Friday, 18 March 2022

LIỆU VIỆT NAM CÓ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ BI KỊCH CỦA QUÂN ĐỘI NGA? (Trân Văn)

 



Liệu Việt Nam có học được gì từ bi kịch của quân đội Nga?

Trân Văn

17/03/2022

https://www.voatiengviet.com/a/li%E1%BB%87u-vi%E1%BB%87t-nam-c%C3%B3-h%E1%BB%8Dc-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-g....BB%99i-nga-/6489514.html

 

https://gdb.voanews.com/53D0D2E5-CA54-48D8-8D7F-EC79A21BA32D_w650_r1_s.jpg

Máy bay huấn luyện của Việt Nam rơi ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An hôm 26/7/2018. Photo Zing.vn

 

Ukraine đã trở thành nơi mà dù hoàn toàn không muốn, quân đội Nga vẫn bị buộc phải phơi ra diện mạo khác – khác hẳn các cuộc diễu binh thường niên.

 

Đã tròn ba tuần tính từ ngày quân đội Nga tràn vào Ukraine. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga không những không thể kết thúc sớm như dự kiến mà còn khiến thiên hạ kinh ngạc về những khiếm khuyết khó tưởng tượng của đội quân mà sức mạnh được xếp vào hàng thứ hai trên thế giới cả về phương tiện quân sự lẫn quân số.

 

Diễn biến chiến trường Ukraine trong ba tuần vừa qua cho thấy, quân đội Nga nói riêng và nước Nga nói chung, đã cũng như đang phải trả giá đắt cho sự bất tài của những viên tướng Nga: Tổ chức tấn công nhưng không hiểu gì về đối phương, không có khả năng dự liệu về tình thế để chuẩn bị giải pháp thích hợp, nên kế hoạch hành quân trở thành kịch bản tạo ra thảm họa. Trời ấm, tuyết tan, muốn tránh sa lầy, các loại quân xa buộc phải di chuyển trên hệ thống giao thông hiện hữu, thành ra chẳng khác gì tự xông vào các ổ phục kích, tự biến thành mồi cho đối phương săn. Đứt gãy về hậu cần khiến các loại quân xa thiếu xăng, phải bỏ lại dọc đường, binh sĩ không được tiếp tế thực phẩm, không cướp đoạt xăng, thực phẩm của thường dân thì ngửa tay xin. Thậm chí đầu hàng đối phương vì đói...

 

Chuyện không chỉ ngừng ở đó. Ukraine đã trở thành nơi mà dù hoàn toàn không muốn, quân đội Nga vẫn bị buộc phải phơi ra diện mạo khác – khác hẳn các cuộc diễu binh thường niên. Thiết bị truyền tin lạc hậu, chất lượng kém nên vừa đứt gãy về liên lạc, vừa tạo điều kiện cho đối phương nghe lén để tổ chức đối phó... Nuôi binh sĩ bằng những loại thực phẩm đã hết hạn sử dụng cách nay năm, bảy năm... Phương tiện quân sự không được bảo trì đúng mức và đúng cách nên hư hỏng ngay tại mặt trận...

 

Trước nay, Nga đã nổi tiếng về thiếu minh bạch và tham nhũng, tất nhiên quân đội Nga cũng thế - không thể miễn nhiễm với tệ nạn này. Ai cũng biết thiếu minh bạch, tham nhũng nguy hại cho quốc gia, dân tộc thế nào, song chiến trường Ukraine đã tô cho giá của thiếu minh bạch và tham nhũng của Nga nói chung, quân đội Nga nói riêng đậm nét hơn, tàn khốc hơn.

 

Chính quyền Nga đang cố gắng bưng bít cả thông tin về phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với “chiến dịch quân sự đặc biệt”, lẫn ngăn chặn sự phản đối của dân chúng Nga nhưng hàng trăm ngàn người Nga có trách nhiệm với tương lai của xứ sở và dân tộc vẫn tìm đủ cách để phản đối bất kể đã có nhiều ngàn người bị trừng phạt. Tuy nhiên hàng trăm ngàn người Nga có trách nhiệm ấy chỉ là thiểu số so với nhiều triệu người Nga cố gắng nhẫn nhịn để được xem là... “công dân tốt”.

