3
bộ phim Hàn Quốc dựa trên chuyện có thật về chính trị và công lý
https://www.luatkhoa.com/2022/03/3-bo-phim-han-quoc-dua-tren-chuyen-that-ve-chinh-tri-va-cong-ly/
Không
chỉ lôi cuốn về mặt cảm xúc, chúng còn giúp bạn hiểu thêm về lịch sử.
https://www.luatkhoa.com/content/images/size/w1384/2022/03/372837193.jpg
*
Vào ngày
14/1/1987, một chiếc xe cấp cứu lao đến Viện Hải Dương học nhưng không phải để
cứu chữa cho bất kỳ nhân viên nào của viện này. Nơi này là một cơ sở trá hình
dùng để giam giữ và thẩm vấn những người bị tình nghi liên quan đến cộng sản.
Bên trong cơ sở, nhà hoạt động sinh viên Park Jong-chul ngã gục ngay cạnh bồn tắm,
phổi của anh chứa đầy nước.
Đó là cảnh
mở đầu của bộ phim 1987: When the Day Comes (1987: Ngày định
mệnh). Bộ phim tái hiện phong trào đấu tranh dân chủ trong thập niên 1980
đưa Hàn Quốc đến cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp lần đầu tiên của đất nước.
1987:
When the Day Comes cùng
với hai bộ phim khác được giới thiệu trong bài viết này đều dựa trên những câu
chuyện có thật về chính trị và công lý tại Hàn Quốc. Độc giả có thể xem ba bộ
phim này trên Netflix.
***
1987: When the Day Comes (1987: Ngày định mệnh)
Bối cảnh:
Hàn Quốc năm 1987 dưới thời chính quyền quân sự Chun Doo-hwan
Thời lượng phim: 129 phút
Đạo diễn: Jang Joon-hwan
Một cảnh biểu tình đòi chính quyền chịu trách nhiệm
về cái chết của sinh viên Park Jong-chul. Ảnh: Netflix.
Khi tin tức
về cái chết của sinh viên Park lọt đến tai báo chí, cơ quan chống cộng, đơn vị
đã gây ra cái chết khi thẩm vấn anh, lập tức tìm cách che đậy vụ việc.
Mấy ngày
sau, tổng thanh tra cảnh sát mở cuộc họp báo về cái chết chấn động của sinh
viên Park. Bạn có thể thấy cuộc hội thoại dưới đây nghe “quen quen”.
“Và tôi
thề trên danh dự của lực lượng cảnh sát, không có chuyện sử dụng bạo lực thái
quá…”, ông tổng thanh tra nói.
– “Thế
sao cậu ta chết?”, một phóng viên đặt câu hỏi.
– “Ờ,
có vẻ là, trong quá trình điều tra, điều tra viên đã đập tay xuống bàn…”, tổng
thanh tra cảnh sát trả lời câu hỏi nhưng lại chần chừ đi đến nguyên nhân cái chết.
Đến
đây, người đứng đầu cơ quan chống cộng tiếp lời: “Nên lúc điều tra viên đập tay
xuống bàn, cậu ta liền lăn ra chết”.
Hiệp hội
Linh mục Công giáo vì Công lý (Catholic Priests’ Association for Justice) đã tiến
hành điều tra và công bố những người đã gây ra cái chết của Park Jong-chul. Vào
tháng 6/1987, hàng triệu người Hàn Quốc đã xuống đường hô vang khẩu hiệu “Bãi bỏ
hiến pháp xấu xa”, “Xóa bỏ chế độ độc tài”.
Bộ phim
cho thấy sự tham gia âm thầm của các tổ chức, cá nhân là mắt xích vô vùng quan
trọng đối với cuộc tranh đấu dân chủ ở Hàn Quốc. Những nhà hoạt động cấp cao được
nhà thờ, nhà chùa che chở. Những cán bộ, công chức cố tình để lọt thông tin cho
báo chí. Những bác sĩ từ chối che đậy sự thật trong cái chết của nhà hoạt động
Park Jong-chul. Những tòa soạn dám đưa tin độc lập dù bị chính quyền trả thù. Nỗ
lực của họ đôi khi chỉ là để làm tròn chức trách của mình, nhưng dưới thời kỳ độc
tài, điều giản dị này lại là một việc làm đầy dũng cảm.
Nếu bạn
thích các chi tiết lãng mạn thường thấy ở các bộ phim Hàn Quốc, bộ phim này
cũng sẽ khiến bạn hài lòng.
Đọc thêm về
bối cảnh chính trị của bộ phim này qua một bài viết của Luật Khoa: Hàn Quốc – những tháng năm độc tài [1]
*
The Spy Gone North (Kế hoạch Bắc Hàn)
Thời lượng
phim: 137 phút
Bối cảnh: Thập niên 1990, khi Triều Tiên đang phát triển vũ khí hạt nhân
Đạo diễn: Yoon Jong-bin
Điệp viên Park Seok-young (trái) nhận nhiệm vụ thâm
nhập vào Triều Tiên trong thập niên 1990. Ảnh: Cannes Film Festival.
Sau hàng
tháng trời tìm cách tiếp cận người đứng đầu Ủy ban Kinh tế Đối ngoại của Triều
Tiên tại Bắc Kinh, điệp viên Hàn Quốc Park Seok-young cuối cùng cũng được mời đến
một nhà hàng để bàn việc làm ăn với ủy ban này. Giữa buổi tiệc, anh bước vào
nhà vệ sinh, lấy hai cuộn băng ghi âm giấu dưới nắp chứa nước của bồn cầu, rồi
nét chúng vào hai chiếc tất đang mang.
Sau cuộc gặp,
Park Seok-young với bí danh “Vệ nữ áo đen” chính thức bước chân đến nước Triều
Tiên. Nhiệm vụ của anh là điều tra tình hình phát triển vũ khí hạt nhân của Triều
Tiên trong thập niên 1990 dưới vỏ bọc là doanh nhân làm phim quảng cáo.
Bộ
phim The Spy Gone North (Kế hoạch Bắc Hàn) có kịch bản dựa
trên số phận của điệp viên Hàn Quốc Park Chae-seo, một nhân vật có thật.
Trong
phim, điệp viên Park khi vào được Triều Tiên đã nhanh chóng lấy lòng các quan
chức cấp cao bằng con đường hối lộ, buôn bán cổ vật cho dòng họ Kim, và tiết lộ
các thông tin của Hàn Quốc. Uy tín của anh lớn đến nỗi có thể đề nghị gặp riêng
Chủ tịch Kim Jong-il.
Bộ phim
cũng cho người xem thấy chính quyền độc tài dàn dựng, thao túng các sự kiện
chính trị như thế nào. Tuy nhiên, việc này cũng là một con dao hai lưỡi.
Trong
phim, 10 ngày trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1997, Park phát hiện ra rằng
chính anh đã bị NIS (Cơ quan Tình báo Trung ương Hàn Quốc) lợi dụng để gây ảnh
hưởng đến cuộc bầu cử.
Đó là cuộc
bầu cử lịch sử của Hàn Quốc. Nó đánh dấu lần đầu tiên một cuộc bầu cử trong sạch và công bằng diễn ra tại đất
nước này, đồng thời cũng là lần đầu tiên việc chuyển giao quyền lực diễn ra ôn
hòa giữa hai đảng đối lập. Năm 2000, Tổng thống Kim Dae-jung được trao giải
Nobel Hòa bình cho công cuộc khôi phục nền dân chủ của Hàn Quốc, và nỗ lực xoa
dịu mối quan hệ căng thẳng giữa hai miền qua Chính sách Ánh Dương. [2]
Đọc thêm về
Chính sách Ánh Dương dưới thời Tổng thống Kim Dae-jung: Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc : Khi Mặt Trời sáng rồi lại tắt.
[3]
***
Memories of Murder (Hồi ức kẻ sát nhân)
Thời lượng
phim: 131 phút
Bối cảnh: Hàn Quốc năm 1986 đến năm 1991
Đạo diễn: Bong Joon-ho
Ba thanh tra cảnh sát thẩm vấn nghi phạm đầu tiên
tình nghi liên quan đến vụ án. Ảnh: Netflix.
