Sunday, 13 March 2022

MỘT CƠ HỘI ĐỂ NHÌN LẠI MÌNH và CHUẨN BỊ MỘT TƯƠNG LAI KHÁC (Trần Khánh Ân)

 



Một cơ hội để nhìn lại mình và chuẩn bị một tương lai khác

Trần Khánh Ân

13/03/22

https://thongluan-rdp.org/quan-di-m/item/24348-m-t-co-h-i-d-nhin-l-i-minh-va-chu-n-b-m-t-tuong-lai-khac

 

Ngày 26/2 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen tuyên bố : "Khi lực lượng Nga mở cuộc tấn công Kiev và các thành phố khác của Ukraine, chúng tôi quyết tâm gây ra những tổn thất lớn cho Nga. Những tổn thất đó sẽ cô lập Nga hơn nữa khỏi hệ thống tài chính quốc tế và các nền kinh tế của chúng tôi".

 

https://live.staticflickr.com/65535/51935995346_87db1982f4.jpg

Nước Nga của Putin bị cô lập hơn bao giờ hết

 

Ban đầu Mỹ đồng ý tách Nga ra khỏi hệ thống Swift. Châu Âu thì hoàn toàn đồng thuận, nước Ý thì tỏ ra lửng lờ, muốn cắt thì cắt. Đó là đặc tính của những chính phủ dân túy, buộc phải chống những chế độ độc tài thì chống nhưng vẫn âm thầm ủng hộ vì mọi khuynh hướng dân túy đều dẫn tới độc tài.

 

Nước Đức ban đầu thì chống lại quyết định đó nhưng sau cùng cũng đồng thuận. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại nước Đức - một trong những quốc gia phải chịu trách nhiệm cho sự tồn tại của đế quốc Nga cho tới ngày hôm nay. Bởi vì bà thủ tướng Đức Angela Merkel, một người rất được lòng người dân Đức, chỉ chạy theo những quyền lợi kinh tế ngắn hạn.

 

Có một sự kiện khó tưởng tượng được là chính quyền bà Merkel đã đồng ý cho Nga xúc tiến dự án Nord Stream II, trong đó Nga nắm 51% tổng số vốn, tức nắm quyền quyết định, còn Châu Âu chỉ giữ 49%. Việc xây dựng dự án dẫn khí đốt này diễn ra ngay sau khi Nga tiến chiếm bán đảo Crimea (Kryme) của Ukraine và dư luận thế giới yêu cầu phải có biện pháp trừng phạt Nga. Dự án này đã bị Mỹ, các nước Đông Âu cũ, đặc biệt là Ukraine, phản đối mạnh mẽ. Điều đó giải thích tại sao nước Đức hiện nay, với chính quyền của tân Thủ tướng Olaf Sholz, đã đồng ý ngưng triển khai dự án dẫn khí đốt này -cung cấp 55 tỷ m3 khí đốt tương đương 49% nhu cầu tiêu dùng hàng năm của Đức- đồng thời chấp thuận loại Nga ra khỏi hệ thống thanh toán tiền tệ quốc tế Swift.

 

Càng đáng ngạc nhiên hơn nữa, cũng dưới thời bà Thủ tướng Angela Merkel, một sự kiện ít được nhắc tới là Đức đã tích cực giúp Nga canh tân nông nghiệp và trở thành một trong vài nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới. Nhắc lại, trong suốt thời gian chiếm đóng Afghanistan (1978-1992), Mỹ cắt nguồn nhập khẩu đậu nành và lúa mì khiến Liên Xô rất khốn đốn. Sau khi chế độ Liên Xô sụp đổ năm1991, Đức đã gởi rất nhiều chuyên gia nông nghiệp sang Nga huấn luyện và giúp cải tiến kỹ thuật chăn nuôi heo và trồng lúa mì. Nhờ đó nước Nga ngày nay đã tự túc được nguồn lương thực và có thể cầm cự được trong những ngày sắp tới, cho dù có bị cấm vận. Trước đó Nga đã phải nhập khẩu lúa mì của Mỹ.

 

Những biện pháp cấm vận quốc tế hiện nay nhắm vào Nga, sau khi Putin xua đại quân qua đánh chiếm Ukraine, khiến cho tham vọng khống chế các quốc gia cựu Liên Xô cũ của Putin đã bị chậm lại

 

Di sản lịch sử và chủ nghĩa thực tiễn

 

Sự kiện Đức giúp Nga canh tân lại đất nước Nga có hai nguyên nhân : di sản lịch sử và chủ nghĩa thực tiễn.

 

Từ thời đế quốc Phổ (Prussia), hai dân tộc Đức và Nga đã có mối quan hệ giao lưu khá tốt đẹp. Khi Thế chiến ll vừa bắt đầu, Đức và Liên Xô là đồng minh cùng đánh Ba Lan. Tới năm 1941, khi thấy Mỹ gần như chắc chắn sẽ tham chiến vì Hitler đã gây ra quá nhiều tội ác và mâu thuẫn với quyền lợi của Mỹ, Liên Xô thời đó coi vướng quốc Anh như anh em và Đức đang đánh với Anh nên Stalin mới trở mặt với Hitler. Hai chế độ Nazi Đức và cộng sản Liên Xô có những điểm giống nhau. Dù trên thực tế, hai chế độ này có khá nhiều khác biệt nhưng về mặt lý thuyết chúng rất gần nhau, vì cả hai đều đề cao chủ nghĩa xã hội (đảng Nazi tên đầy đủ là đảng Quốc gia xã hội chủ nghĩa của giới lao động Đức) nhưng không hoàn toàn đồng ý thế nào là chủ nghĩa xã hội. Mặc dù vậy, ngày nay vẫn còn nhiều người Đức cảm thấy gần gũi với người Nga.

