Thursday, 13 February 2020

KHI TIN GIẢ CÒN ĐÁNG SỢ HƠN VIRUS CORONA (Thiên Nnhi - Zing.vn)


 06:30 07/02/2020

Sự lây lan của virus corona khiến nhiều người lo lắng, nhưng họ còn mệt mỏi hơn khi nhận được không ít thông tin thất thiệt về dịch bệnh từ chính những người xung quanh mỗi ngày.

“Mai cả nhà mình đừng ai ra đường lúc 4-6h nhé. Người ta phun thuốc chống dịch corona trên bầu trời toàn quốc đấy”.

Tối 31/1, Đan Phương (25 tuổi, Nghệ An) đang ngồi ăn cơm cùng bố mẹ và em trai thì chị gái cô - hiện là nhân viên nhà hàng ở Hà Nội - gọi video về bảo mẹ nhắc nhở cả gia đình.
Phương không lạ lẫm với thông tin này, bởi suốt ngày hôm đó cộng đồng mạng đã “rần rần” chia sẻ, bàn tán về nó.
Thấy bản tin Thời sự 19h cập nhật số người chết, ca dương tính với virus corona ngày càng tăng trên thế giới, mẹ Phương càng lo lắng, nhắc lại lần nữa việc mai cả gia đình “đừng ai ra đường lúc phun thuốc chống dịch”.

Trong khi bố và em trai không mấy bận tâm, Phương nhất quyết khẳng định với mẹ rằng đó là thông tin không có căn cứ.

“Mình bảo mẹ nếu có sự việc như vậy thì các trang báo với loa phát thanh xã đã thông báo từ sớm rồi. Tuy nhiên, mẹ mình vẫn bán tín bán nghi. Đến sáng hôm sau không thấy điều gì xảy ra, mẹ mình mới thừa nhận đó là 'tin vịt'”, cô nói.

Theo Phương, thông tin gây nhiễu mà chị gái cô chia sẻ với mẹ xuất phát từ việc đọc các bài đăng trên mạng xã hội.

“Thấy nhiều người chia sẻ nên chị mình cũng chia sẻ theo. Mình thấy cũng dễ hiểu vì khi dịch viêm phổi cấp chưa hết, lượng thông tin được mọi người chia sẻ nhiều vô kể, thật có, giả có. Ai không tỉnh táo có thể share tiếp các tin giả, gây tâm lý ngày càng hoang mang trong cộng đồng”, 9X bày tỏ.

Nhiều người thừa nhận mệt mỏi hơn khi phải đối diện với không ít thông tin thất thiệt về dịch virus corona từ chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi ngày. Ảnh: FB.

Không chỉ tiếp cận với tin tức giả mạo từ các nguồn không chính thống trên mạng, nhiều người còn biết tới chúng qua bài đăng trên trang cá nhân của người nổi tiếng như Đàm Vĩnh Hưng, Ngô Thanh Vân, Cát Phượng. Các nghệ sĩ này không chỉ bị khán giả phản ứng, mà còn được cơ quan chức năng mời lên làm việc vì đưa tin sai, gây hoang mang trong dư luận.

Từ khi dịch cúm corona bùng phát, thông tin sai lệch trở nên phổ biến đến mức Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad cảnh báo công chúng rằng đây là "vấn đề nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh".

“Để chống lại điều này, chúng tôi sẽ cập nhật thông tin hàng ngày và hy vọng công chúng sẽ tìm đến các nguồn tin tức đáng tin cậy thay vì những gì lan truyền trên mạng xã hội”, ông nói.

Giữa lúc sự lây lan của virus corona (2019-nCoV) ngày một nghiêm trọng, nhiều người đều có chung tâm lý lo lắng về dịch bệnh nhưng còn mệt mỏi hơn khi phải đối diện với không ít thông tin thất thiệt từ chính người thân, bạn bè, đồng nghiệp mỗi ngày.

“Mẹ thấy người ta nói thế trên mạng”

Đó là câu cửa miệng mà người mẹ 60 tuổi của Trà My (24 tuổi, Hà Nội) nói với con gái mỗi lần được hỏi đọc thông tin nào đó từ nguồn nào.

Vài hôm trước, mẹ My được đồng nghiệp cũ gửi qua tin nhắn thông tin "phun thuốc khử trùng chống virus corona trên bầu trời toàn quốc từ 4-7h30 sáng 1/2". Lướt Facebook thấy bạn bè cũng chia sẻ nhiều, mẹ My khẳng định chắc nịch: "Nhất quyết mai không ra đường vào cái giờ sáng đó nữa".

