Thursday 3 March 2022

KHÔNG QUÂN NGA MẤT TÍCH MỘT CÁCH KHÓ HIỂU TRONG CUỘC XÂM LĂNG UKRAINE (Justin Bronk   -  RUSI)

 



Không quân Nga mất tích một cách khó hiểu trong cuộc xâm lăng Ukraine

Justin Bronk   -  RUSI

DCVOnline dịch thuật

POSTED ON MARCH 3, 2022   

https://dcvonline.net/2022/03/03/khong-quan-nga-mat-tich-mot-cach-kho-hieu-trong-cuoc-xam-lang-ukrain/

 

Ngày thứ năm của cuộc xâm lăng Ukraine của Nga, một trong nhiều câu hỏi chưa được trả lời là tại sao Nga đã mở cuộc xâm lăng, chi phí khổng lồ với những mục tiêu lớn nhất, mà lại không dùng đến phần lớn những chiến đấu cơ.

 

https://ik.imagekit.io/po8th4g4eqj/prod/tr:w-1168/su34-fighters-1168x440px.jpg

Ảnh máy bay Su-34 của Nga năm 2017. Được phép của Dmitry Terekhov / Wikimedia Commons / CC BY-SA 2.0

 

Cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine bắt đầu như dự đoán vào sáng ngày 24 tháng 2: một loạt hoả tiễn hành trình và đạn đạo đã phá hủy những đài radar  báo động sớm trên khắp Ukraine. Kết quả đợt tấn công đó đã bịt mắt Không quân Ukraine (UkrAF) một cách hiệu quả, và trong những trường hợp khác, nó còn cản trở hoạt động của máy bay bằng cách phá huỷ phi đạo tại những căn cứ không quân chính của Ukraine. Những cuộc không kích đó cũng đánh trúng một số dàn phóng hoả tiễn đất đối không (SAM) S-300P tầm xa của Ukraine, đã bị hạn chế về khả năng cơ động do thiếu đồ phụ tùng trong thời gian dài.

 

Những cuộc tấn công ban đầu này đi theo mô hình đã thấy trong nhiều cuộc can thiệp do Hoa Kỳ dẫn đầu kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Bước tiếp theo hợp lý và được nhiều người dự đoán, như đã thấy trong hầu hết các cuộc xung đột quân sự kể từ năm 1938, là Không quân Nga (VKS) mở những cuộc  tấn công quy mô để tiêu diệt UkrAF. Với hệ thống báo động sớm đã bị vô hiệu hoá và phi đạo bị phá huỷ, Không quân Ukraine rất dễ bị những máy bay tấn công như Su-34 với đạn dẫn đường, hoặc thậm chí máy bay chiến đấu Su-30 đa năng với hầu hết là đạn không điều khiển tấn công. Nếu có mặt với con số đáng kể, những máy bay chiến đấu Sukhoi Su-35 và chiến đấu cơ đa năng Sukhoi Su-30 hộ tống sẽ áp đảo những chiến đấu cơ của Ukraine, ngay cả khi chúng có thể cất cánh để thực hiện các chuyên bay ở độ cao rất thấp với khả năng nhận thức tình hình hạn chế. Điều này đã không xảy ra.

 

https://img.ifunny.co/images/09b0039d4fa4199184182e75a70e52de2d1f41613826a484e7fd797ef7d22ca6_1.webp

Quân đội Ukraine tuyên bố đã bắn rơi ít nhất 4 chiếc trực thăng tấn công oại KA-52 của Không quân Nga. Nguồn: AP

 

