Friday, 21 February 2020

CÁC VỊ NÊN BIẾT LẮNG NGHE & ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH ĐÚNG ĐẮN (Đoàn Bảo Châu)





Kính Gửi UBND tỉnh Nghệ An;

Được biết UBND TP Vinh quyết định xây dựng khu vực tượng đài Lê Nin, vườn hoa và công trình đài phun nước nhân việc chính quyền tỉnh Ulyanovsk, Liên bang Nga sẽ trao tặng tỉnh Nghệ An bức tượng Lê Nin được đúc bằng đồng, có chiều cao 3 m, tôi muốn nêu ra một câu hỏi để các vị cân nhắc thêm: Tại sao nhiều nơi trên thế giới như các nước Đông Âu, 14 nước thuộc liên bang Xô Viết, Mông Cổ, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên đều đập bỏ tượng Lê Nin và nhân dân Nga nhiều lần kiến nghị đưa Lê Nin ra khỏi lăng?

Bởi thế hệ sau đã có cái nhìn xuyên suốt về lịch sử và đã xem Lê Nin như là một tội đồ của dân tộc Nga. Việc này theo tôi, càng về sau thì sự phán xét sẽ càng quyết liệt và thẳng thắn hơn nữa.

Việc chủ nghĩa cộng sản đã phô bầy những yếu kém và cả những tội ác trong quá trình vận động của nó thì đã rõ, ở đây tôi muốn chỉ ra một tội ác liên quan trực tiếp tới Lê Nin, đấy là việc tàn sát toàn bộ gia đình Sa Hoàng Nga Nikolai II, vợ ông ta Aleksandra Feodorovna và 5 người con của họ là Olga,Tatiana,Maria, Anastasia, Aleksei, những người hầu, Eugene Botkin, Anna Demidova, Aleksey Trupp, Ivan Kharitonov và người bác sỹ riêng của họ vào đêm 16, rạng sáng ngày 17 tháng 7 năm 1918 tại Yekaterinburg.

Cùng một chiêu trò che giấu sự thật, vào thời gian đó, các phương tiện thông tin đại chúng của nước Nga đều nói hồng quân đã phá tan âm mưu đến giải cứu cho gia đình Sa Hoàng của một nhóm bạch vệ, trong cuộc đụng độ Sa Hoàng đã bị bắn chết, còn cả gia đình ông đã được đưa đến “nơi an toàn”.

Ngày 18 tháng 7, Lê Nin đã trả lời trên báo là việc tàn sát gia đình Sa Hoàng là một sự bịa đặt trắng trợn của giới báo chí tư sản. Nhưng thực ra quyết định thủ tiêu toàn bộ gia đình Sa Hoàng đã được chính Lê Nin và Ban chấp hành Trung ương đảng Bolshevik thông qua từ đầu tháng 7 năm 1918. Chính Lê Nin đã trao đổi với các nhân viên an ninh của Xô viết tỉnh Ekaterinburg nhiều lần trước khi tiến hành vụ tàn sát.

Gia đình Sa Hoàng bị gọi dậy vào lúc 2 giờ sáng, và bị đưa xuống tầng hầm “để chuẩn bị đi sơ tán”, theo như lời một người Bolshevik nói với họ, ở đó tất cả 11 người đã bị bắn chết và bị tưới 176 lít a xít nguyên chất, 400 lít xăng để phi tang.

Mấy chục năm sau, ngày 11.7.1991, với sự đồng ý của Yeltsin, ngôi mộ tập thể của gia đình Sa Hoàng đã được khai quật và họ đã có kết luật chính xác về các nạn nhân mặc dù thân thể của họ đã bị quăng lựu đạn để tan ra nhiều mảnh, bị đốt bởi xăng và axit.

Vào năm 1998, trong đám tang tổ chức cho gia đình Sa Hoàng, Yelsin đã phát biểu:

“Kính thưa các đồng bào:

Đó là một ngày lịch sử đối với Nga. Tám mươi năm đã trôi qua kể từ khi hoàng đế Nga cuối cùng và gia đình ông bị giết. Chúng tôi từ lâu đã im lặng về tội ác ghê tởm này. Chúng ta cần phải nói lên sự thật: Vụ thảm sát Yekaterinburg đã trở thành một trong những thước phim đáng xấu hổ nhất trong lịch sử của chúng ta.

Bằng cách chôn cất hài cốt của các nạn nhân vô tội, chúng tôi muốn chuộc lại tội lỗi của tổ tiên.

Những người đã trực tiếp phạm tội này cũng như những người đã phê duyệt cho phép việc tàn sát này ở nhiều thập kỷ trước và giờ đây là cả chúng ta, tất cả đều có tội.

Không thể nói dối chính mình bằng cách biện minh cho sự tàn ác vô nghĩa trên cơ sở chính trị. Vụ nổ súng của gia đình Romanov là kết quả của sự chia rẽ cực đoan trong xã hội Nga thành ”chúng ta” và ”họ.” Kết quả của sự chia rẽ này có thể được nhìn thấy ngay cả bây giờ.

Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về ký ức lịch sử của dân tộc. Và đó là lý do tại sao chúng ta không thể không đến đây. Tôi phải ở đây với tư cách là một cá nhân và là tổng thống và xin cúi đầu trước những nạn nhân bị giết một cách dã man. Trong khi xây dựng một nước Nga mới, chúng ta phải dựa vào kinh nghiệm lịch sử của nó.

Chúng ta phải kết thúc thời đại của máu và bạo lực ở Nga, với sự ăn năn và hòa bình, bất kể quan điểm chính trị, dân tộc hay tôn giáo…”

Đấy là mấy dòng sơ qua về một vụ thảm sát đẫm máu, đầy man rợ mà tác giả là người mà chính quyền Nghệ An đang muốn dựng tượng. Rồi đây thế hệ trẻ sẽ nghĩ gì khi được biết tội ác của nhân vật được dựng tượng? Tôi sợ rằng các vị sẽ rất khó giải thích và câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Việt Nam muốn hoà nhập với thế giới, muốn phát triển thành một đất nước văn minh thì cần phải những quyết định đúng đắn cho hợp với thời đại, nếu không sẽ trở nên lạc lõng.

Là chính quyền “của dân, do dân, vì dân” thì các vị nên biết lắng nghe và đưa ra quyết định đúng đắn.

Gia đình Sa Hoàng Nicholas II chụp năm 1914.


---------------------------------

XEM THÊM
BBC Tiếng Việt
07/11/2017

Trong tuần đầu tháng 11 năm nay, Tổng thống Vladimir Putin sẽ không cấm nhưng cũng không tham gia và ủng hộ các lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917 do Đảng Cộng sản tổ chức, dự kiến kéo dài cả tuần.

Ông Putin cùng đại diện Giáo hội Chính Thống và các tôn giáo khác đặt hoa bên tường Điện Kremlin trong ngày lễ kỷ niệm chiến thắng quân Ba Lan năm 1612

Hôm 04/11 năm nay, ông Putin chỉ dự lễ Ngày Thống nhất Quốc gia (National Unity Day), mà chính quyền Nga chọn ra năm 2005 để thay cho lễ Cách mạng Tháng 10, thường được kỷ niệm vào ngày 7/11 theo lịch hiện hành.

Nhân Ngày Thống nhất Quốc gia năm 2017, ông Putin đề cao 'Khoa học kỹ thuật' và đài truyền hình Nga chiếu hình từ đại lễ trong Sân vận động Luzhniki.
Ông Putin cũng tặng huân chương cho Tổng thống Serbia, Tomislav Nikolic, mà ông nói là "bạn thân của nhân dân Nga".

Putin nói gì về Cách mạng 1917?

Quan điểm của Tổng thống Putin có thể thấy qua một phần diễn văn của ông tại Câu lạc bộ thảo luận quốc tế Valdai ở Sochi hôm 19/10/2017:

"Ngày hôm nay, sự bất bình đẳng gia tăng đang làm nảy nở cảm giác bất công, bị tước đoạt trong lòng hàng triệu người và nhiều quốc gia. Kết quả là sự cực đoan hóa, khao khát thay đổi bằng bất kỳ cách gì, kể cả bạo lực.

Điều này đã từng xảy ra ở nhiều nước, và cả ở Nga. Những tiến bộ công nghiệp, công nghệ thành công được đi theo bằng những biến động và nứt gãy cách mạng. Nó xảy ra vì đất nước đã không giải quyết được mâu thuẫn xã hội và vượt qua sự lỗi thời trong xã hội kịp lúc.

