Sunday 13 March 2022

GIÁ XĂNG Ở MỸ TĂNG? HỎI WALL STREET, ĐỪNG HỎI BIDEN! (Mai Phi Long / Người Việt)

 



Giá xăng ở Mỹ tăng? Hỏi Wall Street, đừng hỏi Biden!

Mai Phi Long/Người Việt (tổng hợp)

March 13, 2022

https://www.nguoi-viet.com/hoa-ky/gia-xang-o-my-tang-hoi-wall-street-dung-hoi-biden/

 

NEW YORK, New York (NV) – Trên mạng xã hội hiện nay lan truyền râm ran hình ảnh được “photoshop” cảnh Tổng Thống Joe Biden tự chụp “selfie” trước bảng giá xăng gần $6/gallon với câu nói chế giễu đi kèm “Công của tôi đó!” Đây là cách tuyên truyền bất chấp sự thật để chống lại vị tổng thống đương nhiệm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-xang-biden-1-1068x712.jpeg

Giá xăng trên $7/gallon tại Los Angeles, California, vào ngày Thứ Ba, 8 Tháng Ba. (Hình: Robyn Beck/AFP via Getty Images)

 

Trên thực tế, Wall Street mới là nơi trả lời cho câu hỏi “vì sao giá xăng tăng cao ngất,” thay vì chất vấn Tòa Bạch Ốc, vì thị trường mới là nguyên nhân gốc rễ của việc định giá nhiên liệu, chứ không phải tổng thống hoặc có liên quan gì đến chính trị, theo đài CNBC.

 

Nhìn thấy túi tiền mỏng dần mỗi lần đổ xăng, giới tiêu thụ Mỹ dễ tin vào lời tuyên truyền rằng chính ông Biden và phe Dân Chủ chỉ lo bảo vệ môi trường, cấm khai thác dầu ở Mỹ, khiến dầu thô lên giá, kéo theo hệ quả xăng lên giá.

 

Quyền lợi của giới tiêu thụ ngược với quyền lợi của kỹ nghệ khai thác dầu

 

Một nguyên tắc hiển nhiên mà ai cũng biết đó là khi nguyên liệu khan hiếm thì vật giá leo thang.

 

Ai cũng biết rằng khi dầu thô lên giá, xăng tăng theo. Tương tự khi dầu thô xuống giá, xăng rẻ. 

 

Tuy nhiên, không có nhiều người kịp nhận ra rằng: Dầu thô xuống giá đồng nghĩa với việc kỹ nghệ dầu hỏa mất lợi nhuận. 

 

Do đó, khi những người cả tin trút hết bất mãn vào ông Biden và không hề nghĩ đến cuộc chiến Nga-Ukraine càng lúc càng tàn bạo làm ảnh hưởng tiêu cực trên thị trường dầu thế giới, đương nhiên rằng họ cũng không nghiệm ra được niềm ao ước giá xăng rẻ của mình mâu thuẫn hoàn toàn với lợi nhuận của kỹ nghệ khai thác dầu cùng các nhà chính trị được giới tài phiệt năng lượng hóa thạch hậu thuẫn.

 

Và đương nhiên, những người tiêu thụ đang bực bội này cũng không kịp nhận ra rằng chính ông Biden cấp giấy phép khai thác dầu nhiều hơn cả chính phủ Donald Trump. 

 

Và xa hơn, chính cựu Tổng Thống Barack Obama đã để lại mức giá dầu thô rẻ hơn hẳn so với cả thời chấp chánh của cựu Tổng Thống Donald Trump, vốn là người ủng hộ kỹ nghệ năng lượng hóa thạch triệt để.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-xang-biden-3-1068x709.jpeg

Năm 2021, Tổng Thống Joe Biden cấp hơn 3,500 giấy phép khai thác dầu và khí đốt, hơn gần 900 giấy phép so với năm đầu tiên tương tự của chính phủ Trump. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)

 

Biden cấp giấy phép khai thác dầu nhiều hơn Trump

 

Ông Frank Macchiarola, phó chủ tịch và cố vấn kinh tế của viện nghiên cứu dầu mỏ Mỹ, American Petroleum Institute, nhận định với nhật báo Washington Post rằng, động lực chính đẩy giá dầu thô tăng vọt trên toàn thế giới không phải do các chính sách của Tổng Thống Biden.

 

Trên thực tế, chính phủ Biden cấp giấy phép khai thác dầu nội địa Mỹ nhiều hơn cả thời Donald Trump.

