Tuesday 15 March 2022

KHI NGƯỜI NGA CHỐNG PUTIN TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG (Lương Thái Sỹ - Saigon Nhỏ)

 



Khi người Nga chống Putin trên không gian mạng

Lương Thái Sỹ  -  Saigon Nhỏ

14 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/khi-nguoi-nga-chong-putin-tren-khong-gian-mang/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1238826405-1024x683.jpg

Nga đang vật lộn với việc bưng bít thông tin trong nước liên quan cuộc chiến Ukraine (ảnh: Fernando Gutierrez-Juarez/picture alliance via Getty Images)

 

Người Nga đang học cách đánh bại cuộc đàn áp internet của Putin. Con số này chưa nhiều nhưng sẽ tăng lên, có thể hàng triệu, khi cuộc xâm lược Ukraine kéo dài làm xói mòn niềm tin vào bộ máy tuyên truyền của chính phủ.

 

Một bức màn sắt kỹ thuật số phủ xuống người dân Nga, khi Tổng thống Vladimir Putin đang chật vật kiểm soát nguồn thông tin theo hướng có lợi cho ông ta về cuộc xâm lược Ukraine. Khi trận đấu “thật-giả” nghiêng về phía Ukraine trên không gian mạng, Điện Kremlin đã chuyển sang chặn hai mạng xã hội phổ thông Facebook và Twitter. Bước mới nhất trong chiến dịch “chỉ cho phép thông tin một chiều” này là vào ngày 11 Tháng Ba khi chính phủ Nga công bố kế hoạch sẽ chặn luôn Instagram trong nước.

 

Nhưng bất chấp những nỗ lực của Putin trong việc kiểm soát truyền thông xã hội và tin tức về Ukraine bên trong biên giới, ngày càng có nhiều người Nga “yêu chuộng sự thật và đói sự thật” tỏ rõ quyết tâm truy cập bằng được các nguồn bên ngoài và làm thất bại các hạn chế của Điện Kremlin. Để đánh bại chính sách kiểm duyệt internet hà khắc, nhiều người đang chuyển sang sử dụng công nghệ vượt tường lửa được sử dụng rộng rãi ở các quốc gia bị hạn chế “quyền tự do internet” khác như Trung Quốc, Iran. Putin đã vô tình khơi dậy phong trào tìm tòi về kỹ thuật số, đặc biệt là cách vượt tường lửa và chống kiểm duyệt, vốn phổ biến trong những người chống chế độ nhưng chưa bao giờ phổ cập như hiện nay. Cụm từ “Làm sao để vượt tường lửa” đang trở thành câu hỏi của nhiều người Nga không muốn bị chế độ dắt mũi.

 

Kể từ ngày xua quân xâm lược Ukraine, người Nga đã đổ xô vào các “mạng riêng ảo” (virtual private network-VPN) và các ứng dụng nhắn tin được mã hóa như Telegram; tức là những công cụ có thể truy cập các trang web bị chặn như Facebook hoặc chia sẻ tin tức về cuộc chiến ở Ukraine một cách an toàn. Theo công ty nghiên cứu thị trường SensorTower, trong tuần bắt đầu từ 28 Tháng Hai, người dùng internet Nga đã tải xuống năm ứng dụng VPN hàng đầu trong kho ứng dụng của Apple và Google, với tổng cộng 2.7 triệu lượt tải, tăng gần gấp ba lần so với tuần trước.

 

Proton có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết lượng đăng ký từ Nga tăng đột biến 1,000% trong tháng này. Nhưng VPN chỉ là một hiện tượng ở Nga. Công ty giám sát internet Cloudflare cho biết, kể từ ngày 1 Tháng Ba, loạt ứng dụng nhắn tin bao gồm Messenger và WhatsApp của công ty Meta (Facebook) đã có ​​lượng truy cập tăng dần. Và cả TikTok.