Cách mạng luôn là kết quả của sự thiếu trách nhiệm ở cả những người muốn duy trì, đóng băng trật tự lỗi thời mà rõ ràng phải thay đổi, và những người khao khát đẩy nhanh thay đổi, dùng tới cả xung đột trong nước và đấu tranh mang tính phá hủy.

Ngày hôm nay, khi chúng ta quay lại các bài học của thế kỷ trước, tức Cách mạng Nga 1917, chúng ta thấy những kết quả của nó mơ hồ ra sao. Những sự kiện đó mang lại kết quả tiêu cực, và chúng ta cũng phải thừa nhận cả tích cực, đan xen với nhau.

Hãy tự hỏi: ngày xưa đó liệu có thể đi theo con đường tiến hóa thay vì cách mạng? Liệu chúng ta lẽ ra có thể từ từ, tiệm tiến đi tới thay vì phải trả giá là phá hủy nhà nước, và tàn nhẫn tổn thương hàng triệu sinh mạng.

Tuy nhiên, mô hình xã hội và ý thức hệ nói chung không tưởng đó, mà nhà nước mới thành lập cố gắng thực hiện lúc đầu sau cách mạng 1917, đã là đầu máy chuyển hóa mạnh mẽ trên toàn thế giới (điều này là rõ ràng và cũng phải thừa nhận), cái mô hình đó đã khiến người ta phải đánh giá lại các mô hình phát triển, tạo ra cạnh tranh và mâu thuẫn, từ đó có lợi ích mà theo tôi phần lớn do phương Tây được hưởng. Tôi đang không chỉ nói về những chiến thắng địa chính trị sau Chiến tranh Lạnh. Nhiều thành tựu phương Tây của thế kỷ 20 là phản ứng trước thách thức của Liên Xô. Tôi còn đang nói về việc nâng cao chất lượng sống, hình thành giới trung lưu mạnh, cải tổ thị trường lao động và không gian xã hội, thúc đẩy giáo dục, đảm bảo nhân quyền gồm cả quyền cho người thiểu số và phụ nữ, vượt qua phân biệt chủng tộc mà quý vị nhớ đã từng là hành vi xấu hổ ở nhiều nước kể cả Mỹ, chỉ vài thập niên trước đây.

VIDEO :
Hình ảnh chiếc búa và lưỡi liềm ra đời như thế nào? Vì sao nó trở thành biểu tượng của Cách mạng Nga và Liên bang Xô Viết?

Theo sau các thay đổi lớn ở đất nước ta và toàn cầu vào đầu thập niên 1990, một cơ hội tuyệt vời đã có để mở ra chương mới trong lịch sử. Đó là giai đoạn sau khi Liên Xô không còn tồn tại.

Không may, sau khi chia nhau di sản địa chính trị của Liên Xô, các đối tác phương Tây của chúng ta tin vào chính nghĩa của họ và tự tuyên bố là người chiến thắng Chiến tranh Lạnh, và bắt đầu công khai can thiệp công việc các nước có chủ quyền, xuất khẩu dân chủ giống như lãnh đạo Liên Xô từng xuất khẩu cách mạng xã hội chủ nghĩa ra thế giới. Chúng ta đối mặt với sự chia lại khu vực ảnh hưởng và sự mở rộng của Nato.

Tự tin quá thì dẫn tới sai lầm. Hậu quả thật không may. Hai thập niên rưỡi đã lãng phí, nhiều cơ hội bỏ lỡ, và gánh nặng của sự nghi ngờ lẫn nhau."

Ông Putin trong một lần đi xe máy phân khối lớn trên bờ Biển Đen năm 2011 với nhóm có tên Sói Đêm. AFP

Ông Putin gần đây cũng nêu quan điểm về Stalin, khi dự lễ khai trương Đài tưởng niệm nạn nhân của Stalin hôm 30/10.
Công trình mang tên Bức tường Đau thương, đặt ở Moscow, tưởng nhớ những người bị Stalin thanh trừng, đặc biệt trong thập niên 1930.
Ngày 30/10 vừa qua cũng là Ngày Nga Tưởng nhớ Nạn nhân Đàn áp Chính trị thời Liên Xô, bắt đầu từ năm 1991.