 

Ngày 26/2/2022, chính phủ Ukraine đã yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Quốc tế chuyển giao thi thể những binh sĩ Nga tử trận tại Ukraine cho Nga vì quân đội Nga bỏ mặc những thi thể này. Tin mới nhất cho biết, các bệnh viện trên lãnh thổ Belarus khu vực giáp với biên giới Ukraine hiện đầy ắp thương binh Nga còn nhà xác thì đầy ắp thi thể của những binh sĩ Nga tử trận tại Ukraine...

 

Những thương binh, tử sĩ đó không là thân nhân, thân hữu của những người Nga có trách nhiệm với tương lai của xứ sở và dân tộc nên phản đối “chiến dịch quân sự đặc biệt” thì cũng là thân nhân, thân hữu của những người Nga ráng nhẫn nhịn để được xem là... “công dân tốt”. Chính quyền như thế, quân đội như thế thì bi kịch là bi kịch chung!

 

                                                     ***

Xung đột Nga – Ukraine có nhiều điều đáng để học từ cả hai phía. Riêng với Nga, qua những gì đã biết về bi kịch của quân đội Nga trên chiến trường Ukraine, rất cần đối chiếu để ngẫm nghĩ về quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay cũng như tương lai. Đó không phải là vấn đề của riêng quân đội nhân dân Việt Nam.

 

24 tháng nghĩa vụ quân sự, quân nhân Việt Nam được huấn luyện như thế nào để có đủ cả kỹ năng cá nhân cần thiết lẫn kỹ năng sử dụng các phương tiện quân sự nếu phải tham chiến. Có quân đội của xứ sở nào động viên thanh niên vào quân đội rồi buộc họ tăng gia sản xuất như trồng rau, bán rau và vỗ ngực xem đó là... “độc đáo” (1)?

 

Đến thời điểm này, tại sao vẫn có thể cao giọng về... “khí thế”, tự khen đã “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ diễn tập” khi tổ chức diễn tập thường niên cấp lữ đoàn mà vẫn còn để hàng chục quân nhân xúm vào vừa kéo, vừa đẩy một khẩu pháo vào đúng vị trị cần thiết (2)? Chẳng lẽ đó là nét riêng trong “công cuộc hiện đại hóa quốc phòng” tại Việt Nam?

 

Nếu dùng YouTube tìm xem các video clip về “diễn tập phòng thủ” ở đủ mọi cấp tại Việt Nam (3) rồi tìm - đối chiếu với những video clip giới thiệu “paintball game” của thiên hạ, ắt sẽ thấy cả trang bị cá nhân, lẫn nội dung luyện tập của quân nhân Việt Nam thua xa... những đứa trẻ, những thanh niên thích chơi trò chơi chiến trường của thiên hạ (4)!

 

Ai cũng biết quân đội để làm gì nhưng những video clip giới thiệu về “diễn tập phòng thủ” ở đủ mọi cấp tại Việt Nam được đưa lên YouTube trong vài năm gần đây cho thấy, “diễn tập phòng thủ” chủ yếu nhằm chống... biểu tình. Lẽ nào thời hiện đại, giặc ngoại xâm cũng như các đoàn biểu tình, chỉ dùng... miệng và dàn hàng ngang để “ta” tiêu diệt?

 

Đó mới chỉ là vài khía cạnh nhìn từ góc độ chuẩn bị, trang bị cho cá nhân người lính trước một cuộc chiến, còn nhiều khía cạnh khác đáng bận tâm hơn. Chẳng hạn các thương vụ mua sắm phương tiện quân sự. Ví dụ, đến giờ, Bộ Quốc phòng vẫn không giải trình, xác định trách nhiệm về việc mua lô chiến đấu cơ SU-22 cũ, theo thiết kế chỉ hoạt động trên đất liền rồi... “nâng cấp” để thực hiện các phi vụ trên biển, sau đó, khi đưa ra sử dụng, một chiếc trong lô này đã rớt hôm 26/7/2018 tại Nghệ An (5)...

 

Ví dụ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam cùng làm ngơ, không yêu cầu giải trình, không điều tra về scandal Airbus thú nhận đã trả “hoa hồng” khi bán cho Việt Nam ba vận tải cơ quân sự loại C-295 trong giai đoạn từ 2009 đến 2014 và do đưa hối lộ cho 20 quốc gia khác để được chọn làm nhà thầu cung cấp phi cơ, nên tháng 3/2020, Airbus cam kết nộp 3,9 tỉ Mỹ kim tiền phạt để Anh, Pháp, Mỹ đóng hồ sơ vụ tập đoàn này đưa hối lộ từ 2008 đến 2015 (6)...

