Monday, 6 December 2021

ĐÔI ĐIỀU SUY NGẪM về ĐƯỜNG LỐI CHIẾN LƯỢC . . . (Hàn Vĩnh Diệp)

 


Đôi điều suy ngẫm về đường lối chiến lược…

Hàn Vĩnh Diệp

06/12/2021

https://baotiengdan.com/2021/12/06/doi-dieu-suy-ngam-ve-duong-loi-chien-luoc/


Hiện nay các ban, bộ ngành ở trung ương và các địa phương đang triển khai việc học tập nghị quyết đại hội Đảng lần thứ 13. Qua học tập, nghiên cứu, chúng tôi thấy một số điểm chưa thật hợp lý.

 

Nghị quyết đại hội vẫn khẳng định: “Chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng tư tưởng – kim chỉ nam cho hành động của đảng (…), tiếp tục xây dựng chủ nghĩa trên đất nước ta”.

 

Sự khẳng định ấy, một lần nữa cho thấy nhận thức tư tưởng chính trị giáo điều, xơ cứng. Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi thời đại cụ thể, có thể có những học thuyết chính trị, tư tưởng phù hợp với giai đoạn, thời đại ấy. Nó được nảy sinh, phát triển từ thực tiễn cụ thể của xã hội và phục vụ cho sự phát triển của xã hội ấy. Các thế hệ của thời đại kế tiếp có thể chọn lọc những điều đúng, những tinh túy của những học thuyết có giá trị khoa học của thế hệ trước để vận dụng một cách sáng tạo, thông minh vào hiện thực của mình. Sao có thể lấy học thuyết của Mác, Lê Nin, sản phẩm tư tưởng chính trị của xã hội tư bản thời kỳ giữa thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 làm nền tảng tư tưởng chính trị, kim chỉ nam cho thời đại ngày nay?

 

Không có một học thuyết tư tưởng chính trị nào là vô địch, muôn năm cả. Một số tác giả nước ta đã có nghiên cứu làm sáng tỏ những khiếm khuyết, sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Những tác giả ấy đều là tri thức giàu lòng yêu nước, có tâm huyết với tiền đồ của dân tộc, có phẩm chất đạo đức trong sáng chứ không phải là kẻ “thuộc thế lực thù địch hay thoái hóa biến chất về tư tưởng chính trị” như đảng vẫn “kiên trì” gán tội cho họ.

 

Thực tế lịch sử cũng cho thấy, sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu cuối thế kỷ thứ 20, nguyên nhân căn bản, cốt tủy chính là sai lầm của chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Ngay ở nước ta, nếu đảng trung thành, kiên định chủ nghĩa Mác – Lê Nin thì tại sao phải đổi mới? Nhiều nội dung của công cuộc đổi mới trái hẳn với học thuyết Mác – Lê Nin như công nhận 5 thành phần kinh tế, xác định thành phần kinh tế tư nhân là quan trọng, nòng cốt của nền kinh tế nước nhà; tư nhân hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa; khuyến khích đảng viên làm kinh tế tư nhân, kết nạp các chủ doanh nghiệp tư nhân (kể cả doanh nhân mà xã hội gọi là đại gia) vào đảng v.v…

 

Về tư tưởng Hồ Chí Minh: Các kỳ đại hội đảng trước đây (từ đại hội III đến đại hội VI) chỉ đề cập đến những lời dạy của Hồ Chủ tịch, không xác định “tư tưởng Hồ Chí Minh”. Đại hội đảng lần thứ VII đã “sáng tạo sản phẩm tư tưởng Hồ Chí Minh”. Sau đó, Trung ương đảng phát động phong trào rầm rộ học tập tư tưởng Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân. Bấy giờ mới lấy tư tưởng Hồ Chí Minh làm “kim chỉ nam – nền tảng tư tưởng”, vậy, mấy chục năm trước đại hội VII, đảng lấy tư tưởng gì?

 

Vả lại, chính Hồ Chí Minh trong đại hội II, khi có đại biểu đề xuất đưa tư tưởng Hồ Chí Minh vào câu khẩu hiệu chỉ đạo “chủ nghĩa Mác – Lê Nin, học thuyết Stalin, tư tưởng Mao Trạch Đông”, đã khẳng định: “Tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê Nin. Tôi chỉ có phương pháp để giải quyết từng vấn đề của cách mạng nước ta” (*).

 

Như vậy, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn, từng vấn đề cụ thể mà vận dụng sáng tạo lời chỉ dạy của Người, không phải tất cả lời dạy ấy đều phù hợp mãi mãi với mọi lĩnh vực hoạt động, mọi thời đại. Về mặt đạo lý, Người đã nói rõ ràng, dứt khoát “Tôi chỉ là học trò của Mác – Lê Nin chứ làm gì có tư tưởng” (*) mà lại cứ gán ghép cho Người liệu có thích hợp không, có đúng là người học trò tốt, người thừa kế xứng đáng của Người không?

 

Về con đường đi lên CNXH: Cụm từ XHCN đã có từ lâu ở nước ta. Nhưng mấy năm gần đây lại được nở rộ trên các văn bản của đảng, nhà nước; các diễn văn, huấn thị của các nhà lãnh đạo Trung ương; các kênh thông tin lề phải… nào là nhà nước XHCN, pháp luật XHCN, nhà trường XHCN, y tế XHCN, văn hóa XHCN v.v… và v.v… Người dân nghe riết rồi cứ tưởng mình đang sống trong đất nước XHCN thật sự. Trong khi đó, về kinh tế thì lại là định hướng XHCN, có nghĩa là nó chưa có, đang tìm đường đi tới!

 

Thật ra, ý tưởng về một xã hội giàu đẹp, công bằng, văn minh không hoàn toàn là chuyện xa xôi, mơ hồ. Trên thế giới hiện nay có nhiều quốc gia đã có những nhân tố tích cực của một xã hội giàu mạnh, dân chủ, văn minh, đang tiến dần từng bước xóa bỏ sự cách biệt giàu nghèo. Những nước ấy người ta không ba hoa là XHCN, CSCN hay gì gì đấy, nhưng mức thu nhập của người dân nói chung khá cao, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân khá tốt đẹp.

 

Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, Mông Cổ tốn nhiều công sức để tô vẽ, khoa trương cho cái xã hội XHCN của mình, nhưng tốc độ phát triển kinh tế chậm, thậm chí còn thụt lùi như trường hợp các nước Tiệp Khắc, Hungary, Ba Lan, Cuba. Trước chiến tranh thế giới thứ II, các nước này là nước công nghiệp phát triển cao ở châu Âu, Mỹ Latin. Hơn 50 năm (Liên Xô 70 năm) xây dựng XHCN kết quả cuối cùng là chế độ XHCN bị sụp đổ, thảm bại.

 

Cùng với khối Liên Xô – Đông Âu, một số nước ở châu Á, châu Phi, Mỹ Latin cũng gia nhập khối XHCN; nhưng đến nay vẫn đang lún sâu vào vòng lẩn quẩn, nghèo nàn, lạc hậu. Trong những nước này chỉ riêng có Trung Quốc đang trên đà phát triển mạnh. TQ cũng khẳng định là kiên trì xây dựng XHCN. Nhưng họ khôn hơn là thêm cái đuôi “kiểu Trung Quốc”. Thực chất, về kinh tế, họ tuân thủ triệt để học thuyết “Mèo đen hay mèo trắng cứ mèo nào bắt được chuột là tốt” và “không cần phân biệt họ Tư hay học Xã, họ nào đem lại cho đất nước phồn vinh, cường thịnh là được”. Về chính trị – xã hội thì theo kiểu Liên Xô, chế độ độc đảng, độc tài toàn trị, phản dân chủ, chà đạp nhân quyền…

 

Trước mắt dân tộc ta đã có nhiều con đường đưa đến độc lập – tự do – hạnh phúc thực sự, không phải chỉ một con đường duy nhất là CNXH. Nói XHCN là phải nói rõ kiểu nào? Kiểu Liên Xô – Đông Âu trước đây hay kiểu Bắc Âu, Thụy Sĩ, Đức, Singapore, Nhật Bản… các nghị quyết đại hội 12, 13 của đảng và bài viết gần đây của TBT Nguyễn Phú Trọng đã phác qua những đặc điểm chính của CNXH – Đích thị đấy là XHCN kiểu Liên Xô theo chủ nghĩa Mác – Lê Nin – Stalin.

 

Sự khẳng định nền tảng tư tưởng chính trị – kim chỉ nam như trên, không chỉ riêng cho đảng mà còn buộc cả dân tộc phải theo – phải tuân thủ – đưa vào Hiến pháp. Kiểu cách lãnh đạo như vậy là theo một châm ngôn vẫn tồn tại nhiều năm: “Ý đảng lòng dân”. Điều này là nghịch, phi lý. Dân là chủ, đảng là tớ (Lời dạy của Hồ Chí Minh), sao dân (chủ) lại phải tuân thủ, phục tùng ý chỉ bảo của Đảng (tớ)?

 

Đảng được dân giao phó trách nhiệm lãnh đạo – nói nôm na là trách nhiệm của người dẫn đường (giao liên) thì phải một lòng một dạ làm tròn nhiệm vụ theo ý dân. Dân muốn đi đến đâu, đảng phải cúc cung tận tụy đưa đến đó với con đường đúng đắn nhất, tiết kiệm công sức và cả xương máu chứ không thể dẫn đạo theo ý chủ quan của mình. Nếu xây dựng xã hội XHCN theo kiểu Liên Xô thì rõ ràng người dẫn đường (đảng) đang đưa cả dân tộc ta đến vực thẳm, bài học đau đớn mà dân các nước Xô Viết và Đông Âu đã phải trải qua trong thế kỷ thứ 20.

______

 

(*) Hồi ký của ông Nguyễn Văn Trân – lão thành cách mạng, đại biểu đại hội đảng lần thứ II.




No comments:

Post a Comment

View My Stats