Thay vào đó, khoảng 300 chiến đấu cơ hiện đại mà VKS đã bố trí trong khoảng cách dễ dàng cất cánh ở những khu vực liên lạc chính ở phía bắc, đông và nam Ukraine dường như vẫn nằm trên mặt đất trong suốt 4 ngày giao tranh đầu tiên. Điều này đã cho phép UkrAF tiếp tục thực hiện các phi vụ phản công phòng thủ ở cao độ thấp (DCA) với những phi vụ tấn công mặt đất, và những phi vụ này dường như đã một phần thành công trong việc đánh chặn trực thăng tấn công của Nga. Việc quân đội và thường dân  Ukraine có thể nhìn thấy (và nhanh chóng thần thoại hóa) những phi công của chính họ tiếp tục bay các chuyến bay trên các thành phố lớn cũng là một yếu tố lớn giúp cổ vũ tinh thần đoàn kết kháng chiến phi thường đang thể hiện trên khắp đất nước. Việc thiếu chiến đấu cơ và máy bay tấn công của Nga cũng đã cho phép những đội phóng hoả tiễn SAM và quân đội Ukraine dùng MANPADS như hoả tiễn Stinger do Mỹ sản xuất có thể giao tranh với trực thăng pháo kích và vận tải cơ của Nga và ít  bị trả đũa ngay lập tức hơn. Chính điều này đã góp phần vào sự thiếu thành công đáng kể và tổn thất nặng nề trong các cuộc tấn công trên không của Nga.

 

Hơn nữa, việc Nga gần như thiếu hoàn toàn các cuộc càn quét phản công trên không (OCA) cùng với sự phối hợp rất kém giữa các lực lượng trên mặt đất của Nga và các hệ thống phòng không tầm trung và tầm ngắn của họ. Nhiều đoàn quân của Nga đã được đưa ra tiền tuyến, ngoài tầm bảo vệ của lực lượng phòng không của họ, và trong một số trường hợp khác, các dàn phóng SAM đi kèm đã không hoạt động được trong các vụ kẹt đường hành quân mà không thực hiện được bất kỳ nỗ lực rõ ràng nào để đưa ra nhận thức tình hình và phòng thủ chống lại lực lượng không quân của Ukraine. Điều này đã cho phép những máy bay không người lái (UAV) vũ trang Bayraktar TB-2 của Ukraine còn sót lại hoạt động với hiệu quả đáng kể ở một số khu vực, gây tổn thất đáng kể cho những đoàn quân tiên phong của Nga.

 

Hình thức không kích bừa bãi vốn là thông lệ tiêu chuẩn cho những hoạt động của Không quân Nga và Syria trên Aleppo và Homs rất có thể sẽ được VKS áp dụng cho Ukraine trong những ngày tới

 

https://static.dw.com/image/60790215_7.png

Lực lượng của Ukraine và Nga. Nguồn DW

 

Lý do có thể giải thích sự vắng mặt của không quân Nga

 

Có một số yếu tố có thể góp phần khiến Nga thiếu khả năng đạt được và khai thác ưu thế trên không, mặc dù họ có lợi thế to lớn về số máy bay, khả năng trang bị và các vũ khí hỗ trợ như AWACS so với UkrAF. Đầu tiên là con số  hạn chế của các loại vũ khí dẫn đường chính xác (PGM) mà hầu hết các đơn vị máy bay chiến đấu của VKS đều có. Trong các phi vụ chiến đấu trên lãnh thổ Syria, chỉ có phi đội oanh tạc cơ Sukhoi Su-34 thường xuyên sử dụng PGM và ngay cả những oanh tạc cơ đặc biệt này cũng thường tấn công bằng bom và hoả tiễn không điều khiển. Điều này không những chỉ cho thấy sự quen thuộc rất hạn chế với PGM của hầu hết những phi hành đoàn chiến đấu cơ của Nga, mà còn củng cố giả thuyết được nhiều người chấp nhận rằng kho dự trữ PGM của Nga là rất hạn chế. Sau nhiều năm chiến tranh ở Syria lại càng làm cạn kiệt kho dự trữ đó và có thể có nghĩa là phần lớn trong số 300 chiến đấu cơ của Không quân Nga tập trung xung quanh Ukraine chỉ có bom và hoả tiễn không điều khiển để dùng cho các cuộc tấn công xuống mặt đất. Điều này, kết hợp với việc thiếu những ‘kén’ nhắm mục tiêu để phát giác và xác định  mục tiêu trên chiến trường từ một khoảng cách an toàn, có nghĩa là khả năng yểm trợ trên không gần cho lực lượng của các phi công VKS bị hạn chế. Do đó, lãnh đạo Không quân Nga có thể không muốn dùng phần lớn sức mạnh tấn công tiềm tàng của họ chống lại quân đội Ukraine trước khi được sự chấp thuận chính trị để dùng các loại đạn và bom không điều khiển để bắn phá các khu vực đô thị của Ukraine. Hình thức không kích bừa bãi này là thông lệ tiêu chuẩn cho các phi vụ của Không quân Nga và Syria ở Aleppo và Homs, và rất tiếc là có thể sẽ được Không quân Nga áp dụng tại Ukraine trong những ngày tới.

