DỊCH BỆNH CORONAVIRUS
Đại dịch viêm phổi do coronavirus Vũ Hán làm chao đảo
Trung Quốc, chấn động thế giới, làm bộc lộ những hiểm huyệt thể chế. Cái chết của
bác sĩ 34 tuổi, Lý Văn Lượng, người “thổi còi” vụ đại dịch không chỉ gây phẫn nộ
mà còn thức tỉnh lương tâm.
Tôi đọc được bài viết của một luật sư thực tập người
Vũ Hán, chủ nhân của trang mạng “Bức tường quyền lợi”, đăng ngày 7-2, lòng cảm
thấy không yên, bèn dịch ra đăng lên trang nhà, chia sẻ với các bạn.
HPP
***
TƯỜNG TRÌNH CỦA MỘT LUẬT SƯ SAU
"ƯỚC ĐÀM"
Lý Vũ Thần
Tôi xem lại bút lục giữa tôi và cảnh sát, ký tên rồi
điểm chỉ. Sau đó, một cảnh sát lái xe chở tôi về nhà. Tôi bật điện thoại di động,
thấy mọi người đều nói, bác sĩ Lý Văn Lượng đã chết. Tôi cay đắng, nhìn bầu trời
đêm ngoài cửa sổ.
Từ chiều hôm đến giờ, đã 8 tiếng trôi qua. Lý do trực
tiếp khiến tôi bị điệu đến sở cảnh sát là tất cả các bài báo gần đây về dịch bệnh
ở Vũ Hán, bao gồm cả tiểu sử bác sĩ Lý Văn Lượng được đăng trên trang mạng “Bức
tường quyền lợi”. (Hồ sơ lịch sử. Về tám người mang tiếng phao tin thất thiệt.)
Thời buổi quá nhiều khó khăn. Tôi đã rơi vào tình trạng
quá tải. Tối hôm trước tôi đã đọc cuốn “Lảm nhảm về thuyết nhận thức” xuất bản
từ năm 1980 của tiên sinh Từ Hữu Ngư. Sơ kết lại “Lảm nhảm” rút tỉa ra những
phân tích rất có logic trong những vấn đề triết học giống như lượm được báu vật,
bèn vội vàng chia sẻ với bạn bè. Quá phấn khích, tôi thức suốt đêm không ngủ,
mãi đến trưa mới mệt mỏi thiếp đi.
Những tiếng gõ cửa liên tục đánh thức tôi. Tôi hỏi
danh tính của những vị khách. Họ nói rằng họ đến từ sở cảnh sát, để tìm hiểu
tình hình. Tôi lờ mờ biết rằng, chính các chị em đêm qua nhẩy vào tường nhà
trang mạng, thảo luận về các bài báo trong hồ sơ lịch sử đã đến gặp tôi. Tôi bật
điện thoại di động thấy các chị em đã gửi rất nhiều tin tức và có rất nhiều cuộc
gọi nhỡ. Vậy là họ đã tìm đến đưa chủ nhân trang mạng đi giúp đỡ để khỏi đi chệch
chính đạo.
Tôi liền viết lên tường trang mạng, rằng cảnh sát đã
đến nhà tôi, rằng tôi đang trên đường lên sở cảnh sát.
Trước khi lên xe, viên cảnh sát lớn tuổi hơn trong số
hai cảnh sát, hỏi tôi về công việc hiện tại và trình độ học vấn. Tôi đáp, tôi
đang là luật sư thực tập, có bằng cử nhân luật, học lực nghiên cứu sinh Vương
quốc Anh. Viên cảnh sát nói, học lực sau đại học, học lực sau đại học sao lại
phát ngôn thiếu thận trọng thế?
Tôi hỏi viên cảnh sát, anh đang nói về ý kiến nào của
tôi? Anh ta nói, anh ta không đọc, đấy là cấp trên nói với anh ta. Tôi không
đáp lời, nhưng gửi cho bạn bè tin nhắn, rằng tôi đang bị cảnh sát bắt đi. Là một
công dân bình thường, công khai là cách duy nhất tôi có thể lưu giữ bằng chứng
để tự bảo vệ mình.
