VIỆT
NAM CẦN MỘT CUỘC CÁCH MẠNG VỀ QUYỀN TRẺ EM
https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=292886842718342&id=100059910855657
Tôi nhận thấy rằng, ở Việt Nam người ta đang đối
xử và đòi hỏi đối xử với trẻ em chủ yếu trên tinh thần của lòng tốt, sự thương
cảm; tức là như một nghĩa vụ đạo đức mà không mấy ai thật sự có ý thức về QUYỀN
trẻ em.
Thế hệ chúng tôi, suốt những năm học phổ thông
dường như chưa từng có ý niệm về quyền của mình. Cho đến cả những giai đoạn sau
đó khi đã trưởng thành cũng không hề được biết. Trẻ em ngày nay, trong giáo dục,
thì nội dung này vẫn rất mờ nhạt; và đặc biệt không được thực hành một cách tự
giác và thực chất trong môi trường giáo dục cũng như xã hội.
Đến bây giờ, tôi vẫn có thể khẳng định, trẻ em
VN chưa được tôn trọng, và không biết gì về quyền của mình. Chúng ta vẫn sống
trong nhận thức và vô thức rằng, “trẻ em là con nít chưa biết gì”; và ta có thể
chỉ trích, đánh mắng, bỏ mặc, bạo hành tinh thần… Tất cả những điều này đang diễn
ra một cách phổ biến, thường xuyên và rộng khắp trọng mọi hang cùng ngõ hẻm, từ
miền núi tới miền xuôi, từ nông thôn tới thành thị với những mức độ khác nhau.
Vài bài học về quyền trẻ em trong sách GDCD chỉ là bắt các em ghi nhớ để thi chứ
không mảy may được áp dụng vào thực tiễn.
Hãy xem, ngay cả trong các trường hợp trẻ em
có dấu hiệu phạm pháp thì Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em quy định:
“Điều 40.
1. Các Quốc gia thành viên Công nhận quyền của
mọi trẻ em bị tình nghi, bị cáo buộc hay bị xác nhận là đã vi phạm luật hình sự
được đối xử theo cách thức phù hợp với việc thúc đẩy nhận thức của trẻ em về
nhân cách và phẩm giá vốn có, một cách thức tăng cường sự tôn trọng của trẻ em
đối với những quyền và tự do cơ bản của người khác và có tính đến độ tuổi của
trẻ em cũng như mong muốn thúc đẩy sự tái hòa nhập của trẻ và giúp trẻ em đảm
đương một vai trò có tính chất xây dựng trong xã hội”.
Người Việt “Coi con như của”, như một thứ tài
sản hay vật sở hữu mà ta có toàn quyền định đoạt. Tính chủ thể của trẻ em dường
như không hề được đếm xỉa tới. Ở các nước văn minh, nếu cha mẹ đánh con (dù là
“đánh dạy” như Việt Nam) thì lập tức sẽ phải đối diện với nhà tù.
Nhà trường ngày nay vẫn là nơi vi phạm một
cách thô bạo nhất các quyền trẻ em bằng đủ thứ nội quy, quy đinh và lối cư xử
thô bạo, tàn tệ. Việc xếp loại, dán nhãn, công bố điểm thi, công khai chỉ trích
trước tập thể, xúc phạm danh dự nhân phẩm của trẻ em vẫn được coi là các biện
pháp giáo dục “thương cho roi cho vọt”.
Chúng ta đang ở trong vùng trũng về nhận thức
và văn hóa so với phần còn lại của nhân loại. Nó thê thảm hơn rất nhiều so với
những gì bạn có thể cảm nhận và hình dung.
Trẻ em phải được bảo vệ, tôn trọng và luôn
luôn được tôn trọng. Tôn trọng chứ không phải thương hại hay rủ lòng thương!
Giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội cần một cuộc cách mạng trong việc thúc
đẩy ý thức của trẻ em về quyền của chính các em. Các em phải thấy được quyền,
và có đủ hiểu biết cũng như lòng dũng cảm để bảo vệ các quyền ấy trước sự
chuyên chế và độc đoán của người lớn.
Chúng ta nói quá nhiều về giáo dục trẻ em
nhưng có lẽ, một khoảng mờ, thậm chí là khoảng trắng mà không phải lý sự gì nhiều
nhưng có thể và phải thực hiện ngay, đó là quyền trẻ em. Phải đưa quyền trẻ em
vào trường học, gia đình và xã hội một cách mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc, và đặc
biệt là phải thực chất. Đối với Việt Nam hiện tại thì nội dung này phải được
nâng lên thành trung tâm, trọng tâm và thay thế cho vị trí của môn đạo đức đầy
tính giáo điều hiện hành.
Con người Việt Nam muốn trưởng thành, trước
tiên cần xóa bỏ nạn chuyên chế cả trong gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu
không thực hiện được nội dung này, thì tình trạng độc đoán vẫn ngự trị, và các
thế hệ nối tiếp vẫn sẽ mang tâm thế và tâm thức của nô lệ do nạn chuyên chế tàn
nhẫn gây ra.
Thái Hạo
.
No comments:
Post a Comment