 

Nhật báo Washington Post trích dẫn tổng kết của tổ chức minh bạch thông tin phi đảng phái Center for Biological Diversity cho biết trong năm đầu tiên chấp chánh, 2021, ông Biden cấp hơn 3,500 giấy phép khai thác dầu và khí đốt, hơn gần 900 giấy phép so với năm đầu tiên của chính phủ Trump.

 

Tổ chức phi đảng phái Center for Western Priorities, chuyên nghiên cứu về việc khai thác quặng mỏ ở Mỹ, thống kê từ Tháng Hai, 2021, đến Tháng Giêng, 2022, chính quyền liên bang cấp 3,824 giấy phép khai thác dầu và khí đốt.

 

Tính cho đến cuối năm 2021, có tổng cộng 9,173 giấy phép khai thác dầu trên các vùng đất thuộc liên bang và vùng tự trị của thổ dân bản địa. Những giấy phép này được ban hành dưới thời chính phủ Biden cùng với những giấy phép do chính phủ Trump cấp vẫn còn hiệu lực, theo trang PolitiFact dẫn lời ông Josh Axelrod, chuyên gia về vấn đề khai thác khoáng sản đất liên bang của tổ chức Natural Resources Defense Council.

 

Những công ty có được số giấy phép “hùng hậu” (được gia hạn mỗi 10 năm) nêu trên không nhất thiết phải khai thác ngay lập tức để giải quyết tình trạng thiếu thốn năng lượng hiện nay, mà họ sẽ chờ vào thời điểm có lợi nhuận nhiều nhất.

 

Kinh Tế Gia Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch của tổ chức cố vấn chính trị trung hữu, American Action Forum, nhận định trên PolitiFact rằng: “Các công ty, sau khi có giấy phép khai thác, chờ đợi để bảo đảm thu được lợi nhuận từ các giếng dầu xứng đáng với mức đầu tư to lớn mà họ đưa ra.” 

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-xang-biden-2-1068x715.jpeg

Các quốc gia OPEC nhất định không tăng sản lượng dầu để hạ nhiệt. (Hình: Joe Klamar/AFP via Getty Images)

 

Xăng tăng giá vì Biden cấm đường ống Keytone?

 

Việc ngăn cấm xây dựng đường ống dẫn dầu cát Keystone của chính phủ Biden được phía đảng Cộng Hòa cho là nguyên nhân khiến dầu thô tăng giá cũng chỉ là một chiêu tuyên truyền chính trị.

 

Trên thực tế, đường ống dẫn dầu cát Keystone của công ty TransCanada (TC) vẫn chưa hoạt động khi Tổng Thống Biden ký lệnh hoãn cấp giấy phép hôm 20 Tháng Giêng, 2021, ngày đầu tiên nhậm chức của ông. Lúc đó, đường ống Keystone chỉ mới được xây dựng 8% công trình.

 

Cho dù ông Biden không ngăn cấm, phải đến năm 2023 đường ống Keystone mới có thể bắt đầu hoạt động, theo công ty TC ước đoán hồi Tháng Ba, 2020

 

Rõ ràng, quyết định cấm xây dựng đường ống Keystone của ông Biden hoàn toàn không ảnh hưởng gì đến tình trạng giá cả năng lượng hiện nay.

 

Chưa hết, dầu cát từ đường ống Keystone được tinh chế ở các nhà máy lọc dầu ở Texas hầu như hoàn toàn được bán ra thị trường ngoại quốc.

 

Những người dễ tin vội vàng quên và hoàn toàn không nghĩ đến chuyện dầu cát Keystone sẽ làm hại việc làm và kinh tế Mỹ khi cạnh tranh trực tiếp đến việc khai thác các giếng dầu và dầu đá phiến (shale oil) tại các tiểu bang miền Trung Tây và miền Nam nước Mỹ.

 

Trước đại dịch, thời Obama dầu thô hạ giá hơn thời Trump

 

Trong vòng năm năm trước thời điểm đại dịch (bắt đầu từ Tháng Ba, 2020), giá dầu thô Brent cao nhất là $84.16 vào ngày 30 Tháng Chín, 2018, thời chính phủ Donald Trump, và thời điểm giá dầu thô Brent thấp nhất là $31.03 vào ngày 10 Tháng Giêng, 2016, thời chính phủ Barack Obama.

 

Dù một bên chủ trương sử dụng năng lượng xanh và phía bên kia là năng lượng hóa thạch, nhưng giá dầu thô lại thấp nhất thời Obama ($31.03) và vẫn ít hơn so với điểm mốc giá thấp nhất thời Trump ($45.33 vào ngày 23 Tháng Mười Hai, 2018), trong thời gian trước đại dịch.