Vừa gửi tin xong, viên cảnh sát trẻ bên cạnh tôi
nói, hãy cất điện thoại đi, không sử dụng lúc này. Tôi nói, sao hạn chế quyền tự
do giao tiếp của tôi? Có phải có lệnh bắt tôi không? Viên cảnh sát nói, không
có lệnh bắt, chỉ yêu cầu anh hợp tác với chúng tôi. Tôi nói, nhưng các anh làm
việc phải đúng với pháp luật. Viên cảnh sát lớn tuổi nói, tôi là trưởng phòng,
đích thân đến mời anh, anh còn muốn tôi hợp tác như thế nào?
Đến sở cảnh sát, họ bảo tôi đợi người đến. Tôi bèn
ngồi đợi ở sảnh. Quang cảnh rất giống với phòng bảo vệ trường đại học, nơi tôi
từng thường được gọi đến, sàn đá Đại Lí màu màu vàng nhạt, tường sơn trắng, các
khẩu hiệu mầu đỏ chói.
Tôi gửi tin nhắn thứ hai cho nhóm bạn, nhờ một người
bạn tin cậy, yêu cầu anh ta chụp ảnh màn hình và chuyển tiếp cho các bạn khác,
phòng khi điện thoại của tôi bị kiểm tra và buộc phải xóa. Cũng may, trong cuộc
“ước đàm”, tôi không bị thu giữ điện thoại di động.
Bố mẹ tôi lo lắng cho sự an toàn của tôi. Tôi đã gửi
tin nhắn WeChat để nói với cha mẹ rằng họ đang làm bút lục. Bố tôi nhắn lại, có
phải chính con trả lời không? Vì vậy, tôi đã quay số cuộc gọi video, đưa cho cảnh
sát nói chuyện với bố tôi.
Kể từ khi học đại học cho đến giờ, sau khi đã trải
qua không dưới 03 con số số lần “ước đàm” của cảnh sát, tôi vẫn rất khó để mô tả
với độc giả tâm trạng của mình trong cuộc đọ sức hết sức ngoắt ngoéo nguy hiểm.
Tôi nghĩ, những trải nghiệm của tôi không thể đại diện cho trải nghiệm chung
qua các cuộc “ước đàm” thông thường.
Cuộc “ước đàm” dài 8 giờ, hai phần ba hoặc thậm chí
ba phần tư thời gian là tôi nói. Tôi có một người bạn, cách đây ba năm, sau khi
rời khỏi “ước đàm” đã trở thành người ngô nghê, không dám nói gì nữa. Tôi khá
hơn anh ta, tôi dám nói chuyện pháp luật, dám cãi lí, nhưng cuộc chiến võ mồm
này làm tôi tổn thương sâu sắc. Tôi thường tự lộn trái bản thân mình, tự giải
mã bản thân, tự chế giễu mình, để trang bị cho mình tự do chống lại sợ hãi.
Một sĩ quan cảnh sát xuất hiện. Anh ta mặc áo khoác
da màu nâu, quần âu và khẩu trang đã được cởi ra. Anh ta nói với tôi, lúc 5 giờ
sáng hôm nay, khi tôi đang thức đọc sách, thì anh ta kiểm tra tình hình dịch bệnh
ở ngã tư đường cao tốc. Hãy nghĩ về chuyện đó, việc cả hai thiếu ngủ và thực tế
là tôi đã không ăn sáng, chúng tôi nói chuyện trong 8 giờ, điều đó không dễ
dàng. Sau đó tôi than thở rằng, chúng ta đều là chiếc đinh vít, dù thân phận
khác nhau, thì cả hai đang cùng phải đối mặt với dịch bệnh. Với cái cớ gọi là
trật tự trị an, anh đi vặn vẹo tôi yêu nước hay không yêu nước, có cần thiết
không? Viên sĩ quan cảnh sát lờ như không nghe thấy.