Mẹ My sau đó gửi link bài viết cho con gái và nhắc nhở không nên ra ngoài vào khung giờ trên.

"Mình phải ngồi giải thích là: 'Mẹ đọc không thấy vô lý à? Việt Nam có bao giờ khử trùng kiểu vậy đâu. Với cả tin này toàn là lượm lặt đâu trên mạng chứ không có nguồn đàng hoàng'. Thế mà giải thích suốt một hồi mẹ vẫn không tin lắm", My nhớ lại.

Theo Trà My, mẹ cô không mấy khi đọc báo nên không biết phân biệt đâu là nguồn tin chính thống, đâu là mấy trang tin "nhảm nhí". Không riêng vụ này, nhiều lần khác mẹ My cũng đọc tin giả trên mạng rồi nói lại với người thân khiến cô phải giải thích.

"Bố và anh trai mình đều 'tỉnh' hơn nên lần nào mẹ nói xong cũng bị bảo là lại nghe tin fake. Mình nghĩ do tâm lý thấy ai cũng share nên nhiều người tin là đúng, nhất là mấy cô, mấy bác U40 đổ lên", My nói.

Cùng ngày đó, My một lần nữa được nghe tin giả "phun thuốc trên bầu trời toàn quốc" từ một người bạn đang công tác tại cơ quan nhà nước. Cô bạn của My nhắn vào nhóm chat hội bạn thân với thái độ khá nghiêm túc. Ngán ngẩm vì lại gặp fake news, My liền phản ứng lại.

My cho biết điểm chung mọi người đều đa phần không tin khi cô khẳng định đó là tin giả. Sau khi nghe My phân tích điểm vô lý trong những thông tin đó, nhiều người vẫn bán tín bán nghi, chốt lại bằng câu "Biết đâu đấy". Thậm chí, họ còn đưa ra lý lẽ cho thấy cái tin giả đó có phần đúng và hợp lý.

"Đến khi tivi, báo đài chính thống khẳng định đó là tin giả, những người ban đầu không tin lời mình chỉ tặc lưỡi cho qua, lần sau có khi lại dính lừa tiếp", cô gái 24 tuổi nói.

Tung tin giả để câu lợi cá nhân

Giữa "rừng" tin giả về dịch corona lan truyền trên mạng những ngày qua, Trần Vy (27 tuổi, Thái Bình) thấy kênh lan truyền chủ yếu là Facebook, điển hình vẫn là thông tin "phun thuốc trên bầu trời toàn quốc".

“Mình thấy bạn bè trên Facebook share rất nhiều, chủ yếu là các anh chị làm công nhân tầm 27-28 tuổi đổ lên. Dân văn phòng thì mình không thấy”, Vy cho hay.

Khi đọc thông tin về dịch bệnh, Vy cho hay cô chỉ lướt qua chứ không vội tin. Theo 9X, thời điểm dịch bùng phát cũng là lúc nhiều người bán hàng online thường tung tin giả câu like để tư lợi cá nhân nên cô rất đề phòng.

Cô gái quê Thái Bình cho rằng: "Tin giả lan truyền bệnh sợ còn đáng ngại hơn virus corona lây lan, bởi nó khiến mọi người hoang mang quá độ".

Tin giả về dịch viêm phổi cấp Vũ Hán được đăng trên báo lá cải của nước ngoài khiến nhiều người bức xúc. Ảnh: Twitter.

Chỉ đọc và chia sẻ thông tin từ nguồn đáng tin cậy

Theo BBC, khi số người chết vì dịch viêm phổi cấp tiếp tục gia tăng, người dùng mạng xã hội chia sẻ nhiều lời khuyên về cách điều trị hoặc phòng ngừa bệnh. Tuy nhiên, không ít trong số đó hoàn toàn vô căn cứ.

Qua một số trang tin "lá cải", một bộ phận người dân ở Myanmar tin rằng hành tây và rượu có thể tiêu diệt virus corona. Thậm chí để tăng thêm độ tin cậy, những nguồn tin này còn kể câu chuyện một bệnh nhân dương tính với nCoV được chữa khỏi bằng cách đặt hành tây xung quanh người lúc ngủ.