 

Trong những năm qua, thế giới dân chủ nói chung và Hoa Kỳ nói riêng đã chủ quan cho rằng cuộc chiến đấu cho dân chủ đã chấm dứt và sự toàn thắng của tự do và dân chủ trên thế giới chỉ còn là vấn đề thời gian, do đó không cần phải hy sinh thêm nữa. Và tất cả phải tập trung vào những vấn đề thực tiễn như làm kinh tế, mở rộng thêm các thị trường tiêu thụ, thu về lợi nhuận thật nhanh... Các tổng thống, các thủ tướng, các chính đảng chính trị đã được bầu không phải bởi vì họ có khả năng chính trị thực sự mà bởi vì họ tranh nhau trên những con số về tăng trưởng GDP. Phần lớn những nhân sự chính trị đã được bầu chỉ vì những người hứa hẹn nhiều nhất, đặc biệt là tuyên bố nhằm tăng trưởng kinh tế chứ không phải  những chương trình cải tạo an sinh xã hội hay nâng cao mức sống người dân. Chính vì thế, hầu như các quốc gia dân chủ phương Tây đều có hiện tượng là giảm ngân sách quốc phòng, không canh tân quân lực, trong khi đó những chế độ độc tài như Nga của Putin, Tập Cận Bình của Trung Quốc, Hồi giáo của Iran… tập trung ráo riết vào việc canh tân quân lực để trở những cường quốc quân sự hòng tranh giành vai trò số 1 về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ.

 

Tại Châu Âu, Putin từ khi lên cầm quyền đến giờ luôn nuôi tham vọng khôi phục lại hào quang của một thời Liên Bang Xô Viết cũ. Năm 2008, Putin lợi dụng sự chú ý của thế giới hướng về Thế vận hội ở Bắc Kinh để tiến đánh Georgia (Gruzia), năm 2014 bất ngờ chiếm giữ và sáp nhập bán đảo Crimea (Kryme) trên Biển Đen vào lãnh thổ Nga và dựng lên hai vùng tự trị than Nga là Donetsk và Lugansk trên lãnh thổ Ukraine. Trước những vi phạm luật quốc tế và chủ quyền quốc gia tày trời này, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu chỉ có những sự trừng phạt yếu ớt, chủ yếu là trên giấy tờ. Riêng nước Đức thì lại gia tăng hợp tác và làm ăn với Nga, và cả với Trung Quốc, trên đủ mọi mặt, từ kinh tế, tài chính đến kỹ thuật tinh vi và quốc phòng. Điều này khiến cho các chế độ độc tài này ngày càng mạnh lên, không những thế họ còn ra mặt đe dọa của quốc gia phương Tây về kinh tế và quân sự.

 

Nhưng không vì những biểu dương quân sự hung hăng này mà chúng ta bi quan. Đặc tính cốt lõi của những chế độ dân chủ là khả năng tự xét lại mình, có thể sửa chữa và cải tiến sau những thảo luận, đối thoại và trao đổi. Ngược lại các chế độ độc tài chỉ có trao đổi một chiều, chỉ có lệnh từ trên xuống cho cấp dưới thi hành. Chính vì thế mà những nhà lãnh đạo độc tài kém hiểu biết thường rất tự mãn và cố chấp nên không thể sửa chữa. Phần lớn những lãnh đạo độc tài luôn tỏ ra bình an trước khi đột ngột sụp đổ.

 

Chiến tranh, bao giờ cũng vậy, chỉ gây chết chóc, khổ đau và ly tán… Nhưng cuộc chiến tại Ukraine lần này là cuộc chiến để giải quyết những ung nhọt còn sót lại, là bản tu chỉnh hoàn hảo hơn khi nhận thức về dân chủ để tiến hóa. Cuộc chiến này, thêm một lần nữa cũng là dịp để người dân Việt Nam hiểu rằng "dây hòa bình" bao lâu nay đang thắt cổ mình như thế nào. Chế độ cộng sản Việt Nam đã tồn tại được đến hôm nay nhờ sự nhu nhược của những người có hiểu biết, đặc biệt là giới trí thức ; khả năng duy nhất của họ nếu bắt buộc phải làm là viết những bài phản biện, những bản kiến nghị nhưng vẫn luôn tuyên bố trung thành với chế độ (vì sợ bị cúp nguồn sống).

 

Cuộc chiến tranh tại Ukraine lần này cũng là một cơ hội để giới có hiểu biết và trí thức Việt Nam nhìn lại mình để chuẩn bị cho một tương lai khác. Chưa bao giờ khả năng chấm dứt chế độ độc tài toàn trị để tiến bước vinh quang vào kỷ nguyên dân chủ lớn bằng lúc này. Một làn sóng dân chủ mới đang tiếp tục dâng lên trong khi chế độ độc tài đang rã rượi, cạn kiệt về cả uy tín, trí tuệ, lẫn lòng tin và ý chí. Chúng ta không có quyền bỏ lỡ vận hội này, đây là cơ hội để giới tinh hoa Việt Nam trỗi dậy đòi quyền được làm người tự do và có cuộc sống xứng đáng. 

 

Trần Khánh Ân

(13/03/2022)





No comments:

Post a Comment

View My Stats