Anh ta được trang bị những lí luận cơ bản, trong suốt
cuộc nói chuyện, dù ở hai vị trí khác nhau, nhưng ít nhất cũng là nói chuyện.
Nói chuyện một lúc lâu, thì có một cảnh sát đến nói với tôi, rằng đồng chí sĩ
quan đây ở Đại đội Quốc Bảo, yêu cầu tôi không được làm những việc có hại đến
quốc gia. Tôi nói rằng, tôi phê phán những việc hiện thời không có nghĩa là tôi
chống đất nước. Viên cảnh sát nói, nhưng anh không ca ngợi đất nước. Tôi nói,
anh hãy cho tôi xem trong số các bạn anh có ai ca ngợi đất nước không? Viên cảnh
sát trừng mắt nhìn tôi, rồi bỏ đi.
Chúng tôi bước vào một gian phòng. Viên cảnh sát
không thu điện thoại di động của tôi. Điều đó cho phép tôi nghĩ rằng, hoàn cảnh
của tôi chưa đến nỗi nào, tôi chưa phải đến phòng thẩm vấn. Tôi cảm thấy có
chút nhẹ nhõm, nhưng cũng tự thấy thật đáng buồn. Tôi đã viết một bài về bác sĩ
Lý Văn Lượng, “người thổi còi” báo động đại dịch coronavirus Vũ Hán. Tôi đã kêu
gọi bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng chính vì bài viết đó mà tôi đang bị mắc
kẹt.
Viên sĩ quan cảnh sát cho tôi xem thẻ ngành, rồi
khách khí mời tôi ngồi, rồi làm phiền một đồng nghiệp rót cho tôi cốc nước
nóng. Quả thật tôi cần cốc nước này, từ khi thức dậy sau giấc ngủ trưa. Tôi rất
cảm ơn. Câu đầu tiên viên sĩ quan cảnh sát hỏi tôi, anh có yêu nước không? Tôi
đáp, tôi yêu nước.
Viên sĩ quan hỏi hoàn cảnh gia đình bố mẹ tôi, hỏi
liệu gia đình tôi có gì bất mãn với xã hội, với chính phủ không. Tôi tự hỏi sao
lại thế này? Nếu tôi vi phạm pháp luật, phạm tội thì hãy nói trực tiếp về việc
đó chứ? Tại sao lại phải biết tình hình của cha mẹ tôi? Tôi nói thẳng, tôi hành
nghề luật sư thực tập. Tôi đã thấy rất nhiều những cuộc hỏi cung, thẩm vấn, bút
lục, nhưng chưa hề thấy một cuộc điều tra xuất thân gia đình như 60 năm trước.
Viên sĩ quan nói, tìm hiểu những điều này là để hiểu bối cảnh gia đình, để dễ
hiểu tôi hơn.
Tôi yêu cầu viên sĩ quan nói thẳng vấn đề, vì sao có
cuộc này. Nhưng cũng giống như những cuộc “ước đàm” trước đây, viên cảnh sát bắt
đầu nói về tình hình chung đất nước, vì vậy tôi biết, đây sẽ là một cuộc “ước
đàm” lê thê mà tôi phải đối mặt.
Vậy là viên cảnh sát nói về sự nghiệp chống tham
nhũng, việc xây dựng sự trung thực liêm khiết. Tôi bèn nói về việc phải quản trị
đất nước theo luật pháp. Viên cảnh sát nói về ý thức đại cục, tôi bèn nói về mặt
chủ yếu của mâu thuẫn chủ yếu. Viên cảnh sát nói về ảnh hưởng không tốt của dư
luận. Tôi nói về tác dụng của sự giám sát của nhân dân và tính hợp pháp của
chính phủ bắt nguồn từ nhân dân. Viên cảnh sát nói về sự hài hòa và đoàn kết.
Tôi nói về diễn tiến phát sinh những mâu thuẫn chủ yếu từ sau đại hội đảng CSTQ
19. Viên cảnh sát nói đến nguồn năng lượng chính thống cần hết sức thận trọng với
những thông tin phản biện. Tôi ngay lập tức phủ nhận việc đồng nhất thông tin
tiêu cực với năng lượng tiêu cực.