 

Tuy nhiên, việc thiếu PGM không phải là lời giải thích đầy đủ cho việc thiếu hoạt động của chiến đấu cơ của VKS nói chung. Hệ thống điện tử hàng không tương đối hiện đại trên hầu hết các bệ phóng của họ có nghĩa là ngay cả bom và hoả tiễn không điều khiển vẫn đủ sức gây ra thiệt hại lớn cho máy bay Ukraine trong căn cứ không quân của họ. VKS cũng có khoảng 80 máy bay Su-35S hiện đại và có khả năng chiếm ưu thế trên không và 110 máy bay chiến đấu đa năng Su-30SM (2), có thể tiến hành các cuộc càn quét OCA và DCA. Do đó, việc không thể thiết lập ưu thế trên không không thể  được giải thích hoàn toàn là do thiếu các PGM thích hợp.

 

VIDEO :

S-300 - Russian Long Range Air Defence Missile System

https://www.youtube.com/watch?v=BSJw1hW80tU

S-300 – Hệ thống hoả tiễn phòng không tầm xa của Nga thường gây ra những vụ quân ta bắn quân mình. Nguồn: Armies Power

 

Một lời giải thích khác có thể là VKS không tự tin vào khả năng giảm nguy cơ chạm trán an toàn trong những cuộc xuất kích quy mô cùng lúc với hoạt động của hoả tiễn SAM trên mặt đất của Nga do Lục quân Nga điều khiển. Những vụ quân ta bắn quân mình của những đơn vị SAM trên mặt đất đã là một vấn đề đối với lực lượng không quân phương Tây và Nga trong nhiều cuộc xung đột kể từ năm 1990. Điều hành các khu vực giao tranh chung, trong đó chiến đấu cơ và hệ thống SAM có thể giao tranh với lực lượng đối phương cùng một lúc trong một môi trường phức tạp mà không có quân ta bắn quân mình là việc rất khó; nó đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa những binh chủng, thông tin liên lạc xuất sắc và huấn luyện thường xuyên để thành thạo. Cho đến nay, những binh chủng quân đội Nga đã cho thấy khả năng phối hợp cực kỳ kém trên mọi mặt, từ các nhiệm vụ hậu cần cơ bản, đến phối hợp các cuộc tấn công trên không với hoạt động của lực lượng mặt đất và bố trí lực lượng phòng không cho các đoàn quân đang di chuyển. Trong bối cảnh này, có thể xảy ra trường hợp Không quân Nga đã quyết định để nhiệm vụ vô hiệu hoá năng hoạt động của UkrAF cho những hệ thống SAM trên mặt đất, với sự hiểu biết rõ ràng rằng điều này sẽ thay cho những cuộc hành quân quy mô của không quân Nga. Tuy nhiên, một lần nữa, đây không phải là lời giải thích đầy đủ, vì với số chiến đấu cơ và SAM hạn chế của Không quân Ukraine ở giai đoạn này, Không quân Nga vẫn có thể mở những các cuộc xuất kích quy mô nhằm vào các mục tiêu quan trọng vào những thời điểm đã được sắp xếp trước, trong lúc mà hệ thống SAM của Nga có thể được hướng dẫn để tổ chức khai hỏa.

