Sunday 13 March 2022

BINH ĐOÀN NƯỚC NGOÀI HỖ TRỢ UKRAINE : SÚNG ĐÃ LÊN ĐẠN (Saigon Nhỏ)

 



NỘI DUNG :

Binh đoàn nước ngoài hỗ trợ Ukraine: Súng đã lên đạn

Mỹ Anh   -  Saigon Nhỏ

.

Nhà báo trên chiến trường Ukraine: Trong vòng lửa đạn

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

.

Ukraine: Không đầu hàng, một thị trưởng bị quân Nga bắt

Saigon Nhỏ  

 

===========================================

.

.

Binh đoàn nước ngoài hỗ trợ Ukraine: Súng đã lên đạn

Mỹ Anh   -  Saigon Nhỏ

13 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/binh-doan-nuoc-ngoai-ho-tro-ukraine-sung-da-len-dan/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1384441968-1024x683.jpg

Một toán chí nguyện quân đến Medyka, Ba Lan, ngày 11 Tháng Ba, chuẩn bị vào Ukraine để chiến đấu chống quân xâm lược Nga (ảnh: Sean Gallup/Getty Images)

 

Hàng ngàn người Ukraine từ nước ngoài đã trở về để cùng sát cánh Kyiv chiến đấu chống quân Nga. Cùng với họ là hàng ngàn tay súng nước ngoài… Tuần trước, Irakli Okruashvili, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Georgia, thậm chí cũng có mặt. Ba ngày sau khi đặt chân đến Ukraine, Irakli Okruashvili cùng nhóm cựu binh đặc nhiệm Georgia đã có cuộc đụng độ với quân Nga ở Bắc Kyiv…

 

Tại một ga đường sắt biên giới Ba Lan, những chiến binh nước ngoài đang chuẩn bị vào Ukraine. Họ thuộc nhiều quốc tịch. Theo giới chức Ukraine, ít nhất 16,000 người nước ngoài đã đăng ký đứng trong hàng ngũ Quân đoàn Quốc tế Phòng thủ Lãnh thổ (International Legion of Territorial Defense) theo hiệu triệu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Để đến Ukraine, họ được yêu cầu cung cấp hộ chiếu cũng như tài liệu xác nhận kinh nghiệm chiến đấu, trình cho tùy viên quốc phòng tại các đại sứ quán nước ngoài của Ukraine. Họ cũng phải điền vào tờ đơn tự nguyện cam kết không chịu bất kỳ áp lực nào. Sau đó, họ sẽ nhận được hướng dẫn về cách đến Ukraine và liên hệ với ai. Họ được khuyên nên mặc quân phục để khi đến biên giới Ba Lan-Ukraine dễ dàng được nhận ra và được tiếp đón – tờ Foreign Policy cho biết.

 

Trong các cuộc phỏng vấn, họ đều có cùng mục đích: Bảo vệ thế giới dân chủ và chống lại cuộc chiến tàn bạo của Putin. Một số chính phủ phương Tây và những nước thuộc khối Liên Xô cũ đã tích cực ủng hộ hoặc khuyến khích công dân họ tham gia cuộc chiến. Các nhà lập pháp Latvia nhất trí bỏ phiếu ủng hộ công dân mình tham chiến, trong khi Đan Mạch nói rằng việc các cá nhân quyết định tham chiến là không phạm pháp.

 

Chỉ vài ngày trước, Ugo còn ngồi trong lớp học ở miền Bắc nước Pháp để ôn kỳ thi cuối. Bây giờ, Ugo chuẩn bị đến Ukraine – tương tự đồng hương Mathieu Dos Santos, một nhân viên kinh doanh bất động sản. Ugo, từng phục vụ trong Quân đội Pháp, thậm chí tạo ra một nhóm Facebook, hiện có hơn 7,000 thành viên, để kêu gọi những người khác (dẫn lại từ New York Times). Đại sứ quán Ukraine tại Pháp cũng liên tục kêu gọi tình nguyện viên nước ngoài…

 

Ba ngày sau khi đặt chân đến Ukraine, Irakli Okruashvili (cựu Bộ trưởng Quốc phòng Georgia) cùng nhóm cựu binh đặc nhiệm Georgia đã có cuộc đụng độ với quân Nga ở phía Bắc Kyiv. Okruashvili kể (dẫn lại từ Wall Street Journal), với khẩu Barrett M99 nòng 50 ly do Mỹ cung cấp, đơn vị Georgia đã vô hiệu hóa hai phương tiện vũ trang của Nga trước khi vấp phải sự đáp trả liên tục từ các khẩu pháo 152 mm của địch quân. Cuộc giao tranh tóe lửa chỉ kết thúc và quân Nga chỉ “im lặng” sau khi bị máy bay Ukraine dội bom.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1381580332-1024x683.jpg

Mike và Alex từ Anh, từng phục vụ tại chiến trường Afghanistan, chuẩn bị được đưa đến Lviv-Ukraine (ảnh: Omar Marques/Getty Images)

 

Kyiv cho biết 20,000 người nước ngoài đã gia nhập Quân đoàn Quốc tế. Trang web lập riêng cho lực lượng này đã có gần 13 triệu lượt truy cập trong 24 giờ đầu tiên. Đến nay, hàng ngũ chí nguyện quân quốc tế đã có những người từ Belarus, Bỉ, Đức, Thụy Điển, Mỹ, Pháp và hàng chục quốc gia khác…

 

Sáng Thứ Năm se lạnh, Povilas Limontas đứng bên ngoài cổng Đại sứ quán Ukraine ở Vilnius (thủ đô Lithuania). Nửa giờ sau, nhân viên pha chế 24 tuổi, một cựu binh, được cấp mã QR và được hướng dẫn đến biên giới Ba Lan để được đón nhận vào binh đoàn chí nguyện quân… Một người lái xe 48 tuổi nói với Politico rằng anh ta muốn chiến đấu cùng người Ukraine vì cảm kích sự can đảm của người dân nước này chứ “không có bất kỳ thù hận nào với người Nga”. “Tôi đến đó để bảo vệ con người và vì tôi có một đứa con 8 tuổi” – anh nói…

 

Luis Castaño, một thợ sửa chữa 46 tuổi làm việc tại Lãnh sự quán Ukraine ở Barcelona nói với tờ El País rằng mình phải đi vì đó là tiếng gọi của lương tri và “bạn phải giúp đỡ những người đang cần mình”. Và khi chuẩn bị lên máy bay cho chặng đầu tiên hành trình tới Ukraine, Hector, một cựu Thủy quân lục chiến Mỹ từng phục vụ tại Iraq, nói với New York Times: “Lệnh trừng phạt có thể có hiệu quả nhưng không thể đạt được hiệu quả ngay bây giờ, trong khi tôi muốn giúp ngay bây giờ”. Theo Time, Đại sứ quán Ukraine tại Na Uy ước tính rằng 300 người Na Uy đã tình nguyện chiến đấu.

 

Không chỉ chí nguyện quân, nhiều người từ nhiều nước cũng đến Ukraine để hỗ trợ y tế và các công tác nhân đạo. Khi Bộ Y tế Litva kêu gọi, 360 người đã nộp đơn đăng ký chỉ trong vài ngày, tương tự nhiều nơi khác. Rokas Tamosauskas, bác sĩ gây mê người Lithuania làm việc cho Bệnh viện Đại học Cambridge ở Vương quốc Anh, đã lên chuyến tàu đến sân bay vào Thứ Sáu tuần trước. Với Rokas Tamosauskas, “tôi ý thức sâu sắc rằng không chỉ Ukraine đang bị tấn công. Lithuania cũng đang bị tấn công. Châu Âu đang bị tấn công”… Và với Povilas Limontas, đây là cuộc chiến “phải đánh thắng một lần, vì nếu không, kẻ thù sẽ đánh hết lần này đến lần khác. Và sau đó, ai sẽ là người tiếp theo?”…

 

Kremlin dĩ nhiên đang “điên” về việc này. Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga nói rằng họ sẽ coi những chiến binh nước ngoài là lính đánh thuê và nếu bị bắt, họ sẽ không “được hưởng quy chế tù binh chiến tranh” theo Công ước Geneva.

 

=================================================

.

.

Nhà báo trên chiến trường Ukraine: Trong vòng lửa đạn

Mỹ Anh  -  Saigon Nhỏ

13 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/nha-bao-tren-chien-truong-ukraine-trong-vong-lua-dan/

 

Brent Renaud đã trở thành nhà báo Mỹ đầu tiên bị thiệt mạng khi tác nghiệp tại chiến trường máu lửa Ukraine.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/bb-2.jpg

Thẻ nhà báo của Brent Renaud và xác của ông (Facebook Andriy Nebytov, chánh sở cảnh sát khu vực của Kyiv)

 

Andriy Nebytov, Chánh sở cảnh sát khu vực của Kyiv, cho biết Brent Renaud bị quân Nga bắn chết vào hôm nay 13 Tháng Ba 2022. Trên Facebook cá nhân, Andriy Nebytov post hình thẻ nhà báo lẫn tử thi Brent Renaud sau khi ông bị bắn chết. Cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan nói rằng tin về cái chết của Renaud là “sốc và kinh hoàng”, rằng Mỹ và đồng minh sẽ đáp trả “thích đáng”.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/bb-1.jpg

Thẻ nhà báo của Brent Renaud và xác của ông (Facebook Andriy Nebytov, chánh sở cảnh sát khu vực của Kyiv)

 

“Tôi sẽ chỉ nói gọn rằng đây là một phần những gì thuộc về hành động xâm lược trơ trẽn của người Nga, nơi họ nhắm mục tiêu vào dân thường, nhắm mục tiêu vào bệnh viện, nhắm mục tiêu đến nơi thờ phượng và nhắm mục tiêu vào các nhà báo”, Sullivan nói. Renaud 50 tuổi là phóng viên chiến trường lừng lẫy, từng có mặt tại nhiều điểm nóng toàn cầu hai thập niên qua, trong đó có Iraq, Afghanistan và Ai Cập. Cùng anh mình, Renaud đã giành được giải Peabody vào năm 2015 cho bộ phim tài liệu tám phần cho Vice News, tường thuật về một trường học ở Chicago dành cho những học sinh có vấn đề về tâm lý.

 

Cách đây vài ngày, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) đã lên tiếng trước tình trạng bắn bừa bãi của quân Nga nhằm vào giới báo chí. Phóng viên ảnh người Thụy Sĩ Guillaume Briquet đã bị lính đặc nhiệm Nga bắn và cướp khi đang lái xe về phía Nam thành phố Mykolaiv. Trong cùng ngày, phóng viên Adnan Can và nhà quay phim Habip Demirci của truyền hình Al Araby có trụ sở tại London cũng bị quân Nga bắn về hướng xe của họ.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/Screenshot-2022-03-13-112856.jpg

Phóng viên ảnh người Thụy Sĩ Guillaume Briquet bị lính đặc nhiệm Nga bắn và cướp (Twitter Tổ chức Phóng viên Không Biên giới)

 

Cuộc tấn công này xảy ra vài ngày sau khi nhóm phóng viên Sky News hứng loạt đạn. Chánh thông tín viên Stuart Ramsay bị bắn vào lưng và nhà quay phim Richie Mockler bị bắn hai phát. Nếu không nhờ áo giáp thì Richie Mockler đã chết. Ngày 1 Tháng Ba, Yevhenii Sakun, nhà quay phim người Ukraine, đã bị giết trong vụ pháo kích vào tháp truyền hình ở Kyiv. Hai ngày sau, hai nhà báo Czech và hai nhà báo Ukraine đã thoát khỏi làn đạn của Nga khi đang di chuyển trong một chiếc xe hơi ở ngoại ô Kyiv. Trước đó, ngày 26 Tháng Hai, hai phóng viên Đan Mạch làm việc cho Daily Beast bị thương nặng do trúng đạn tại thị trấn phía Đông Bắc Okhtyrka.

 

Tính đến sáng sớm 13 Tháng Ba (giờ địa phương), ít nhất 35 người thiệt mạng và 134 người bị thương khi loạt tên lửa Nga bắn vào một cơ sở quân sự ở miền Tây Ukraine, cách biên giới với Ba Lan khoảng 15 km. Cuộc không kích diễn ra một ngày sau khi Kremlin cảnh báo rằng họ coi các chuyến hàng vũ khí của phương Tây là “mục tiêu hợp pháp”.

 

Trong vụ giết nhà báo Brent Renaud, đồng nghiệp Juan Arredondo thuật rằng, họ đang tác nghiệp ở Irpin thì bị bắn sau khi vượt qua một trạm kiểm soát quân sự, theo cuộc phỏng vấn video của Arredondo với hãng thông tấn Ý Internazionale sau vụ việc (Juan Arredondo hiện được điều trị tại một bệnh viện ở Kyiv). Công tố Ukraine Iryna Venediktova cho biết trên Facebook rằng Brent Renaud bị “bắn vào đầu”. New York Times hôm nay cho biết, Renaud từng làm việc cho tờ báo của họ nhiều năm trước, lần gần đây nhất là 2015, nhưng lần này Renaud tác nghiệp độc lập hoặc cho tờ báo nào khác chứ không phải được giao nhiệm vụ trực tiếp từ New York Times. Renaud là thành viên của Tổ chức Báo chí Nieman tại Đại học Harvard từ năm 2018 đến năm 2019.

.

===============================================

.

.

.

Ukraine: Không đầu hàng, một thị trưởng bị quân Nga bắt

Saigon Nhỏ  

12 tháng 3, 2022

https://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/ukraine-khong-dau-hang-mot-thi-truong-bi-quan-nga-bat/

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/Melitopol-800x450.jpg

Hàng ngàn người dân thành phố cảng Melitopol biểu tình phản đối việc quân Nga bắt thị trưởng của họ (Twitter)

 

Hàng ngàn người đã biểu tình ở thành phố cảng Melitopol phía Nam Ukraine sau khi có tin lực lượng Nga bắt cóc thị trưởng và dẫn đi với chiếc mũ trùm kín đầu. Đám đông lớn đã tụ tập vào ngày Thứ Bảy, 12 Tháng Ba để phản đối việc quân đội Nga bắt cóc ông Ivan Fedorov, Thị trưởng thành phố, một người gốc Nga.

 

Kirill Timoshenko, Phó văn phòng Tổng thống Ukraine, đã đăng một đoạn video lên tài khoản Telegram cá nhân cho biết “Ngày 11 Tháng Ba, một nhóm lính Nga đã đưa Fedorov đi qua một quảng trường thành phố. Đầu ông bị trùm kín. Ngay sau đó, đoạn phim quay cảnh trên đã lan truyền trên mạng xã hội”. Anton Gerashchenko, Cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, chứng thực tuyên bố của Timoshenko và nhấn mạnh với hãng tin Interfax Ukraine:

 

“Ông Fedorov từ chối hợp tác với lực lượng Nga đang chiếm đóng thành phố nên đã bị 10 lính Nga bắt đi. Họ trùm một chiếc túi nhựa lên đầu ông. Kẻ thù tạm giam Fedorov tại trung tâm xử lý khủng hoảng thành phố, nơi thị trưởng sử dụng để hỗ trợ cuộc sống của người dân thành phố”.

 

Trong khi đó, Nga cáo buộc Fedorov “hoạt động khủng bố”. Đối với Putin, tất cả những người trong chính phủ Ukraine đều là khủng bố và phát xít. Văn phòng công tố của Cộng hòa Nhân dân Luhansk, một khu vực nổi dậy được Moscow hậu thuẫn ở miền Đông Ukraine tố cáo Fedorov đã tài trợ cho lực lượng dân quân chủ nghĩa dân tộc để “gây tội ác chống thường dân Donbas” nhưng không đưa ra bằng chứng.

 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói trong một cuộc họp báo vào ngày Thứ Bảy ở Kyiv: “Việc giam giữ thị trưởng Melitopol là tội ác chống nền dân chủ. Các lực lượng xâm lược đang chuyển sang giai đoạn khủng bố mới. Họ không hế xấu hổ khi xem đoạn video bắt cóc này”. Zelensky cho biết ông đã nêu số phận của Fedorov trong các cuộc gọi điện tới Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong đó kêu gọi hai nhà lãnh đạo tương đối hoà hoãn với Nga này áp lực Putin trả tự do cho thị trưởng. Tổng thống Ukraine cho biết khoảng 2,000 người đã biểu tình bên ngoài tòa thị chính Melitopol do quân Nga chiếm đóng.

 

https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2022/03/GettyImages-1239121587-1024x683.jpg

Những sĩ quan Không quân Nga bị bắt trong một cuộc họp báo tại Kyiv ngày 11 Tháng Ba 2022 – trái sang: Thiếu tá Aleksei Golovenskiy; Đại tá Maxim Krishtop; Đại úy Aleksei Kozlov (ảnh: Maxym Marusenko/NurPhoto via Getty Images)

 

Trong giá buốt, họ hô vang “Hãy mang thị trưởng về! Tự do cho thị trưởng!”. Vụ bắt cóc Fedorov là hành động mới nhất trên khắp đất nước Ukraine chống lại các thị trưởng không chịu hợp tác với lực lượng Nga đang chiếm giữ thành phố và thị trấn của họ. Melitopol, với dân số khoảng 150,000 người, đã nằm dưới sự kiểm soát của Nga được hai tuần. Bất chấp việc Nga chiếm đóng thành phố, Fedorov dù có dòng máu Nga đã khuyến khích biểu tình chống lại lực lượng chiếm đóng.

 

Melitopol, một thành phố nói tiếng Nga cách bán đảo Crimea khoảng 145 dặm về phía Đông Bắc nhanh chóng bị chiếm khi Nga tràn quân vào Ukraine, nhưng Fedorov vẫn tuyên bố thách thức: “Chúng tôi không hợp tác với người Nga dưới bất kỳ hình thức nào!”. Khi người dân xuống đường vào cuối tuần trước với cờ xanh vàng của Ukraine, Fedorov khuyến họ hãy tiếp tục biểu tình. “Đoàn kết cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua tất cả” – ông viết trong một bài đăng trên Facebook.

 

Hiện chính phủ Ukraine đang tìm biết nơi viên thị trưởng đang bị giam giữ. Nhà ngoại giao Ukraine Olexander Scherba viết trên Twitter: “Fedorov vẫn còn sống. Họ dùng tra tấn để buộc ông phải cộng tác”. Zelensky bày tỏ sự biết ơn người dân Melitopol về cách họ phản ứng trước tin bắt cóc thị trưởng của họ. “Rõ ràng, cuộc chiến không được lòng cả người Nga. Moscow có nghe thấy không? Nếu có 2,000 người Nga phản đối sự chiếm đóng ở Melitopol, thì có bao nhiêu người Nga ở Moscow phản đối chiến tranh?” – ông đặt câu hỏi.

 

Ngày 12 Tháng Ba quân Nga đã tiến vào vùng ngoại ô phía Đông Mariupol, cảng chiến lược trên bờ biển Nam Ukraine. Một số thành phố trên khắp đất nước, từ thủ đô Kyiv đến Mykolaiv (một thành phố quan trọng khác trên Biển Đen), tiếp tục hứng chịu các đợt bắn phá ác liệt. Các quan chức Ukraine cáo buộc Nga tấn công một bệnh viện ở Mykolaiv và một nhà thờ Hồi giáo ở Mariupol. Trong khi đó, theo Liên Hiệp Quốc, thảm họa nhân đạo đang gia tăng, với gần 2.6 triệu người Ukraine chạy khỏi đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc chiến.

Ba Lan, nơi có 1.5 triệu người tị nạn từ Ukraine, cảnh báo đã vượt quá khả năng tiếp nhận người tị nạn. Đức đề nghị các quốc gia “tăng cường” giúp đỡ dòng người tị nạn Ukraine. Ngày Thứ Bảy, Tổng thống Zelensky tuyên bố bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào với Nga và Putin chỉ có thể bắt đầu bằng một thỏa thuận ngừng bắn. Phát biểu với các phóng viên tại Kyiv, ông cho biết sẵn sàng đàm phán với Putin và đã thảo luận về khả năng này tại Jerusalem với Thủ tướng Israel Naftali Bennett đóng vai chủ nhà.

 

“Nhưng đàm phán vì hòa bình không thể bắt đầu cho đến khi hai bên đồng ý ngừng bắn – ông nói – Các nhà ngoại giao của chúng tôi đang làm việc và họ đã thảo luận một số nội dung trong chương trình đàm phán có thể có giữa chúng tôi và Liên bang Nga. Tôi muốn điều này trở thành hiện thực, kết thúc chiến tranh, tiến tới hòa bình. Tuy nhiên, 100% phải có ngừng bắn trước”. Theo Zelensky khoảng 1,300 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược của Nga vào tháng trước, có khoảng 500 đến 600 quân Nga đã đầu hàng dù ông không đưa ra chứng cứ.

 




No comments:

Post a Comment

View My Stats