Cù cưa, viên cảnh sát đưa ra những ví dụ, tôi cũng
đưa ra những ví dụ. Không cãi nhau. Hai bên về cơ bản đã đạt được sự đồng thuận,
và sự đồng thuận này sau đó đã được ghi lại trong tuyên bố cá nhân của tôi. Đối
với các sự việc mà bài viết đề cập đến, viên cảnh sát cho rằng toàn một giọng
phê phán, không thấy vai trò tích cực của chính phủ. Anh ta cho rằng, với một
người như tôi, cần phải nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện.
Tôi nói rằng, tuyên truyền vai trò tích cực của
chính phủ đã có các cơ quan tuyên truyền của chính phủ làm. Là một công dân,
tôi có thể chọn những gì tôi muốn nói cho xã hội này. Anh ta nói rằng lối nhìn ấy
sẽ luôn luôn phiến diện. Tôi nói rằng ý thức toàn cục là đòi hỏi đối với quyền
lực công, không phải đối với quyền của cá nhân. Tôi lựa chọn trở thành một công
dân chỉ trích quyền lực công.
Lúc đó, tôi nhớ tới những lời vẫn được truyền tai
nhau, những lời chỉ trích sắc sảo bị cấm, những lời khen không đủ có thể là sai
lầm. Viên cảnh sát sau khi biết tôi đã lưu học hai năm học ở Anh, bèn cố ý đưa
ra rất nhiều câu hỏi. Thật đáng tiếc, tôi đã đọc lịch sử Trung Quốc từ khi còn
nhỏ đến khi lớn, hai năm học ở Anh, tôi đã bỏ nhiều buổi lên lớp, nhưng lịch sử
Trung Quốc tôi lại đọc nhiều hơn.
Trong 8 giờ, chúng tôi đã nói rất nhiều về các vấn đề
lịch sử và các vấn đề chính trị hiện tại. Thẳng thắn mà nói, cuộc nói chuyện
không có tính ép buộc. Điều ép buộc chính là tôi bị đưa vào cuộc “ước đàm” này.
Đây là một chuyện hết sức nực cười. Tôi đã học luật
trong 5 năm, có 3 văn bằng luật, nhưng giờ đây tôi là một công dân bị “ước đàm”
buộc phải viết cam kết rằng tôi sẽ tuân thủ luật pháp chỉ vì đã viết một số bài
đưa công khai lên mạng. Nói chuyện đến khoảng 19 giờ, viên cảnh sát đưa tôi đến
văn phòng để làm bút lục (biên bản).
Tôi cảm thấy sự vô lý của cuộc phỏng vấn này, và nói
thẳng rằng sẽ viết ra toàn bộ chi tiết. Viên cảnh sát nói, cuộc “ước đàm” này
không có hiệu lực pháp lý, chỉ tìm tôi để hiểu tình hình, xem tôi có yêu nước,
có ủng hộ chính phủ không, và không buộc tôi phải làm gì.
Tôi nói, kể từ khi tôi bị cảnh sát đến nhà đưa tôi đến
đây cho đến giờ này, suốt quá trình tôi đã không có quyền từ chối. Các anh đến
tìm tôi, tôi buộc phải trình bầy với các anh rằng, tôi là người yêu nước. Đây
có phải là nghĩa vụ của tôi với tư cách là một công dân không? Viên cảnh sát
nói rằng, tôi có thể bày tỏ sự không hài lòng, nhưng không nên nhìn cảnh sát một
cách phiến diện, cuộc nói chuyện cũng tốt đấy chứ?
Tôi nói, đó là định kiến của cảnh sát đối với tôi.
