Tuesday 8 March 2022

CẤM NHẬP DẦU KHÍ NGA: PHƯƠNG TÂY BẤT ĐỒNG, MOSCOW DỌA CẮT KHÍ ĐỐT VỚI BERLIN (Thụy My - RFI)

 



Cấm nhập dầu khí Nga : Phương Tây bất đồng, Matxcơva dọa cắt khí đốt với Berlin

Thụy My  -  RFI

Đăng ngày: 08/03/2022 - 13:24

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20220308-c%E1%BA%A5m-nh%E1%BA%ADp-d%E1%BA%A7u-kh%C3%AD-nga-ph%C6%B0%...BB%9Bi-berlin

 

Lo ngại về một cuộc chiến tranh năng lượng giữa Nga và các nước phương Tây hôm nay 08/03/2022 đang tăng lên, sau khi Hoa Kỳ thúc giục các đồng minh cấm nhập dầu khí của Nga để trừng phạt việc Matxcơva xâm lăng Ukraina. Phía Nga dọa ngưng cung cấp khí đốt cho Đức, trong khi châu Âu cho biết có thể độc lập với nguồn khí của Nga trong vài năm tới.

 

https://s.rfi.fr/media/display/e2822a1a-0f06-11ea-9685-005056a9aa4d/w:1024/p:16x9/2016-02-01T082815Z_1209771599_D1BESKMJZRAB_RTRMADP_3_RUSSIA-OIL.webp

Công nhân tại nhà máy xử lý khí đốt Yuzhno-Priobsky ở Khanty-Mansiysk, miền Tây Siberia, Nga. 28/01/2016 REUTERS/Sergei Karpukhin

 

Tổng thống Joe Biden đã họp trực tuyến với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh hôm qua, đề nghị ủng hộ Hoa Kỳ trong việc cấm vận dầu lửa Nga. Tuy nhiên Reuters dẫn hai nguồn tin thông thạo cho biết, nếu cần, Mỹ vẫn có thể một mình hành động mà không cần đến các đồng minh châu Âu.

 

Tại Hoa Kỳ, áp lực ngày càng lớn đòi hỏi cấm nhập dầu khí từ Nga, nhưng tổng thống Joe Biden vẫn chưa quyết định, Từ Washington, thông tín viên Guillaume Naudin tường trình :

 

« Chưa có quyết định nào được đưa ra và các cuộc thảo luận vẫn đang được tiến hành vì áp lực chính trị rất lớn. Các nghị sĩ của cả hai đảng loan báo thỏa thuận về một văn bản nhằm cắt đứt nguồn tài chính của bộ máy chiến tranh Nga, và cấm nhập dầu lửa từ Nga.

 

Nếu ông Joe Biden vẫn chưa có phản ứng, đó là do hai nguyên nhân chính. Trước hết, vì châu Âu, nhất là Đức đã nói với ông là chưa đồng ý. Nhiều nước châu Âu lệ thuộc vào khí đốt và dầu lửa của Nga nhiều hơn Mỹ. Và Joe Biden có vẻ cũng không muốn phá vỡ một mặt trận đoàn kết phương Tây mà ông đã góp phần xây dựng nhằm trừng phạt Nga.

 

Tiếp đến, là lo ngại tác động đến thị trường dầu lửa vốn đã căng thẳng. Lạm phát tại Hoa Kỳ cao nhất kể từ 40 năm qua, đặc biệt đối với tất cả những gì liên quan đến xe hơi, yếu tố quan trọng trong đời sống Mỹ. Cả nước chăm chú theo dõi giá xăng, đã tiến gần đến mức cao nhất trong lịch sử, và Biden hứa làm mọi cách để giảm thiểu tác hại từ cuộc khủng hoảng với Nga.

 

Chính quyền Biden tìm kiếm các giải pháp thay thế. Thậm chí đã có các cuộc tiếp xúc với Ả Rập Xê Út, Venezuela và ngay cả với Iran, những nước cho đến nay vẫn bị phê phán, thế nên có thể thấy trước là tranh cãi sẽ rất dữ dội ».

 

Nga đe dọa cắt nguồn cung khí đốt, tăng giá dầu

 

Cũng trong hôm 07/03, phó thủ tướng Nga Alexander Novak đe dọa cắt nguồn khí đốt đang cung cấp cho Đức để trả đũa việc Berlin ngưng dự án Nord Stream 2, đồng thời cảnh báo giá dầu có thể tăng lên đến 300 đô la một thùng nếu Mỹ cấm nhập dầu khí Nga. Nhưng theo các nhà phân tích của Bank of America, nếu cắt toàn bộ lượng dầu từ Nga, sẽ thiếu khoảng 5 triệu thùng một ngày, đẩy giá lên 200 đô la.

 

Nga đang cung cấp 40% nhu cầu khí đốt châu Âu, và dầu lửa là nguồn thu nhập chính sau khi Matxcơva bị phương Tây cấm vận tài chính.

 

Về phía Liên Hiệp Châu Âu (EU), ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu Frans Timmermans nói rằng trong vài năm tới châu Âu có thể độc lập về nguồn khí đốt, và bắt đầu giảm dần lệ thuộc với Nga trong những tháng tới. Theo ông, việc này tuy không dễ dàng, nhưng khả thi.

Ủy Ban Châu Âu hôm nay đề ra kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng. EU sẽ giảm nhập từ Nga, tăng lượng mua khí đốt và khí hóa lỏng (LNG) từ các nước khác, sử dụng hydrogen, khí sinh học, gia tăng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Bên cạnh đó châu Âu cũng phải lo dự trữ 80-90% khí đốt cho mùa đông tới.

 

-----------------------------------

CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN

CHÂU ÂU - NĂNG LƯỢNG

Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu là do đâu ?

CHÂU ÂU - KHÍ HẬU - NĂNG LƯỢNG

EU : Điện hạt nhân và khí đốt là năng lượng « xanh » chống biến đổi khí hậu

NGA - NĂNG LƯỢNG

Phương Tây cố tìm nguồn năng lượng thay nhiên liệu hóa thạch do Nga sản xuất





No comments:

Post a Comment

View My Stats