 

Nhưng có lẽ ứng dụng nhắn tin phát triển nhanh nhất ở Nga trong cuộc chiến Nga-Ukraine là ứng dụng nhắn tin mã hóa Signal. Theo SensorTower, Signal đã được tải xuống 132,000 lượt tại Nga trong tuần trước, tăng hơn 28% so với tuần trước nữa. Cloudflare cũng cho biết lưu lượng truy cập internet của Nga đến Signal tăng ấn tượng kể từ ngày 1 Tháng Ba. Các ứng dụng nhắn khác như Telegram cũng tăng với ​​hơn nửa triệu lượt tải trong khung thời gian trên.

 

Những tuần gần đây, người dùng internet Nga dường như phụ thuộc nhiều hơn vào Tor (một dịch vụ ẩn danh duyệt internet bằng cách xáo trộn lưu lượng truy cập của người dùng và chuyển nó qua nhiều máy chủ trên khắp thế giới) để truy cập thông tin. Bắt đầu từ ngày Nga xâm lược Ukraine, trang đo lường của Tor ước tính có thêm hàng ngàn người dùng Nga truy cập trang web của họ thông qua các máy chủ bí mật được kết nối với mạng phi tập trung (decentralized network) của Tor.

 

Người dùng Tor sau khi nhận được sự trợ giúp từ Twitter vào Thứ Ba tuần trước (mạng xã hội này đã bị chặn một phần ở Nga sau cuộc xâm lược) đã có thể truy cập vào Twitter thông qua một trang web chuyên biệt được thiết kế cho người dùng Tor. Phần mình, Facebook đã có trang Tor của riêng từ năm 2014. Lantern, một công cụ giúp vượt tường lửa, bắt đầu có nhiều lượt tải hơn từ Nga trong hai tháng trở lại đây.

 

Sascha Meinrath, giáo sư truyền thông tại Đại học Penn State, thành viên hội đồng quản trị Brave New Software, công ty mẹ của Lantern, cho biết: “Lantern đã tăng 2,000% lượt tải xuống từ Nga trong hai tháng qua và sẽ tăng từ 5,000 người dùng hàng tháng lên hơn 120,000. Để so sánh, Lantern có từ hai triệu đến ba triệu người dùng trên toàn cầu, chủ yếu ở Trung Quốc và Iran”.

 

Các tín đồ công nghệ đều biết cách kết hợp nhiều công cụ để tối đa hóa khả năng bảo vệ và truy cập thông tin. Ví dụ, họ dùng Lantern để vượt tường lửa của chính phủ trong khi dùng Tor để ẩn danh truy cập. Phong trào vượt tường lửa bùng nổ trong bối cảnh Putin làm mọi cách để kìm hãm truyền thông xã hội; từ việc chặn hoàn toàn Facebook đến thông qua luật dọa bỏ tù 15 năm đối với những người chia sẻ những thông tin mà Điện Kremlin cho là “giả” về cuộc chiến. Trong quá khứ, chính phủ Nga từng cố chặn Tor và VPN nhưng không thành công do thiết kế mở, phi tập trung, tạo điều kiện để các nhà cung cấp VPN mới lấp đầy khoảng trống những cái đã bị chặn. Những gì Nga phải đối mặt bây giờ là trò chơi mèo vờn chuột và không thể thắng.

 

Một số chuyên gia về quyền kỹ thuật số cho rằng điều quan trọng là các công cụ vượt tường lửa cần được thiết kế sao cho có thể sử dụng những hoạt động internet bình thường chứ không chỉ nhằm “qua mặt” chính quyền. Sẽ có nhiều người dùng hơn nếu công cụ thực hiện được những nhu cầu đời thường chẳng hạn kiểm tra email, xem phim trực tuyến hoặc nói chuyện với bạn bè. Dù thế nào, những hàng rào hạn chế của chính phủ Nga sẽ không chỉ kích hoạt việc phổ biến hơn các công cụ vượt tường lửa mà còn tạo cú huých cho việc nghiên cứu và phát triển các công cụ mới từ chính những người Nga có tài và hiểu biết về công nghệ.

 





No comments:

Post a Comment

View My Stats