Thanh tra
cảnh sát Cho đặt một tấm giấy màu trắng được cho là bùa lên nền đất. Thanh tra
Park lấy một ít đất ngay tại hiện trường vụ án mạng cho vào một chum nước rồi đổ
lên một tờ giấy. Park nói với Cho, khi tờ giấy ráo nước thì gương mặt hung thủ
sẽ hiện ra. Trò mê tín này tuy không tìm được gương mặt hung thủ nhưng lại giúp
phát hiện ra một kẻ tình nghi.
Vào lúc
đó, một người đàn ông địa phương cầm đèn pin, lén lút vào hiện trường vụ án. Ngậm
đèn pin vào miệng, người này kéo khóa quần xuống, rồi lôi từ bên trong quần ra
một bộ đồ lót phụ nữ màu trắng, đặt nó lên nền đất rồi bắt đầu thủ dâm. Kẻ đáng
nghi này bị bắt về sở cảnh sát nhưng anh ta không phải là hung thủ.
Đó là vào
năm 1986, khi thị trấn Hwaseong liên tục xảy ra các vụ cưỡng hiếp, giết hại phụ
nữ. Không khí vô cùng ngột ngạt, người đàn ông nào cũng có thể bị cảnh sát bắt
giữ và thẩm vấn. Vụ án cưỡng hiếp, giết người hàng loạt này trở thành một trong
những vụ án bí ẩn nhất tại Hàn Quốc.
Năm 2003,
đạo diễn của bộ phim đình đám Parasite Bong Joon-ho đã lấy các
tình tiết trong vụ án này để dựng thành bộ phim Memories of Murder (Hồi
ức kẻ sát nhân).
Trong bộ
phim, ba thanh tra với ba phong cách điều tra khác nhau đã tham gia vào vụ việc,
từ chuộng đánh đập, sử dụng ánh mắt để tìm nghi phạm, đến lần theo dấu tích của
hung thủ qua nhân chứng và chứng cứ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của họ đều đi vào
ngõ cụt.
Dù đã được
phát hành khá lâu (2003), bộ phim này vẫn đáng để bạn dành cho nó một buổi tối.
Vụ án rùng rợn này đến năm 2019 mới bắt đầu hé lộ hung thủ thực sự. [4]
Trước đó,
vụ án thứ tám trong án mạng giết người hàng loạt này đã khiến một người đàn ông
phải chịu oan sai suốt 20 năm. Vào năm 1988, một cô gái 13 tuổi trở thành nạn
nhân thứ tám tại Hwaseong. Khoảng một năm sau, cảnh sát đã bắt một người đàn
ông tình nghi tên Yoon Sung-Yeo. Yoon đã nhận tội và bị tuyên án chung thân.
Sau này, anh cho biết mình đã bị cảnh sát bức cung.Vào năm 1991, hai vụ án mạng
tương tự lại tiếp tục xảy ra tại Hwaseong, nhưng vụ án của Yoon không được lật
lại. Năm 2009, ông được tha bổng sau 20 năm tù giam cho tội ác mà ông chưa từng
gây ra. Phải mất thêm 10 năm nữa, ông mới được công nhận là vô tội khi hung thủ thật sự
lộ diện. Tháng 3/2021, tòa yêu cầu bồi thường oan sai cho ông với số tiền tương
đương 2,2 triệu đô-la Mỹ. [5]
Chú
thích:
1.
Luật Khoa. (2018, February 7). Hàn Quốc – những tháng năm độc tài.
https://www.luatkhoa.org/2018/02/han-quoc-nhung-thang-nam-doc-tai
2.
Seoul National University Library. (1998, March). The Korean
Presidential Election December 1997.
3.
Luật Khoa. (2018b, April 28). Chính sách Ánh Dương của Hàn Quốc:
Khi Mặt Trời sáng rồi lại tắt.
https://www.luatkhoa.org/2018/04/chinh-sach-anh-duong-cua-han-quoc-khi-mat-troi-sang-roi-lai-tat
4.
CNN. (2020, March 24). He spent 20 years in prison for murder.
Then someone else confessed to the same crime.
https://edition.cnn.com/2020/05/23/asia/south-korea-hwaseong-murder-injustices-intl-hnk/index.html
5.
Luật Khoa. (2020, March 10). Mr. Yoon Sung Yeo, who spent 20
years in prison for a crime he didn’t commit, will receive 2.5 Billion KRW (2.2
Million USD) in compensation.
No comments:
Post a Comment