 

Chi tiết so sánh giá dầu thô thời Obama và Trump vừa nêu cho thấy lập luận khi tổng thống Dân Chủ lên là giá dầu tăng là một chuyện không đúng tình hình thực tế.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-xang-biden-4-1068x730.jpeg

Giá dầu thô lại thấp nhất thời cựu Tổng Thống Barack Obama (phải) vẫn ít hơn so với điểm mốc giá thấp nhất thời cựu Tổng Thống Donald Trump, trong thời gian trước đại dịch. (Hình: Jack Gruber-Pool/Getty Images)

 

Hậu quả đại dịch COVID-19 và chiến tranh Nga-Ukraine làm dầu thô tăng giá

 

Ngày 7 Tháng Ba, giá dầu thô Brent trên thị trường có lúc lên tới $133.15/thùng, cuối ngày ngừng ở mức $127.98/thùng. Còn dầu thô WTI, cũng trong ngày này, cao nhất là $129.44, cuối ngày đóng ở mức $123.70/thùng. 

 

Đúng một tháng trước, 7 Tháng Hai, giá dầu Brent là $90.78, còn WTI là $89.36.

 

Đúng một năm trước, 7 Tháng Ba, 2021, giá dầu Brent là $69.22 và WTI là $65.61.

 

Điều cần lưu ý là cả các thời điểm vừa nêu, và cho đến lúc này, đại dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt về mặt y tế và đặc biệt để lại một hệ quả nghiêm trọng về nhiều mặt cho nền kinh tế toàn thế giới.

 

Sự khủng hoảng của khâu vận chuyển và chuỗi cung ứng nguyên vật liệu cùng hàng hoá cùng với hậu quả khủng hoảng nhân lực thời đại dịch khiến gây ra lạm phát, trong đó có nhiên liệu.

 

Nhiều công ty khai thác dầu vẫn chưa tuyển đủ nhân công để làm việc.

 

Hôm Thứ Tư, 9 Tháng Ba, Bộ Lao Động Mỹ cho biết thị trường Hoa Kỳ có 11.3 triệu việc làm không có người làm.

 

Tình trạng lạm phát toàn cầu càng trở nên khốn đốn hơn khi Nga nổ súng xâm lăng Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai.

 

Việc Nga là quốc gia xuất cảng dầu hoả và khí đốt đứng hàng thứ ba trên thế giới là nguyên nhân nhiều đồng minh Châu Âu của Washington chần chừ, để chỉ một mình Tổng Thống Biden đơn phương quyết định cấm nhập cảng nhiên liệu từ Nga, và làm giá dầu thô tăng mạnh là một chuyện dễ hiểu cả về mặt biểu tượng chống Nga lẫn sức ép đối với thị trường xăng dầu tại Mỹ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2022/03/TS-xang-biden-5-1068x761.png

Trong năm đầu tiên chấp chánh, chính phủ Biden cấp 3,824 giấy phép khai thác dầu ở Mỹ, nhiều hơn ít nhất 900 giấy phép được ban hành trong năm đầu tiên của chính phủ Trump. (Hình: Westernpriorities.org)

 

Giới tiêu thụ Mỹ cần kiên nhẫn 

 

Ước mơ xăng rẻ của người tiêu thụ đi ngược mục đích và tiêu chí của những nhà đầu tư vào kỹ nghệ dầu hỏa. 

 

Rõ ràng, trong suốt tháng vừa qua, trước mối đe doạ chiến tranh, thị trường chứng khoán Dow Jones xuống dốc ào ạt nhưng giá dầu thô và cổ phiếu các công ty năng lượng tăng mạnh.

 

Hậu quả đại dịch và chiến tranh Nga-Ukraine gây ra tình trạng khan hiếm khiến giá nhiên liệu leo thang là một biến động tất yếu trong một giai đoạn.

 

Cần lưu ý, tình hình chiến cuộc càng bất ổn, giá dầu càng cao, các quốc gia OPEC và kỹ nghệ dầu càng không muốn tăng sản lượng.

 

Do đó, các chính sách ủng hộ năng lượng hóa thạch chỉ giải quyết quyền lợi trước mắt của kỹ nghệ dầu và giới đầu tư.

 

Muốn được lâu dài không “đốt” tiền xăng và bị lệ thuộc vào các quốc gia sản xuất dầu hỏa, con người cần chuyển dần sang các giải pháp năng lượng tái tạo.

 

Không có sự thay đổi nào dễ dàng. Cần kiên nhẫn. [đ.d.]

 


Liên lạc tác giả: maiphilong@nguoi-viet.com

 

====================

 

Đa số dân Mỹ ủng hộ trừng phạt Nga, dù xăng tăng giá

March 13, 2022





No comments:

Post a Comment

View My Stats