Tại đây, ông Putin đã có những lời mạnh mẽ ngày 30/10 :
"Đối với tất cả chúng ta, đối với các thế hệ tương lai, điều rất quan trọng là phải biết và ghi nhớ thời kỳ bi thảm này trong lịch sử nước ta, khi toàn bộ các tầng lớp, toàn bộ các dân tộc: công nhân và nông dân, kỹ sư và thuyền trưởng, linh mục, quan chức chính phủ, nhà khoa học và nhà văn hóa bị bức hại nghiêm trọng."
"Quá khứ khủng khiếp này không thể bị xoá nhòa khỏi ký ức quốc gia, không có bất cứ điều gì, không có lợi ích cao cả nào cho nhân dân có thể biện minh cho chuyện đó."
Ông nhấn mạnh: "Đàn áp chính trị là bi kịch cho tất cả nhân dân, cho toàn xã hội, đòn tàn nhẫn với đất nước chúng ta, đến tận gốc rễ, văn hóa, ý thức, khiến chúng ta còn chịu ảnh hưởng cho đến bây giờ."

Nhưng ông cũng kêu gọi hòa giải:
"Chúng ta và con cháu cần nhớ bi kịch của đàn áp, các nguyên nhân, nhưng không có nghĩa là trả đũa nhau, vì chúng ta không thể lại đẩy xã hội đến bờ vực đối đầu nguy hiểm."
Ông Putin dẫn lời vợ của tiểu thuyết gia Aleksandr Solzhenitsyn: "Biết, nhớ, lên án và chỉ khi đó mới tha thứ."

Ngày hoàn toàn khác

Từ nhiều năm qua, Điện Kremlin tránh nói đến Cách mạng Tháng 10, mà như lời phát ngôn viên Dimitry Peskov từng hỏi, "Kỷ niệm để làm gì nữa?".
Hồi năm 2011, khi giữ chức Thủ tướng Nga, ông Putin cùng Tổng thống Dmitry Medvedev chọn ngày 4/11 để đi thăm và đặt hoa trước tượng đài doanh nhân Kuzma Minin và Hoàng thân Dimitry Pozharsky.

Medvedev và Putin trước tượng đài kỷ niệm Kuzma Minin và Hoàng thân Dimitry Pozharsky với dòng chữ 'Nước Nga nhớ ơn'.  AFP

Nằm tại thành phố cổ Nizhny Novgorod, đây là tượng đài ghi công hai nhân vật của Nga chống ngoại xâm: cuộc xâm lăng năm 1612 của quân Ba Lan.
Chính ngày đó, 04/11/1612 được ông Putin chọn làm lễ kỷ niệm lớn, thay cho 07/11.
Năm nay, ông cùng các vị tăng lữ của Chính thống giáo quay lại kỷ niệm vẫn hai nhân vật Kuzma Minin và Dimitry Pozharsky ở một điểm tại chân tường Điện Kremlin.

Nhưng vì sao Putin chọn năm 1612?

Trong lịch sử Ba Lan và châu Âu, cuộc chiến của vua Zygmunt III Waza đánh chiếm Moscow, còn gọi là Chiến tranh Dimitriad, không phải là quan trọng.

Một tranh cổ vẽ lại cảnh quân Ba Lan - Lithuania tiến chiếm Moscow năm 1610 trong cuộc chiến 'Polish-Muscovite War'.  Hulton Archive

Còn có tên là Sigismund, là con của vua Thụy Điển Johan III và Hoàng hậu Ba Lan Katarzyna Jagiellonka, Zygmunt muốn mở rộng bờ cõi sang phía Đông.
Vua Zygmunt đã dùng liên quân với Lithuania và lính đánh thuê Đức, Hungary để tấn công Nga đang suy yếu vì nội loạn.
Trong cuộc chiến 1605-1618, họ chiếm Pskov, bao vây Smolensk, rồi từ năm 1610 đã làm chủ doanh trại Moscow.
Cuộc nổi dậy của dân Moscow năm 1611 có sự hỗ trợ của các nhà buôn và Giáo hội Chính Thống giáo đã đẩy quân Ba Lan ra khỏi thành phố vào năm 1612.
Chiến tranh tạm kết thúc với hòa ước Deulino vào năm 1618 và Nga đã mất nhiều đất đai.
Tuy thế, trong cuộc chiến, lần đầu tiên có sự phối hợp của bốn thành phần dân tộc Nga: người dân, giới doanh nhân, quân đội và tăng lữ để chống ngoại xâm.
Tổng Giám mục Moscow là Germogen bị quân Ba Lan giết chết và sau được Giáo hội Nga phong thánh.

