Tuesday, 11 February 2020

VIRUS CORONA : HƠN 1.000 NGƯỜI CHẾT TẠI TRUNG QUỐC - WHO LO NGẠI DỊCH BÙNG PHÁT MẠNH Ở BÊN NGOÀI (RFI)




NỘI DUNG :
Trọng Thành  -  RFI
.
Minh Anh  -  RFI
.
======================================================
.
Trọng Thành  -  RFI
Đăng ngày: 11/02/2020 - 10:24

Hôm nay, 11/02/2020, con số người chết vì virus corona mới vượt quá con số biểu tượng 1.000. Số lượng người bị lây nhiễm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc gia tăng, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) lo ngại dịch bệnh bùng phát mạnh ngoài Hoa lục.

Chính quyền Trung Quốc cho biết có thêm 108 ca tử vong trong vòng 24 giờ, nâng số lượng người chết tại Hoa lục lên 1.016 người. Số tử vong hàng ngày do virus corona mới (2019-nCoV) hôm nay được coi là cao nhất từ trước đến nay. Tổng số người bị nhiễm virus là hơn 42.000. Ngược lại, vẫn theo thống kê của chính quyền Bắc Kinh, số lượng ca nhiễm mới hôm nay (với 2.478) đã giảm so với hôm trước. Đây là thông tin khiến một số nhà quan sát cho rằng tình trạng dịch bệnh tại tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, có thể đang đi vào giai đoạn ổn định.

Tuy nhiên, bên ngoài Trung Quốc, tính đến nay, có hơn 400 người bị nhiễm virus corona mới gây viêm phổi cấp, tại khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một kịch bản đáng sợ đang bắt đầu xuất hiện. Một công dân Anh chưa từng đặt chân đến Trung Quốc, bị nhiễm virus tại Singapore, sau đó đã truyền virus sang cho nhiều đồng hương, trong thời gian ở tại vùng Alpes, Pháp, trước khi được xác định là mắc bệnh. Công dân Anh nói trên đã vô tình làm lây nhiễm virus cho ít nhất 11 người khác, trong đó có 5 người đang được điều trị tại Pháp, 5 người khác tại Anh và 1 tại Tây Ban Nha.

Cho đến nay, đại đa số các trường hợp lây nhiễm ở ngoài biên giới Trung Quốc đều do những người đến từ vùng tâm dịch Vũ Hán. Trước hiện tượng mới đáng lo ngại này, tổng giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm qua, 10/02/2020, cảnh báo là cho dù trong hiện tại, hiện tượng được ghi nhận này mới chỉ là ''một tia lửa nhỏ'', nhưng có thể làm bùng lên một trận hỏa hoạn lớn. Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh là mục tiêu hiện nay là phải cô lập, ngăn chặn ngay từ đầu nguy cơ lan rộng của các tia lửa nhỏ, và kêu gọi cộng đồng quốc tế tập trung nỗ lực phòng dịch.

Theo lãnh đạo WHO, những trường hợp bị nhiễm virus được ghi nhận có thể chỉ là ''phần nổi của tảng băng chìm''. Tình hình càng đáng lo ngại hơn, khi giới khoa học hiện nay còn chưa biết hết các phương thức lan truyền của loại virus corona mới. Một nghiên cứu khoa học vừa công bố hôm 07/02/2020 cho biết phân lỏng có thể là môi trường lan truyền virus corona mới, bên cạnh con đường truyền chính là thông qua các dịch lỏng phát tán khi người mắc virus ho.

Theo người phụ trách các chương trình khẩn cấp của WHO, Michael Ryan, thì cho dù rất đáng lo về các cuộc tập hợp đông người, có thể khiến virus lây lan dễ dàng, nhưng khó mà buộc toàn thế giới ngừng hoạt động. Các bộ trưởng Y Tế châu Âu sẽ có cuộc họp khẩn vào ngày thứ Năm 13/02, tại Bruxlles, để bàn về các biện phối hợp chống dịch.

WHO thông báo đã triệu tập hai ngày họp của giới chuyên gia tại Genève, để điểm lại tình hình nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin và phương thức điều trị virus corona mới. Một phái đoàn chuyên gia quốc tế của WHO đã đến Trung Quốc hôm qua, để bắt đầu tìm hiểu về nguồn gốc của virus và các hệ quả của dịch bệnh. Phái đoàn do nhà dịch tễ học nổi tiếng thế giới người Canada, Bruce Aylward, đứng đầu. Bác sĩ Bruce Aylward từng là người lãnh đạo chiến dịch của WHO chống dịch Ebola tại châu Phi.