Tương tự, một bài viết được chia sẻ 16.000 lần trên Facebook khuyên dân mạng ở Philippines "giữ ẩm cổ họng, không ăn đồ cay và bổ sung vitamin C để ngăn ngừa bệnh". Thông tin được trích nguồn từ Bộ Y tế Philippines (DOH) nhưng nội dung không hề khớp với lời khuyên trên trang web chính thức của DOH hoặc thông cáo báo chí về dịch bệnh.

Các bài đăng có từ ngữ giống hệt hoặc thay đổi một chút cũng được chia sẻ trên Facebook và WhatsApp ở môt số nước như Canada, Pakistan và Ấn Độ. Dù nhanh chóng bị Facebook đánh dấu là "thông tin sai lệch", hàng chục bài đăng sai tương tự vẫn kịp lưu hành trên nền tảng này.

Nhiều trường học ở thành phố Carson (bang California, Mỹ) cũng phải vật lộn bác bỏ những tin đồn sinh viên trong trường nhiễm virus corona, theo Los Angeles Times. Nhiều thông tin sai lệch chủ yếu được lan truyền thông qua các bài đăng trên Facebook, Snapchat và Twitter.

"Với những lo ngại về sức khỏe cộng đồng, mọi người có xu hướng chuyển tiếp hoặc chia sẻ thông tin trước khi xác minh đó là sự thật bởi họ cảm thấy khẩn cấp. Tốc độ rất quan trọng đối với việc chia sẻ thông tin. Nhưng đồng thời, bạn phải xác minh để chắc chắn thông tin mình chia sẻ là đúng", Giáo sư Gabriel Kahn - Đại học Nam California - nói.
Tiến sĩ Barbara Ferrer - giám đốc Y tế công cộng tại Los Angeles - lưu ý các dấu hiệu nhận biết khác về tin giả gồm lỗi ngữ pháp và văn phạm lan man. “Cảnh báo mọi người bằng thông tin sai lệch không chỉ nguy hiểm, mà còn vi phạm pháp luật”, bà Ferrer nhấn mạnh.

Người dân được khuyến cáo cập nhật thông tin về dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra từ các nguồn đáng tin cậy như WHO, CDC, Bộ Y tế. Ảnh: AFP.

Trong bài viết riêng cho Zing.vn, tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn - giáo sư dịch tễ học thuộc Đại học Notre Dame, Australia - đưa ra một vài giải pháp để lượng giá thông tin và tránh bị kích động.

- Kiểm tra nguồn thông tin. Thông tin trên mạng rất nhiều, nhưng chỉ có một số nguồn là đáng tin cậy, như Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các viện nghiên cứu, các trung tâm y khoa nổi tiếng, các tập san khoa học chính thống. Một cách tìm hiểu dễ dàng là đọc phần “About Us” (giới thiệu về website, cơ quan chủ quản, và sứ mệnh).

- Kiểm tra nội dung thông tin, kiểm tra chéo với các trang web khác. Nhiều thông tin không có nguồn gốc đáng tin cậy, mà chỉ là đồn nhảm. Chẳng hạn như thông tin cho rằng Singapore không cho hàng trăm khách từ Vũ Hán nhập cảnh, nhưng nguồn tin chính thức từ chính phủ Singapore khẳng định đó là tin giả tạo.

- Kiểm tra văn phong và ngôn ngữ. Các thông tin thất thiệt thường mang tính giật gân, kích động, cảm tính (như “địa ngục”). Ngôn ngữ của họ thường giả bộ khoa học, nhưng không có dữ liệu (và thay vào đó là trích dẫn từ những chuyên gia không rõ nguồn và cũng chẳng rõ văn cảnh). Ngoài ra, bản tin gốc tiếng Anh nhiều khi sai về chính tả và ngữ pháp.

- Đọc nội dung chứ không chỉ đọc tựa đề. Rất nhiều bản tin trên báo có những tựa đề rất nghiêm trọng hay làm cho người ta nghĩ đến virus corona đang giết chết bao nhiêu người, nhưng nội dung thì không có bất kỳ chứng cứ nào.

- Kiểm tra hình ảnh. Rất nhiều bản tin kèm theo những hình ảnh ghê rợn (như ăn súp dơi) nhưng thật ra nội dung chẳng dính dáng gì đến virus đang được quan tâm. Rất có thể siêu vi khuẩn mới xuất phát từ dơi, nhưng hình ảnh ai đó ăn súp dơi không thể giải thích được tại sao dịch bệnh xảy ra. Rất nhiều hình trên mạng xã hội không hề có chú thích nhưng làm cho người xem có cảm tưởng như là liên quan đến thông tin.







No comments:

Post a Comment

View My Stats