Putin không thích 'cách mạng'

Các yếu tố này là cần thiết để ông Putin tạo ra biểu tượng mới mang tinh thần dân tộc, thay cho chủ nghĩa cộng sản bài trừ tôn giáo của Cách mạng Tháng 10.
Quả vậy, mọi buổi lễ 4/11 đều có mặt các chức sắc của Giáo hội Chính thống giáo Nga.

Giáo hội Nga cũng coi Cách mạng Tháng 10 là "đại thảm họa về tâm linh" cho dân tộc Nga, và coi đó là một thử thách "của thời kỳ tàn sát" với đức tin Ki Tô.
Theo Masha Lipman viết trên The New Yorker, ông Putin cũng không can thiệp để ngăn các lễ kỷ niệm Cách mạng Tháng 10 do Đảng Cộng sản Nga chủ xướng.

Nhưng khẩu hiệu của họ, 'Cách mạng sống mãi" là điều ông Putin không thích.
Muốn duy trì ổn định cho quyền lực của mình, ông Putin không ưa lời kêu gọi lật đổ, cách mạng hoặc bất cứ xáo trộn gì đến từ đường phố.

Đội Cận vệ Đỏ thời Cách mạng vô sản năm 1917 - Giáo hội Chính thống Nga nói các đơn vị Bolshevik đã tàn sát nhiều tăng lữ.  GETTY IMAGES

Hôm 05/11, cảnh sát Nga giải tán biểu tình do nhà hoạt động đối lập Vyacheslav Matsev tổ chức, kêu gọi 'Cách mạng Nhân dân' để 'lật đổ bạo chúa Putin'.
Chừng 380 người đã bị bắt ở Saint Petersburg và Moscow trong ngày.
Trong khi đó, Đảng Cộng sản Nga cáo buộc chính phủ Nga cố tình làm dân chúng thờ ơ với dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười.
Đảng này vừa ra báo cáo "100 năm sau - Cách mạng không bị quên lãng".
Báo cáo nhắc tới một thăm dò toàn quốc hồi tháng Chín.
Theo thăm dò này, 58% người Nga không biết có dịp kỷ niệm 100 năm, và chỉ có 29% biết rõ.
Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Nga Sergei Obukhov nói chính phủ Nga "bịt miệng vấn đề này để người dân bình thường không phải chọn đứng về phe nào".

Ngày kỷ niệm

Trong thời Liên Xô, ngày 7/11 từng là ngày lễ đánh dấu sự kiện Cách mạng tháng Mười.
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, từ đó cho tới năm 2004, ngày 7/11 vẫn được xem là ngày nghỉ lễ tại Nga.

Nhưng từ 2005, Tổng thống Vladimir Putin bãi bỏ ngày này, chỉ xem đây là ngày đi làm bình thường.

Thay vào đó, từ 2005, Nga chọn 4/11 làm ngày lễ, gọi đây là Ngày Đoàn kết Quốc gia, kỷ niệm cuộc nổi dậy đánh đuổi Ba Lan khỏi Moscow tháng 11/1612.

Một điểm dễ gây hiểu lầm là hiện nay đúng ngày 7/11, Nga vẫn tổ chức duyệt binh tại Quảng trường Đỏ.
Mục đích của lễ duyệt binh này là tưởng nhớ cuộc duyệt binh huyền thoại của Hồng quân vào đúng ngày này năm 1941. Đó là dịp Liên Xô kỷ niệm 24 năm Cách mạng tháng Mười thành công.

Cuộc duyệt binh 1941 đi vào tâm thức người Nga vì khi đó Moscow lâm nguy, quân Đức đã tiến rất gần đến thủ đô.
Vì vậy, sự kiện 1941 được xem là giúp nâng cao nhuệ khí quân dân, và vẫn được Nga tưởng nhớ tới hôm nay.



No comments:

Post a Comment

View My Stats