 

Lãnh đạo VKS có thể do dự khi cam kết mở những cuộc hành quân tác chiến quy mô, điều này cho thấy khoảng cách giữa nhận thức bên ngoài và khả năng thực tế của họ.

 

Một yếu tố cuối cùng cần xem xét là số giờ bay tương đối thấp mà những phi công của Không quân Nga bay  mỗi năm so với hầu hết những đối tác của họ ở phương Tây. Mặc dù rất khó tìm ra con số chính xác cho từng đơn vị, nhưng những tuyên bố chính thức định kỳ của Nga cho thấy trung bình toàn bộ Không quân Nga bay 100–120 giờ mỗi năm. Số giờ bay của những đơn vị máy bay chiến đấu có thể thấp hơn số giờ bay của đơn vị vận tải hoặc máy bay trực thăng, vì vậy con số thực tế có thể dưới 100 giờ bay. Những phi công máy bay chiến đấu của Không quân Anh và Không quân Hoa Kỳ thường phàn nàn rằng họ phải vất vả để duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu đa nhiệm với khoảng 180–240 giờ bay mỗi năm, phải đi huấn luyện bổ túc, thực tập bay trong những buồng lái mô phỏng độ trung thực cao hiện đại, cũng như giao diện vũ khí và tối ưu nhân tố trong buồng lái tốt hơn so với các đối tác Nga. Do đó, có thể là mặc dù đã có một chương trình hiện đại hóa ấn tượng với việc sắm khoảng 350 máy bay chiến đấu hiện đại mới trong thập kỷ qua, các phi công của Không quân Nga sẽ gặp khó khăn khi muốn sử dụng hiệu quả nhiều khả năng trên lý thuyết của máy bay của họ trong môi trường phức tạp và nhiều tranh chấp trên bầu trời của Ukraine. Nếu đúng như vậy, lãnh đạo Không quân Nga có thể do dự khi mở những cuộc hành quân tác chiến quy mô, cho thấy khoảng cách giữa nhận thức bên ngoài và khả năng thực tế của họ.

 

Hình : https://pbs.twimg.com/media/FMxhAMoXoAIDiIN?format=jpg&name=4096x4096

Nguồn: https://i.ibb.co/mCDj1t9/Ukraine-Full-Map-Mar1.jpg

 

Hình : https://pbs.twimg.com/media/FMxhbhuXEAUoVUe?format=png&name=medium

Nguồn: Nathan Ruser | @Nrg8000

 

Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhớ là chúng ta mới qua năm ngày đầu của một cuộc chiến có thể dễ dàng biến thành chiến tranh kéo dài. Thực tế là chỉ có một số xác nhận đã thấy những phi vụ của máy bay Nga trên lãnh thổ Ukraine cũng không nên che khuất thực tế rằng các phi đội chiến đấu cơ của VKS vẫn là một lực lượng có khả năng hủy diệt cao, và một lực lượng có thể tấn công các mục tiêu trên không và cố định dưới mặt đất trong thời gian ngắn trong những ngày tới.

 

--------------

Tác giả | Justin Bronk là Chuyên gia Nghiên cứu về Không lực và Kỹ thuật trong nhóm Khoa học Quân sự tại The Royal United Services Institute (RUSI). Ông cũng là Biên tập viên của tạp chí trực tuyến Hệ thống Phòng thủ RUSI.

 

Quan điểm trong bài bình luận này là của tác giả và không đại diện cho quan điểm của RUSI hoặc bất kỳ tổ chức nào khác.

 

© 2022 DCVOnline

Nếu đăng lại, xin ghi nguồn và đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net


 

Nguồn: The Mysterious Case of the Missing Russian Air Force |Justin Bronk | RUSI | 28 February 2022. DCVOnline minh hoạ bỏ túc.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats