Thursday, 10 March 2022

NGƯỜI VIỆT Ở UKRAINE TRONG CUỘC CHIẾN (Trần Quốc Quân)

 



NGƯỜI VIỆT Ở UKRAINE TRONG CUỘC CHIẾN   

Trần Quốc Quân 

10/3/2022  06:38   

https://www.facebook.com/quocquan.tran.79069323/posts/738736020425025

 

“Nếu có chết, thì cũng ngẩng cao đầu như dân tộc Ukraine” – đó là câu nói rất hào hùng, đầy bi tráng của ông Nguyễn Văn Quyết, một người Ukraine gốc Việt đã định cư ở quốc gia này hơn 30 năm. Ông Quyết đang sống và “chiến đấu” trong thành phố Kherson, cận kề Bán đảo Crimea bị Nga cưỡng chiếm năm 2014. Đã có không ít những người gốc Việt, như ông Quyết, nhận Ukraine là quê hương thứ hai và đang chiến đấu bảo vệ quốc gia này kể từ ngày 24 Tháng Hai 2022 lịch sử.

 

Số liệu thống kê cho biết có khoảng 8,000 người Việt và gốc Việt đang sinh sống, học tập, làm việc tại Ukraine, tập trung chủ yếu ở ba thành phố lớn là thủ đô Kyiv, thành phố Kharcov và thành phố cảng Odessa. Từ ngày Nga nổ súng xâm lược Ukraine 24 Tháng Hai 2022 đến nay, dòng người tị nạn chiến tranh từ Ukraine đổ về các quốc gia có chung đường biên giới đã lên khoảng hai triệu, trong đó có không ít người Việt.

 

Ba Lan là quốc gia có 535 km đường biên giới chung với Ukraine, dân số 38 triệu tương đương dân số Ukraine, là thành viên NATO, thành viên EU nên “tự nhiên” trở thành hậu phương hàng đầu của Ukraine chống quân Nga xâm lược, phù hợp với vai trò địa chính trị của khu vực.

 

Hậu phương hàng đầu này cũng “tự nhiên” trở thành quốc gia tiếp nhận làn sóng dân tị nạn chiến tranh từ Ukraine nhiều nhất. Sau 13 ngày quân đội Nga xâm lược Ukraine, từ 24 Tháng Hai đến 8 Tháng Ba, đã có hơn 1.2 triệu người Ukraine vào Ba Lan tị nạn chiến tranh, trong đó có khoảng 2,500 người Việt, chiếm gần 1/3 tổng số người Việt Nam sinh sống, làm việc và học tập tại Ukraine. Theo quan sát riêng, những người gốc Việt có quốc tịch Ukraine như ông Quyết lại ít đi tị nạn nhất. Những người có hôn phối với người Ukraine lại càng ít. Họ sẵn sàng ở lại kề vai sát cánh với mọi người chiến đấu bảo vệ từng ngôi nhà, từng mảnh đất của mình.

 

Những người Việt có thẻ định cư tại Ukraine, cả vợ cả chồng, cùng với người Việt không giấy tờ, sống bất hợp pháp lại chiếm tỷ lệ tị nạn nhiều nhất. Số này không ở lại Ba Lan mà tìm cách đi tiếp sang các nước Tây Âu như Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển…

 

Nghĩa đồng bào

 

Những người cùng chung dòng máu Việt đang sinh sống tại Ba Lan đã tự nhận lấy trách nhiệm tổ chức tiếp đón, nâng đỡ, chia sẻ khó khăn của hàng nghìn người Việt tị nạn chiến tranh từ Ukraine đổ về đây. Đó là các hội đoàn của người Việt Nam tại Ba Lan và rất nhiều cá nhân tự gánh vác trách nhiệm thiện nguyện, cùng hai ngôi chùa của cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan là chùa Nhân Hòa và chùa Thiên Phúc.

 

Rất nhiều hội đoàn, rất nhiều cá nhân người Việt ở Ba Lan như thế đang tổ chức rất chuyên nghiệp việc đón đưa, sắp xếp chỗ ở, cung cấp thực phẩm, thức ăn, nước uống cho người Việt tị nạn chiến tranh từ Ukraine sang. Nhiều hội đồng hương và các cá nhân người Việt Nam trên khắp lãnh thổ Ba Lan biểu thị tấm lòng đầy nhiệt huyết, rất tích cực trong việc cứu trợ người tị nạn. Hoạt động thiện nguyện này đã làm cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan bắt tay đoàn kết nhất từ trước đến nay, không còn sự khác biệt quan điểm chính trị, xã hội, chỉ còn có sự đồng cảm của số phận con người trên bức tranh chiến tranh khốc liệt.

 

Nhiều người từ các tỉnh xa lái xe hàng trăm cây số đến tận biên giới Ba Lan-Ukraine đón đồng bào về ở nhà mình, hoặc nơi mình thuê. Nhiều thanh niên, sinh viên tình nguyện lên tận biên giới, hoặc ở thủ đô làm công tác hướng dẫn người Việt tị nạn đăng ký thủ tục khai báo, sắp xếp tổ chức thuê xe đưa đón họ về nơi ở.

 

Luật pháp Ba Lan quy định, công dân của các quốc gia không phải Ukraine, trong vòng 15 ngày kể từ ngày qua biên giới, phải rời Ba Lan một cách hợp pháp về nước xuất xứ của họ hoặc đến một quốc gia khác nơi họ làm hồ sơ xin cư trú hợp pháp, hoặc nộp đơn tới Urząd Wojewódzki và xin tạm trú Ba Lan (miễn là họ đáp ứng các điều kiện lưu trú).

 

Do đó những người Việt tị nạn từ Ukraine tới thủ đô Warszawa chủ yếu được bố trí tạm cư tại cơ sở do vợ chồng anh chị Hòa-Mai cho mượn và hai chùa Nhân Hòa và Thiên Phúc, trước khi tiếp tục đến nơi ở thích hợp hơn. Những câu chuyện tiêu cực, những nỗi phiền toái, bất lực… trong vấn đề tiếp đón, cứu trợ, sắp xếp nơi ăn chốn ở xảy ra đây đó cho cả bên người tị nạn lẫn bên tiếp đón là điều không thể tránh khỏi. Nhưng vượt lên trên hết vẫn là tấm lòng đùm bọc nhau khi hoạn nạn xảy ra của những người Việt xa xứ với nhau.

 

Và khi bài này lên trang, sáng 9 Tháng Ba 2022, chuyến máy bay đầu tiên đưa hàng trăm người Việt Nam từ Ukraine chạy bom đạn vì quân Nga xâm lược đã cất cánh từ sân bay Warszawa, Ba Lan về Hà Nội. Dù đâu đó vẫn còn chói tai những luận điệu tuyên truyền lạc lõng, bênh vực cho hành vi xâm lược Ukraine của Putin, nhưng người Việt trên khắp lãnh thổ Ukraine, dù ở phần phía Tây, gần biên giới với các nước Ba Lan, Slovakia, Hungary, Rumani; hay ở phần phía Đông, phía Bắc giáp Nga, giáp Belarus, họ vẫn chạy tị nạn sang các nước phương Tây, chứ nhất quyết không chịu hướng sang các nước độc tài phía Đông. Có thể nói, họ đã bỏ phiếu bằng chân để chọn tương lai cho mình và gia đình.

 

Hãy nhìn vài con số thống kê của Bộ Ngoại giao Việt Nam tính đến 18g ngày 7 Tháng Ba 2022:

 

– 2,200 người Việt sơ tán khỏi Ukraine đã sang tới Ba Lan.

– 830 người đến Rumania.

– 310 người sang Hungary.

– 100 người sang Slovakia.

– Trong khi đó chỉ có khoảng… 20 (hai mươi) người sang Nga.

 

Vậy đó, con số trên đây đã nói lên tất cả.

 

Warszawa, Ba Lan, ngày 9|3|2022

 

Hình : https://www.facebook.com/photo/?fbid=738735960425031&set=a.110589353239698

.

32 BÌNH  LUẬN



 

No comments:

Post a Comment

View My Stats