----------------------------------

Minh Anh  -  RFI
Đăng ngày: 10/02/2020 - 15:40

Tại Trung Quốc, chính quyền Bắc Kinh đang vật vã đối đầu cùng lúc với hai loại virus : Một là virus corona đang hoành hành và hai là virus đòi cải cách « chính trị ». Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong số tám bác sĩ đầu tiên báo động về sự xuất hiện của virus corona chủng mới đã làm dấy lên làn sóng chỉ trích và đòi tự do ngôn luận.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc cứ tin rằng mình đã làm chủ sự thật. Thế nhưng, cái chết của Lý Văn Lượng do nhiễm virus corona khi chăm sóc một người bệnh đang gióng chuông báo động chế độ chuyên chế lâm nguy. Hình ảnh tự chụp của vị bác sĩ nhãn khoa trẻ tuổi đang trên giường bệnh đăng trên các mạng xã hội chẳng khác gì một bằng chứng tố cáo chế độ toàn trị, đồng thời làm bùng phát những lời kêu gọi hiếm có đòi cải cách chính trị và tự do ngôn luận.

Hai lá thư công khai đòi tự do ngôn luận từ một số nhà trí thức đã được đăng trên mạng xã hội Weibo (tương đương với Twitter) nhưng ngay sau đó đã bị kiểm duyệt. Lá thư thứ nhất được 9 giáo sư tại một đại học có tên tuổi ở Bắc Kinh ký tên đưa ra năm yêu sách, trong đó đòi hỏi thứ nhất là lấy ngày mồng 06 tháng Hai là ngày tự do ngôn luận toàn quốc. Đối với nhiều người dân Trung Quốc, bác sĩ Lý qua đời vào ngày 6/2 chứ không phải là ngày 7/2 như thông báo của chính quyền.

Theo báo Pháp Le Monde, con số « năm » đòi hỏi cũng không phải là một sự ngẫu nhiên. Đặng Tiểu Bình vào cuối năm 1978 từng đưa ra 4 cam kết hiện đại hóa đất nước, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực kinh tế. Đòi hỏi thứ Năm là đòi « Dân chủ » do một kỹ sư điện đưa ra ngầm nhắc đến « Mùa Xuân Bắc Kinh ».

Thư ngỏ thứ hai là do 10 giáo sư đại học Vũ Hán cũng đòi tự do ngôn luận - như được quy định trong Hiến Pháp, đồng thời còn kêu gọi chính quyền phải có lời « xin lỗi công khai » đối với những bác sĩ đưa ra báo động và phải công nhận bác sĩ Lý như « anh hùng dân tộc ». Trước đó, hashtag « Tôi muốn có tự do ngôn luận » tập hợp được hơn 1,5 triệu lượt người xem nhưng cũng đã bị bộ máy kiểm duyệt xóa.

Đành rằng mô hình chế độ chuyên chế cho phép ông Tập Cận Bình khả năng « cách ly nghiêm ngặt » hàng trăm triệu người dân nhằm ngăn chận dịch bệnh lan rộng. Đành rằng chính sách cai trị độc tài cho phép các bệnh viện khổng lồ tại Trung Quốc mọc lên chỉ trong vòng vài ngày. Thế nhưng cái chết của bác sĩ Lý lại làm cho niềm tin của người dân vào chính phủ ngày càng thêm bị xói mòn. Bản « khế ước » ngầm mà chế độ cứ tưởng được người dân chấp nhận, tức là từ bỏ những quyền tự do cá nhân để đổi lấy an ninh và sự thịnh vượng, có nguy cơ bị tan vỡ.

Bởi vì, sự việc cho thấy rõ, lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình và guồng máy chính trị « hình chóp » của ông chưa bao giờ học thuộc bài học dịch SARS 2002-2003 làm hơn 650 người chết, 8.000 người bị nhiễm bệnh, hay trận động đất năm 2008, làm hơn 70.000 người chết, 18.000 người mất tích và hơn 374.000 người bị thương.

Nguyên nhân chính là gì ? Ngay khi đó là một lĩnh vực nhạy cảm, đảng Cộng Sản Trung Quốc tìm cách duy trì và gia tăng độc quyền thông tin. Hơn bao giờ hết, dưới thời Tập Cận Bình, việc kiểm soát thông tin đã trở thành một thách thức chính cho đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Trong cuộc khủng hoảng y tế lần này, virus corona mới (2019-nCoV) mỗi ngày như trở thành một con « virus chính trị ». Vụ việc như nhắc lại kinh nghiệm đau đớn trong những năm 1960. Các « đồng chí » lãnh đạo cấp dưới vì sợ hãi Mao Trạch Đông nên đã giấu giếm « Người Cầm Lái Vĩ Đại » tầm mức của nạn đói do « Bước Đại Nhảy Vọt » gây ra, thì nay những quan chức Trung Quốc bị quyền lực tối ưu của Tập Cận Bình khủng bố, nên không dám báo cáo tin xấu về virus corona.

Có lẽ không có gì ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả hơn bằng tự do ngôn luận và tự do thông tin. Cuộc chiến chống dịch bệnh sẽ còn dễ dàng hơn khi Trung Quốc đặt niềm tin vào bác sĩ hơn là cảnh sát. Thậm chí đó còn là điều không thể thiếu. Không có tự do thông tin, thì sẽ chẳng bao giờ có được nền y tế công cộng bền vững, như kết luận của tờ Le Monde.

*
CÁC NỘI DUNG LIÊN QUAN
.
.
.
.
.
.
.





No comments:

Post a Comment

View My Stats