 

Không phải tự nhiên mà tại một kỳ họp Quốc hội diễn ra hồi cuối năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, lúc đó là Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, đề nghị Quốc hội kiểm soát việc mua sắm phương tiện – thiết bị phục vụ quốc phòng, an ninh như chiến đấu cơ, chiến hạm, tàu ngầm,… Theo ông Bình, dù những thông tin liên quan đến các thương vụ loại đó là “nhạy cảm” nhưng chi phí dùng cho việc mua sắm là tiền của dân thành ra phải kiểm soát để bảo đảm tiền bạc được sử dụng đúng mục đích, thậm chí Quốc hội Việt Nam nên thành lập một hội đồng thẩm định nhu cầu và những hợp đồng mua sắm phương tiện – thiết bị cho quân đội, công an.

 

Lúc ấy, ông Lê Việt Trường, người đang giữ vai trò Phó chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh (Ủy ban QPAN) của Quốc hội Việt Nam, cũng nghĩ như vậy. Ông Trường đề nghị phải thực hiện nguyên tắc công khai minh bạch cả trong mua sắm thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh (7)…

 

Nên lưu ý, trước khi đảm nhận vai trò Viện trưởng Viện Kiểm sát Tối cao, ông Bình từng là Thiếu tướng, Tổng cục phó Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an. Ông Trường có tám năm làm việc liên tục tại Ủy ban QPAN của Quốc hội Việt Nam với tư cách Ủy viên Thường trực rồi Phó Chủ nhiệm ủy ban này. Những đề nghị như vừa dẫn lại chắc chắn không phải cho… vui. Đó là những khuyến cáo nghiêm túc nhưng đến nay, sau gần một thập niên mua sắm vũ khí, phương tiện quốc phòng vẫn được giữ… bí mật!

 

                                                      ***

Thực tế cho thấy, càng ngày càng nhiều viên tướng tại Việt Nam bắt tay nhau, mang danh dự, trách nhiệm đổi lấy tiền để bỏ túi, kể cả lúc quốc gia, dân tộc đang vùng vẫy trong thảm họa như đại dịch COVID-19, vậy lấy gì bảo đảm yếu tố “trên dưới một lòng” để có thể giảm tai họa, giành chiến thắng nếu xảy ra xung đột?

 

Những cá nhân được phong tướng cho khỏi... “tâm tư” nhằm khuyến khích những cá nhân này cương quyết đặt... “trung với đảng” lên đầu, bất kể năng lực thế nào, tư cách những cá nhân ấy ra sao thì họ sẽ đưa những người lính Việt nói riêng và xứ sở nói chung tới đâu nếu xảy ra xung đột?

 

Vì sao thực trạng tướng lãnh của quân đội nhân dân Việt Nam lại như thế? Vì sao lại cố tình lờ đi những vấn nạn không chỉ đe dọa năng lực thực sự của quân đội mà còn đe dọa cả vận mệnh quốc gia? Không cổ súy, tìm mọi cách để hướng quân đội đến “trung với đảng”, có thể tránh được thực trạng này cũng như hóa giải được các ẩn họa không?

 

--------------------

Chú thích

 

(1) https://www.nguoiduatin.vn/doc-dao-cho-rau-bo-doi-giua-thu-do-a45047.html

 

(2) http://baoquankhu5.vn/quyet-tam-hoan-thanh-xuat-sac-nhiem-vu-dien-tap-nam-2021/

 

(3) https://www.youtube.com/watch?v=S2jsLq6-dc8&ab_channel=NinhBinhTV

 

(4) https://www.youtube.com/watch?v=QIkbElzysLU&ab_channel=NightmarePB

 

(5) http://soha.vn/cuong-kich-su-22-viet-nam-vua-gap-nan-co-the-la-chiec-tung-duoc-nang-cap-tai-ukraine-20180726153039584.htm

 

(6) https://www.bbc.com/vietnamese/world-51335491

 

(7) https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-quoc-hoi-kiem-soat-viec-mua-sam-tau-ngam-ten-lua-2912057.html





No comments:

Post a Comment

View My Stats