Tôi là một công dân bình thường bị đưa đến sở cảnh sát để hiểu tình hình, tôi bị
“ước đàm”. Việc đó vi phạm quyền nghỉ ngơi và thời gian cá nhân của tôi. Bác sĩ
Lý Văn Lượng bị cảnh cáo cũng xuất phát từ thứ logic này chăng? Viên sĩ quan cảnh
sát yêu cầu tôi xác nhận thông tin cá nhân của anh chị em tham gia “Bức tường
quyền lợi” (thông tin về họ anh ta đã nắm trong tay). Nhưng tôi đã từ chối ngay
lập tức. Trong biên bản, tôi xác nhận “Bức tường quyền lợi” là trang mạng cá
nhân của tôi, mọi bài đăng là do tôi viết, biên tập, thẩm ra và đưa lên, cuối
cùng tôi kí tên và điểm chỉ.
Viên cảnh sát nói, tôi là người dám chịu trách nhiệm.
Tôi nhìn thẳng anh ta, đáp tôi làm theo pháp luật.
Những người bạn đại học của tôi tỏ ý lo ngại, hỏi
chúng ta gặp rắc rối phải không? Tôi nghĩ, nếu những bài viết như thế của chúng
tôi có vấn đề, thì đấy không phải là vấn đề của chúng tôi, mà là vấn đề của họ.
Xin các bạn hãy lượng thứ, bây giờ đã là 4h 36 sáng
ngày 7 tháng 2, và tôi đã không ngủ trong 40 giờ. Tôi không thể nghỉ ngơi. Có rất
nhiều nội dung, rất nhiều nội dung tôi không kịp viết. Ở trên viết cũng rất lộn
xộn, nhưng tôi luôn viết bằng tên thật, và những gì tôi nói là bằng chứng của
tôi. Tại sao tôi lại vội vã thức khuya để viết những thông tin trên, bởi vì hôm
nay có khả năng họ lại gọi cho tôi để “ước đàm” và sẽ có một người khác đến
tìm. Nếu bây giờ tôi không viết nó ra, có thể sau ngày hôm nay tôi sẽ không có
cách nào viết một bài công khai như thế này nữa.
Nếu tôi vẫn có thể viết, tôi chắc chắn sẽ viết tốt
hơn. Trên thực tế, tôi có ba bài viết về tình hình của bác sĩ Lý Văn Lượng. Một
bài là bàn về bản chất pháp lý của tin đồn, về tính chất xã hội học và truyền
thông. Một bài biểu dương bác sĩ Lý Văn Lượng, một bài về thư tố cáo Lý Văn Lượng
dẫn đến việc bị cảnh sát xử lí. Cả ba bài đang ở dạng bản thảo và chưa được
hoàn thiện. Hy vọng tôi vẫn có cơ hội để đăng bài.
Bác sĩ Lý Văn Lượng đã qua đời. Vị bác sĩ đã nói rằng,
trong một xã hội lành mạnh không nên chỉ có một tiếng nói. Tôi nghĩ rằng sự tôn
vinh tốt nhất của tôi đối với bác sĩ, là tôi tiếp tục là một công dân và tiếp tục
là một “Bức tường quyền lợi”.
----------------------------------------------
TRUNG CỘNG KHÔNG THÈM CẢM ƠN VIỆT NAM ĐÃ VIỆN TRỢ 600
NGÀN ĐÔ CHỐNG DỊCH VIÊM PHỔI VŨ HÁN
Nửa triệu đô của CP Việt Nam + 100.000 đô của Chữ thập
Đỏ VN giúp TQ chống dịch. TQ cảm ơn UNIEF và 21 quốc gia (*) nhưng không thèm
nhắc đến VN.
Tại sao?
Có hai khả năng:
1. Nhà cầm quyền TC khinh bỉ VN
2. Nhà cầm quyền TC coi VN là chư hầu hay quận huyện
thuộc TQ
......................................
(*) Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia,
Kazakhstan, Pakistan, Đức, Anh, Pháp, Ý, Hungary, Belarus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran,
Các tiểu vương quốc Ả Rập, Algeria, Hy Lạp, Úc, Niu Zi-len, Trinidad and Tobago
Xinhua, February 6, 2020
Theo
Chinhphu.vn | 31/01/2020
No comments:
Post a Comment