời đại, một dân tộc hoàn toàn có thể làm thất bại mọi âm mưu xâm lược của các thế lực cường quyền.

 

 

KỊCH BẢN CHO UKRAINE

 

Theo ông, những kịch bản nào sẽ diễn ra ở Ukraine?

 

Ông Lê Nghiêm: Kịch bản khả thi nhất, được dư luận quốc tế mong đợi nhất là cuộc chiến tranh này sẽ kết thúc sớm, chấm dứt cảnh đầu rơi máu chảy và chấm dứt thảm họa đối với hàng triệu người dân vô tội. Hai bên ngừng bắn, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng con đường ngoại giao, với sự trung gian, hòa giải của các nước lớn và các nước ở khu vực.

 

Kịch bản thứ hai là chiến sự tiếp diễn kéo dài, giằng co, khiến cả hai bên đều chịu thiệt hại lớn về nhiều mặt, hàng triệu người tiếp tục phải chịu hy sinh, đau khổ.

 

Kịch bản thứ ba là chiến tranh kéo dài và mở rộng, leo thang hết sức nguy hiểm, lôi cuốn một số nước vào cuộc chiến. Chiến sự có thể rất ác liệt, các bên có thể sử dụng những loại vũ khí giết người hàng loạt. Các nước trên thế giới đều mong muốn hai bên kiềm chế, không để xảy ra kịch bản này. Tôi cũng hy vọng và cầu mong cho thế giới không phải chịu một thảm họa như vậy.

 

*

 

Theo ông, có giải pháp nào giải quyết cuộc xung đột này sao cho hài hòa lợi ích của các bên hay không?

 

Ông Lê Nghiêm: Ngừng bắn, và rút tất cả lực lượng quân sự của Nga khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine – ngay lập tức, toàn bộ và vô điều kiện. Lãnh đạo hai bên ngồi vào đàm phán giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao. Nhiều nước đang sẵn sàng làm trung gian hòa giải để giúp hai nước giải quyết xung đột bằng con đường ngoại giao,

 

*

Cuộc chiến tranh ở Ukraine có thể mang đến bài học gì?

 

Ông Lê Nghiêm: Bài học quan trọng nhất là về độc lập tự chủ: Không thể dựa vào nước nào trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mà phải tự lực tự cường, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Sức mạnh thời đại bao gồm luật pháp quốc tế, trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, và sự ủng hộ giúp đỡ của các chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình công lý trên thế giới.

 

Các nước đều bày tỏ phản đối chiến tranh xâm lược, bảo vệ luật pháp quốc tế, bảo vệ nền tảng của trật tự quốc tế, bảo vệ hòa bình và công lý, tức là để bảo vệ hòa bình và an ninh của nước mình.

 

Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, ủng hộ hòa bình, công lý, lẽ phải, chính nghĩa, không ủng hộ chiến tranh xâm lược, có trách nhiệm đóng góp cho hòa bình và an ninh của thế giới.

 

Việt Nam phải trở nên hùng cường, thịnh vượng, không xưng hùng xưng bá, nhưng đủ mạnh để bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ. Phải có sức mạnh răn đe cần thiết, phát huy lòng yêu nước, đoàn kết quốc gia, phát huy sức mạnh truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông.

 

Xin cảm ơn ông!

 

--------------

 

Khủng hoảng Ukraine: Bên nào đang theo đuổi "học thuyết lỗi thời về chính trị cường quyền"- lý giải của Đại tá Lê Thế Mẫu





No comments:

Post a Comment

View My Stats